Điện năng ở Việt Nam: Không nhất thiết phải dùng nhiều than (Thanh Phương-RFI)
Thứ
tư là chúng ta chưa có một thiết chế kinh tế tốt, chưa có thị trường
cạnh tranh lành mạnh. Các tập đoàn Nhà nước nắm độc quyền, rồi thì Nhà
nước thực chất là trợ giá trong vấn đề sử dụng điện của các tập đoàn.
Chúng ta xét duyệt các công trình không cẩn thận cho nên tạo ra nhiều
công trình đầu tư hiệu quả sử dụng rất ít, thậm chí gần đây người ta
phát hiện rất nhiều công trình đầu ty lớn, nhưng “đắp chiếu”, tức là xây xong mà không biết sử dụng làm gì, mà xây dựng tức là đã tốn rất nhiều xi măng, thép, điện!
Kể từ khi từ bỏ các dự án điện hạt nhân, Việt
Nam quay trở lại sử dụng ngày càng nhiều than để sản xuất điện, và điều
này đang đặt ra nhiều vấn đề về ô nhiễm môi trường và biến đổi khí
hậu. Nhưng đối với các chuyên gia như giáo sư Phạm Duy Hiển, cựu viện
trưởng Viện Nguyên Tử Đà Lạt, có nhiều phương cách khác để bảo đảm
nguồn cung cấp điện mà không cần sử dụng nhiều than, đặc biệt là phải
nâng cao hiệu quả sử dụng để tránh phung phí một nguồn điện rất lớn.
Trong
khi chờ công nghiệp sản xuất các năng lượng tái tạo phát triển nhiều
hơn nữa để giá thành giảm bớt, giáo sư Phạm Duy Hiển đề nghị nên nghiên
cứu khả năng phát triển điện hạt nhân trong một tương lai không xa, chứ
không nên từ bỏ hẳn loại năng lượng này.
RFI:Thưa Giáo sư Phạm Duy Hiển, trước hết xin
giáo sư cho biết là than hiện nay chiếm tỷ trọng khoảng bao nhiêu trong
tổng sản lượng điện ở Việt Nam?
Giáo sư Phạm Duy Hiển:
Ngay từ trước khi quyết định thay điện hạt nhân, Việt Nam đã có Quy
Hoạch Điện 7, được sửa lại lần thứ hai. Quy hoạch cho đến năm 2030 cho
thấy là điện than chiếm tỷ trọng ngày càng cao. Ví dụ như năm 2015-2016
chỉ mới chiếm 34%, đến 2020 lên đến 49%, 2025 lên 55% và 2030 sẽ vẫn ở
mức 54%. Các phần khác như thủy điện hay điện chạy bằng dầu, khí thì
không tăng, thậm chí giảm đi, bởi vì điện than tăng lên. Còn năng lượng
tái tạo và thủy điện nhỏ thì cũng có tăng, nhưng ít thôi, năm 2015 chiếm
4% và dự kiến đến 2030 chỉ lên đến 10%.
Như vậy là trong những
năm tới, Việt Nam sẽ phải dựa vào sự phát triển các nhà máy điện chạy
bằng than, nhưng loại than mà Việt Nam lâu nay dùng là than từ Hòn Gai,
tạo ra nhiều tro, chất lượng không tốt, thậm chí lưu huỳnh cũng cao.
Nhưng
ngay cả dùng loại than ấy thì theo quy hoạch, đến năm 2020 ta phải sử
dụng 39 triệu tấn than từ trong nước. Nhưng than trong nước không đủ,
nên phải nhập than từ nước ngoài. Lượng than nhập từ nước ngoài đang
tăng lên: năm 2020 là 25 triệu tấn, nhưng đến năm 2030, dự kiến sẽ nhập
đến 85 triệu tấn. Nhập một lượng lớn như vậy thì khó mà bảo đảm được an
ninh năng lượng. Chưa kể đến những vấn đề bến bãi, hậu cần…, vấn đề lớn
nhất hiện nay, mà dư luận và các chuyên gia bàn tàn nhiều, đó là vấn đề
môi trường.
RFI: Vậy thì thưa Giáo sư, cụ
thể, than sử dụng trong các nhà máy nhiệt điện gây những tác hại nào đối
với môi trường, cũng như góp phần như thế nào vào hiện tượng biến đổi
khí hậu?
GS Phạm Duy Hiển: Than phát ra
những bụi và những khí độc, đáng kể nhất là SO2, NO2, CO và khí thải mà
cả thế giới quan tâm đó là CO2, tức là khí gây hiệu ứng nhà kính. Khi ta
tăng số nhà máy nhiệt điện than, môi trường của chúng ta sẽ gặp nhiều
vấn đề.
Về bụi thì có thể dùng các hệ thống tĩnh điện để khử,
nhưng xử lý khí thì phức tạp hơn, tốn kém hơn, và nói chung hệ thống
phải thật tốt, nếu không thì khi xảy ra trường hợp nào đó thì nhà máy
vẫn thải ra những khí này. Nhất là có nhiều nhà máy điện than nằm ở vùng
đồng bằng Nam Bộ. Gió mùa Tây Nam ảnh hưởng rất mạnh, nên cả vùng Nam
Bộ và thành phố Hồ Chí Minh sẽ bị ô nhiễm không khí từ các nhà máy điện
than.
Ở đồng bằng Bắc Bộ cũng vậy. Các nhà máy điện than cũng nằm
gần biển, để cung cấp điện cho dễ, cho nên gió mùa Đông Bắc và gió mùa
Đông Nam ở vùng đồng bằng Bắc Bộ sẽ ảnh hưởng hết vùng này.
Cuối
cùng, về vấn đề biến đổi khí hậu, chúng ta cũng sẽ đóng góp vào một
lượng rất lớn, bởi vì mỗi một năm đến năm 2030, sử dụng đến hơn 120
triệu tấn than để chạy nhà máy điện, thì như thế sẽ phát ra một lượng
CO2 khá là lớn. Chúng ta đã tham gia hội nghị COP 20 ở Paris, mà bây giờ
lại tăng điện than như thế, nói chung là có vấn đề. Như vậy là chúng ta
đi ngược chiều với thế giới trong chuyện điện than này.
RFI:Theo Giáo sư, ở Việt Nam có nguồn năng lượng nào khác có thể được khai thác như điện mặt trời, điện gió?
GS Phạm Duy Hiển:
Tiềm năng về điện tái tạo rất lớn, nhưng khai thác còn rất khó, với vấn
đề lớn nhất hiện nay là giá cả. Với giá hiện nay, thì năng lượng mặt
trời, năng lượng gió chưa thể cạnh tranh được. Nhưng tình hình chung
trên thế giới là người ta cứ nói rằng nó sẽ phát triển nhanh đến mức
khiến giá thành hạ xuống. Chúng ta cũng có thể hy vọng chuyện đó. Nhưng
như tôi nói lúc nãy, mặc dù có cố gắng, nhưng dự kiến đến năm 2030 tỷ
trọng năng lượng tái tạo và thủy điện nhỏ sẽ chỉ chiếm tối đa 10%.
Riêng
tôi thì tôi thấy có một nguồn điện mà chúng ta chưa thấy hết và chưa
khai thác được, đó là nguồn điện năng bị phung phí rất nhiều. Nếu sớm
nhận ra là chúng ta đang phung phí điện năng, tức là chúng ta tạo ra một
nguồn điện sạch nhất, rẻ nhất và an toàn nhất. Ta dùng điện để tạo ra
sản phẩm xã hội hay nói theo nhà kinh tế là dùng điện để tạo ra GDP.
Ở
Việt Nam muốn tạo ra một đôla GDP, thì phải dùng đến 1,2 Kwh điện.
Trung Quốc chỉ tốn 1 Kwh. Các nước như Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan chỉ
tốn 0,6 Kwh, tức là một nửa của ta. Trong khi đó, Philippines và một số
nước khác chỉ tốn 0,4 Kwh, chỉ bằng 1/3 của ta. Những nước tiên tiến
như Singapore và Úc chỉ dùng 0,2 Kwh để tạo ra một đôla GDP.
Như
vậy là chúng ta tiêu thụ một lượng điện cao ngất ngưởng so với các nước
châu Á-Thái Bình Dương. Đây không phải là lãng phí, mà là phung phí.
Chúng ta thường hay nói một điều gần như là mặc định: tăng trưởng kinh
tế nhiều thì phải dùng nhiều điện. Thế nhưng, mặc định đó rất là sai.
Tôi thấy người ta không cố tìm thêm, không chịu nhìn vào các số liệu
thống kê của LHQ, của Ngân Hàng Thế Giới, để thấy mình có lượng điện
tiêu thụ cao như thế nào so với các nước xung quanh và tăng cũng nhanh
so với các nước xung quanh. Nhiều nước đang giảm lượng điện tiêu thụ cho
một đôla, còn ta thì cứ tăng!
RFI:Theo Giáo sư thì những nguyên nhân nào khiến việc sử dụng năng lượng ở Việt Nam không đạt hiệu quả như các nước khác?
GS Phạm Duy Hiển:
Chúng tôi có nghiên cứu bài toán này và thấy rằng đồng hành với việc
tiêu thụ điện không có hiệu quả như vậy là do mấy yếu tố trong nền kinh
tế của chúng ta.
Thứ nhất, cơ cấu nền kinh tế của ta là nghiêng về
khối công nghiệp hơn là khối thương mại và dịch vụ. Khối công nghiệp sử
dụng gấp 10 lần điện năng so với khối dịch vụ, nhưng tạo ra giá trị gia
tăng trong GDP tương đương nhau, vào khoảng 46%.
Yếu tố thứ hai
là giá điện ở Việt Nam hiện nay thuộc loại rẻ nhất trong khu vực châu
Á-Thái Bình Dương. Giá rẻ thì cũng có lợi cho người dân, nhưng các nhà
đầu tư trong nước và ngoài nước lợi dụng giá rẻ đó để đầu tư vào những
công trình tốn rất nhiều điện, nhưng hiệu quả rất ít.
Lý do thứ ba là năng suất lao động của chúng ta còn thấp, nên cũng tiêu thụ nhiều điện.
Thứ
tư là chúng ta chưa có một thiết chế kinh tế tốt, chưa có thị trường
cạnh tranh lành mạnh. Các tập đoàn Nhà nước nắm độc quyền, rồi thì Nhà
nước thực chất là trợ giá trong vấn đề sử dụng điện của các tập đoàn.
Chúng ta xét duyệt các công trình không cẩn thận cho nên tạo ra nhiều
công trình đầu tư hiệu quả sử dụng rất ít, thậm chí gần đây người ta
phát hiện rất nhiều công trình đầu ty lớn, nhưng “đắp chiếu”, tức là xây xong mà không biết sử dụng làm gì, mà xây dựng tức là đã tốn rất nhiều xi măng, thép, điện!
Cho
nên, nếu mà chúng ta sớm nhận ra đúng sự phung phí điện năng này thì
chúng ta thì chúng ta có thể tạo ra một nguồn điện có thể nói rất là rẻ,
rất là dồi dào, rất là sạch và an toàn.
Một hướng nữa, đó là
chúng ta đã tạm dừng điện hạt nhân, mà có nhiều lý do được đưa ra, trong
đó lý do chính là do nó đắt quá, trong khi nợ công nhiều, bây giờ không
thể xây dựng những nhà máy, với những lò 1000 Mw mà chi phí ban đầu lên
tới 8 hoặc 9 tỷ đôla.
Nhưng thế giới hiện nay nói chung cũng
không thể bỏ điện hạt nhân được. Nếu chúng ta tạm dừng thì được, nhưng
bỏ hoàn toàn phương án ấy thì cũng không đúng. Nhất là điện hạt nhân lâu
nay có những vấn đề như thế, thì người ta đã rút kinh nghiệm và đang có
những phương hướng để giải quyết cho điện hạn nhân an toàn hơn rất
nhiều.
Thực tế là có thế hệ nhà máy điện hạt nhân thứ tư, là thế
hệ mà người ta tin tưởng là sẽ rất an toàn. Nhiên liệu cháy trong đó
dường như là không tạo ra bã thải. Những công nghệ như thế là họ đang
phát triển, nhưng loại lò tiêu biểu và tương đối an toàn về nội tại là
loại lò công suất ít và lắp theo module. Hiện nay Mỹ và nhiều nước đang
phát triển đang có những dự án như thế.
Tôi nghĩ là sau 2025 đến
2030 thì bắt đầu có thể thương mại hóa (các nhà máy đó). Do đó, theo
tôi, trước mắt thì dừng điện hạt nhân, nhưng có lẽ đến năm 2025 có thể
khởi động lại dự án điện hạt nhân, để sau năm 2030 có thể đưa điện hạt
nhân trở lại. Lúc đó sẽ đưa điện hạt nhân trở lại với một tư thế khác:
điện hạt nhân sẽ có an toàn nội tại, người dân không còn phải lo xảy ra
những sự cố như Fukushima.
Thứ hai là đội ngũ của chúng ta hiện
đang được chuẩn bị xây dựng lại và nâng cấp lên, sau độ 10, 20 năm nữa
sẽ mạnh hơn rất nhiều và có thể làm chủ được công nghệ, cho nên có thể
tạo ra sự phát triển bền vững về điện năng, góp phần làm giảm đi hậu quả
của việc tiêu thụ than quá nhiều.