Quyền xuất nhập cảnh: "Của Ceasar phải trả về cho Ceasar" (LS Nguyễn Phương Đông)
Trong tình
huống dở khóc dở cười ấy, bạn sẽ phải gánh chịu mọi thiệt hại: Mất tiền
vé máy bay cho cả hai chiều đi lẫn về, mất uy tín với đối tác kinh
doanh, vỡ các kế hoạch, và thậm chí bị khủng hoảng tâm lý cục bộ.
Điều 23, Hiến
pháp VN năm 2013 ghi nhận: "Công dân có quyền tự do đi lại và cư trú ở
trong nước, có quyền ra nước ngoài và từ nước ngoài về nước".
Tuy xuất nhập
cảnh là một quyền cơ bản và hiến định, nhưng vào một ngày đẹp trời nào
đó khi bạn xách va-li đến sân bay để làm thủ tục ra nước ngoài thì mới
vỡ lở, vì quyền đó của bạn đã bị Bộ công an vô hiệu hóa tự bao giờ.
Trong tình
huống dở khóc dở cười ấy, bạn sẽ phải gánh chịu mọi thiệt hại: Mất tiền
vé máy bay cho cả hai chiều đi lẫn về, mất uy tín với đối tác kinh
doanh, vỡ các kế hoạch, và thậm chí bị khủng hoảng tâm lý cục bộ.
Đặc điểm chung
của tất cả "nạn nhân" là họ đều không hề được cơ quan chức năng thông
báo về việc này cho đến khi phải gánh chịu những tổn thất đó.
Đó là điều khó
hiểu, vì theo tôi trong bất kỳ trường hợp nào, lệnh cấm xuất nhập cảnh
phải được thông báo cho cá nhân đó biết để họ hoặc có thể hợp tác, hoặc
đủ thời gian vận dụng các quyền khiếu kiện để tự bảo vệ quyền lợi của
mình trước một chuyến xuất ngoại.
Kể ra, việc cấm
xuất nhập cảnh đối với một công dân không phải là khái niệm lạ lẫm gì
trong tư pháp khi nó là một biện pháp để bảo đảm thi hành nghĩa vụ dân
sự hoặc một trách nhiệm hình sự.
Nhưng đã là một
thủ tục hạn chế quyền công dân, lẽ ra phải do Quốc hội với tư cách cơ
quan quyền lực nhà nước cao nhất từng ghi nhận các quyền đó, là nơi duy
nhất có quyền quy định những trường hợp nào thì quyền công dân bị hạn
chế hay bị tước bỏ vì mục đích bảo vệ trật tự chung xã hội, rồi sau đó
mới giao cho cơ quan tư pháp thi hành.
Nhưng theo tôi
được biết, hiện nay có hàng trăm, thậm chí hàng nghìn người đang bị cấm
xuất nhập cảnh bởi Nghị định số 136/2007/NĐ-CP ngày 17/8/2007 của Chính
phủ - chỉ là một cơ quan hành pháp.
Và tại điều 21,
Nghị định số 136 quy định về những trường hợp không được xuất cảnh như:
"Có liên quan đến công tác điều tra tội phạm", hay "Vì lý do bảo vệ an
ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội".
Vậy hiểu như
thế nào là "Có liên quan đến công tác điều tra tội phạm"? Bằng một khái
niệm rộng, không rõ ràng và mơ hồ này, Bộ công an có thể nghiễm nhiên ra
quyết định cấm một ai đó xuất cảnh khi tên của họ chỉ cần được xướng
lên trong một đơn tố giác tội phạm vu vơ nào đó.
Khi ấy, thậm
chí người ta chẳng cần các cơ quan tư pháp hoặc thủ tục bắc buộc cho một
vụ án hình sự được khởi tố, mà chỉ cần "một tin tố giác tội phạm" là đủ
để vô hiệu hoá một quyền hiến định của người dân.
Hay trường hợp
khi bạn cầm biểu ngữ "FORMOSA GET OUT" đứng ở một ngã đường nào đấy, thì
ngay lập tức bạn có thế bị cấm xuất cảnh chỉ "Vì lý do bảo vệ an ninh
quốc gia và trật tự an toàn xã hội".
Chính những quy
định mang tính chung chung và trừu tượng như vậy, nên rất để tạo ra cửa
ngỏ cho sự lạm quyền từ phía công an. "Tôi chỉ cần thấy anh nguy hiểm
hoặc từng bị xử phạt hành chính về hành vi gây rối trật tự, thì lập tức
bị cấm xuất cảnh. Còn việc anh có thật sự nguy hiểm hay không và sự nguy
hiểm đó có đủ yếu tố để xem là tội phạm không, thì tôi không bận tâm"?
Như vậy, phải
chăng chỉ cần một nhận định rất chủ quan và đầy cảm tính từ phía cơ quan
công an, thì có thể ngay lập tức quyền hiến định của bạn bị tước đoạt?
Mà bạn cũng hoàn toàn bất lực khi buộc họ phải có trách nhiệm chứng minh
cho nhận định có thể sai lầm này.
Xem ra có một
nghịch lý ở đây là một nghị định từ cơ quan hành pháp lại gần như mặc
nhiên phủ quyết một điều luật trong hiến pháp do cơ quan lập pháp ban
hành.
Về mặt lập
pháp, Quốc hội phải thông qua một đạo luật, đồng thời trao quyền cấm
xuất nhập cảnh cho cơ quan nào đó thuộc ngành tư pháp thi hành. Còn việc
ban hành Nghị định 136 của Chính phủ chỉ là hành vi tự trao quyền cho
chính mình của một cơ quan hành pháp.
Đồng thời, văn
bản này lại hạn chế quyền công dân chỉ bằng những lý do hết sức mơ hồ:
"Có liên quan đến công tác điều tra tội phạm", hay “bảo vệ an ninh quốc
gia và trật tự an toàn xã hội” mà không cần thông qua quy trình tố tụng
cụ thể hay một bản án có hiệu lực pháp luật. Chính vì thế, điều này hiển
nhiên là vi hiến, cả về hình thức lẫn nội dung.
Trong trường
hợp nào đó việc khởi kiện để buộc cơ quan đã yêu cầu cấm xuất nhập cảnh
ra trước tòa án để đối thoại hoặc giải quyết tận gốc vấn đề theo luật là
một giải pháp đáng được khuyến khích.
Đó mới là biểu hiện của một nhà nước pháp quyền, cái mà nhà cầm quyền hiện nay đang hô hào xây dựng.
Khác hơn một
quyền hiến định hệt như con cá gỗ, mà công dân chỉ có thể thưởng thức
được khi họ không trở nên nguy hiểm trong con mắt hoặc định kiến của nhà
cầm quyền - một kẻ luôn hoài nghi và đầy chỗ nhạy cảm.
Dù thế nào, thì
tự do xuất nhập cảnh vẫn mãi là một trong các quyền cơ bản nhất của
người dân - những ông chủ thật sự của đất nước. Do đó, nhà cầm quyền cần
biết học cách để luôn hiểu rằng "Cái gì của Ceasar thì phải trả về cho
Ceasar".