Xin đừng ngoảnh mặt với Mẹ Nấm (Việt Lữ)
Những tiếng kêu cứu chỉ có thể được giải cứu
khi chúng ta chọn đứng chung vào trong một tổ chức chính trị dân chủ đối lập để
làm cho tổ chức đó trở nên hùng mạnh và trở thành một đối trọng thật sự của
đảng cộng sản Việt Nam.
Tôi thảnh thốt trước
tiếng kêu cứu của mẹ blogger Mẹ Nấm, bà Nguyễn Tuyết Lan, tiếng gào thét trước
án oan của con mình: “con tôi vô tội, con tôi vô tội, con tôi vô tội...”. Để
đáp lại tiếng kêu đó là những âm thanh và sự đàn
áp, bức hại của lực lượng “công an nhân dân, còn đảng còn mình”.
Tôi đau xót trước tiếng kêu cứu cho người chị, người mẹ tinh thần của chị
Trịnh Kim Tiến. Tôi cảm giác như tiếng kêu đó thật thống thiết, nhưng cũng thật
cô đơn giữa dòng người
qua lại đông đúc và giữa dòng
đời trôi dạt vô thường.
Tôi bàng hoàng trước sự ra
đi của cháu bé chỉ mới 6 tuổi, tiếng kêu cứu của con đã xé lòng biết bao nhiêu
người. Sinh mạng của con đã bị cướp đi bởi một kẻ được gọi là “bảo vệ dân phố”.
Con đã gục ngã ngay khi con cố gắng chạy thoát khỏi sự bức hại của kẻ thủ ác,
nhưng con đã không qua khỏi vì vết thương quá nặng và mất quá nhiều máu. Chúng
tôi, những người đã lớn, những người đã là những người cha người mẹ, là những
người ông người bà, chúng tôi nợ những sinh mạng đã phải ra đi như con, chúng
tôi đã không bảo vệ được con.
Tôi không khỏi sợ hãi, khi
một người bà có thể giết cháu ruột chỉ mới hơn 20 ngày tuổi của mình chỉ vì tin
lời thầy bói, một người đã đi đến chặng cuối của cuộc đời mình nhưng không biết
nghĩ đến ai và sẵn sàng xâm phạm đến sự sống của người khác.
Tôi khắc khoải trước tiếng kêu cứu của con gái blogger Mẹ Nấm, cháu Nguyễn Bảo Nguyên, cháu đã phải kêu cứu tới đệ nhất phu nhân
của Hoa Kỳ, bà Melania Trump: “Xin Bà giúp mẹ con trở về với chúng con”. Đáng
lẽ ra, tiếng kêu cứu này phải gởi cho những người cha, người mẹ, những người đang cùng thở chung một bầu
không khí, cùng uống chung một nguồn nước, cùng nói chung một ngôn ngữ, cùng
viết chung những dòng chữ mà tổ tiên để lại, là những người cùng
sống chung trong một đất nước
hiện tại và cùng nhau đón nhận một tương lai.
Nhưng dường như cháu đã không thể nhận
được một hy vọng nào. Tiếng kêu cứu của cháu rơi vào tuyệt vọng, mẹ của cháu, ngày hôm nay,
30/11/2017, đã phải nhận y án 10 năm tù trong phiên tòa phúc thẩm chớp nhoáng.
Họ, những người đại diện pháp luật đã đứng trên pháp luật, bất chấp sự lên án
của cộng đồng người Việt và quốc tế, họ đã không lắng nghe tiếng kêu cứu của
cháu.
Tôi nhìn vào hình ảnh chị
Nguyễn Ngọc Như Quỳnh đứng trước những quan tòa và bao bọc xung quanh là lực
lượng “công an nhân dân”, một sự bao vây trấn áp quá lớn cho một nhân cách, một
tấm lòng trung kiên với lẽ phải. Chị đại diện cho tình yêu và lòng trung thành,
một tình yêu chấp nhận sự hy sinh, một tình yêu chấp nhận quên mình. Chị đại
diện cho một điều gì đó rất đỗi giản dị và thuộc về lẽ tự nhiên, của lẽ phải trong
mỗi con người. Chị đại diện cho những người mẹ yêu con mình trên hết mọi sự,
yêu đến nỗi dám liều mình để rồi để lại cho con mình những di sản như là niềm
tin vào công lý, là sự mạnh mẽ không khuất phục trước bạo quyền, là một lương
tâm được tôi luyện để không đánh mất bản thân dù bão tố có ập đến, là một niềm
tin vào ngày mai tươi sáng.
Tôi cũng nhìn thấy trong chị là sự khắc khoải
cô đơn khi con thuyền vượt sóng đại dương của chị còn quá ít người bạn đồng
hành. Giá như có nhiều người mẹ yêu con đến tận cùng theo cách của chị, có lẽ
giờ này, Việt Nam chúng ta đã không còn những tiếng kêu cứu của những trẻ thơ
non nớt, không còn những tiếng kêu cứu, rên xiết của những người bị lũ cuốn
trôi, không có nỗi khổ đau đến tận cùng của những người dân oan, của những
người chết oan trong đồn công an, và của biết bao bất công của cả gần một thế
kỷ nay.
Tôi nhìn thấy hình ảnh em Nguyễn Văn Hóa. Nhìn em bị còng tay ngay trong phiên xử. Tôi cảm nhận em ở một tình cảnh
cô đơn vô cùng, một phiên tòa mà không có luật sư bào chữa, một phiên tòa xử
trước thời gian thông báo chỉ một ngày, em hoàn toàn như chiên con ở giữa bầy
sói. Một nỗi khắc khoải trong cô đơn, với sức sống của tuổi trẻ, với nhiệt
huyết và tình yêu dành cho người dân nghèo vùng biển, vốn đang đối diện với
cuộc sống vô cùng khó khăn vì sự dung túng của chính quyền khi cho phép Formosa
xả thải vượt ngưỡng quy định rất nhiều, với niềm háo hức mong ngóng về tương
lai và dấn thân vì tương lai, em đã phải chịu biết bao nhiêu sự đối xử khắc
nghiệt, tôi không dám nghĩ tiếp về những gì em đã phải trải qua. Tôi chỉ biết
cầu mong cho em kiên cường, rằng em vững tin vào chân lý và tiếng nói của lương
tâm. Tôi mong em không cảm thấy cô đơn, và mong em hãy tin là sẽ có những người
đang tiếp tục dấn thân để phá tan xiềng xích bủa vây lấy em, bủa vây lấy biết
bao nhiêu người lương thiện khác, và bủa vây cả dân tộc này.
Tôi cũng nhìn thấy ở em
Phan Kim Khánh, một người sinh viên anh tú, một người trẻ đam mê chính trị…những
mong ước góp phần cho quê hương hiền hòa hơn, cho những phận người êm ấm hơn,
cho những ước mơ được chắp cánh bay cao hơn, và cho những hiện thực là hiện
thực của sự thật và công lý ngự trị. Thế nhưng, đáp lại cho những nỗ lực và ước
mơ của em, là một lực lượng đại diện cho sự gian trá và tội ác, họ lại tiếp tục
chọn lựa đi theo bước đường của sự tăm tối, họ chối bỏ sự sáng, họ chối bỏ bản
chất phải có trong con người, họ đã hoàn toàn vong thân.
Và tôi nhìn thấy những
người luật sư chân chính, những người luật sư chọn lựa đến với những người nghèo,
đến với những người oan trái, đến với những người cô thế. Họ đã lội
ngược dòng, đã bứt phá để đứng thẳng lên đi về phía chân lý và lẽ phải. Họ như
những đốm sáng giữa màn đêm đen dày đặc. Tôi tin là họ sẽ thắp sáng được cả
vùng trời Việt Nam khi họ cùng nhau bước đi, cùng nhau đòi lại công lý cho
người dân để luật pháp được
thượng tôn cho tất cả
mọi người dân Việt.
Tôi đã được lớn lên trong nhận thức bởi những con người quả cảm đấu tranh
cho quyền lợi của dân tộc, bởi những người đã chịu biết bao nhiêu khắc nghiệt
vì đã nói tiếng nói của tự
do phải có của con người, và bởi những người gần như cả cuộc đời bền chí nhằm
đưa ra những tư tưởng nền tảng cho cuộc cách mạng dân chủ của Việt Nam. Tôi sẽ
là thành phần kết gắn trong một tổ chức, để có thể cùng tổng hợp sức mạnh và bẻ
gãy được xiềng xích mà Đảng cộng sản đã còng vào cổ toàn thể người dân Việt hôm
nay.
Những tiếng kêu cứu chỉ có thể được giải cứu
khi chúng ta chọn đứng chung vào trong một tổ chức chính trị dân chủ đối lập để
làm cho tổ chức đó trở nên hùng mạnh và trở thành một đối trọng thật sự của
đảng cộng sản Việt Nam.
Việt Lữ (2/12/2017)