Một trăm năm cách mạng Nga: Ba sai lầm chết người và một lời hứa lèo của Karl Marx (Phạm Nguyên Trường)
Chủ nghĩa Marx tất nhiên là có nhiều sai lầm và vì vậy mà đã gây ra
nhiều tai họa cho nhân quần, nhưng thời gian có hạn, chỉ xin bàn 3 sai
lầm mà người viết cho là những sai lầm quan trọng nhất.
1. BÃI BỎ SỞ HỮU TƯ NHÂN
Trong tất cả các loài động vật sống thành bày đàn/xã hội, chỉ có ba
loài là ong, kiến, mối là toàn tâm toàn ý, sống chết với đàn mà thôi.
Các thành viên của những loài động vật sống thành bày khác như trâu
rừng, dê đầu bò, chó sói, sư tử… tuy nằm trong đàn, nhưng vẫn giữ cho
mình mức độ độc lập nhất định, thậm chí nếu bị con đầu đàn o ép quá thì
có thể bỏ đi. Loài người cũng như thế. Không có người nào muốn để cho
người khác chi phối hoàn toàn cuộc sống của mình. Chỉ có một khác biệt:
con người không thể bỏ xã hội, con người giữ độc lập bằng cách có sở hữu
riêng. Đấy là lý do câu châm ngôn của người Anh: “Nhà tôi là pháo đài
của tôi”.
Không có sở hữu tư nhân, không thể tự kiếm sống, con người trở thành
nô lệ. Cả xã hội đều là nô lệ. Đấy là lí do vì sao trong lòng xã hội dựa
trên sở hữu tập thể luôn luôn và bao giờ cũng có những người đứng lên
chống lại nó. Đấy là những người còn giữ được tính người, còn chứa trong
tim mình khát vọng tự do, tự chủ. Số người đứng lên chống lại cái xã
hội phi nhân đó, trái với suy nghĩ của các ông trùm cộng sản, lại ngày
càng đông thêm. Nếu có xã hội bên ngoài để người ta so sánh thì thời
gian tồn tại của xã hội dựa trên sở hữu tập thể sẽ không thể lâu. Đấy là
lí do vì sao các xã hội dựa trên sở hữu tập thể phải dựng lên những bức
màn sắt, nhằm ngăn chặn cả con người lẫn thông tin, nội bất xuất ngoại
bất nhập.
Không có sở hữu tư nhân, người ta không thể mạo hiểm với những quy
trình sản xuất hay sản phẩm mới. Lưỡi gươm: thiếu trách nhiệm gây hậu
quả nghiêm trọng lúc nào cũng treo ngay trên đầu. Tất tất đều phải chở
chỉ đạo của cấp trên. Xã hội không thể nào phát triển được.
Những người hoạt động trong các ngành nghệ thuật cảm nhận được chuyện
này rõ ràng nhất. Bộ trưởng văn hóa có là người tài giỏi và phóng
khoáng đến đâu thì cũng chỉ là người thích một số bộ môn nào đó mà thôi.
Những bộ môn không được ông/bà ta ưa thích tất nhiên là sẽ không có
tiền và không phát triển được. Chỉ có xã hội dựa trên sở hữu tư nhân,
tức là chính người nghệ sĩ là những người giàu có hoặc được những người
giàu có tài trợ thì nghệ thuật mới đa dạng và đơm hoa kết trái.
Vì vậy mà, xã hội dựa trên sở hữu tập thể là xã hội đơn điệu, nghèo
nàn, bàng bạc, thiếu sức sống, thậm chí là thoái hóa dần cả về vật chất
lẫn nhân cách.
VÀ CHẮC CHẮN LÀ KHÔNG THỂ TỒN TẠI MÃI ĐƯỢC.
2. THUYẾT GIÁ VỀ TRỊ LAO ĐỘNG
Đây là học thuyết nói rằng, lượng lao động hao phí của con người
trong việc sản xuất ra sản phẩm sẽ quyết định giá trị của sản phẩm. Hay
lao động là cội nguồn của mọi giá trị.
Tương tự như quan điểm địa tâm, học thuyết về giá trị lao động bề
ngoài dường như là hợp lý, vì thường thường, dường như món hàng cần
nhiều sức lao động có giá trị cao hơn. Nhưng, tương tự như những câu
chuyện trong môn thiên văn học, lý thuyết ngày càng trở nên phức tạp khi
nó tìm cách giải thích một số mâu thuẫn hiển nhiên. Bắt đầu từ những
năm 1870, trong kinh tế học đã diễn ra cuộc cách mạng tương tự như cuộc
cách mạng của Copernicus, đấy là khi lý thuyết chủ quan về giá trị
(subjective theory of value) được nhiều người sử dụng để giải thích giá
trị của hàng hóa và dịch vụ. Hiện nay, thuyết về giá trị lao động chỉ
còn rất ít tín đồ, đấy là nói trong số các nhà kinh tế học chuyên
nghiệp, nhưng trong các môn học khác, cũng như trong dân chúng nói
chung, nó vẫn được nhiều người sử dụng khi thảo luận các vấn đề kinh tế.
Luận cứ cho rằng chủ nghĩa tư bản bóc lột công nhân được xây dựng chủ
yếu trên quan điểm cho rằng lao động là nguồn gốc của tất cả các giá
trị và lợi nhuận của nhà tư bản, vì vậy mà người công nhân - những người
xứng đáng được hưởng những giá trị này đã bị tước đoạt. Nếu không có
thuyết về giá trị lao động, thì không rõ lời phê phán chủ nghĩa tư bản
của Marx còn giá trị đến mức nào.
Trong kinh tế học, câu trả lời xuất hiện khi, tương tự như
Copernicus, một số nhà nhà kinh tế học nhận ra rằng cách giải thích cũ
đã thuộc về quá khứ. Điều này đã được trình bày một cách rõ ràng trong
tác phẩm của Carl Menger, cuốn Những nguyên lý của kinh tế học của ông
không chỉ đưa ra lời giải thích mới về bản chất của giá trị kinh tế, mà
còn tạo ra nền tảng của trường phái kinh tế học Áo.
Menger và những người khác khẳng định rằng, giá trị là chủ quan.
Nghĩa là, giá trị của một món hàng không được xác định bởi những yếu tố
đầu vào có tính vật lý, trong đó có lao động, giúp tạo ra nó. Thay vào
đó, giá trị của một món hàng hình thành trong nhận thức của con người về
tính hữu dụng của nó đối với những mục đích cụ thể mà người ta có tại
một thời điểm cụ thể nào đó. Giá trị không phải là một cái gì đó khách
quan và siêu nghiệm. Nó là một chức năng của vai trò mà đối tượng đóng
như là phương tiện nhằm đạt được những mục tiêu vốn là một phần của
những mục đích và kế hoạch của con người.
Nói một cách đơn giản: Món hàng mà bạn làm ra chỉ có giá trị khi có
người mua, còn món hàng mà bạn làm ra, dù mất bao nhiêu công sức nhưng
xã hội không có nhu cầu về món hàng đó thì công sức bạn của bạn là dã
tràng xe cát biển đông. Cụ thể hơn: Nếu bạn có sức khỏe nhưng không có
tài đắp tượng bằng cát thì có bỏ ra bao nhiêu công xúc cát trên bãi biển
bạn cũng chẳng được ai trả đồng tiền công nào. Nhưng nếu bạn có tài đắp
tượng cát, thu hút du khách tới ngắm tượng của bạn thì chắc chắn công
ty du lịch địa phương sẽ trả tiền cho bạn.
Tóm lại: Lao động phải tạo ra sản phẩm mà xã hội có nhu cầu thì mới có giá trị.
Những người cộng sản, sau khi giành được chính quyền đã áp dụng học
thuyết về giá trị lao động, được tóm tắt bằng câu: “Làm theo năng lực
hưởng theo lao động” để trả lương cho người lao động. Nhưng hóa ra đây
là việc làm bất khả thi. Bởi vì, ví dụ, trong một ngày một người thợ
thịt giết thịt được 5 con bò, còn ông bác sĩ phẫu thuật thì mổ ruột thừa
cho 3 người. Lương của ai cao hơn và cao hơn bao nhiêu lần? Không ai
trả lời được câu hỏi này. Làm theo năng lực hưởng theo lao động hóa ra
chỉ áp dụng được cho những người làm trong cùng ngành nghề và là những
ngành nghề đơn giản: Người thợ may may được 3 cáI áo tất nhiên sẽ được
nhận lương bằng 3/5 người thợ may may được 5 cái áo trong cùng thời
gian.
Tất cả những giải pháp, cải tiến, cải lùi đều chẳng đi đến đâu. Cuối
cùng, nhà cầm quyền chỉ còn 2 lựa chọn: Cào bằng hay trả theo cấp bậc.
Cào bằng thì chẳng ai còn muốn làm, mà trả theo cấp bậc thì sẽ dẫn đến
những bất hợp lý và đẩy tất cả mọi người vào cuộc đua tranh giành quyền
chức.
Một trong những nguyên nhân dẫn xã hội dựa trên sở hữu tập thể lâm
vào bế tắc, dẫm chân tại chỗ chính là không tìm được cách trả lương nhằm
khuyến khích người lao động.
Học thuyết về giá trị lao động mà Marx dựa vào còn dẫn đến sai lầm
quyết định hơn, đấy là công thức để đo lường giá trị thặng dư: GT= C+ V+
m => m= GT - (C+V).
Đây là vấn đề sẽ bàn trong kì sau.
XIN CHÀO VÀ HẸN GẶP LẠI