Hơn 2.000 tiểu thương chợ An Đông bãi thị (BBC)
Sau
khi hết hợp đồng với công ty xây dựng chợ năm 2011, tiểu thương lại
đóng góp thêm hơn 217 tỷ để chỉnh trang, sửa chữa chợ từ năm 2013, nhưng
gần 5 năm qua lại không tiến hành việc sửa chữa nâng cấp chợ theo yêu
cầu của các tiểu thương.
Áo đỏ, băng rôn đỏ, dưới tiết trời
nắng rực 32 độ C, hàng ngàn tiểu thương vẫn tập trung trước cổng chợ An
Đông sáng 19/9 tham gia cuộc bãi thị mà họ gọi là "đòi quyền lợi cho
tiểu thương chợ An Đông".
Theo báo Thanh Niên, hôm 19/9 có hơn
2.000 tiểu thương đang kinh doanh tại Trung tâm thương mại dịch vụ An
Đông, hay còn gọi là chợ An Đông ở Quận 5, TP HCM, đồng loạt ngưng kinh
doanh, đóng sạp.
Cuộc tuần hành dường như liên quan đến kiến nghị
của các tiểu thương trong một thời gian qua về việc ban quản lý chợ thu
phí bất hợp lý và không tiến hành sửa chữa như đã cam kết.
Đã đóng phí 'sở hữu sạp' vẫn phải đóng phí 'thuê sạp'?
Một
vấn đề khác mà nhiều tiểu thương cũng đang bức xúc đó là việc đóng thêm
phí "thuê sạp" hằng năm, dù đã trả tiền "sở hữu sạp" dài hạn.
Theo
báo Sài Gòn Giải Phóng, năm 1989 thành phố và lãnh đạo quận 5 kêu gọi
tiểu thương góp vốn xây dựng lại chợ. Tiểu thương được quyền kinh doanh
ổn định trong thời gian 20 năm. Và tiểu thương là đồng sở hữu chợ An
Đông được xây dựng lại, không đơn thuần là thuê sạp.
Hơn 2.000 chủ
sạp đã đóng tiền xây dựng và "sở hữu quầy sạp" từ 1991-2011 trong hợp
đồng giữa đơn vị đầu tư và tiểu thương. Tuy nhiên, 25 năm qua, ban quản
lý vẫn thu phí thuê sạp hằng năm.
Bà Trần Thị Thu Thùy, đại diện hội tiểu thương chợ An Đông, nói với báo Thanh Niên hôm 12/8:
"Chúng
tôi đã đóng lố 20 năm, nay sao thu nữa... Tuy nhiên, sau đó BQL mang tờ
giấy có chữ ký "điểm danh" các tiểu thương tham dự cuộc họp này và đi
nói với các tiểu thương khác là trưởng các ngành hàng đã đồng ý rồi. Đây
có phải là cách làm việc gian trá không?"
Thu tiền từ lâu, nhưng sửa chữa chậm trễ
Sau
khi hết hợp đồng với công ty xây dựng chợ năm 2011, tiểu thương lại
đóng góp thêm hơn 217 tỷ để chỉnh trang, sửa chữa chợ từ năm 2013, nhưng
gần 5 năm qua lại không tiến hành việc sửa chữa nâng cấp chợ theo yêu
cầu của các tiểu thương.
Tháng 5/2017, ông Phạm Quốc Huy, Chủ tịch
UBND Quận 5 nói sẽ khởi công xây dựng bốn mặt tiền chợ An Đông vào ngày
12/6, mở thầu hệ thống phòng cháy chữa cháy trong tháng 7 và gắn máy
điều hòa, xử lý nước thải, sửa chữa thang nâng hàng vào tháng 8, theo
báo Thanh Niên.
Cũng theo báo này, tiểu thương sau đó lại nhận
được thông báo việc nâng cấp sửa mặt tiền sẽ chậm thêm một năm, sẽ không
khởi công cho đến 15/5/2018,
Biểu tình sáng 19/9
Theo
báo Thanh Niên, từ 5 giờ sáng, tiểu thương đã tập trung trước cổng chợ
An Đông. Đến tầm 9 giờ thì Chủ tịch UBND Q.5 Phạm Quốc Huy xuất hiện và
nói: "Chúng tôi ghi nhận những yêu cầu của tiểu thương và sẽ về báo cáo
giải quyết sau chứ không phải ngay bây giờ".
Không đồng tình với
câu trả lời của đại diện chính quyền, tiểu thương vẫn tiếp tục đi biểu
tình tuần hành từ cổng chợ An Đông đến trụ sở UBND thành phố.
Theo ông Trần Trung Hiếu, một người có gia đình sở
hữu một sạp hàng tại chợ An Đông cho biết, đoàn biểu tình đã tuần hành
đến UBND thành phố và sau khi làm việc, chính quyền gọi xe buýt đưa đoàn
biểu tình về.
"Tình hình chợ xuống cấp quá, mọi người chỉ mong
muốn được xây sửa cho khang trang như Bến Thành. Chợ An Đông cũng lớn
như Bến Thành và là biểu trưng của Chợ Lớn," ông Hiếu nói với BBC.
Ông
Nguyễn Võ Xuân Kỳ, chánh văn phòng Quận 5 xác nhận sáng 19/9 chủ tịch
Phạm Quốc Huy có tiếp xúc, gặp gỡ trao đổi với người dân, nhưng không
"rõ hai bên đã trao đổi những gì, có thể có vấn đề nảy sinh."
Về
các kiến nghị của tiểu thương, ông Kỳ cho BBC biết "Ủy ban Quận 5 vẫn
đang chấp hành sửa chữa theo ý kiến của thương nhân, báo cáo theo tổ sửa
chữa hàng tuần.
"Trong các cuộc họp với tiểu thương, Quận 5 đã
thống nhất sẽ hoàn thành sửa chữa chợ trong năm 2017. Tuy nhiên việc sửa
chữa ban ngày sẽ ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh cho nên tiến hành
sửa chữa vào xế chiều, ban đêm chứ không có chuyện dời thời gian sửa
chữa sang 2018."