Đà Nẵng: ông Phan Văn Anh Vũ 'bị khám nhà' (BBC)

Doanh nhân Phan Văn Anh Vũ, người còn có biệt danh là Vũ 'Nhôm' vừa bị công an khám nhà ở Đà Nẵng để điều tra một loạt dự án nổi tiếng trong vùng.


Việc khám xét diễn ra vào chiều tối 21/12.

Ông Vũ từng được báo chí Việt Nam coi là một "đại gia bất động sản", sở hữu và góp vốn nhiều công ty.

Các dự án của ông thường được đặt ở những vị trí 'đất vàng' tại Đà Nẵng. 

Ngoài ra, ông còn là Chủ tịch hội đồng quản trị Công ty TNHH I.V.C, Công ty cổ phần Bắc Nam 79, đồng thời sở hữu cổ phần trong nhiều dự án khác.

Từ 9/2012, Bộ Công an quyết định tiến hành điều tra một số dự án có liên quan đến ông Vũ. 

Trong số này nổi bật nhất là Khu Công viên An Đồn, Khu đô thị Harbour Ville của Công ty cổ phần đầu tư Mega, Dự án khu đô thị quốc tế Đa Phước, Khu du lịch ven biển đường Trường Sa, theo báo Tuổi Trẻ.

Xảy ra đã từ lâu

Nhưng có những vụ việc được cho là đã xảy ra hơn 10 năm trước, dưới các thời lãnh đạo khác nhau.
Hồi tháng 4/2014, tin từ Việt Nam cho hay ông Phan Văn Anh Vũ, một doanh nhân bất động sản có tiếng ở Đà Nẵng, bị tố cáo đã chiếm đoạt hơn 30 tỷ đồng.

Theo một công bố của Thành tra Chính phủ năm 2013 thì "từ năm 2006, UBND TP Đà Nẵng đã chuyển nhượng khu đất phía Nam cuối đường Phạm Văn Đồng cho ông Hoàng Hải và bà Trung Thị Lâm Ngọc", bản kết luận điều tra viết.

"Hai người này không triển khai dự án mà ủy quyền cho ông Phan Văn Anh Vũ để chuyển nhượng, thu lời trên 495 tỉ đồng."

Thêm nữa, có 31 nhà, đất công sản và nhà đất cơ quan điều tra liên quan đến ông Vũ trong việc mua bán. Đa số các nhà đất công sản trên được mua bán không qua đấu giá, theo báo chí Việt Nam hồi 2014.

Ngoài ra, một khu đất khác liên quan đến ông Vũ trước đó được Thanh tra Chính phủ kết luận có sai phạm trong việc mua bán là khu đất phía Nam cuối đường Phạm Văn Đồng. 

Vấn đề của vụ khám nhà ông Vũ 'Nhôm', người có thời kinh doanh nhôm kính, là các khoản tiền có thể được sử dụng để thúc đẩy những quyết định về đất đai liên quan đến giới chức địa phương.

Ở Việt Nam, tuy người ta mong muốn có sự công nhận kinh tế thị trường, đất đai vẫn thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước quản lý và trên thực tế quyền quyết định về chuyển hạng mục, bàn giao đất cho đầu tư lại nằm trong tay quan chức địa phương.

Thanh tra Chính phủ Việt Nam hồi năm 2013, khi ông Nguyễn Tấn Dũng làm Thủ tướng, đã kết luận rằng lãnh đạo Đà Nẵng thời kỳ 2003-2011, "có sai phạm về quản lý đất đai, gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước ước tính hơn 3.400 tỷ đồng", theo truyền thông nhà nước.

Thành phố Đà Nẵng, đô thị lớn nhất miền Trung Việt Nam, trong năm 2017 đã ở thành tâm điểm của các cuộc hạ bệ chính trị nhắm vào nhiều nhân vật cao cấp trong hệ thống Đảng Cộng sản và chính quyền.

Mọi việc tạm yên ắng trong thời gian Đà Nẵng đăng cai Hội nghị Thượng đỉnh APEC tháng 11 vừa.
Ngay sau đó, ông Nguyễn Xuân Anh, người bị kỷ luật, mất chức Bí thư Đà Nẵng hồi tháng 10/2017, bị mất nốt chức Chủ tịch Hội đồng Nhân dân.

Hiện Bí thư Đà Nẵng là ông Trương Quang Nghĩa, nguyên Bộ trưởng Giao thông Vận tải.

Trong hai năm kể từ khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đưa ra chiến dịch 'chỉnh đốn Đảng', không ít quan chức, kể cả ủy viên Bộ Chính trị và ủy viên Trung ương Đảng, bị kỷ luật, thậm chí truy tố. 

Ngoài các "sai phạm" trong chính sách cán bộ và "cố ý làm sai chính sách" gây thiệt hại cho ngân sách, những người này thường bị nêu tên cùng các doanh nhân có tiếng tăm bị cho là có hoạt động "sân sau" trong các lĩnh vực ngân hàng, dầu khí và bất động sản.