Tất cả các vấn đề yếu kém của Việt Nam, vấn đề ùn tắc đường nằm ở nhân sự và cơ chế. (Nguyễn Ngọc Chu)

  Như tất cả các vấn đề yếu kém của Việt Nam, vấn đề ùn tắc đường nằm ở nhân sự và cơ chế.
 
 
Hà nội không vội được đâu

Cớ sao lại vội xây cầu?

Rồi nợ thêm chồng chất, thất thoát thêm kinh hoàng.
 
HÀ NỘI ĐỪNG VỘI XÂY CẦU HÃY TẬP TRUNG CHỐNG ÙN TẮC
Ai cũng mong cho Thủ đô phát triển ngày càng hiện đại văn minh giàu đẹp. Nhưng nghe tin chính quyền TP Hà Nội báo cáo Chính phủ xây dựng thêm 6 cây cầu (4 qua sông Hồng: Tứ Liên, Thượng Cát, Vĩnh Tuy (giai đoạn 2), Trần Hưng Đạo; 2 qua sông Đuống: Đuống 2, Giang Biên), với kinh phí dự kiến 57 000 tỷ đồng, sao lòng không vui mà chỉ thấy lo và buồn.
1. Về giao thông, điều cấp thiết nhất của Hà Nội hiện nay là tập trung nguồn lực để giải quyết nạn ùn tắc giao thông nội đô ngày càng thảm họa. Nếu tính thiệt hại do ùn tắc hàng ngày ra tiền thì vô cùng lớn (có số liệu ước tính13000 tỷ một năm!). Chưa nói đến ức chế thần kinh, tai nạn, ô nhiễm môi trường…
Trong số đó ưu tiên hàng đầu là xây dựng hệ thống giao thông công cộng, bao gồm đường tàu điện ngầm, đường sắt trên cao, hệ thống xe buýt. Các hệ thống này nhất thiết phải có đường vòng tròn nội đô trước các đường xuyên tâm thành phố. Song hành là hệ thống cầu vượt, đường ngầm…và còn nhiều điều khá không thể đề cập ở đây.
2. Với 6 cây cầu hiện nay (Thăng Long, Nhật Tân, Long Biên, Chương Dương, Vĩnh Tuy, Thanh Trì) đủ để đáp ứng cho lưu thông qua sông Hồng trong một thập kỷ nữa. Khoảng cách giữa các cây cầu cũng đã đủ ngắn hợp lý.
Vấn đề kẹt xe qua sông hiện nay không vì do lưu lượng xe qua cầu, mà là do ách tắc ở các tuyến đường trước và sau cầu. Đây là vấn đề mấu chốt cần giải quyết. Sau 5-15 năm hãy từng bước bổ sung dần thêm hai cây cầu là đáp ứng hoàn toàn lưu lượng giao thông qua sông cho đến 2050. Cần nghiên cứu số cầu qua sông của các thành phố lớn trên thế giới để có số liệu thực tiễn mà tham khảo.
3. Biết là cho tương lai, càng nhiều cầu càng tốt, nhưng không phải là lúc này, nhất là trong điều kiện tài chính eo hẹp, phải ưu tiên chống ùn tắc giao thông nội đô trước.
Đừng để mọi người hiểu sang động cơ có dự án mới thì mới có tiền, dự án càng lớn thì tiền càng nhiều, và có phát triển cầu đường thì giá bất động sản mới tăng, bởi mục tiêu dự án đã ghi rõ là mở thêm hướng phát triển đô thị về phía Bắc.
HÃY TẬP TRUNG NGUỒN LỰC CHỐNG ÙN TẮC GIAO THÔNG
4. Giải thưởng 325 000 USD cho sáng kiến chống ùn tắc giao thông Hà Nội rầm rộ trong tháng 1/2017, theo kế hoạch phải quyết định vào tháng 4/2017, nhưng đến nay vẫn im hơi lắng tiếng.
Viết xong bài thì được biết chiều 8/9 giải thưởng chống ùn tắc đã được trao. Điều lạ lùng là giải thưởng đã được trao trong kín tiếng, đến nỗi hạn chế cả báo giới. Không có giải nhất, chỉ có giải nhì 100 000 USD, cùng 25000 USD hỗ trợ cho các đơn vị tham gia. Bảy giải pháp đưa ra cũ rích. Chỉ thêm lãng phí tiền của dân!
Việc họp kín trao giải đã không chỉ nói lên thất bại của giải thưởng mà còn gây nghi ngờ, tại sao lại phải bí mật cho một vấn đề công cộng của toàn dân. Ngay việc hạn chế các nhà thầu tham gia ban đầu cũng đã nói lên sự đóng cửa của giải. Gọi người tài cứu nước mà không vào hang cùng ngõ hẻm, thì lấy đâu ra Thánh Gióng.
5. Thực ra vấn đề ùn tắc giao thông là vấn đề kinh điển mà tất cả thành phố lớn trên thế giới đều phải đối mặt, chứ không riêng gì Hà Nội. Nên phải học theo kinh nghiệm các nước đi trước mà làm là điều quan trọng bậc nhất, chứ không thể đợi chờ phép nhiệm mầu từ ai đó. Phép nhiệm mầu chỉ đến từ công nghệ chế tạo phương tiện vận tải và thiết bị vật liệu thi công, chứ không phải hô biến hóa là nhà cửa ẩn đi mà đường cái rộng ra.
6. Xây tàu điện ngầm là ưu tiên số một cho giao thông công cộng đô thị lớn. Vừa bảo vệ được nguyên trạng cảnh quan thành phố phía trên, vừa tận dụng được lòng đất như là mặt bằng thứ hai, lại kết hợp với các siêu thị ngầm, và còn có khả năng bảo vệ người trong chiến tranh cũng như phục vụ cho mục đích quốc phòng. Tưởng là đắt nhưng thực ra không đắt.
Xây tàu điện ngầm, cần xây vòng xuyến (vành đai) trước khi xây các đường xuyên tâm. Từ vòng xuyến có thể di chuyển nhanh đến mọi hướng của thành phố, rồi từ đó mà đi bộ hoặc chuyển sang các phương tiện khác. Với một vòng xuyến và 2 đường chéo xuyên tâm, sau đó là thêm các đường chéo và vòng xuyến khác, sẽ tạo nên một hệ thống giao thông ngầm tốt cho cả trăm năm.
7. Hai tuyến đường sắt trên cao chở người từ đô thị vệ tinh đổ về trung tâm như Hà Đông - Cát Linh và Nhổn - Kim Mã sẽ chưa có nhiều hiệu quả, mặc dù đã đầu tư vô cùng tốn kém. Đáng ra phải làm đường sắt trên cao vành xuyến trước. Mô hình đường nối đô thị vệ tinh phù hợp nhiều hơn với các nước châu Âu, vì giữa các đô thị vệ tinh và thành phố lớn là mênh mông đồng cỏ cùng rừng cây mà thưa thớt nhà cửa. Còn ở ta thì từ Hà Đông cho đến Nhổn đã trở thành một thành phố. Ở Việt Nam sẽ khó có khái niệm đô thị vệ tinh đúng nghĩa, vì cư dân đông với phố xá liên tiếp nối nhau theo các trục đường chính tạo nên đô thị liên hoàn, nên cần thận trọng khi vận dụng các tư tưởng liên quan đến đô thị vệ tinh.
BAO GIÒ THÌ HÀ NỘI GIẢM BỚT NẠN ÙN TẮC ĐƯỜNG
8. Nhớ lại, ngày 6/12/2007, tại kỳ họp HĐND TP Hà Nội, GĐ CA Hà Nội Nguyễn Đức Nhanh nói “2015 Hà Nội sẽ là thành phố an toàn văn minh, không có ùn tắc giao thông”!
Bây giờ là năm 2017, nạn ùn tắc giao thông còn thê thảm hơn năm 2007.
9. Bao giờ thì Hà Nội sẽ giảm bớt nạn ùn tắc đường?
Đó là ngày Hà Nội có lãnh đạo giỏi.
Như tất cả các vấn đề yếu kém của Việt Nam, vấn đề ùn tắc đường nằm ở nhân sự và cơ chế.
(FB Nguyễn Ngọc Chu)