Bầu cử tổng thống Pháp : Macron về đầu, quốc tế thở phào nhẹ nhõm (Thanh Hà)

Viễn cảnh nước Pháp ra khỏi eurozone không còn tính thời sự, khiến đồng euro tăng giá so với đô la và đồng yen Nhật Bản. Theo lời một chuyên gia tài chính được AFP trích dẫn, thắng lợi của ông Macron hôm qua là "kịch bản lý tưởng sau Brexit và thắng lợi của nhà tỷ phủ Donald Trump trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ" hồi tháng 11/2016.


Ngay khi kết quả ban đầu vừa được công bố, hầu hết các chính khách của Pháp, từ tả sang hữu đều kêu gọi cử tri ủng hộ ứng cử viên Emmanuel Macron ở vòng hai. Ông François Fillon - người về thứ ba, cũng như ứng viên đảng Xã Hội Benoît Hamon cùng kêu gọi "cản đường một đảng cực hữu bài ngoại" vào điện Elysée. Riêng lãnh đạo phong trào Nước Pháp Bất Khuất Jean-Luc Mélenchon, dù chủ trương chống bà Le Pen, nhưng trước mắt không kêu gọi các ủng hộ viên bỏ phiếu cho phe nào.
Đáng chú ý hơn cả là phản ứng của quốc tế : Việc ứng viên Emmanuel Macron có lập trường ủng hộ châu Âu về đầu và có nhiều triển vọng đắc cử ở vòng hai đã trấn an các đối tác chính của Pháp trong Liên Hiệp Châu Âu.

Chủ tịch Ủy Ban Châu Âu, Jean-Claude Juncker, là người đầu tiên lên tiếng, gửi điện mừng và chúc ông Emmanuel Macron "nhiều may mắn" cho vòng hai bầu cử tổng thống ngày 07/05/2017. Berlin tuyên bố ủng hộ ứng cử viên Macron. Bộ trưởng Ngoại Giao Đức bày tỏ "vui mừng" trước thắng lợi hôm qua của ông Macron và tin chắc ứng viên trẻ tuổi này sẽ đắc cử trong vòng 2 sắp tới.

Các thị trường chứng khoán trên thế giới đón nhận tin vui khi xua tan được kịch bản hai ứng cử viên chủ trương từ bỏ đồng euro, Jean-Luc Mélenchon và Marine Le Pen, cùng vào vòng hai. Chỉ số chứng khoán CAC 40 tại Paris vào giờ mở cửa sáng nay tăng hơn 4 %. Thị trường Đức và Anh cùng tăng điểm.

Viễn cảnh nước Pháp ra khỏi eurozone không còn tính thời sự, khiến đồng euro tăng giá so với đô la và đồng yen Nhật Bản. Theo lời một chuyên gia tài chính được AFP trích dẫn, thắng lợi của ông Macron hôm qua là "kịch bản lý tưởng sau Brexit và thắng lợi của nhà tỷ phủ Donald Trump trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ" hồi tháng 11/2016.

Tại châu Á, các sàn chứng khoán từ Tokyo đến Sydney đều khởi sắc so với phiên giao dịch cuối cùng của tuần trước - thứ Sáu 21/04/2017, trước bầu cử tổng thống Pháp vòng 1. Dù vậy, một số các nhà quan sát tại châu Á vẫn thận trọng, vì từ nay đến ngày 07/05/2017 "nhiều chuyện vẫn có thể xảy ra". Nguy cơ khủng bố, tai tiếng chính trị … có thể làm đảo lộn các dự báo về kết quả bầu cử.

Báo chí quốc tế : Sự hiện diện của Marine Le Pen vẫn là một "mối đe dọa"

Báo chí quốc tế cũng đã nhanh chóng bình luận về kết quả bầu cử Pháp. The Guardian xem thắng lợi ở vòng 1 của ứng cử viên Macron là "hy vọng tốt nhất" đối với Pháp, nhưng đồng thời sự hiện diện của đảng cực hữu ở vòng nhì là "một mối đe dọa vẫn chưa được dập tắt".

Tờ Daily Mail nói đến "một cuộc cách mạng mới của nước Pháp" và xem bầu cử tổng thống 2017 trên quê hương của thi hào Voltaire có ý nghĩa quan trọng như một cuộc trưng cầu dân ý về câu hỏi Pháp nên ra đi hay ở lại trong Liên Hiệp Châu Âu. Báo Times đăng ảnh Marine Le Pen tươi cười say men chiến thắng. Tờ báo nhận định thắng lợi của bà Marine Le Pen là một vố đau đối với các tầng lớp lãnh đạo ưu tú của Paris.

Tạp chí Der Spiegel của Đức cũng nói tới một "cú bạt tai" đối với chính giới Pháp.

Nhật báo The Wall Street Journal của Mỹ đánh giá cử tri Pháp vừa "vẽ lại bản đồ chính trị" mà ở đó Liên Hiệp Châu Âu là trung tâm. Vòng 2 mở ra giữa ông Macron và bà Le Pen, "một người chủ trương đẩy mạnh tiến trình hội nhập châu Âu, người kia thì xem Liên Hiệp Châu Âu và đồng euro là kẻ thủ của nước Pháp".

Tờ Hoàn Cầu Thời Báo của Trung Quốc, trong phần xã luận, lưu ý độc giả trên mạng : "Nếu ông Macron đắc cử tổng thống Pháp, thì đây sẽ là một thất bại chính trị với bà Le Pen, nhưng phải nhìn nhận là đảng cực hữu đã vươn lên mạnh mẽ trong cuộc vận động tranh cử vừa qua. Còn nếu như trái với tất cả các dự báo, bà Le Pen đánh bại được Emmanuel Macron, thì đây sẽ là hồi chuông báo tử dành cho Liên Hiệp Châu Âu".