Đám đông cuồng nộ dẫn đến đống rác của độc tài (FB Trung Bảo)

 Không, chúng ta không thể vừa là một thám tử cảnh sát để tự điều tra, một công tố viên để luận tội lại là quan toà để tuyên án và cuối cùng là nhà báo để tự đưa tin chính cái “bản án” mà ta tự tuyên cho nghi phạm nào đó.

Sau khi 2 em học sinh mất tích, đám đông cuồng nộ đã đánh chết một hiệu trưởng tại ngôi làng Nirpur, thành phố Patna, bang Bihar, Ấn Độ. Ảnh: AP
 
Tôi nhận được những phản hồi, có vài cái không lấy gì là thân thiện, sau bài viết ngắn về đám đông cuồng nộ. Thật khó thuyết phục nhiều người tin vào công lý ở một đất nước như Việt Nam, và tôi không có ý định như vậy. Nhưng có lẽ nhiều người trong chúng ta đều mơ ước xây dựng một xã hội tôn trọng pháp quyền, tôn trọng phẩm giá của mỗi cá nhân.

Có thể áp lực của đám đông khiến các cơ quan chức năng vào cuộc thật nhanh để tìm kiếm thủ phạm thật sự đằng sau một tội ác, nhưng chính đám đông gào thét đòi hỏi công bằng lại có thể khiến cơ quan điều tra vội vã tra án, ép cung cho đúng ý dư luận, cán cân công lý ở toà cũng sẽ nghiêng lệch để thoả mãn khát khao trả thù.

Những đám đông giận dữ, cuồng nộ không chỉ xuất hiện ở những đất nước có nền luật pháp không nghiêm minh. Trong thập niên 90 của thế kỷ trước, một thanh niên da đen nghi bị bắn chết bởi cảnh sát đã làm bùng lên một cuộc bạo loạn được cho là “chưa từng có” tại Los Angeles (Mỹ) với lời kêu gọi “trả thù bọn da trắng” và đã có người bị giết để “trả thù”. Một đám đông sẽ dễ dàng giận dữ khi nhận ra hoặc tự cho mình yếu thế trước pháp luật, họ giận dữ và từ chối những quyền lợi hợp pháp của mình. Họ nóng lòng tìm kiếm sự trả thù mà sẵn sàng chà đạp lên tất cả số phận những kẻ mà họ nghi ngờ. Từ những bình luận giận dữ, những lời kêu gọi sử dụng bạo lực trên mạng cho đến hành vi bạo lực ngoài đời thật không cách xa bao nhiêu.

Hai trong số ba nghi phạm ấu dâm bị bêu tên và hình ảnh lên mạng được cho là có bằng chứng về điều họ làm, trường hợp còn lại ở Sài Gòn vẫn còn mù mờ và hôm qua cơ quan công an đưa ra những kết quả giám định y khoa cho thấy em nhỏ không bị xâm hại thể chất. Rất ít người, khi giận dữ, lại chấp nhận được việc bình tĩnh tiếp cận điều tra, phân tích và giám định các chứng cứ khi cơ quan công an bấy lâu nay mang rất nhiều điều tiếng. Tuy vậy, một xã hội vận hành theo hướng đi lên thì đây lại là con đường duy nhất.

Cộng đồng sử dụng mạng xã hội Việt Nam chứng tỏ họ lớn mạnh và có tác động như thế nào qua nhiều vụ việc. Nhiều bạn vào hỏi tôi nếu đám đông không đấu tranh liệu nhiều vụ việc có được đưa ra ánh sáng, có được dư luận biết đến và chính quyền giải quyết?

Với những người sử dụng mạng xã hội, tôi tin rằng: Đưa tin là cần thiết, đấu tranh là đúng nhưng đấu tố thì không được.

Không phải ai trong chúng ta cũng có đủ các kỹ năng dò tìm và kiểm chứng thông tin để đưa ra công chúng. Mạng xã hội cho mọi người công cụ nhưng kỹ năng đưa tin lại phải học, tôi băn khoăn nếu mình viết hoặc đăng lại những bài học về cách đưa tin chuyên nghiệp liệu số người đọc có quá 100?

FBI (Facebook Bureau of Investigation – Cục điều tra Facebook) có thể lôi được từ hình ảnh cho đến thông tin cá nhân của bất kỳ ai từng để lại dấu vết trên mạng xã hội. Nhưng có ai trong “lực lượng” này nghĩ rằng nếu những người mà họ nghi ngờ đó chẳng may là bị oan và không chịu nổi cái áp lực, ảo nhưng khủng khiếp của mạng xã hội, để rồi tự tử!

Không, chúng ta không thể vừa là một thám tử cảnh sát để tự điều tra, một công tố viên để luận tội lại là quan toà để tuyên án và cuối cùng là nhà báo để tự đưa tin chính cái “bản án” mà ta tự tuyên cho nghi phạm nào đó.

Không, có thể chúng ta mất lòng tin hoàn toàn vào luật pháp Việt Nam nhưng chúng ta không thể dùng sự giận dữ để đòi công lý báo thù.

Một đám đông cuồng nộ + một lời hứa trả thù + một nền báo chí không đủ trình độ và độc lập + một nền tư pháp tồi tệ = Đống rác của độc tài.