Từ công nghệ gian dối của Formosa đến đặc cách xả thải của Tổng cục môi trường (Một Thế Giới)

Theo Bộ TNMT, Formosa Hà Tĩnh vi phạm 53 lỗi, đã khắc phục 52 lỗi. Riêng lỗi cốt tử là tự động thay đổi công nghệ dập khô sang ướt, phá bỏ cam kết đầu tư ban đầu, và phải đến năm 2019 hoặc 2020 mới khắc phục xong. Và mới đây, Tổng cục môi trường lại tiếp tục sửa quy chuẩn Việt Nam để ưu ái cho Formosa?


Hạ chuẩn bảo vệ môi trường
 
Báo chí phản ánh Formosa được ông Bùi Cách Tuyến, từng là thứ trưởng Bộ TNMT đặc cách cho Formosa xả khí thải vượt quy chuẩn 2013 mà Việt Nam đã quy định rất chặt chẽ. Cùng đó Một Thế Giới phản ánh Tổng cục môi trường đang sửa quy chuẩn 2013 để Formosa hưởng lợi từ nâng thông số phát thải tham chiếu oxy 7% lên 15%.





Liền đó, Tổng cục môi trường của bộ TNMT phát đi thông cáo có đoạn: “Trong quá trình nâng công suất sản xuất để kiểm tra, đánh giá toàn diện hiệu quả của các thiết bị xử lý khí thải, tại một số thời điểm cục bộ, chỉ có thông số SO2 và một vài lần thông số NOx đo được cao hơn so với quy chuẩn Việt Nam. Việc để thông số SO2, NOx một vài lần vượt quy chuẩn tại một số thời điểm là để tính toán nâng công suất xử lý của hệ thống xử lý khí thải”. 

Thông tin này khác xa thực tế văn bản báo cáo của ông Phan Lam Sơn, Phó Giám đốc Sở TNMT Hà Tĩnh tại công văn số 3384 ký ngày 6.11.2017 gửi Bộ TNMT đề nghị xem xét, chỉ đạo việc Formosa Hà Tĩnh đang xả khí thải vượt ngưỡng QCVN 51:2013. 

Công văn nhấn mạnh: “Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Tĩnh thấy rằng Công ty Formosa đang sử dụng các loại nguyên liệu đầu vào như hiện nay nhưng khí thải tại lò thiêu kết có nhiều thời điểm vượt quy chuẩn như đã nêu trên, do đó trường hợp công ty Formosa tái sử dụng các loại bùn, bụi mà chưa đầu tư hệ thống khử Lưu huỳnh, Nitơ, Dioxin (theo báo cáo của Formosa dự kiến đến năm 2020 mới thi công xong), thì việc xử lý khí thải tại xưởng thiêu kết sẽ không đảm bảo theo QCVN 51:2013/BTNMT”. 

Ông Phan Lam Sơn cũng nêu: “Gần đây, theo kết quả quan trắc khí thải hàng ngày của Viện Công nghệ Môi trường (đơn vị được Bộ Tài nguyên và Môi trường giao thực hiện giám sát môi trường Dự án Formosa), tại xưởng thiêu kết cho thấy: Tại cột kết quả phân tích có đưa ra 2 giá trị kết quả đo khí thải lò thiêu kết, trong đó một cột kết quả tính toán theo hàm lượng oxy tham chiếu là 7% và một cột kết quả tính toán theo hàm lượng oxy tham chiếu là 15%. 

Qua kết quả đo và so sánh với với cột B1 – QCVN 51:2013/BTNMT, cho thấy kết quả phân tích thông số SO2, NOx, nếu tính toán theo hàm lượng oxy tham chiếu là 7%, có nhiều thời điểm vượt giới hạn cho phép từ 1,07 – 2,47 lần; Nếu tính toán theo hàm lượng oxy tham chiếu là 15%, thì nằm trong giới hạn cho phép. Theo quy định tại Bảng 1 và Bảng 2 của QCVN 51:2013/BTNMT – Quy chuẩn quốc gia về khí thải công nghiệp sản xuất thép “Hàm lượng oxy tham chiếu trong khí thải công nghiệp sản xuất thép là 7%” thì kết quả quan trắc khí thải thông số SO2, NOx tại lò thiêu kết của Formosa có nhiều thời điểm vượt giới hạn cho phép”. 

Văn bản này cũng trích dẫn: Cụ thể, kết quả quan trắc khí thải hàng ngày tại Dự án Formosa Hà Tĩnh của Viện Công nghệ Môi trường trong năm 2017 cho thấy thông số SO2 và NOx liên tục vượt quy chuẩn quốc gia về khí thải: Ngày 2.7 vượt 1,07 lần; ngày 24.7 vượt 2,47 lần; ngày 26.7 vượt 2,13 lần; ngày 23.8 vượt 1,6 lần; ngày 21.8 vượt 1,59 lần; ngày 23.9 vượt 1,71 lần; ngày 26.9 vượt 1,84 lần; ngày 27.10 vượt 2,03 lần… 

Như vậy, những gì Hà Tĩnh báo cáo đều khác xa với nội dung trả lời báo chí từ Tổng cục môi trường.

Sửa quy chuẩn kiểu giấu đầu hở đuôi
 
Bộ TNMT đang giao Tổng cục Môi trường biên soạn một quy chuẩn kỷ thuật quốc gia mới (QCVN 51: 2017/BTNMT) về khí thải công nghiệp sản xuất thép, thay thế quy chuẩn của năm 2013 (QCVN 51:2013/BTNMT). Theo dự thảo quy chuẩn mới cơ bản giữ nguyên các thông số kỹ thuật về khí thải công nghiệp trong sản xuất thép, nhưng lại thay đổi hàm lượng oxy tham chiếu từ 7% (QCVN 51;2013) lên 15% (QCVN 51:2017). Dự thảo này có đoạn: “Hàm lượng oxy tham chiếu trong khí thải: Đối với các cơ sở sản xuất thép đầu tư mới: 7%, các cơ sở còn lại: 15%; kể từ ngày 1.1.2020, tất cả các cơ sở áp dụng giá trị 7%”. 




Đọc trang 6 ở mẫu biểu dự thảo quy chuẩn mới, có thể nhận thấy, trường hợp Formosa so với quy chuẩn sửa đổi 2017 không phải là cơ sở mới cho nên nó nằm ở mục "các cơ sở còn lại" dẫn đến Formosa nghiễm nhiên không phải  tuân theo quy chuẩn 2013 là thoát qua quy định 7%. Nếu quy chuẩn 2017 được thông qua Formosa sẽ phát thải theo 15%. 

Thông cáo báo chí của Tổng cục môi trường cho hay: “Để giám sát chặt chẽ các chỉ tiêu về khí thải, theo yêu cầu của Bộ trưởng Bộ TN&MT, cơ quan chuyên môn và lực lượng chức năng không chỉ áp dụng quy chuẩn của Việt Nam mà còn áp dụng các tiêu chuẩn môi trường của các nước tiên tiến như Nhật Bản, Hàn Quốc". 

Tuy nhiên tại trang 6 của bản dự thảo cho thấy sự không trung thực của đơn vị này khi có dòng chữ: “Đến ngày 1.1.2020 tất cả các cơ sở áp dụng giá trị 7%. Từ đây đến 2020 còn 3 năm nữa. Vậy tại sao từ đây đến 2020 thì Formosa được phát thải 15%, còn các cơ sở khác là 7% mà Tổng cục môi trường vẫn nói là áp dụng các tiêu chuẩn môi trường của các nước tiên tiến như Nhật Bản và Hàn Quốc? 

Một chuyên gia trong ngành thép cho biết: “Với hệ thống xử lý khí thải hiện nay của Formosa không thể đáp ứng yêu cầu của QCVN 51:2013, đồng nghĩa với việc nếu áp dụng đúng luật, doanh nghiệp này phải đóng cửa đến năm 2020, khi mà hệ thống bảo vệ môi trường bổ sung của họ hoàn thành. Nếu vẫn để Formosa áp dụng văn bản “đặc cách” của ông Bùi Cách Tuyến thì ngoài hậu quả vi phạm pháp luật môi trường còn là một sự thiếu công bằng đối với các nhà sản xuất thép khác. 

Phải chăng, Tổng cục môi trường đang du di lỗi cốt tử nhất của formosa là lỗi thứ 53 chưa hoàn thành? Công nghệ Formosa cam kết ngay từ đầu là dập cốc khô ít ô nhiễm môi trường, sau thảm họa giết biển 4 tỉnh miền Trung do Formosa gây ra, các chuyên gia phát hiện, công nghệ cam kết từ đầu đã bị phá bỏ, Formosa đơn phương dối gian, chuyển từ công nghệ khô sang ướt, đáng lý ra phải bị xử lý vì vi phạm pháp luật, lừa dối các cơ quan chức năng, nhưng Bộ TNMT đã cho phép Formosa từ từ chuyển lại từ ướt sang khô phải mất ít nhất 3 năm nữa mới hoàn thiện. 

Sơn Nguyên