Theo báo Guardian, đài truyền hình nhà nước SABC dẫn các nguồn tin cho biết, giữa cuộc họp bất thường, ông Ramaphosa rời khỏi phòng họp, cùng một đồng minh chính trị của ông Zuma lái xe đến Dinh Tổng thống, để trao tối hậu thư của ban chấp hành ANC (NEC) cho ông Zuma: ông có 48 giờ để rút lui khỏi vai trò nguyên thủ Nam Phi, nếu không sẽ bị "triệu hồi". 

NEC có quyền ra lệnh cho ông Zuma phải thôi chức, dù giới truyền thông Nam Phi đồn đoán ông Zuma sẽ không chấp nhận rút lui. Nhưng theo trang tin điện tử Mắt nhân chứng dẫn các nguồn tin, ông Zuma đã nói với vị Phó tổng thống Ramaphosa: “Hãy làm điều ông muốn làm”.

Sau khi trao tối hậu thư, chủ tịch ANC Ramaphosa trở lại với cuộc họp quyết định số phận của vị Tổng thống. Nguồn tin nói cuộc họp rất căng vì tranh cãi có nên truất phế ông Zuma hay không. Sau đó có sự quyết định buộc ông Zuma thôi chức.

Trong cuộc chạy đua chức chủ tịch ANC với bà Nkosazana Dlamini-Zuma (vợ cũ của ông Zuma), ông Ramaphosa trúng cử, từ đó ông chú trọng bài trừ tham nhũng và phục hồi sự phát triển kinh tế. Theo điều lệ ANC, chủ tịch đảng cũng đảm đương chức tổng thống Nam Phi.

Từ khi Phó tổng thống Ramaphosa, 65 tuổi, trở thành thủ lĩnh ANC hồi cuối năm 2017, đã có nhiều lời kêu gọi trong nội bộ ANC yêu cầu ông Zuma kết thúc sớm nhiệm kỳ 2 đầy tai tiếng, dù đến giữa năm 2019 ông mới mãn nhiệm. Ông Zuma chưa công bố ông sẽ tình nguyện ra đi hay không, cũng không còn giữ chức vụ cấp cao nào trong ANC.

Ông Zuma, 75 tuổi, đã trở thành tổng thống Nam Phi gây tranh cãi nhất, kể từ khi kết thúc chế độ kỳ thị chủng tộc apartheid (nhóm thiểu số da trắng cầm quyền) năm 1994. Trong 9 năm qua, kinh tế Nam Phi suy yếu trầm trọng và xảy ra nhiều cáo buộc chính phủ Zuma tham nhũng nặng.

Theo Reuters, chính ông Zuma đạo diễn vụ lật đổ Tổng thống Thabo Mbeki hồi năm 2008, ngay sau khi ông trở thành chủ tịch ANC hồi năm 2007. ANC đã “triệu hồi” ông Mbeki, để kết thúc 9 năm cầm quyền của ông Mbeki, người có công phát trển kinh tế nhưng cũng bị cáo buộc lạm quyền. 

Từ khi trở thành tổng thống Nam Phi, ông Zuma vướng nhiều tai tiếng. Một số người trong ANC và phe đối lập nói dòng họ Gupta (bạn của ông Zuma) lợi dụng quan hệ thận cận để trúng nhiều quả thầu cấp chính phủ, và can thiệp vào công tác bổ nhiệm nhân sự chính phủ.

Cả hai dòng họ Gupta và Zuma đều phủ nhận các cáo buộc này. Trong khi đó, ngân hàng Baroda (Ấn Độ, có khách hàng là dòng họ Gupta) tuyên bố kế hoạch rút khỏi Nam Phi.
Bích Ngọc (theo Reuters)

Một Thế Giới