Hậu thế sẽ nói chúng ta là tội đồ!

"Việc phá rừng làm thủy điện giống như mảng da trên người sẽ mất dần, giờ chúng ta phá dần dần thì hậu thế 100 năm sau nói chúng ta là tội đồ."

Bà Thủy phát biểu tại phiên thảo luận tổ

Đại biểu HĐND tỉnh Quảng Nam phát biểu như trên khi đề cập đến việc tỉnh Quảng Nam muốn đưa vào quy hoạch thêm 4 thủy điện.

Ngày 18-7, tại ngày làm việc thứ 2 kỳ họp thứ 5 HĐND tỉnh Quảng Nam khóa IX đang diễn ra, vấn đề đưa vào quy hoạch thêm 4 thủy điện ở huyện Nam Trà My trở thành vấn đề nóng tại phiên thảo luận tổ.

Bà Lê Thị Thủy, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Quảng Nam, cho rằng việc đầu tư xây dựng thêm 4 thủy điện là không cần thiết. "Có cần thiết phải có nhiều thủy điện như vậy không? Tôi chưa thấy có tỉnh nào có quá nhiều thủy điện như Quảng Nam" - bà Thủy băn khoăn.

Theo bà Thủy, việc xây dựng thêm thủy điện chỉ mới tính đến cái lợi trước mắt, về lâu dài thì sẽ ảnh hưởng rất lớn, mất đất sản xuất, mất rừng tự nhiên. Bà Thủy cũng lo ngại diện tích đất rừng bị thu hẹp để làm thủy điện sẽ tác động đến môi trường sinh thái, đặc biệt là ảnh hưởng đời sống, văn hóa của đồng bào dân tộc miền núi gắn liền với thiên nhiên, gắn liền với rừng.

"Việc phá rừng làm thủy điện giống như mảng da trên người sẽ mất dần, giờ chúng ta phá dần dần thì hậu thế 100 năm sau nói chúng ta là tội đồ" - bà Thủy lo ngại.

Trong khi đó, ông Hồ Quang Bửu, Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My cho rằng việc xây dựng thêm 4 thủy điện trên địa bàn huyện là cần thiết. Ông Bửu cho rằng, huyện Nam Trà My gặp nhiều khó khăn trong việc phát triển kinh tế, xã hội, mà một trong những nguyên nhân là thiếu điện. Vào buổi chiều cúp điện, vào mùa mưa có khi cúp cả tuần. Trong khi đó địa phương đang phát triển cây dược liệu, đặc biệt là cây sâm. Nếu không có điện thì làm sao các doanh nghiệp đầu tư. Để đầu tư đường dây 110 KV thì cần kinh phí rất lớn, mà nguồn kinh phí Nhà nước không đủ tiền để đầu tư đường dây 110 KV từ Bắc Trà My lên Nam Trà My.

"Tôi đã trực tiếp đến nơi dự định xây 4 thủy điện, ở đó chỉ có rừng nứa, các thủy điện này sẽ không phải di dời hộ dân nào, không ảnh hưởng đến đất sản xuất và hạ du, đập thủy điện cao nhất chỉ 13 m. Vì vậy, những thiệt hại để xây dựng các thủy điện này quá nhỏ, trong khi mặt lợi lại lớn. Tất nhiên việc gì cũng có hai mặt của nó, vì vậy chúng ta phải dũng cảm lựa chọn, nên xây dựng các thủy điện này để giúp phát triển kinh tế - xã hội" - ông Bửu quả quyết.

Trước đó, UBND tỉnh Quảng Nam có tờ trình gửi HĐND tỉnh đề xuất bổ sung thêm 4 thủy điện vừa và nhỏ vào quy hoạch. 4 dự án thủy điện nằm trên địa bàn huyện Nam Trà My, gồm thủy điện Trà Linh 1, Tăk Lê, Nước Lah và thủy điện Trà Leng. Theo đó, 4 dự án thủy điện trên có tổng công suất 78,8 MW; Tổng diện tích chiếm đất của 4 dự án là 144, 27ha (bình quân 1,83ha/1MW). Trong đó chiếm đất lâm nghiệp là 60,1ha (2,44ha đất quy hoạch rừng phòng hộ và 57,66 ha đất quy hoạch rừng sản xuất).

Tin-ảnh: Tr,.Thường

===//===
Thủy điện: Lợi và hại 
 
Ở nước ta, kẹt xe, ngập đường đúng là các bài toán khó giải, nhưng thủy điện nhỏ mới là nỗi nhức nhối lớn. Tác hại nhiều mặt đã làm nhạt nhòa cái lợi chúng mang lại.

Xe kẹt hay phố ngập là nỗi bức xúc của các thị dân lâu nay. Họ ca thán nhưng cũng mau quên vì thấy mình cũng… góp lỗi. Còn đối với phần lớn người dân Tây Nguyên, Bắc và Nam Trung Bộ, thủy điện đã thành nỗi ám ảnh lẫn bức xúc cao độ, bởi chính họ đâu có lỗi gì trong những thiệt hại do các hệ thống đập gây ra! Tình cảnh mất rừng, biến dạng sinh thái môi trường, mất đất, mất sinh kế sống lẫn mất mạng trong những năm gần đây khiến thủy điện nhỏ bị xem là các quả “bom nước”, hai tiếng thủy điện văn minh đã biến thành “thủy quái”.
Thủy điện không có lỗi

Lỗi không từ dân và lỗi cũng chẳng đến từ… thủy điện. Sáng tạo nguồn năng lượng từ nước, nguồn lợi “khủng” thiên nhiên ban tặng, là một trong những phát kiến vĩ đại nhất của loài người. Sử dụng thủy điện là ưu việt nhất vì nó có nhiều cái “không”: không tác hại tầng ô-zôn, khiến đất chua, không gây nhiễm bẩn do các kim loại nặng hay tạo nhiễm xạ dẫn đến ung thư, không sản sinh chất thải công nghiệp và làm cạn các nguồn năng lượng truyền thống khác như than, dầu mỏ, khí đốt.

Chưa hết, do không phải đầu tư lớn cho các nhiên liệu như uran, dầu mỏ, khí thiên nhiên hay than đá, rồi phí nhân công lại thấp do được tự động hóa cao, nên giá thành điện sản xuất thường rất rẻ. Thủy điện đang cung cấp khoảng 20% lượng điện trên thế giới, đóng vai trò chủ chốt số một về năng lượng tại một số quốc gia như Na Uy, Iceland, Áo hay Canada. Công của thủy điện còn phải kể đến cả nhiệm vụ cắt, chống lũ cho hạ du mùa mưa bão kiêm cung cấp nước phục vụ sản xuất và nhu cầu dân sinh mùa khô. Ở Việt Nam, nếu không có thủy điện, cứ 3 ngày sẽ có 1 ngày mất điện. Năm 2014, thủy điện chiếm khoảng 32% trong tổng sản lượng điện nước nhà, khoảng 35.000MW, trong đó 60% tập trung tại miền Bắc, 27% phân bố ở miền Trung và 13% thuộc khu vực miền Nam.
Thủy điện nhỏ thành thủy quái lớn

Tuy nhiên, từng ấy điểm son xem ra là toàn nhờ những anh cả làng thủy điện Việt như Thác Bà, Hòa Bình, Sơn La hay Trị An… mang lại. Còn vô số thủy điện nhỏ có vẻ chỉ là những “trẻ trâu” làm xấu mặt đàn anh khi chỉ đem về điểm liệt. Không phủ nhận rằng địa hình, thời khí nước ta có quá nhiều thuận lợi, từ lượng mưa trung bình hàng năm cao, hệ thống sông ngòi dày đặc, nhưng tận dụng chúng để làm lợi cho người dân thì các thủy điện nhỏ xem như đang thất bại.

Chúng ngày càng mọc ra như nấm, cái hại với con người và thiên nhiên càng to, kể cả tình hình lâm tặc đã lợi dụng để chặt phá rừng, vận chuyển, buôn bán gỗ lậu. Cuối tháng 9 – 2009, thủy điện A Vương xả lũ sau bão số 9 gây ngập úng diện rộng. Tháng 9 – 2016, vụ vỡ ống thủy điện Sông Bung 2 làm nhiều người mất tích. Mới đây, tháng 10 vừa qua, thủy điện Hố Hô xả lũ ngay mùa mưa gây thiệt hại nghiêm trọng cho Hà Tĩnh và Quảng Bình chẳng kém gì trận lũ lịch sử năm 1999. Cả chục vụ tệ hại liên tiếp diễn ra chỉ trong chưa đầy một thập kỷ khiến người dân phải gọi thủy điện nhỏ là thủy quái, giới truyền thông đặt cho chúng biệt danh “quả bom nước”. GS.TSKH Phạm Hồng Giang nói: “Tôi chưa thấy nơi nào có nhiều thông báo về sự cố thủy điện nhỏ và vừa như ở Việt Nam”. Còn chuyên gia hải vụ quốc tế phê ngay một câu nghe “nóng mặt” : “Thủy điện Việt Nam đi “ngược chiều” thế giới”!

Nhiều dự án đều chung những lỗi từ việc không có đủ các quy chuẩn cần thiết, không cửa xả đáy đến không đảm bảo công tác giám sát… đó là chưa tính các “phốt” khác. Thủy điện Sông Tranh 2 thi công sai với thiết kế phải xử lý thấm. Đập nước sông Bung tính toán tần suất và lưu lượng lũ không chính xác, dẫn đến phương án dẫn dòng bị lệch. Đăk Mi 4 chịu phạt hành chính do không trình được phương án phòng chống lũ lụt hạ du. Bài toán ổn định cuộc sống người dân tái định cư thủy điện A Vương sau hơn 10 năm vẫn chưa có lời giải. Thủy điện Dak Mek 3 khi kiểm tra thân đập toàn đất, cát, đá. Còn Hố Hô sai sót đủ thứ, từ chấp hành quy định về tài nguyên nước, về vận hành hồ chứa và cả sự sai sót “ngây thơ” của chủ đầu tư khi giải trình “do nước lũ về quá nhanh nên buộc phải xả”.
Những thực tế cần cải thiện

Thủy điện đang đổ nước xuống cho dân nhiều hơn cung cấp điện là do chúng làm đúng công năng đã bị nhà đầu tư vì tư lợi mà bỏ qua. Kết quả là mục đích phát điện không cân bằng với những lợi ích công cộng. Người điều hành có kinh nghiệm về thủy điện ít hơn nhân viên giao tế, tiếp thị. Số liệu quan trắc, dự báo sơ sài không đối phó đúng trong công tác chống lũ. Nói thẳng là thủy điện nhỏ đã được đem ra kinh doanh như làm ăn bất động sản. Một bên làm “đại khái” để bán được nhà, một bên làm “sơ sài” để bán được… điện.

Lâm Đồng xây một loạt 22 thuỷ điện để bán điện cho tập đoàn lớn. Ngay giới chức tỉnh này cũng từng hồ hởi “khoe” làm thế mỗi ngày, tỉnh đã bỏ túi 100 triệu đồng tiền thuế tài nguyên nước các nhà máy sử dụng để phát điện, chưa tính đến tiền bán… điện. Đầu tư thủy điện đã được giới tư nhân xem là lĩnh vực “ăn chắc” nhất. Vốn ít mà điện luôn được đón mua, bởi Việt Nam đang báo động thiếu điện! Những nơi có thể xây nhà máy thủy điện để mang lại lợi ích cho đất nước đến nay xem như đã kín chỗ, thế mà vẫn có cả trăm thủy điện nhỏ mọc lên. Nghịch lý ấy không cắt nghĩa tất ai cũng hiểu.

Chính quyền vừa quyết định loại bỏ 463 thủy điện nhỏ tác động xấu đến môi trường, xã hội. Đó là tin đáng mừng. Nhưng còn những nhà máy đang hoạt động thì sao? Đã có ý đồ buôn bán, tất có lúc lỗ, lúc lời. Thủy điện nhỏ vẫn chưa hết gây hệ lụy. Nhà máy phát điện nhưng giới độc quyền điện lại mua nhỏ giọt vì họ đã mua được nhiều điện từ Trung Quốc. Thế là, vốn đầu tư lớn mà nay hiệu quả không cao, trong khi hầu như đã đạt được mục đích chính là khai thác lâm sản, nên hàng loạt doanh nghiệp đang tìm cách rút khỏi các dự án thủy điện. Với ý đồ đó, dễ gì các chủ đầu tư toàn tâm với những nhà máy của mình đang tồn tại, từ duy tu, bảo dưỡng, theo dõi và vận hành. Những cơ sở sinh điện này sẽ mặc nhiên xuống cấp và rồi mối hiểm họa cho dân càng cao khi mùa mưa lũ đến.
Thủy điện nhỏ hiệu quả ở trời Tây.


Có điều oái oăm: trong khi thủy điện nhỏ là thủy quái ở Việt Nam thì ở các nước Tây Âu như Mỹ, Canada, Thụy Điển, Tây Ban Nha, Pháp hay Ý, chúng lại đang đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp năng lượng chẳng kém gì những nhà máy thủy điện lớn. Với quan điểm bảo vệ môi trường xung quanh, ở các quốc gia kể trên, người ta làm các nhà máy thủy điện nhỏ không cần hồ chứa nước dự trữ, chỉ sử dụng suối, kênh, mương. Kênh đào dẫn nước không dài quá 5km. Để giảm thiểu ảnh hưởng xấu đến môi trường xung quanh, khi xây dựng chúng, mỗi trường hợp cụ thể phải được xem xét đến nhiều yếu tố, từ địa hình bản địa, tình hình sản xuất nông nghiệp, hiện trạng của lòng sông. Chủ đầu tư phải liệt kê những đặc trưng có sẵn khác để đưa ra đề xuất phương án thiết kế thích hợp. Tất cả các phương án này đều được thăm dò công khai, góp ý, đề nghị giải pháp, sau đó trình hội đồng thẩm định rủi ro về khoa học kỹ thuật mới nhận được quyết định thực hiện.

Các thủy điện nhỏ ở châu Âu không có ý đồ kinh doanh điện quy mô mà chỉ ra đời với mục đích giải quyết nhu cầu điện tại chỗ cho các vùng sâu, vùng xa. Chúng góp phần bảo vệ môi trường lẫn tiết kiệm các nguồn năng lượng khác như than, dầu mỏ, khí đốt… nên tội ít công nhiều.

Hoạt động của thủy điện nhỏ ở châu Âu

> Tây Ban Nha: Cung cấp một lượng điện đủ dùng cho hơn 1,1 triệu hộ dân cư, đồng thời trong mỗi năm sẽ tiết kiệm được khoảng 250 ngàn tấn nhiên liệu và giảm thiểu một lượng khí CO2 thải ra môi trường vào khoảng 2,6 triệu tấn.

> Đức: Để không làm bẩn nước, trong tua-bin sử dụng các linh kiện không cần bôi trơn khi hoạt động và chúng đều được kiểm tra từ xa.

> Anh Quốc: là những nhà chuyên nghiệp trong việc sản xuất, lắp đặt và bảo trì các nhà máy thủy điện nhỏ trong nước và trên thế giới.

> Liên Bang Nga: Cho sản lượng điện 500 tỷ kWh trong một năm nhờ hơn 2,5 triệu sông suối nhỏ với tổng lưu lượng nước vào khoảng 1000 tỷ m³/năm.

TRẦN TRUNG - ESQUIRE VIỆT NAM