Trung - Triều khẩu chiến: Bình Nhưỡng quyết không cầu cạnh Bắc Kinh (Hồng Thủy)

"Những phát ngôn quá khích này đang làm cho cục diện bán đảo Triều Tiên vốn đã căng thẳng lại càng trở nên căng thẳng. Nhân Dân nhật báo và Thời báo Hoàn Cầu vốn được xem là cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc gần đây có những bài bình luận cho rằng, Triều Tiên có vũ khí hạt nhân sẽ uy hiếp lợi ích quốc gia Trung Quốc."


Thông tấn xã Trung ương Triều Tiên KCNA ngày 3/5 có bài xã luận: "Bình luận về quan hệ giữa Cộng hòa Dân chủ nhân dân Triều Tiên và Trung Quốc". Bài xã luận viết: "Bình Nhưỡng ngày 3/5, KCNA: Kim Chol hôm thứ Tư công bố bài bình luận, nhắc nhở truyền thông Trung Quốc hãy kiềm chế, chớ đưa ra những phát biểu liều lĩnh phá hoại quan hệ Trung - Triều.

Xin lưu ý rằng, gần đây xuất hiện một loạt bài báo với những phát biểu ngớ ngẩn và liều lĩnh từ nước láng giềng lớn, có lẽ là do bị Mỹ cao giọng đe dọa và tiếng động cơ máy bay Mỹ khiến họ hoảng sợ.

Những phát ngôn quá khích này đang làm cho cục diện bán đảo Triều Tiên vốn đã căng thẳng lại càng trở nên căng thẳng. Nhân Dân nhật báo và Thời báo Hoàn Cầu vốn được xem là cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc gần đây có những bài bình luận cho rằng, Triều Tiên có vũ khí hạt nhân sẽ uy hiếp lợi ích quốc gia Trung Quốc.

Họ đổ trách nhiệm trong việc quan hệ Trung - Triều ngày càng xấu đi lên đầu Bình Nhưỡng, đồng thời ra sức biện bạch cho hành động theo đóm ăn tàn, vuốt đuôi Mỹ của Trung Quốc. Bình luận (của Nhân Dân nhật báo và Thời báo Hoàn Cầu) nói rằng:

"Triều Tiên thử hạt nhân ở nơi chỉ cách biên giới với Trung Quốc chưa đầy 100 km, uy hiếp an ninh vùng Đông Bắc Trung Quốc";

"Triều Tiên khiêu khích cục diện Đông Bắc Á, tạo cớ cho Mỹ tăng cường bố trí chiến lược ở khu vực này".

Họ ngụy biện rằng: phản đối Triều Tiên sở hữu công nghệ tên lửa đạn đạo, hạt nhân là lợi ích chung của hai nước Trung - Mỹ, để tránh chiến tranh có thể đe dọa bản thân, Trung Quốc cũng cần tăng cường trừng phạt Triều Tiên.

Thậm chí người ta còn lộng ngôn rằng: "Quyền chủ động trong quan hệ Trung - Triều nằm trong tay Trung Quốc". Đây là sự xâm hại nghiêm trọng quyền tự chủ, hợp pháp, lợi ích và danh dự tối cao của Triều Tiên, đồng thời cũng là mối uy hiếp thô bạo với quan hệ hữu nghị truyền thống có lịch sử lâu dài giữa hai nước.

Trung Quốc có một số người lớn tiếng bàn luận về "tai nạn từ thử nghiệm hạt nhân (của Triều Tiên)" với 3 tỉnh Đông Bắc Trung Quốc, nhưng nó chỉ cho thấy Bắc Kinh không thích Triều Tiên có vũ khí hạt nhân. Còn cái gọi là "tổn hại lợi ích quốc gia" mà một số chính trị gia và truyền thông Trung Quốc đề cập, Triều Tiên có nhiều điều cần nói. Do hành động bội tín và bất nghĩa của đối phương, lợi ích quốc gia bị xâm hại là Triều Tiên, chứ không phải Trung Quốc. Có người Trung Quốc lập luận một cách hoang đường rằng, Triều Tiên có vũ khí hạt nhân tạo cớ cho Mỹ bố trí chiến lược ở Đông Bắc Á. Nhưng trên thực tế, Mỹ đã bố trí vũ khí chiến lược ở châu Á - Thái Bình Dương từ rất lâu trước khi Triều Tiên có vũ khí hạt nhân.

Mục tiêu chủ yếu của Mỹ nhằm vào Trung Quốc. Bắc Kinh nên thành thật thừa nhận rằng: Hơn 70 năm qua đứng trên tuyến đầu gian khổ chống Mỹ, đánh bại các âm mưu xâm lược của Mỹ, bảo vệ cho hòa bình và an ninh của chính Trung Quốc là ai? Bắc Kinh nên cảm ơn Triều Tiên mới hợp đạo lý.

Một số chính trị gia và báo chí Trung Quốc đưa ra luận điệu ngu xuẩn vô tri rằng: "quan hệ hữu nghị truyền thống Trung - Triều khi đó phù hợp với lợi ích các bên", họ nên hiểu rõ bản chất lịch sử trước khi mở miệng.

Luận điệu "Triều Tiên không từ bỏ vũ khí hạt nhân, Trung Quốc không chỉ sẽ tăng cường trừng phạt, mà còn không ngại sử dụng thủ đoạn quân sự can thiệp", không chỉ là tư duy của chủ nghĩa Sô vanh.

Nó còn cho thấy, vì lợi ích Trung Quốc, họ muốn Triều Tiên phải hy sinh cả lợi ích chiến lược cho đến chủ quyền, thậm chí là sự sống còn của mình. Xin được nói rõ, bất luận là ai đều không thể làm Triều Tiên dao động hoặc thay đổi con đường phát triển vũ khí hạt nhân vì sự sinh tồn của chính mình. Bất luận quan hệ Trung - Triều có đáng quý đến đâu đi nữa, Triều Tiên cũng không thể đem việc sở hữu vũ khí hạt nhân vốn quý như sinh mạng của mình ra để đánh đổi hay cầu cạnh.

Nói tóm lại, Triều Tiên đã là một cường quốc hạt nhân và có nhiều con đường để lựa chọn. Trung Quốc chớ tiếp tục theo đuổi ý đồ vô nghĩa: thử sức nhẫn nại và giới hạn của Triều Tiên, mà nên tỉnh táo đánh giá hiện thực để có những lựa chọn chiến lược cho phù hợp, đúng đắn. Trung Quốc nên tính toán cho kỹ, những phát biểu manh động liên tục chặt chém vào trụ cột của quan hệ Trung - Triều hiện nay, có thể mang đến những hậu quả nguy hiểm". [1]

Thời báo Hoàn Cầu: có nên tiếp tục duy trì Hiệp ước tương trợ hữu hảo Trung - Triều?

Xã luận Thời báo Hoàn Cầu ngày 3/5 đặt vấn đề: có nên tiếp tục duy trì Hiệp ước tương trợ hữu hảo Trung - Triều? Tờ báo viết: "Hiệp ước này được hai nước Trung Quốc - Triều Tiên ký năm 1961, hai lần tự động gia hạn vào năm 1981 và 2001, thời gian đáo hạn tiếp theo là năm 2021.

Điều 2 của Hiệp ước này quy định: 'Hai bên Hiệp ước cam kết sẽ dùng mọi biện pháp ngăn chặn bất kỳ quốc gia nào xâm lược một trong 2 bên Hiệp ước. Khi một bên Hiệp ước vì bị tấn công vũ trang bởi một hay nhiều quốc gia khác mà rơi vào chiến tranh, bên còn lại của Hiệp ước này sẽ lập tức chi viện toàn lực cả về quân sự lẫn các lĩnh vực khác'.

Hiệu lực của Hiệp ước này không cần nói cũng rõ, nó phát huy tác dụng duy trì hòa bình trên bán đảo Triều Tiên nhiều năm qua. Hàn Quốc bao năm nay ôm mộng thống nhất bán đảo, các kịch bản của Mỹ - Hàn sử dụng vũ lực với Triều Tiên lâu nay đều chịu sự chi phối của Hiệp ước này. Seoul và Washington luôn luôn phải cân nhắc đến nó. Kể từ lần gia hạn gần đây nhất, chia rẽ Trung -Triều trong vấn đề hạt nhân trên bán đảo ngày càng sâu sắc, dư luận Trung Quốc và thế giới đều có chung nhận định, thời cuộc đổi thay, tình hình cũng khác. Năm 2016, đúng dịp 55 năm ngày ký Hiệp ước này, lãnh đạo hai nước Trung - Triều từng gửi điện chúc mừng nhau.

Phát biểu gần nhất của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc khi được phóng viên hỏi về Hiệp ước này, đã khẳng định nội dung mang tính nguyên tắc: Hiệp ước này thúc đẩy hợp tác hữu nghị Trung - Triều trên các lĩnh vực, góp phần duy trì hòa bình và ninh trong khu vực. Trong khi Hiệp ước này vẫn còn hiệu lực, dư luận lại liên tục bàn tán về nó, bản thân điều này cho thấy nó vẫn có ảnh hưởng. Một trong những điều kiện tiền đề cho hòa bình là sự ổn định của cơ cấu địa chính trị. Mỹ - Nhật - Hàn ngày càng tích cực trong bối cảnh địa chính trị Đông Bắc Á những năm qua, Hiệp ước này trở thành một trụ cột duy trì ổn định cho Đông Bắc Á.

Nhưng Mỹ - Hàn liên tục phán đoán về "sự sụp đổ" của chính quyền Triều Tiên, một số người còn xem đây là chìa khóa cho chính sách với Bình Nhưỡng, qua đó mưu đồ gạt Trung Quốc khỏi cục diện bán đảo Triều Tiên trong tương lai. Lúc này Hiệp ước lại có tác dụng cảnh báo Mỹ - Hàn: tham vọng này nuốt không trôi đâu!

Điều quan trọng là Bình Nhưỡng phải trân trọng Hiệp ước này, thực sự xem nó là một trong những hòn đá tảng trong chính sách an ninh quốc gia của mình. Triều Tiên sở hữu vũ khí hạt nhân là đã chủ động tạo ra 'sóng xung kích' đối với an ninh khu vực, đồng thời làm tổn hại nghiêm trọng an ninh quốc gia của Trung Quốc, trên thực tế đi ngược lại tôn chỉ của Hiệp ước này.

Hiệp ước này kiên quyết phản đối xâm lược, nhưng Triều Tiên lại cố ý phát triển vũ khí hạt nhân, đi ngược lại nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, làm tăng rủi ro xung đột quân sự trên bán đảo. Đây là những tình huống mà khi kí Hiệp ước này, (hai nước / Trung Quốc) đã không lường trước được, đồng thời khác hoàn toàn với bối cảnh lần gia hạn Hiệp ước gần đây nhất, vào năm 2001. Triều Tiên phải dừng thử hạt nhân, Mỹ - Hàn cũng phải dừng uy hiếp quân sự với Bình Nhưỡng, hai bên cần có đóng góp của mình cho việc duy trì hòa bình và ổn định trên bán đảo.

Trung Quốc nằm cận kề bán đảo Triều Tiên, một khi ở đây hỗn loạn, chúng tôi sẽ phải đối mặt với rủi ro. Đó cũng chính là lý do chúng tôi ở đây: kẻ nào liều lĩnh đến xâm phạm lợi ích của Trung Quốc, đều phải trả giả đắt. Trung Quốc quyết không để vùng Đông Bắc của mình bị ô nhiễm bởi hoạt động thử hạt nhân của Triều Tiên, cũng quyết không không cho phép cục diện bán đảo thay đổi một cách phi hòa bình. Đó là ý chí tập thể của xã hội Trung Quốc đến nay vẫn còn khắc ghi rõ giai đoạn lịch sử kháng Mỹ viện Triều. Trung Quốc có đủ năng lực để giữ giới hạn cuối cùng này.

Trung Quốc chưa từng dốc toàn lực trừng phạt một quốc gia nào, chúng tôi cũng xa rời chiến tranh trong rất nhiều năm qua. Nhưng trong thời gian ấy, Trung Quốc không ngừng lớn mạnh, đó là điều cả thế giới đều thấy. Bất luận nước lớn nước nhỏ, chúng tôi đều tôn trọng, hữu hảo với lân bang là truyền thống văn minh Trung Hoa. Nhưng đừng nước nào ép Trung Quốc, một khi đánh giá sai quyết tâm và sức bật của Trung Quốc, có khả năng họ sẽ phải trả giá rất đắt". [2]

Tài liệu tham khảo:

[1] Commentary on DPRK-China Relations, http://kcna.kp/kcna.user.article.retrieveNewsViewInfoList.kcmsf

[2]http://opinion.huanqiu.com/editorial/2017-05/10587017.html

Hồng Thủy - GDVN