Giới thiệu Dự Án Chính Trị 2015-Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai (Chương 4)-Việt Hoàng

“…Đất nước phải được quan niệm như một tình cảm, một không gian liên đới và một tương lai chung; thể chế chính trị cho Việt Nam là dân chủ đa nguyên; tinh thần chỉ đạo của cố gắng làm lại đất nước là hòa giải và hòa hợp dân tộc…”



Giới thiệu Dự Án Chính Trị 2015-Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai (Chương 4)-Việt Hoàng

Việt Nam là một nước nghèo và tụt hậu so với thế giới.Không những thế chúng ta là một trong những nước cuối cùng trên thế giới còn phải chịu đựng chế độ độc tài toàn trị.Chính chế độ toàn trị là nguyên nhân gây ra mọi thua thiệt và đỗ vỡ cho dân tộc chúng ta.Vì sao cho đến tận bây giờ chúng ta vẫn chưa thoát ra khỏi được tai ách này? Cái gì cũng phải có lý do của nó.Trong nhiều nguyên nhân dẫn đến hậu quả ngày hôm nay, theo chúng tôi thì nguyên nhân quan trọng nhất đó là người Việt Nam chúng ta thiếu vắng những nhà tư tưởng lớn, nhất là những nhà tư tưởng về chính trị.Suốt 2000 năm qua chúng ta chỉ biết có một hệ tư tưởng độc nhất, được sao chép nguyên bản từ Trung Quốc, đó là hệ tư tưởng của Khổng Giáo. Hệ thống tư tưởng này là nhằm bảo vệ chế độ phong kiến tập quyền, nó ru ngủ và triệt tiêu mọi đề kháng và sáng tạo của người dân.Nó biến tầng lớp trí thức tinh hoa của dân tộc thành những kẻ nô lệ, chỉ biết cúi đầu phục vụ cho các ông vua, bà chúa.

Ý thức quốc gia và tinh thần dân tộc chỉ được biết đến khi cha ông ta tiếp xúc với nền văn minh của Phương Tây.‘Khác hẳn với các vương quốc đã dần dần hình thành với thời gian, quốc gia là một thực thể bao gồm một lãnh thổ, một chính quyền, một di sản văn hóa lịch sử và những con người bình quyền gắn bó với lãnh thổ đó, chấp nhận chính quyền đó, chia sẻ di sản lịch sử và văn hóa đó và, quan trọng hơn hết, chấp nhận xây dựng và chia sẻ với nhau một tương lai chung.Quốc gia ở trên mọi người và là của chung mọi người’.Trong gần một trăm năm sống dưới chế độ thực dân Pháp, Việt Nam đã xuất hiện một nhà tư tưởng lớn đó là Phan Châu Trinh.Khác với những phong trào đấu tranh đòi độc lập bằng vũ trang, ông đã nhận ra sự thua kém của chúng ta so với Phương Tây, vì vậy thay vì đối đầu ông chọn con đường hòa bình, bằng cách học lấy cái không ngoan sáng tạo của người Pháp rồi sau đó đòi lại độc lập bằng chính những giá trị tiến bộ của người Pháp.Ông mất đi khi sự nghiệp canh tân đất nước còn dang dở.Đảng cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) với phương pháp cổ điển là dùng bạo lực và vũ trang giành lấy chính quyền đã may mắn thành công khi chiến tranh thế giới thứ Hai kết thúc.Việt Nam vừa thoát khỏi chế độ phong kiến thì rơi ngay vào chế độ cộng sản mà thực tế chỉ là một chế độ phong kiến trá hình.

Suốt 40 năm qua, sau ngày 30/4/1975, thay vì thực thi việc Hòa giải và Hòa hợp dân tộc một cách thành tâm với sự nhìn nhận mọi người Việt Nam đều ‘con một nhà, dân một nước’ và là nạn nhân của một cuộc nội chiến đẫm máu và vô nghĩa thì ĐCSVN tiếp tục chính sách thanh trừng và đày đọa bên thua cuộc.Đất nước ta lại tiếp tục chia rẽ, hận thù và đỗ vỡ, nhất là những đỗ vỡ trong lòng người.Điều đáng lo ngại nhất là không biết đến bao giờ sự tồn tại bất công và ngạo nghễ của ĐCSVN mới chấm dứt?

Phong trào dân chủ Việt Nam cho dù có những tiến bộ đáng kể về chất lượng nhưng vẫn chưa hình thành được một tổ chức hay một tập hợp có uy tín và tầm vóc để làm đối trọng với ĐCSVN.Chính vì không có đối trọng nên ĐCSVN vẫn tồn tại dù nó phạm hết sai lầm này đến sai lầm khác, không những thế nó còn ngang nhiên thách thức dư luận và sẵn sàng đàn áp mọi tiếng nói bất đồng.Vì sao phong trào dân chủ Việt Nam không thể phát triển mạnh mẽ được dù điều kiện khách quan và chủ quan đều rất thuận lợi? Có một lý do quan trọng: Chúng ta thiếu vắng tư tưởng.Tư tưởng đây là tư tưởng chính trị, là ‘chủ thuyết’ đấu tranh để có thể dành thắng lợi trong hiện tại và thành công ở tương lai.Không chỉ người dân Việt Nam mà ngay cả những người dân chủ đang dấn thân cũng cần biết rõ chúng ta muốn gì? Phải làm gì? Chúng ta cần hành động ra sao...?

Bởi vì ‘Giữa những thay đổi dồn dập đòi hỏi những chính sách và biện pháp đa dạng và phức tạp để thích nghi với tình thế, mọi người cần nắm vững những chọn lựa nền tảng, nghĩa là những gì không thay đổi và giải thích cái tại sao của các biện pháp và chính sách.Đó là điều kiện để đất nước không mất phương hướng và để người dân có thể hiểu và đóng góp một cách có ý thức vào sinh hoạt quốc gia.Chúng ta là một dân tộc đông đảo và phải đương đầu với rất nhiều vấn đề trầm trọng, gai góc và khẩn cấp, công việc của chúng ta chắc chắn là rất phức tạp.  Chính sự phức tạp đó đòi hỏi các tổ chức chính trị phải minh định những chọn lựa có tính chủ thuyết, chủ thuyết được hiểu theo nghĩa không phải là chủ nghĩa hay ý thức hệ, cũng không phải là những học thuyết với cấu trúc lý luận phức tạp, mà là những ý kiến đơn giản được coi là đúng và được lấy làm căn bản cho các chính sách và biện pháp trong một giai đoạn khá dài’.

Đấu tranh dân chủ là gì? Đâu là bản chất và nguyên tắc của đấu tranh dân chủ? Theo chúng tôi thì bản chất của cuộc đấu tranh dân chủ là: ‘Mỗi một tổ chức chính trị sẽ đưa ra một ‘giải pháp chính trị’ mới, với những khác biệt so với chính sách hiện hành, thuyết phục người dân đồng ý và sau đó là vận động tranh cử và dành chiến thắng trong các cuộc bầu cử dân chủ để trở thành đảng cầm quyền.Cuối cùng là thực thi những giải pháp đã đề nghị đó’.

Đấu tranh dân chủ ở các nước đã có dân chủ là như vậy, tuy nhiên ở Việt Nam thì có khác vì bị một lực lượng phản dân chủ là ĐCSVN cấm đoán, bắt bớ và đàn áp cho nên việc ‘giới thiệu’ và giải thích các ‘giải pháp chính trị’ của các tổ chức dân chủ cũng như việc thuyết phục người dân Việt Nam chấp nhận giải pháp mới... gặp rất nhiều khó khăn. Cho dù như vậy thì ‘nguyên tắc và bản chất’ của cuộc đấu tranh dân chủ là không thay đổi. Đa số những tổ chức dân chủ và những người dân chủ không hiểu điều này nên đã có không ít lời kêu gọi ‘phải hành động’. Hành động ở đây được hiểu như là những hành động gây tiếng vang, sự chú ý và thậm chí là cả bạo lực.Phải nhớ rằng bạo lực là hành động và phương tiện của các tổ chức khủng bố.

Hành động đúng nhất bây giờ của những người dân chủ đó là đọc các Dự Án Chính Trị, nghiên cứu môn khoa học chính trị, chia sẻ các giá trị dân chủ nền tảng để tạo đồng thuận chung. Khi có đồng thuận rồi thì cần tập hợp lại với nhau trong một tổ chức hay một mặt trận dân chủ để cùng học hỏi và xây dựng một lực lượng chung. Chấm hết.Phong trào dân chủ Việt Nam chưa thể làm được gì hơn trong lúc này. Một dự án dù rất nhỏ (như mở một quán ăn) hay rất lớn (như cuộc dân chủ hóa đất nước mà chúng ta đang theo đuổi) đều phải mất rất nhiều thời gian để chuẩn bị về nhân sự, phương tiện, phương pháp, phân tích rủi ro và các mặt mạnh yếu...cuối cùng mới đến ‘HÀNH ĐỘNG’. Nếu không thì xác xuất thất bại sẽ là 100%. 

Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên là một tổ chức chính trị dân chủ đối lập, chúng tôi tranh đấu để mang lại dân chủ và tự do thực sự cho người Việt Nam vì thế chúng tôi đã đầu tư rất nghiêm túc cho việc nghiên cứu về khoa học-chính trị.Một câu hỏi mà chúng tôi luôn ưu tư, trăn trở và tìm kiếm: ‘Dự án của những người dân chủ là gì?’ Và câu trả lời của chúng tôi là: ‘Đánh bại chế độ độc tài, thiết lập dân chủ và đưa đất nước đi lên’.

Dự Án Chính Trị 2015 (DACT 2015) của THDCĐN là một trong những đóng góp lớn và quan trọng cho phong trào dân chủ Việt Nam nói chung và cho chính tổ chức THDCĐN nói riêng.Tham vọng của DACT 2015 là góp phần ‘xây dựng mộthệ tư tưởng chính trị mới cho Việt Nam’, nó giúp cho những người tranh đấu dân chủ lẫn người dân Việt Nam biết được cần phải làm gì và đâu là cái đích mà chúng ta muốn đến.Ông Nguyễn Gia Kiểng, tác giả của DACT 2015 là một nhà tư tưởng chính trị lớn và xuất sắc nhất của Việt Nam hiện nay.Ông không chỉ có một trí tuệ uyên bác mà còn có một trái tim yêu nước nồng nàn, bao dung và độ lượng.Đọc những gì ông viết và nghe những gì ông nói chúng ta có thể cảm nhận được điều đó.

Phần IV của DACT 2015 tương đối dài do với các chương khác vì nó đề cập đến một vấn đề rất quan trọng: ‘Nền tảng tư tưởng cho kỷ nguyên dân chủ’.Chương này trình bày những đồng thuận căn bản của THDCĐN gồm năm điểm: ‘Đất nước phải được quan niệm như một tình cảm, một không gian liên đới và một tương lai chung; thể chế chính trị cho Việt Nam là dân chủ đa nguyên; tinh thần chỉ đạo của cố gắng làm lại đất nước là hòa giải và hòa hợp dân tộc; tổ chức xã hội Việt Nam phải thể hiện một cách thật quả quyết những giá trị tiến bộ; cố gắng phát triển kinh tế phải đặt trên nền tảng kinh tế thị trường và sáng kiến cá nhân’.

Xin trân trọng giới thiệu đến độc giả Dự thảo Chương IV- DACT 2015 của THDCDN.

Việt Hoàng
11/3/2015