Cái gì đã giúp đảng cộng sản tồn tại đến ngày hôm nay? (Việt Hoàng)

Việt Nam đang đứng trước những khúc rẽ quan trọng của lịch sử : Đảng cộng sản đã đi hết con đường của họ và sẽ phải rút lui khỏi sân khấu chính trị Việt Nam. Một tổ chức chính trị đứng đắn với một dự án chính trị khả thi để làm giải pháp thay thế cho giải pháp cộng sản đang là vấn đề tất yếu và sống còn của dân tộc Việt Nam.
Chúng ta phải tự hỏi mình vì sao đảng cộng sản Việt Nam dù phạm phải hết từ sai lầm này đến sai lầm khác nhưng vẫn giữ được chính quyền ? Vì sao đảng cộng sản vẫn ngạo nghễ tăng cường đàn áp mọi tiếng nói bất đồng chính kiến, và tự tin từ chối mọi sự kêu gọi thay đổi từ giới trí thức trung thành ?
Tất cả chỉ có một lý do giản dị và duy nhất, đó là Đảng cộng sản Việt Nam là tổ chức chính trị nắm giữ độc quyền cai trị đất nước. Trước mắt họ là một sự trống vắng đối lập, không một cá nhân hay một tổ chức nào có thể đe dọa sự độc tôn của họ. Và đó là sự thực.
Tất cả đều bắt nguồn từ thể chế
Điều đầu tiên mà chúng ta cần đồng ý với nhau rằng, các vấn đề hiện nay tại Việt Nam đều do thể chế chính trị gây ra vì thế phải có các giải pháp chính trị mới có thể giải quyết tận gốc mọi vấn đề. Trí thức Việt Nam tránh né chính trị nên chúng ta vẫn loay hoay không tìm ra được giải pháp.
Nói như thế không có nghĩa là đảng cộng sản sẽ tiếp tục cầm quyền đến muôn năm. Thế giới và Việt Nam đang thay đổi dữ dội. Đảng cộng sản không sợ đối lập và người dân Việt Nam nhưng hoàn toàn có thể "chết" bởi chính kẻ thù của nó, đó là bệnh tham nhũng ở mọi cấp và ở mọi nơi. Tham nhũng hiện nay như một khối ung thư bên trong cơ thể đã chuyển sang di căn.
Hội nghị trung ương 6 vừa kết thúc với quyết tâm thực hiện kế hoạch "nhất thể hóa" để tinh giản bộ máy hành chính quá cồng kềnh và sự chồng chéo của ba bộ máy tam trùng : chính phủ, đảng và các đoàn thể. Tuy nhiên khả năng đến 99% là đảng cộng sản không làm được việc này. Sự chống đối sẽ rất mãnh liệt vì đụng đến nồi cơm của hàng triệu người đang sống bám vào cơ chế, và quan trọng nhất là đảng cộng sản không còn nhân sự và đồng thuận để làm bất cứ một việc gì.
Mặc dù vậy, chúng ta cũng nên nhân cơ hội này tìm hiểu vì sao đảng cộng sản vẫn tồn tại cho tới ngày hôm nay.
Những lý do giúp đảng cộng sản giành và giữ được chính quyền
Có ba lý do chính giúp đảng cộng sản giành được chính quyền và giữ được chính quyền cho đến tận ngày hôm nay, và cũng là ba vấn đề quan trọng và cấp thiết đối với các tổ chức đối lập dân chủ Việt Nam, đó là tư tưởng chính trị, tổ chức chính trị và nhân sự chính trị  :
1. Tư tưởng chính trị
 Đến giờ này thì ai cũng rõ rằng chủ nghĩa Mác-Lênin, kim chỉ nam dẫn đường cho đảng cộng sản Việt Nam, là hoang tưởng và độc hại nhưng 70 năm trước nó đã lôi cuốn được rất nhiều trí thức, không chỉ Việt Nam mà còn cả thế giới. Chuyện thần thoại và viễn tưởng lúc nào cũng hay và hấp dẫn. Rất nhiều người đã tin và đi theo cộng sản vì cái bánh vẽ mang tên "xã hội chủ nghĩa". Lý tưởng cộng sản đã gắn kết các đảng viên cộng sản lại với nhau và giúp họ chấp nhận những hy sinh vô cùng to lớn để mang lại chiến thắng cuối cùng cho đảng cộng sản.
Ngày nay, lý tưởng cộng sản đã bị lố bịch hóa đối với ban lãnh đạo đảng và đảng viên cấp cao, là những người có hiểu biết thực sự. Thế nhưng đảng cộng sản vẫn cố gắng để nhồi nhét nó vào đầu cũng những đảng viên cấp trung, cấp thấp và các đảng viên thừa hành, nhất là trong hai lực lượng bảo vệ chế độ là công an và quân đội. Các lớp tập huấn chính trị thường xuyên được mở ra dành cho cán bộ từ cấp huyện trở lên là nhằm mục đích đó.
Đã có nhiều ý kiến đề nghị đảng cộng sản từ bỏ chủ nghĩa Mác-Lênin nhưng điều đó không thể được, vì nếu không có "tư tưởng chính trị" thì không có lý do gì để một đảng chính trị tồn tại. Một đảng chính trị ra đời và cố gắng giành/giữ chính quyền là để thực hiện một "dự án chính trị" nào đó. Trí thức Việt Nam và những người tranh đấu cho dân chủ vẫn chưa đồng ý được với nhau về điều giản dị này. Đảng cộng sản hiểu rõ rằng "tấm áo" tư tưởng của họ đã rách nát nhưng nếu không có tấm áo rách đó thì đảng sẽ trần trụi hoàn toàn trong con mắt người dân. Họ phải giữ tấm áo rách đó bằng mọi giá vì rách còn hơn không.
Hiện nay, vẫn còn không ít trí thức phân vân đặt câu hỏi "dự án chính trị" là cái gì và để làm gì ? Có thật sự cần đến chúng hay không ?... Vậy câu hỏi đặt ra là, nếu một tổ chức chính trị mà không có dự án chính trị thì người dân làm sao biết được tổ chức đó muốn gì, đề nghị gì ? Nhân sự và đường lối của tổ chức đó như thế nào ? Tổ chức đó sẽ hành động ra sao và có giải pháp thế nào trước và sau khi nắm được chính quyền ? Nếu không nắm rõ lộ trình và hành động của một tổ chức chính trị thông qua một dự án chính trị thì làm sao người dân có thể ủng hộ và đặt lòng tin vào tổ chức đó ? Làm sao tạo được sự đồng thuận trong dân chúng? Lỡ trao duyên lầm kẻ cướp thì sao ?
Tư tưởng chính trị là yếu tố quyết định để gắn kết các thành viên trong một tổ chức lại với nhau và tạo ra sự đồng thuận, một lập trường chung cho một lộ trình tranh đấu.       
2. Tổ chức chính trị
Một tổ chức chính trị chỉ có thể hình thành sau khi có được một "tư tưởng chính trị" tương đối hoàn hảo, rõ ràng và minh bạch. Không có Kinh thì không có Đạo. Những người đến với một tổ chức vì lý tưởng cao đẹp của tổ chức thì họ sẽ gắn bó lâu dài và sẵn sàng cống hiến vì tổ chức, ngược lại những người đến với tổ chức vì thích ông lãnh đạo, vì tiền hay vì nể nang, vì tình bạn… thì sẽ không bền, sớm muộn rồi cũng đường ai nấy đi.
Ngày xưa đảng cộng sản thành công vì lý tưởng cộng sản vẫn còn đẹp và vẫn gắn kết các đảng viên lại với nhau. Ngày nay, sau khi nắm độc quyền lãnh đạo đất nước, đảng cộng sản dùng tiền và quyền để gắn kết những đảng viên cộng sản lại với nhau. Nhưng yếu tố tiền/quyền này sẽ không bền vững. Vì tiền và quyền không phải là chất keo kết dính các thành viên trong một tổ chức chính trị mà là ngược lại, chúng sẽ làm chia rẽ thay vì tạo ra đoàn kết. Sự đấu đá triền miên trong nội bộ đảng cộng sản là một minh chứng cho điều đó.
Năm 1945 đảng cộng sản giành được chính quyền (hay cướp được chính quyền, theo lời của họ) cũng là vì khi đó họ là tổ chức chính trị duy nhất có… tổ chức. Việt Minh là một tổ chức thực thụ vì có phân chia thứ bậc, có lãnh đạo, có đội ngũ nhân sự và nhất là có sự đồng thuận cao trong tư tưởng lẫn hành động. Trong khi đó các đảng phái khác như Việt Quốc, Việt Cách không có được một tổ chức chặt chẽ và thống nhất như vậy. Lênin, ông tổ của cộng sản có nhiều câu nói về sự quan trọng của tổ chức như :
- "Trong một tổ chức cách mạng có ba vấn đề lớn đó là : tổ chức, tổ chức và tổ chức",
- "Hãy cho chúng tôi một tổ chức những người cách mạng, chúng tôi sẽ đảo lộn cả nước Nga",
- "Trong cuộc đấu tranh giành chính quyền, giai cấp vô sản không có vũ khí nào khác hơn là tổ chức".
Sau khi đã nắm chính quyền thì Lênin có thêm một câu khác : "Lĩnh vực trọng yếu nhất và khó khăn nhất của cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa là nhiệm vụ tổ chức"…
Đảng cộng sản luôn chú trọng công tác tổ chức và trong bất cứ hoàn cảnh nào họ cũng luôn cố gắng thể hiện sự thống nhất và đoàn kết trong nội bộ đảng từ trên xuống dưới. Trong khi đó những người dấn thân cho dân chủ và trí thức Việt Nam lại dị ứng với tổ chức. Họ không tham gia cũng không ủng hộ bất cứ tổ chức nào, không những thế họ còn chê bai, chỉ trích các tổ chức chính trị hiện hữu, rằng các tổ chức này không đủ sức và không đủ trình độ để thuyết phục họ…
Sự thành kiến về tổ chức vì cái tôi và não trạng không ưa ai, không phục ai đã đóng kín tâm hồn của họ rồi thì làm sao có thể thuyết phục được họ nữa ? 
3. Nhân sự chính trị
Đảng cộng sản ngay từ lúc mới thành lập (năm 1930) thì họ đã chú trọng vấn đề nhân sự nòng cốt cho đảng. Họ đã đưa những thanh niên ưu tú sang Trung Quốc (và Liên Xô) để đào tạo và học tập tư tưởng cộng sản, những người này sau đó đã trở thành các nhà lãnh đạo cao cấp của đảng cộng sản như Lê Hồng Phong, Nguyễn Thị Minh Khai, Trần Phú, Hà Huy Tập…
Đặc điểm lớn nhất mà chúng ta có thể thấy được ở những nhân sự lãnh đạo cao cấp của đảng cộng sản là cho dù họ ít học, xuất thân hèn kém (như thiến heo, đốn củi, cạo mủ cao su…) nhưng họ lại là những người nắm rõ chủ trương, đường lối và tư tưởng của đảng nhất. Ông Nguyễn Phú Trọng, đương kim tổng bí thư hiện nay, dù bị người dân chế giễu là "Trọng Lú", thế nhưng ông ta đã vượt qua mọi ứng cử viên khác, bất chấp tuổi tác già nua để được chọn là người đứng đầu đảng. Thành tích của ông ta, nếu có cũng chỉ là những năm tháng ngồi tụng kinh chủ nghĩa Mác-Lênin trong Học viện Chính trị quốc gia và Tạp chí cộng sản. Đừng quên rằng ông Trọng là giáo sư, tiến sĩ "chuyên ngành xây dựng đảng".
Nói như vậy để thấy được tầm quan trọng của "tư tưởng" và "lý thuyết" vì nhiều người, trong đó không ít trí thức vẫn cho rằng, lý thuyết mà làm gì ? Hành động đi !
Một tổ chức cho dù có tư tưởng chính trị hay đến mấy và một dự án chính trị có hoàn hảo bao nhiêu đi nữa mà không có người để thực hiện thì cũng sẽ thất bại. Hiện nay, mọi người đều đồng ý với nhau rằng, trong tất cả mọi lãnh vực chứ không riêng gì chính trị thì yếu tố "con người" tức là "nhân sự" luôn là vấn đề quan trọng nhất để quyết định cho mọi sự thành bại.
Vậy phải làm gì để thực hiện thành công cuộc đổi đời ?
Những người làm chính trị là người luôn ưu tư tìm cách thay đổi và cải tạo xã hội, một chính trị gia nếu đồng thời cũng là một nhà kỹ trị (tức là người có chuyên môn cao trong một lĩnh vực nào đó) thì càng tốt vì thời của những kẻ lãnh đạo vô học và ngu dốt đã qua đi. Nhưng một nhà kỹ trị thì không thể "tự động" trở thành một chính trị gia nếu họ không tham gia hoạt động chính trị. Bất cứ mô hình tổ chức xã hội văn minh nào (trừ những nước cộng sản), nếu muốn cầm quyền thì đều phải thông qua sự bầu chọn của người dân.
Và một điều quan trọng nữa là đấu tranh chính trị là đấu tranh giữa các tổ chức chính trị với tổ chức chính trị đương quyền chứ không phải giữa các cá nhân với tổ chức chính trị đương quyền. Chính trị là sự thể hiện các giá trị đạo đức trong sinh hoạt xã hội. Những người làm chính trị phải có kiến thức hơn người và tư cách đạo đức phải được thừa nhận trước trong một tổ chức chính trị. Như vậy một người muốn trở thành chính trị gia, tức là người hoạt động chính trị chuyên nghiệp thì bắt buộc phải tham gia vào một tổ chức chính trị.
Tổ chức là môi trường để học hỏi lẫn nhau và để sàng lọc các ý kiến. Tổ chức cũng là nơi để luyện tập những đức tính như kiên nhẫn, bao dung, tôn trọng và lắng nghe những ý kiến của người khác… Trừ toán học (là một bộ môn có tính chính xác tuyệt đối) ra thì mọi vấn đề khác liên quan đến xã hội, con người đều có tính tương đối. Nếu không có sự thảo luận, bàn bạc và thống nhất chung trong tổ chức mà chỉ là các ý kiến cá nhân thì rất dễ mắc sai lầm.
Một lý do khiến Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên (Tập Hợp) không phát triển đội ngũ nhân sự nhanh chóng như nhiều người mong muốn suốt 35 năm qua đó là vì chúng tôi muốn những người đến với Tập Hợp phải xuất phát từ tình cảm, lý trí và một quyết tâm cao nhằm thay đổi xã hội Việt Nam về phía dân chủ một cách trọn vẹn và thành thực. Họ phải là những người có trái tim nóng và một cái đầu lạnh. Tập Hợp không lôi kéo, mời mọc cụ thể bất cứ ai mà chỉ thuyết phục chung mọi người bằng chính tư tưởng chính trị của mình. Những người đến với Tập Hợp trong giai đoạn này sẽ là thành viên nòng cốt của Tập Hợp vì thế họ phải nắm được tư tưởng và các giá trị cốt lõi của Tập Hợp. Họ sẽ là những người lãnh đạo và dẫn dắt Tập Hợp trong tương lai vì thế họ phải toàn tâm, toàn ý và tự nguyện. Tập Hợp chỉ có tương lai nếu các thành viên nòng cốt, ai cũng có tư chất và tư cách để có thể trở thành những người lãnh đạo chính trị.
Tập Hợp là một tổ chức chính trị khác biệt rất lớn so với đảng cộng sản. Tập Hợp theo đuổi các giá trị tiến bộ của nhân loại đã được minh định trong Tuyên ngôn về Nhân quyền của Liên Hợp Quốc. Tập Hợp từ chối bạo lực và tôn trọng tinh thần đa nguyên trong xã hội Việt Nam. Tập Hợp đề cao sự liên đới xã hội, sự bao dung, hòa giải, lòng yêu nước và sự lương thiện. Tuy vậy, vì là một tổ chức thực thụ nên Tập Hợp có những điểm chung với đảng cộng sản, ví dụ như ba vấn đề nêu trên. Tập Hợp ưu tiên và chú trọng "xây dựng tổ chức" dựa trên một "tư tưởng chính trị" đúng đắn và lành mạnh với một "đội ngũ nhân sự chính trị" có kiến thức, có bản lĩnh và có tính tổ chức cao.
Việt Nam đang đứng trước những khúc rẽ quan trọng của lịch sử : Đảng cộng sản đã đi hết con đường của họ và sẽ phải rút lui khỏi sân khấu chính trị Việt Nam. Một tổ chức chính trị đứng đắn với một dự án chính trị khả thi để làm giải pháp thay thế cho giải pháp cộng sản đang là vấn đề tất yếu và sống còn của dân tộc Việt Nam.
Người dân Việt Nam và trí thức Việt Nam hãy nhanh chóng tìm hiểu và ủng hộ cho một tổ chức chính trị như thế.
Việt Hoàng
(24/10/2017)