Thỏa hiệp trong chính trị là những gì? (Việt Hoàng)

 “…Một kết hợp giữa một tổ chức chính trị dân chủ và thành phần trí thức tiến bộ trong đảng là một kết hợp hoàn hảo và lý tưởng. Nếu chỉ một trong hai lực lượng này lên tiếng thì vẫn chưa đủ uy tín để động viên quần chúng mà phải là kết hợp cả hai: Một tổ chức chính trị dân chủ và những đảng viên cấp tiến trong đảng…”


Thỏa hiệp trong chính trị là những gì? (Việt Hoàng)

Vào ngày 6/6/2015 Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên (THDCĐN) đã có buổi ra mắt Dự Án Chính Trị 2015  “Khai sáng kỷ nguyên thứ hai” tại thủ đô Paris nước Pháp. Cũng giống như lần ra mắt đầu tiên tại trụ sở báo Người Việt, tại Hoa Kỳ ngày 30/5/2015, đã có nhiều người quan tâm đến vận mệnh đất nước tới tham dự, chúng tôi cám ơn sự có mặt của mọi người với những góp ý rất thẳng thắn và chân thành. Có rất nhiều gương mặt nổi tiếng trong cộng đồng đã đến dự và đã có những góp ý hết sức quí báu cho chúng tôi. Chúng tôi xin ghi nhận và hứa sẽ nghiên cứu một cách nghiêm túc các ý kiến gửi đến cho THDCĐN.
Trong lần ra mắt thứ hai tại Paris chúng tôi có hân hạnh đón tiếp một blogger nổi tiếng đó là anh Bùi Thanh Hiếu-Người Buôn Gió. Anh đến Paris cùng với anh em trong phân bộ Đức của THDCĐN. Anh cũng đã ghé thăm ông Nguyễn Gia Kiểng tại nhà riêng và sau khi về Đức, anh có ngay bài viết “Paris và chí sĩ Nguyễn Gia Kiểng” ghi lại những gì anh chứng kiến trong buổi hội thảo đó. Trong bài viết của anh Bùi Thanh Hiếu có đoạn “Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên thẳng thắn nhận rằng tập hợp sẵn sàng hợp tác, thỏa hiệp với nhà nước Việt Nam để đi đến một đất nước Cộng Hòa Việt Nam dân chủ”. Có lẽ vì chưa được đọc Dự án chính trị này trước buổi hội thảo nên anh Bùi Thanh Hiếu chưa nắm bắt được tinh thần của DACT 2015.
 Chúng tôi xin nói rõ rằng đây chỉ là đánh giá của cá nhân anh Hiếu. Lập trường của chúng tôi trong DACT 2015 là “chấp nhận giành thắng lợi cho dân chủ qua những thỏa hiệp giai đoạn”. Nguyên văn đề cập đến về vấn đề “thỏa hiệp” được trích ra từ DACT 2015 - Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai trong chương VII - Đấu tranh thiết lập dân chủ đa nguyên trang 169 như sau: “Trong đấu tranh để đòi bầu cử tự do cũng như để giành thắng lợi qua các cuộc bầu cử tự do đó, Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên lúc nào cũng chủ trương xóa bỏ hận thù, tôn trọng mọi người và mọi chính kiến để hợp tác với nhau và cùng nhau xây dựng tương lai Việt Nam chung. Tinh thần hòa giải và hòa hợp dân tộc này không thể bị đồng hóa với thái độ sẵn sàng cấu kết và đồng lõa với bất cứ ai. Thái độ của Tập Hợp rất minh bạch. Tập Hợp có mục tiêu và đường lối rõ ràng và Tập Hợp sẽ kiên trì theo đuổi. Tập Hợp sẽ dồn mọi cố gắng để giành thắng lợi trong bầu cử tự do. Nếu thắng, Tập Hợp sẽ cùng với các tổ chức chính trị đồng minh chia sẻ trách nhiệm trước dân tộc. Nếu không may thắng lợi về tay những lực lượng khác lập trường, Tập Hợp sẽ tiếp tục đấu tranh trong cương vị của một đối lập đứng đắn và trách nhiệm.
Như tất cả mọi cuộc vận động chính trị, cuộc đấu tranh này sẽ đòi hỏi nhiều thỏa hiệp. Đấu tranh bất bạo động có nghĩa là chấp nhận đi đến thắng lợi sau cùng qua các thỏa hiệp giai đoạn. Tập Hợp sẽ chấp nhận những thỏa hiệp giai đoạn, nhưng sẽ không sợ đánh mất chính mình vì đã có tư tưởng nền tảng và những định hướng lớn làm kim chỉ nam. Tập Hợp sẽ chấp nhận những thỏa hiệp giai đoạn có tác dụng rút ngắn lộ trình dân chủ nhưng sẽ không nhân nhượng trên ba lập trường căn bản: lý tưởng dân chủ đa nguyên, tinh thần hòa giải và hòa hợp dân tộc, và phương thức đấu tranh bất bạo động».
DACT 2015 của THDCĐN tuy chỉ gói gọn trong một cuốn sách chỉ 200 trang nhưng đó là một công trình nghiên cứu đồ sộ về khoa học-chính trị. Có nhiều vấn đề, muốn mọi người đều hiểu được thì phải cần thêm những giải thích. «Thỏa hiệp chính trị» là một trong những vấn đề đó. Đầu tiên thế nào là thỏa hiệp? Cách hiểu thông thường thì «thỏa hiệp là nhượng bộ để cùng dàn xếp, chấm dứt chiến tranh và xung đột», một định nghĩa khác về thỏa hiệp theo từ điển Webster New World là «một sự dàn xếp mà ở đó mỗi bên từ bỏ một số yêu cầu của mình hoặc nhượng bộ bên kia» 
Hai chữ thỏa hiệp (compromis) vẫn còn làm cho nhiều người Việt Nam lo ngại. Nhưng ở nhiều nơi, ở nhiều nước (như Hòa Lan, Bỉ, Bắc Âu...) khi không một đảng phái nào chiếm đa số trong quốc hội thì việc một đảng chính trị, hay một chính khách, đưa ra những thỏa hiệp được nhiều người chấp nhận, hay mình chấp nhận được những thỏa hiệp khác... đã trở thành một khả năng, một bản lĩnh, và cũng là một việc thường ngày. Không có gì xấu xa với hai chữ này trong một xã hội thật sự đa nguyên.
Thỏa hiệp là một tiến trình nhất định phải đến trong phương thức đấu tranh bất bạo động. Theo chúng tôi thì vào giai đoạn cuối của cuộc đấu tranh dân chủ sẽ diễn ra cuộc vận động tranh cử giữa các đảng phái khác nhau. Khi tranh cử nếu không có đảng nào chiếm được đa số tuyệt đối, thì khi đó bắt buộc phải có sự thỏa hiệp giữa các đảng phái để có được đa số mà thành lập chính quyền. Trong một thể chế đại nghị, như Tập Hợp chủ trương, tất cả mọi sinh hoạt chính trị đều chung quy lại là những thỏa hiệp. Chính trị là công việc chung của một tập thể. Tập thể càng đông, làm việc chung càng khó, vì mỗi người một tính, có những ý muốn đôi khi rất trái nghịch, do đó để công việc được trôi chảy thì chỉ có hai cách:
1) Thỏa hiệp để tìm đồng thuận. 
2) Áp đặt bằng sức mạnh.
Giải pháp thứ nhất các thể chế dân chủ áp dụng còn giải pháp thứ hai là các chế độ độc tài. Nếu chúng ta chọn độc tài thì vấn đề thỏa hiệp sẽ không có lý do để bàn thảo. Ai không đồng ý thì tống giam hoặc loại khỏi cuộc chơi, chấm hết. Nếu chúng ta chọn dân chủ thì chúng ta phải lấy thỏa hiệp làm tinh thần hành xử vì đó là phương cách sống chung bắt buộc.
Cũng có thể hiểu một cách đơn giản rằng thiên chức của những người làm chính trị, trong một thể chế dân chủ, là đi tìm thỏa hiệp. Mức độ thành công của các nước dân chủ tùy thuộc vào khả năng thỏa hiệp của cộng đồng dân tộc của nước ấy. Cho nên có thể nói rằng «Thỏa hiệp là nghệ thuật của làm chính trị».
Thỏa hiệp là bắt buộc trong đấu tranh bất bạo động và là một cách làm chính trị văn minh. Không biết thỏa hiệp tức là không biết làm chính trị. Vấn đề là làm sao để thỏa hiệp mà không đánh mất mình, muốn thế tổ chức chính trị đó (các cá nhân không có tư cách để thỏa hiệp) phải có một nền tảng tư tưởng vững chắc.
Chúng ta hãy cảnh giác, đừng lẫn lộn giữa thỏa hiệp để thiết lập dân chủ với thỏa hiệp để cai trị. Có lẽ một số người cho rằng thỏa hiệp với cộng sản là để cai trị và chia quyền. Cái đó tuyệt đối không thể chấp nhận và sự thật là nó sẽ không bao giờ xảy ra. Nếu tương quan lực lượng giữa phong trào dân chủ và đảng cộng sản Việt Nam vẫn như hiện nay thì việc thỏa hiệp sẽ không bao giờ có. ĐCSVN sẽ không bao giờ nhượng bộ nếu họ tin rằng họ vẫn mạnh hơn lực lượng dân chủ. Chỉ khi nào phong trào dân chủ lớn mạnh như Công Đoàn Đoàn Kết ở Ba Lan thì họ mới chấp nhận thỏa hiệp chính trị. Thực chất thỏa hiệp chính trị khi đó là để cho họ một con đường rút lui trong danh dự và an toàn, tránh không gây ra những đổ vỡ mới cho đất nước và dân chúng. Điều này đúng với mọi cuộc cách mạng trên thế giới.
Như vậy chúng ta sẽ thỏa hiệp với ĐCSVN trên một lộ trình đi đến dân chủ vì lý do đơn giản là: 1) nó là đảng cầm quyền; 2) chúng ta khước từ tranh đấu bằng bạo lực; 3) chúng ta muốn tránh nạn hỗn loạn cho Việt Nam trong giai đoạn chuyển tiếp.
Cũng có những ý kiến cho rằng không thể nào thỏa hiệp được với ĐCSVN vì nó luôn gian trá và bội ước. Lịch sử đã diễn ra như vậy. Điều này không phải hoàn toàn vô lý. Tuy nhiên vấn đề then chốt ở đây vẫn là «tương quan lực lượng», sỡ dĩ ĐCSVN có thể gian trá và bội ước được là vì các đối thủ của nó quá yếu kém. Nếu trước mặt ĐCSVN là một đối thủ có bản lĩnh thì nó sẽ không bao giờ dám bội ước và gian trá.
Thỏa hiệp cũng chỉ có thể xảy ra giữa các lực lượng hay các tổ chức có tiềm năng ngang nhau. Các cá nhân không có chức năng thỏa hiệp mà chỉ có theo hoặc không theo.
Thật ra thì thỏa hiệp là những công việc mà mỗi người đều phải làm hàng ngày, trong gia đình, trong công việc kinh doanh, trong các mối quan hệ bạn bè.v.v. Ví dụ đơn giản là trong một gia đình, người phụ nữ luôn có sở thích đi mua sắm nhưng đó lại là cực hình với người đàn ông, vì vậy phải có sự thỏa hiệp là ông chồng một đôi tháng phải đưa vợ đi shopping một lần, đổi lại thỉnh thoảng bà vợ sẽ nấu một món gì đó để chồng và bạn bè bù khú... Thỏa hiệp vì vậy sẽ là một phong cách sống, một nhân sinh quan cần thiết.
Thỏa hiệp không chỉ cần thiết trong lúc có hòa bình mà ngay cả trong lúc xung đột hay chiến tranh cũng cần đến nó. Ví dụ trong lúc đánh nhau, hai bên cũng có thể đi đến một thỏa hiệp giai đoạn như "ngưng bắn" để cứu thương hay tải thương, và sau đó tiếp tục đánh nhau. Dĩ nhiên trong lúc thỏa hiệp vẫn lo đề phòng tối đa.
Cũng giống như trong vấn đề «hòa giải và hòa hợp dân tộc», không thể có «hòa hợp» nếu trước đó chưa «hòa giải» được với nhau. Thỏa hiệp và hợp tác cũng vậy, nếu không «thỏa hiệp» được thì không có chuyện «hợp tác», bởi vì muốn hợp tác thìđòi hỏi phải chấp nhận nhau, tin tưởng lẫn nhau, ít ra trong một chừng mực nào đó, trong một phạm vi nào đó. Như vậy trong đoạn viết của anh Bùi Thanh Hiếu ở trên có nhắc đến chuyện «hợp tác» với ĐCSVN. Chuyện này hoàn toàn không có và không thể xảy ra. Chúng tôi cũng cám ơn anh Hiếu đã nêu ra vấn đề này để chúng tôi có cơ hội giải thích cặn kẽ cho mọi người được hiểu.
Thật ra khi đưa vấn đề thỏa hiệp với ĐCSVN chúng tôi muốn nhắm đến thành phần tiến bộ trong đảng. Một bộ phận lớn trong đảng, là những đảng viên cấp trung và cấp thấp, họ là những trí thức tinh hoa cúa đất nước. Họ có kiến thức và bản lĩnh, biết và nắm rõ cách thức lãnh đạo và vận hành của một quốc gia, chỉ tiếc rằng họ chưa có tiếng nói quyết định trong những vấn đề trọng đại của đất nước. Một kết hợp giữa một tổ chức chính trị dân chủ và thành phần trí thức tiến bộ trong đảng là một kết hợp hoàn hảo và lý tưởng. Nếu chỉ một trong hai lực lượng này lên tiếng thì vẫn chưa đủ uy tín để động viên quần chúng mà phải là kết hợp cả hai: Một tổ chức chính trị dân chủ và những đảng viên cấp tiến trong đảng. Chúng tôi sẽ thuyết phục, hy vọng và sẵn sàng làm tất cả để liên minh này sớm được thiết lập và hình thành.
Việt Hoàng