Hơn 100 héc ta rừng phòng hộ bị xóa sổ ở Quảng Nam (Đắc Thành)
Tại hiện trường những cánh rừng phòng bị chặt phá nghiêm trọng. Từng
mảng rừng bị "xẻ thịt", đốt cháy nham nhở để lại thân cây, gốc cây nằm
la liệt. Những cây keo cao khoảng 30 cm được trồng bên cạnh những gốc,
thân cây lớn đã bị đốn hạ.
Có hơn 100 héc ta rừng phòng hộ ở xã Tiên Lãnh (Quảng Nam) bị xóa sổ lấy đất trồng keo, chủ tịch huyện này nhận trách nhiệm vụ việc.
Ngày 22/9, Ông Lê Trí Thanh - Phó chủ tịch tỉnh Quảng Nam cùng cơ quan
chức năng đi kiểm tra hiện trường phá rừng phòng hộ xã Tiên Lãnh, huyện
Tiên Phước. Sau tám giờ lội rừng đã có buổi làm việc mổ xẻ trách nhiệm
và xử lý vụ việc.
Theo Sở Nông nghiệp Quảng Nam, từ năm 2010 đến cuối 9/2017, trên địa
bàn xã Tiên Lãnh phát hiện và lập hồ sơ 54 vụ phá rừng để lấy đất sản
xuất. Việc này đã phá 124 héc ta rừng tự nhiên.
Trong đó có trên 68 héc ta giao khoán bảo vệ rừng do Ban quản lý
trồng rừng huyện Tiên Phước giao cho nhóm hộ quản lý. Hơn 49 héc ta do
UBND xã Tiên Lãnh quản lý.
Theo ông ông Lê Minh Hưng - Phó giám đốc Sở Nông nghiệp Quảng Nam,
huyện Tiên Phước đã ban hành quyết định thu hồi diện tích vi phạm và
giao cho UBND xã quản lý 19 vụ trên 52 héc ta, khởi tố hình sự 10 vụ và
đang điều tra, xử lý 25 vụ.
“Riêng năm 2017 đã phát hiện 10 vụ vi phạm, diện tích rừng bị phá gần
25 héc ta. Hạt Kiểm lâm đang phối hợp với cơ quan chức năng và chính
quyền địa phương điều tra, xử lý”, ông Hưng nói.
Ông Hưng cho biết thêm, việc xảy ra phá rừng chính quyền địa
phương chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm quản lý nhà nước về rừng và đất
lâm nghiệp. Đặc biệt chưa huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc trong
công tác quản ý bảo vệ rừng.
"Phá rừng xảy ra nhưng địa phương chưa chỉ đạo xử lý quyết liệt
các vụ việc vi phạm và giải quyết kịp thời những vướng mắc trong công
tác phối hợp thực hiện nhiệm vụ quản lý bảo vệ rừng tại địa phương", ông
Hưng nói lý do xảy ra phá rừng.
Ông Hưng thông tin thêm, để xảy ra phá rừng do công tác phối hợp giữa
hạt kiểm lâm với chính quyền địa phương cấp xã và các ngành chức năng
chưa đồng bộ. "Do đó tình trạng vi phạm xảy ra trong thời gian dài, với
quy mô lớn nhưng việc phát hiện vi phạm và điều tra xử lý chưa kịp
thời", vị lãnh đạo Sở Nông nghiệp cho hay.
Lãnh đạo UBND huyện Tiên Phước, UBND xã Tiên Lãnh, công an huyện và lực
lượng kiểm lâm đưa ra lý do phá rừng do diện tích lớn, lực mỏng. Từ đó,
rừng bị phá diện tích lớn chưa được phát hiện kịp thời.
Ông Hường Văn Minh - Chủ tịch huyện Tiên Phước bày tỏ, vào kiểm tra
hiện trường phá rừng mới thấy "đau lòng". Ông cũng thấy áy náy, phiền
lòng với lãnh đạo tỉnh vì để xảy ra tình trạng phá rừng nghiêm trọng và
kéo dài.
“Để xảy ra phá rừng huyện, xã nhận trách nhiệm việc này. Còn số liệu
rừng bị phá cơ quan chức năng sẽ đo đếm cụ thể và thông báo rộng rãi”,
ông Minh nói.
Đại tá Nguyễn Đức Dũng, Phó giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam, cho rằng
cần xem xét trách nhiệm của lực lượng kiểm lâm, cơ quan chức năng ở địa
phương khi để rừng bị tàn phá trong thời gian dài. "Một số vụ án kiểm
lâm đã khởi tố nhưng chậm bàn giao hồ sơ cho công an nên việc tìm ra thủ
phạm rất khó khăn", ông Dũng bày tỏ.
Ông Lê Trí Thanh – Phó chủ tịch tỉnh Quảng Nam nhận định, qua thực tế
đi kiểm tra, những khu rừng bị phá không có mục đích lấy gỗ. Việc phá
rừng lất đất trồng keo.
Ông Thanh yêu cầu làm rõ trách nhiệm xảy ra phá rừng, trong đó huyện
Tiên Phước và Ban Quản lý trồng rừng huyện này trực tiếp quản lý nhưng
chưa chặt chẽ, thiếu kiểm tra, giám sát tuần tra bảo vệ rừng.
“Xã Tiên Lãnh trực tiếp quản lý, nhưng có dấu hiệu buông lỏng quản lý,
công tuyên truyền, nắm bắt thông tin chưa kịp thời. Việc này đã làm mất
niềm tin trong nhân dân” ông nói và cho rằng, nhà chức trách đã khởi tố
nhiều vụ án nhưng không đủ hồ sơ để chuyển công an để khởi tố bị can.
"Nguyên nhân là hồ sơ không chặt chẽ, thời gian kéo dài, hiện trường
thay đổi. Từ đó dẫn đến xử lý các vụ phá rừng không triệt để", ông Thanh
chỉ ra nguyên nhân rừng bị phá.
Ông Thanh đề nghị công an khẩn trương củng cố hồ sơ khởi tố bị can để
làm rõ phá rừng vừa phát hiện. “Phải tìm ra người chủ mưu thuê người phá
rừng xử lý, huyện Tiên Phước phối hợp với kiểm lâm xác định chính xác
diện tích rừng bị phá", ông Thanh yêu cầu.
Trước đó, người dân Tiên Lãnh phản ánh, những năm gần đây, cây
keo tràm đem lại giá trị kinh tế cao, nhiều người dân đã mang cưa máy
đốn hạ rừng tự nhiên để lấy đất trồng loại cây này.
Tại hiện trường những cánh rừng phòng bị chặt phá nghiêm trọng. Từng
mảng rừng bị "xẻ thịt", đốt cháy nham nhở để lại thân cây, gốc cây nằm
la liệt. Những cây keo cao khoảng 30 cm được trồng bên cạnh những gốc,
thân cây lớn đã bị đốn hạ.
VNE