Bộ GD&ĐT giải thích việc hiểu lầm về “lệnh cấm” dạy ngoài SGK (Dân Trí)

Trong xã hội hiện đại, khi học sinh hàng ngày tiếp cận vô vàn nguồn tri thức, nếu giáo viên coi SGK là tài liệu duy nhất trong quá trình giảng dạy, các em sẽ không được hướng dẫn và khó tránh những băn khoăn về độ chênh giữa thực tế và kiến thức học đường. Nếu giáo viên có ý thức liên hệ thực tiễn, có bản lĩnh và trí tuệ đủ tinh sắc để chọn lọc, hướng dẫn học trò hiểu phương pháp đối chiếu, tư duy biện chứng, biết đặt các tri thức trong SGK vào những hoàn cảnh lịch sử, cụ thể khiến học trò thấu hiểu kiến thức một cách đúng đắn, các em sẽ không bối rối như khi thụ động so sánh điều được học với thực tiễn”.

Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học - Bộ GD&ĐT nhấn mạnh, Bộ không hạn chế giáo viên chỉ dạy học với ngữ liệu trong SGK. Tuy nhiên việc diễn đạt trong văn bản chỉ đạo mới đây đã gây ra hiểu lầm là Bộ cấm dạy ngoài SGK. Điều này không đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ.

Cấm dạy ngoài SGK là mâu thuẫn với tinh thần đổi mới giáo dục…

“Tuyệt đối không dạy những nội dung ngoài sách giáo khoa” là một trong những nội dung được đề cập trong văn bản hướng dẫn thực hiện chương trình giáo dục phổ thông hiện hành, theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất học sinh từ năm học 2017 - 2018 do Bộ GD&ĐT vừa ban hành. Ngay khi thông tin được ra, nhiều chuyên gia giáo dục, thầy cô giáo đã thẳn thắn cho rằng đây là một "lệnh cấm" khó hiểu và dường như đi ngược với tinh thần đổi mới giáo dục.

Trao đổi với PV Dân trí, Tiến sĩ Trịnh Thu Tuyết - giáo viên dạy Ngữ văn tại Trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) cho rằng, quy định này của Bộ GD&ĐT là thiếu hợp lý.

Theo Tiến sĩ Tuyết: "Chương trình và SGK là những yếu tố quan trọng trong quá trình dạy học, trong đó, chương trình mang tính định hướng về kiến thức và kĩ năng, còn SGK là sự cụ thể hoá những định hướng ấy, là tài liệu hướng dẫn cho giáo viên và học sinh trong hoạt động dạy và học! Là một trong những yếu tố quan trọng nhất, nhưng SGK không phải yếu tố duy nhất cung cấp kiến thức và kĩ năng cho học sinh vì những lý do sau:

Nguyên lý giáo dục học đi đôi với hành, giáo dục kết hợp với thực tiễn cho thấy kiến thức học sinh được tiếp nhận không thể giới hạn trong nhà trường, trong SGK! Không thể thực hiện nguyên lý giáo dục nếu học trò chỉ hiểu cuộc sống từ nguồn kiến thức duy nhất trong SGK!

Chương trình và SGK luôn mang tính ổn định tương đối, vì vậy người thầy luôn phải có ý thức điều chỉnh, bổ sung, cập nhật một cách có chọn lọc những tri thức và kĩ năng từ cuộc sống vốn vận động không ngưng nghỉ. Đó cũng là tính biện chứng như quan niệm của J. Goethe: "Mọi lý thuyết đều màu xám, chỉ có cây đời mãi mãi xanh tươi".

Trong xã hội hiện đại, khi học sinh hàng ngày tiếp cận vô vàn nguồn tri thức, nếu giáo viên coi SGK là tài liệu duy nhất trong quá trình giảng dạy, các em sẽ không được hướng dẫn và khó tránh những băn khoăn về độ chênh giữa thực tế và kiến thức học đường. Nếu giáo viên có ý thức liên hệ thực tiễn, có bản lĩnh và trí tuệ đủ tinh sắc để chọn lọc, hướng dẫn học trò hiểu phương pháp đối chiếu, tư duy biện chứng, biết đặt các tri thức trong SGK vào những hoàn cảnh lịch sử, cụ thể khiến học trò thấu hiểu kiến thức một cách đúng đắn, các em sẽ không bối rối như khi thụ động so sánh điều được học với thực tiễn”.

“Vậy, có thể khẳng định SGK không phải cuốn sách duy nhất của nhà trường phổ thông, thầy cô cũng không phải cuốn sách ấy như một số quan niệm, chỉ có cuộc sống với tất cả những vận động, phát triển muôn màu vẻ mới thực sự là cuốn sách sống động nhất cho nhận thức - tất nhiên với sự chọn lọc, điều tiết, hướng dẫn khoa học, nhân văn và tỉnh táo của người thầy!”, TS Trịnh Thu Tuyết nhấn mạnh.


Thầy giáo Tôn Sỹ Dũng - giáo viên dạy Hóa học tại Trường THCS Võ Xán (Tây Sơn Bình Định) cho rằng, Bộ GD&ĐT chỉ đạo theo kiến thức kĩ năng không nên quy định cứng nhắc không được dạy kiến thức ngoài SGK. Chẳng hạn, giáo viên có thể nêu các hiện tượng tự nhiên và trong cuộc sống để làm rõ nội dung trong SGK cho các em học sinh dễ hình dung. Tiến bộ khoa học thì đang thay đổi tính bằng giây, nếu Bộ ra qui định cứng nhắc như thế là bất cập.

Một giáo viên dạy Ngữ văn tại một trường THCS ở ngoại thành Hà Nội thẳng thắn phản biện: "Tôi chưa bao giờ thấy Bộ lại ra một quy định cứng nhắc và vô lý đến vậy khi cấm các trường dạy học sinh các kiến thức ngoài SGK hiện hành. Hiện nay, chúng ta đang triển khai dạy tích hợp giáo dục kỹ năng sống, nếu không đưa cả kiến thức ngoài SGK lồng vào thì sẽ dạy bằng cái gì? Trong SGK có đề cập gì nhiều tới kỹ năng sống đâu.

Rồi chuyện tổ chức thi học sinh giỏi cho các em học sinh ở cấp nữa chứ. Ngay cả trong các đề thi ra lớp 10 hay thi THPT quốc gia, đề thi bao giờ cũng có phần cơ bản và nâng cao để kiểm tra kiến thức học sinh nhằm phân loại được em nào học vượt trội hơn sẽ đạt điểm tuyệt đối. Giờ Bộ nói cấm dạy nội dung ngoài SGK là điều hết sức khó hiểu".

Bộ GD&ĐT thừa nhận “diễn đạt gây hiểu lầm”

Về việc Bộ GD&ĐT yêu cầu không dạy nội dung ngoài SGK gây nhiều tranh cãi trong dư luận, ông Nguyễn Xuân Thành - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học thừa nhận văn bản đã gây hiểu lầm.
Theo đó, tại Công văn số 4612/BGDĐT-GDTrH ngày 3 tháng 10 năm 2017, Bộ GD&ĐT đã hướng dẫn: "Tiếp tục rà soát nội dung dạy học trong SGK hiện hành, tinh giản những nội dung dạy học vượt quá mức độ cần đạt về kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục phổ thông hiện hành; điều chỉnh để tránh trùng lặp nội dung giữa các môn học, hoạt động giáo dục; bổ sung, cập nhật những thông tin mới phù hợp thay cho những thông tin cũ, lạc hậu; không dạy những nội dung, bài tập, câu hỏi trong SGK vượt quá mức độ cần đạt về kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục phổ thông hiện hành; tuyệt đối không dạy những nội dung ngoài SGK".

Ông Thành cho biết: "Do SGK cụ thể hóa mục tiêu của chương trình nên ý cuối cùng trong câu này nhằm nhấn mạnh yêu cầu không dạy học vượt quá mức độ cần đạt về kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục phổ thông hiện hành. Bộ cũng yêu cầu "bổ sung, cập nhật những thông tin mới phù hợp thay cho những thông tin cũ, lạc hậu", nghĩa là không hạn chế giáo viên chỉ dạy học với ngữ liệu trong SGK. Tuy nhiên việc diễn đạt như trên đã gây ra hiểu lầm là Bộ chỉ cho phép giáo viên khai thác sử dụng SGK để dạy học. Điều này không đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ.

Trong quá trình tập huấn triển khai thực hiện sắp tới, Bộ sẽ hướng dẫn cụ thể hơn về việc này để các nhà trường, giáo viên, học sinh thực hiện theo đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ".

Lệ Thu