Thuế tăng sốc: Làm đám cưới cũng lo (Quang Huy)

Giá bia, giá thực phẩm tăng, giờ đến giá nước ngọt cũng tăng. “Nói thiệt, đến làm đám cưới người dân cũng lo tăng thuế”. 



Tăng thuế giá trị gia tăng (VAT), thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB)… sẽ kéo giá hàng hóa, dịch vụ tăng, giá nhà đất tăng. Do vậy cần đánh giá tác động đến người dân, doanh nghiệp (DN) và nền kinh tế trước khi tăng thuế. 

Đây là đề xuất của các DN, chuyên gia tại hội nghị lấy ý kiến DN về dự luật sửa đổi, bổ sung năm luật thuế của Bộ Tài chính, do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức ngày 13-9 tại TP.HCM.

Tạo ra sự bất bình đẳng rất lớn 

Ông Nguyễn Tiến Vỵ, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bia Rượu Nước giải khát Việt Nam, đánh giá nếu dự luật được thông qua sẽ ảnh hưởng rất lớn đến các DN nói chung và các DN nước giải khát nói riêng. Cụ thể, các DN phải chịu nhiều loại thuế tăng: Thuế VAT tăng từ 10% lên 12%; thuế TTĐB đối với DN nước ngọt là 10%; thuế suất VAT áp dụng cho đường tăng từ 5% lên 6%.

“Nếu luật được ban hành, giá các sản phẩm nước giải khát trên thị trường sẽ tăng khoảng 12%, ảnh hưởng đến việc tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời chi phí sản xuất sẽ tăng lên do mức thuế VAT tăng áp dụng cho đường. Tất cả yếu tố này sẽ gây ra những hệ lụy như tăng giá thành sản phẩm, giảm quy mô sản xuất, giảm lao động… Đối tượng chịu ảnh hưởng nhiều nhất của luật này sẽ là các DN vừa và nhỏ” - ông Vỵ lo ngại.

Đồng quan điểm, đại diện Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam nhận xét đề xuất tăng thuế VAT từ 10% lên 12% và đề xuất mức thuế mới cho nhiều nhóm hàng, dịch vụ lên 12% thay vì mức 5% như hiện tại sẽ tạo ra sự bất bình đẳng rất lớn đối với người chịu thuế. Bởi tỉ trọng tiền thuế trên thu nhập của người nghèo cao hơn tỉ trọng tiền thuế trên thu nhập của người giàu. Việc tăng thuế VAT sẽ gia tăng gánh nặng về thuế cho người có thu nhập thấp, cho những người nông dân vì họ phải trả thuế VAT gián thu trong giá cả hàng hóa, dịch vụ mà họ tiêu dùng và sử dụng. 

“Bộ Tài chính đề xuất tăng thuế vì cho rằng những hàng hóa, dịch vụ như nước sạch, điện, máy nội soi, máy siêu âm, thuốc phòng bệnh chữa bệnh… đã được xã hội hóa sâu rộng, nhiều thành phần kinh tế tham gia vì mục đích lợi nhuận. Tuy nhiên, lý do trên là ngụy biện. Đáng lẽ xã hội hóa hiệu quả thì tiếp tục khuyến khích ưu đãi chứ chưa gì đòi tăng” - đại diện hội này nhấn mạnh. 

Cũng theo Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, tăng thuế VAT rồi lại thêm áp thuế tiêu thụ đặc biệt lên nước ngọt, trà, cà phê đóng gói… sẽ đẩy các mặt hàng này tăng giá. Giá bia, giá thực phẩm tăng, giờ đến giá nước ngọt cũng tăng. “Nói thiệt, đến làm đám cưới người dân cũng lo tăng thuế”. 

Sợ thị trường nhà đất đóng băng

Cộng đồng DN lo ngại nhiều hệ lụy sẽ xảy ra khi điều chỉnh tăng thuế và áp thuế VAT khi chuyển quyền sử dụng đất. 

Đại diện Công ty Deloitte Việt Nam phân tích nếu khi chuyển quyền sử dụng đất phải chịu thuế VAT 10% thay vì không chịu thuế như hiện nay thì giao dịch bất động sản bị ảnh hưởng, thậm chí có thể “gây tê liệt thị trường này luôn”. Chịu thuế VAT khiến giá nhà đất tăng lên, giảm sức mua.

“Tiền sử dụng đất là một khoản thu ngân sách nhà nước. Cụ thể là khi nhận bàn giao, thuê đất từ Nhà nước thì DN, cá nhân đã phải trả khoản tiền sử dụng đất cho ngân sách. Do đó, nếu tiếp tục tính thêm thuế VAT trên giá trị quyền sử dụng đất thì có thể xảy ra tình trạng thuế phí chồng thuế phí, đánh thuế hai lần” - đại diện Deloitte Việt Nam nêu thực tế.

Vì vậy, Công ty Deloitte Việt Nam cho rằng việc phân loại và xác định quyền sử dụng đất là đối tượng không chịu thuế VAT như hiện hành là phù hợp với bản chất của sắc thuế này, đảm bảo tính thống nhất của pháp luật. “Đề nghị Bộ Tài chính cân nhắc loại bỏ đề xuất chuyển quyền sử dụng đất thuộc đối tượng phải chịu thuế VAT” - Deloitte Việt Nam đề nghị. 

Tăng thuế không nên cào bằng

Tổng Thư ký Hiệp hội Mía đường Việt Nam Nguyễn Hải đề nghị Bộ Tài chính nên cân nhắc khi lý giải rằng nước ngọt dẫn tới bệnh béo phì, tiểu đường nên phải tăng thuế. 

Vì hiện nay người Việt tiêu thụ chỉ khoảng 17 kg đường/người/năm, trong khi mức tiêu thụ đường bình quân thế giới là 23-25 kg/người/năm, có nhiều nước 30-40 kg/người/năm. Thế nên lo ngại đường là nguyên nhân gây bệnh béo phì, tiểu đường là thiếu căn cứ.

“Lưu ý đường bắp lỏng (HFCS - High-Fructose Corn Syrup) nhập từ Trung Quốc là loại đường siêu ngọt mới đáng lo vì nhiều nước trên thế giới đã hạn chế sử dụng loại đường này trong sản xuất nước ngọt. Trong khi đó, mỗi tháng có cả trăm ngàn tấn đường lỏng nhập vào Việt Nam lại được miễn thuế nhập khẩu như đường trắng. Vì vậy, cần xem xét tăng thuế nhập khẩu đối với loại đường này” - ông Hải nêu ý kiến. 

Đại diện Công ty TNHH DV TV Thuế Trọng Tín thì đề nghị cần hạn chế tăng mức thuế suất VAT đối với những hàng hóa là nhu yếu phẩm hay dịch vụ thiết yếu của người dân và không nên tăng thuế với nước sạch. Trong trường hợp phải tăng thuế VAT thì chỉ nên tăng đối với các mặt hàng xa xỉ, hàng hóa hạn chế sử dụng như ô tô, mô tô phân khối lớn.

PLO