Luật An ninh mạng thách thức hành pháp và lập pháp (Huy Đức)
Cho
dù có mấy bộ công an thì Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc & Chủ tịch quốc
hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng sẽ phải chịu trách nhiệm trước lịch sử.
Nếu người dân không còn công cụ để giám sát bộ máy thì những nỗ lực bãi
bỏ hộ khẩu, giấy phép con, điều kiện kinh doanh... sẽ dần dần bị vô hiệu
hóa bởi chính những quan chức (mặc sức) tha hóa nằm trong bộ máy.
Luật An ninh mạng thách thức uy tín chính trị của Thủ tướng và Chủ tịch quốc hội
Chính phủ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có thể sẽ đi vào lịch sử nếu như Nghị quyết 112 có hiệu lực trên thực tế. Cũng
như việc bãi bỏ hàng nghìn điều kiện kinh doanh, Nghị quyết này là một
trong những hành động thiết thực dân cần chứ không phải là những tuyên
bố cải cách to tát nói rồi để đấy. Tuy nhiên, Dự luật An ninh mạng có
thể sẽ nhận chìm uy tín chính trị của ông (và cả Chủ tịch quốc hội
Nguyễn Thị Kim Ngân), đặc biệt, là uy tín trước cộng đồng quốc tế.
Chủ quyền quốc gia và tự do của người dân
Không
có gì quá ngạc nhiên khi một số nhà báo, trí thức... ngạc nhiên khi
Google, Facebook... chưa phản ứng Dự luật đòi Google, Facebook... phải
đặt máy chủ ở Việt Nam mà người trong nước đã nêu ý kiến. Các bạn trí
thức này đã tư duy trên nền tảng chủ quyền quốc gia truyền thống, họ ý
kiến trên tâm thế "nhà nước" (cho dù tôi biết nhiều người không phải là
người nhà nước) chứ không trên tâm thế của những người dân được hưởng
lợi từ Google, Facebook...
Nếu
như, điều kiện đặt máy chủ tại Việt Nam đối với Google, Facebook... chủ
yếu đặt họ trước các bài toán kinh doanh khi phải bỏ thêm tiền lắp đặt
thêm các "server", thì đối với người Việt Nam là vấn đề tự do. Chính
quyền sẽ dễ dàng gây sức ép với các nhà cung cấp dịch vụ như email,
youtube, facebook... buộc áp dụng điều 9, điều 10 của Dự thảo gỡ bỏ các
bài viết của người dân khi họ đặt máy chủ tại Việt Nam thay vì tại
Hongkong hay Singapore như hiện nay.
Theo
Dự thảo và theo tuyên bố mới đây của Chủ nhiệm Văn phòng chính phủ thì
mối quan tâm ưu tiên của Dự luật này không phải là để bảo vệ các cơ sở
dữ liệu liên quan đến an ninh quốc gia và bí mật cá nhân của người dân
(đặc biệt là sau khi có "cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư") mà là những
thông tin "tuyên truyền chống chế độ".
Mạng
xã hội chỉ là công cụ, nó cũng như con dao, thái rau hay gây án là tùy
người dùng. Bộ Luật Hình sự có đủ tội danh để chính quyền bắt bớ những
ai trái ý.
Chỉ
có vài quốc gia còn hình sự hóa quyền chỉ trích chính quyền của người
dân và Việt Nam là một trong số ít đang có quá nhiều điều luật để buộc
tội những hành vi mà ở các quốc gia tiến bộ coi là quyền tự do của dân
chúng (ngôn luận và bày tỏ chính kiến). Lẽ ra, chính quyền Việt Nam đã
phải đủ trưởng thành để nhận thức rằng, chính mình đã mạnh lên rất
nhiều, bộ máy đã bớt nhũng nhiễu đi rất nhiều kể từ khi có internet và
người dân có thể dùng mạng xã hội để lên tiếng.
Chủ
quyền quốc gia liệu còn ý nghĩa gì không khi mà trong đó người dân được
sống với ít tự do hơn. Chính Hồ Chí Minh - người sáng lập ra chế độ này
- cũng đã tuyên bố, "nước có độc lập mà dân không có tự do thì độc lập
đó cũng không có ý nghĩa". Một khi buộc được các nhà cung cấp dịch vụ
đặt máy chủ trong nước, đắc chí vì thấy họ phải tuân theo điều mà vài
người tưởng là chủ quyền quốc gia, quyền tự do của người dân sẽ bị can
thiệp. Chỉ chiếu theo các tiêu chí của Hồ Chí Minh thôi, đã thấy đòi hỏi
chủ quyền kiểu đó là vô nghĩa.
Có hai Bộ Công an ?
Trong
hai năm đầu của mình, Bộ trưởng Tô Lâm đã làm được rất nhiều việc, cả
về chống tham nhũng trong hệ thống và cải cách trong ngành. Nghị quyết
112 rõ ràng mang đậm dấu ấn của ông. Nếu Nghị quyết này triển khai thành
công theo hướng - người dân không bị đặt trong tình trạng "bất hợp
pháp" chỉ vì thiếu các thủ tục hành chánh và không còn bị cảnh sát khu
vực đe dọa quyền tự do đi lại & tự do cư trú chỉ vì thiếu tờ KT3 hay
tờ hộ khẩu - thì ông Tô Lâm và ông Trần Tuấn Anh có thể được coi là hai
thành viên tiên phong cải cách của Nội các ; việc làm của hai ông cho
dân chúng lờ mờ thấy nội hàm của "Chính phủ kiến tạo".
Nhưng,
Nghị quyết 112 & Dự luật An ninh mạng tuy cùng xuất phát từ Bộ Công
an đã cho thấy hai cách tiếp cận khác xa nhau. Một bên Bộ sẵn sàng từ
bỏ quyền lực, một bên Bộ lại thể hiện cách tiếp cận như thời Việt Nam
chưa có internet. Nếu những điều luật đi ngược lại xu thế của thời đại
trong Dự luật An ninh mạng thành hiện thực, rất khó để tin rằng, hiện
chỉ có một Bộ Công an của ông Tô Lâm.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân
Cho
dù có mấy bộ công an thì Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc & Chủ tịch quốc
hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng sẽ phải chịu trách nhiệm trước lịch sử.
Nếu người dân không còn công cụ để giám sát bộ máy thì những nỗ lực bãi
bỏ hộ khẩu, giấy phép con, điều kiện kinh doanh... sẽ dần dần bị vô hiệu
hóa bởi chính những quan chức (mặc sức) tha hóa nằm trong bộ máy.
Nghiêm
trọng hơn, nếu ông bà cho phá vỡ các cam kết quốc tế của những người
tiền nhiệm - không buộc nhà cung cấp các dịch vụ mạng phải đặt máy chủ
tại Việt Nam - thì không những uy tín chính trị của ông bà trên trường
quốc tế sẽ bị thách thức mà ông bà có thể sẽ trở thành những nhà lãnh
đạo đầu tiên của Đảng cộng sản để lọt một đạo luật thắt chặt không gian
tự do nhất kể từ khi Việt Nam đổi mới.
Huy Đức
Nguồn : fb. Osinhuyduc, 06/11/2017