Thêm 44.000 cử nhân, thạc sĩ gia nhập đội ngũ thất nghiệp (Thùy Dung)

 Tuy nhiên, nếu xét kỹ hơn về cơ cấu lao động thất nghiệp thì số người thất nghiệp có trình độ “đại học trở lên” là trên 180.000 người, tăng 44.000 người so với quí 1-2017; tỷ lệ thất nghiệp của nhóm này là 3,63%, trong khi quí trước đó là 2,79%.


Trong khi tỷ lệ thất nghiệp chung có xu hướng giảm nhẹ thì thất nghiệp trong nhóm có trình độ đại học trở lên và nhóm thanh niên lại tăng mạnh.

Theo bản tin cập nhật thị trường lao động Việt Nam quí 2-2017, cả nước có khoảng 1,08 triệu lao động (trong độ tuổi lao động) thất nghiệp, giảm hơn 20.000 lao động so với quí trước đó và giảm khoảng hơn 7.000 lao động so với cùng kỳ năm ngoái. Do đó, tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi giảm còn 2,26%, mức thấp nhất trong năm quí gần đây.

Tuy nhiên, nếu xét kỹ hơn về cơ cấu lao động thất nghiệp thì số người thất nghiệp có trình độ “đại học trở lên” là trên 180.000 người, tăng 44.000 người so với quí 1-2017; tỷ lệ thất nghiệp của nhóm này là 3,63%, trong khi quí trước đó là 2,79%.

Nhóm trình độ “cao đẳng” có gần 83.000 người thất nghiệp, giảm 21.600 người so với quí 1-2017; tỷ lệ thất nghiệp của nhóm này giảm còn 4,96% nhưng vẫn ở mức cao nhất. Nhóm trình độ “trung cấp” có gần 93.000 người thất nghiệp, tăng 9.400 người, tỷ lệ thất nghiệp là 3,5%.

So với quí 1-2017, số thanh niên thất nghiệp tăng gần 27.000 người, lên mức trên 575.000 người, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên cũng tăng lên mức 7,67%.

Theo nhiều chuyên gia, thanh niên luôn là nhóm yếu thế khi tìm việc do chưa có kinh nghiệm cũng như mối quan hệ để tìm được một công việc theo đúng mong muốn và đúng chuyên ngành.

Cũng theo bản tin này, xét về thu nhập, thu nhập của lao động làm công hưởng lương giảm so với quí 1-2017, tuy nhiên tăng hơn cùng kỳ năm trước. Quí 2-2017, thu nhập bình quân tháng từ việc làm chính của lao động làm công hưởng lương là 5,2 triệu đồng, giảm 197.000 đồng (tương đương giảm 3,6%) so với quí 1-2017 và tăng 349.000 đồng (7,2%) so với cùng kỳ năm 2016.

Quí 2-2017, nhóm lao động có trình độ “đại học và trên đại học” có thu nhập cao nhất, đạt gần 7,5 triệu đồng/tháng. Đáng lưu ý là thu nhập của nhóm lao động có trình độ sơ cấp là 6,04 triệu đồng, cao hơn cả nhóm có trình độ trung cấp và cao đẳng.

TBKTSG