Ô tô vào trung tâm TPHCM có thể phải đóng tiền (Lê Anh)

Theo đề án do Công ty cổ phần Công nghệ Tiên Phong (ITD) xây dựng, dự án sẽ có 36 cổng thu phí được lắp đặt bao quanh khu vực trung tâm thành phố, bao gồm các tuyến đường Hoàng Sa - Nguyễn Phúc Nguyên - Cách Mạng Tháng Tám - Ba Tháng Hai - Lê Hồng Phong - Lý Thái Tổ - Nguyễn Văn Cừ - Võ Văn Kiệt - Tôn Đức Thắng.


Từ năm 2019, xe ô tô vào trung tâm TPHCM dự kiến phải đóng phí từ 30.000 đồng đến 50.000 đồng, theo đề án thu phí ôtô vào trung tâm để hạn chế ùn tắc giao thông mới được trình chính quyền thành phố xem xét phê duyệt.

Theo đề án do Công ty cổ phần Công nghệ Tiên Phong (ITD) xây dựng, dự án sẽ có 36 cổng thu phí được lắp đặt bao quanh khu vực trung tâm thành phố, bao gồm các tuyến đường Hoàng Sa - Nguyễn Phúc Nguyên - Cách Mạng Tháng Tám - Ba Tháng Hai - Lê Hồng Phong - Lý Thái Tổ - Nguyễn Văn Cừ - Võ Văn Kiệt - Tôn Đức Thắng.

Thời gian thu phí được đề xuất từ 6 đến 19 giờ và chỉ thu phí chiều vào trung tâm và không thu phí đối với chiều xe đi ra trung tâm thành phố.

Mức phí được đề xuất là 40.000 đồng đối với ô tô cá nhân, 30.000 đồng đối với taxi và 50.000 đồng đối với xe tải và xe buýt thương mại (kể cả xe biển xanh).

Theo tính toán, tổng mức đầu tư dự án là 1.797 tỉ đồng và sẽ thu phí trong thời gian 15 năm. Về kế hoạch thực hiện, sẽ tiến hành xây lắp từ năm 2018-2019. Thời gian thu phí từ năm 2019 đến năm 2034.

Theo Sở GTVT TPHCM, thu phí vào trung tâm thành phố là nhằm giảm ùn tắc giao thông chứ không phải để kinh doanh. Do vậy, người dân cần cân nhắc và có sự lựa chọn đi xe cá nhân vào trung tâm hoặc chọn xe công cộng.

Tuy vậy, các chuyên gia vẫn đặt nhiều câu hỏi và hoài nghi về hiệu quả mang lại của việc thu phí ô tô vào trung tâm thành phố.

Trao đổi với TBKTSG Online, ông Phạm Sanh, một chuyên gia giao thông cho rằng, để việc thu phí ô tô vào trung tâm khả thi, cần phải dự báo được nhu cầu giao thông khu vực trung tâm. Từ đó, đánh giá mức độ lưu thông ở các tuyến đường và đưa ra được quy hoạch giao thông khu vực trung tâm như giao thông công cộng, bãi đậu xe...

Theo vị chuyên gia này, khi giảm xe vào trung tâm, đồng nghĩa dồn xe sang các khu vực lân cận, nhất là lượng xe trên các trục đường xuyên tâm. Khi nhu cầu giao thông ra vào trung tâm quá lớn thì việc thu phí vẫn không đạt được mục tiêu giảm kẹt xe, đặc biệt trong bối cảnh giao thông công cộng kết nối vào trung tâm chưa phát triển rõ rệt sau năm 2020. Vì thế, chưa vội nghĩ đến các giải pháp cấm đoán hạn chế (lực đẩy) khi các giải pháp lực hút khá mờ nhạt.

TBKTSG