Kinh tế tư nhân cần thiết nhưng lý do nào thực sự quan trọng? (Chu Tuấn Anh)

Khi nhà lãnh đạo Syria cam kết thực hiện kinh tế thị trường
Những cuộc tham viếng của nhà lãnh đạo lâm thời Ahmad al-Sharaa gần đây với chính giới châu Âu và Hoa Kỳ là một gợi ý để tôi viết bài viết này, nhất là trong bối cảnh ông đang kêu gọi dỡ bỏ cấm vận với Syria và sẽ theo đuổi “kinh tế thị trường” hay “mô hình tự do kinh tế”.
Sau một vài thập kỷ chiến tranh liên miên, Syria cuối cùng cũng trở lại ổn định khi nhà lãnh đạo độc tài Bashar al-Assad bị lật đổ khi quan thầy của họ là nước Nga của Putin đã sụp đổ và không còn đủ sức hỗ trợ các chư hầu của mình nữa. Nhóm quân nổi dậy HTS đã lên cầm quyền dưới sự hậu thuẫn của Thổ Nhĩ Kỳ- dù ai cũng biết rằng đây là một tổ chức có một quá khứ bất hảo và chẳng mấy thân thiện, dù họ cũng có những thay đổi đáng kể và chấp nhận một số lập trường dân chủ và nhìn nhận những sắc dân, tôn giáo thiểu số ở Syria; và một ý tưởng về chính quyền dân sự, quyền bỏ phiếu và có đại diện trong nghị trường (dù trên thực tế, ông không cam kết sẽ thực hiện một chế độ dân chủ một cách quả quyết). Mới đây, nhà lãnh đạo Ahmad al-Sharaa cũng đi gặp gỡ giới chính trị gia phương Tây để tìm kiếm sự ủng hộ và hứa hẹn sẽ thực thi kinh tế tự do tại Syria và thế giới nhanh chóng gỡ bỏ cấm vận.
Nói đến đây thì có một phản xạ văn hóa tự nhiên mà không phải ai cũng để ý là khi một đất nước đang phải sống trong cảnh độc tài tuyên bố mở ra kinh tế thị trường (hay tự do kinh tế)- đó là một lời đầu hàng của ý thức hệ, và chủ nghĩa độc tài hoặc ít nhất là một sự thừa nhận các chế độ độc tài, toàn trị và ý thức hệ duy trì nó là hoàn toàn sai và cần phải đập bỏ. Người ta có thể lạc quan hay phải dè dặt về thái độ của nhà lãnh đạo Ahmed al-Sharaa và sự “ôn hòa” của ông, và dù thế nào đi chăng nữa sự “ôn hòa”, “trung dung” đó cũng sẽ không đưa đến một kết quả ngay lập tức vì thế giới đã có bài học về Putin, một người thực ra được coi là thân phương Tây; hay chính Assad, một người được kỳ vọng là sẽ thân với phương Tây để rồi họ phải thất vọng.
Sharaa sẽ phải đối mặt với một di sản khổng lồ của một cuộc nội chiến mới chỉ tạm ngưng do các cố gắng duy trì trật tự để rồi có thể bùng nổ trở lại- và một ngôn ngữ “xoa dịu” là không đủ để thay thế một tinh thần hòa giải được đặt lên hàng triết lý quốc gia. Dường như, chúng ta vẫn thấy sự lấn cấn của Sharaa khi ông ta vẫn tỏ ra chống một mô hình nhà nước liên bang, nghĩa là một mô hình cho phép một sự tản quyền và trao quyền cho các nhóm, cộng đồng thiểu số; đặt một dấu hỏi lớn làm sao ông có thể xây dựng một đất nước Syria đa sắc tộc khi thiếu những tinh thần, những mô thức cần có cơ bản cho một nhà nước đa nguyên?
Ngay cả về dân chủ cơ bản, ông cũng tỏ ra lấn cấn khi ông không thể trả lời được rằng có nên áp dụng luật Sharia không và cho rằng đó là quyết định của một “nhóm chuyên gia” và tôi sẽ thừa hành ý kiến của họ. Khi nghe những gì Sharaa nói, người ta cũng chỉ có thể kết luận rằng ông là một người có thiện chí, thành thực; nhưng cũng không phải là một người quả quyết với dân chủ; nhưng nếu thiện chí thì Hugo Chavez hay Fidel Castro cũng có thiện chí của riêng họ.
Thời gian sẽ trả lời cho chúng ta biết liệu sự thiện chí, thành thực của Sharaa và nhóm của ông ta có đủ lớn để đưa Syria đi về một tương lai mới hay không. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải thấy ở đây rằng những người lãnh đạo lâm thời hiện tại của Syria sẽ kế thừa những vấn đề lớn mà họ không ngờ tới, một cố gắng bình thường hóa và hội nhập quả quyết với thế giới- hay nói cách khác là được thế giới chấp nhận thì nó đi xa hơn chỉ là một sự thành thực, thiện chí và cũng bắt đầu bằng một tiến trình dân chủ hóa quả quyết.

Một giai đoạn chuyển tiếp buộc phải đến
Ông Tô Lâm, tổng bí thư Đảng Cộng Sản Việt Nam cũng vừa thừa nhận về tầm quan trọng của kinh tế thị trường, kinh tế tư nhân với phát triển của đất nước; và chúng ta phải hiểu rằng khi một nhà lãnh đạo độc tài thừa nhận như vậy thì họ cũng đã thừa nhận chủ nghĩa độc tài (ở đây là chủ nghĩa Marx Lênin là hoàn toàn sai trái và cần dẹp bỏ). Nhưng ông Tô Lâm cũng không có một thứ thiện chí, hay ít ra là sự khiêm tốn của Sharaa; những gì ông Tô Lâm cam kết về dân chủ hóa gần như bằng số 0, ông ta đã chẳng làm gì cả ngoài những cuộc “cách mạng” tinh gọn bộ máy một cách cẩu thả và tầm bậy. Có thể một chính quyền chuyển tiếp Việt Nam dễ dàng hơn với Syria để lấy lại niềm tin của thế giới, nhưng tuyệt đối không dễ dàng hơn Syria để lấy lại niềm tin của người dân Việt Nam với đất nước Việt Nam- để người ta đặt vào đó một giấc mơ, một động lực để phát triển kinh tế tư nhân. Ở đây tôi dùng từ chính quyền chuyển tiếp vì chúng ta cần một lực lượng để đưa Việt Nam chuyển tiếp về dân chủ- nghĩa là phải mất một thời gian dài và gian khổ mới đưa được đất nước trở về trạng thái hoàn toàn bình thường, và bắt đầu hội nhập sâu sắc với thế giới được. Ông Tô Lâm thực ra cũng đang hành xử như một lãnh đạo thời kỳ chuyển tiếp đất nước, nhưng ông không nên tranh vai trò này, điều mà thực tế ông không làm được- chỉ làm lãng phí thời gian của đất nước và gây ra những tổn hại.
Tất nhiên vấn đề mở ra kinh tế tư nhân, kinh tế thị trường của Việt Nam rất khác Syria; nhưng nó tuyệt nhiên cũng là một cố gắng bóc tách một khối di sản vô cùng lớn mà chính chế độ cộng sản đã để lại, và là một cố gắng cam go, đòi hỏi một lộ trình dân chủ hóa đất nước, những định hướng và mô thức đúng. Vì chúng ta đã kế thừa một cuộc nội chiến thực tế kéo dài 30 năm, không những không được hòa giải sau năm 1975 mà còn chỉ là sự khởi đầu cho những xung đột, và chia rẽ trong xã hội mà chính “bên thắng cuộc” gây ra và kéo dài đến nay đã được 50 năm. Những người đảng quốc gia, địa chủ bị thanh trừng trong cải cách ruộng đất, những người ngã xuống vì chiến tranh huynh đệ tương tàn, trại tập trung cải tạo sau năm 1975, thuyền nhân, hàng triệu người dân oan hay nạn nhân của một thể chế chính trị bất công, những tù nhân chính trị, những cộng đồng sắc tộc như người Thượng, người Hmong, người Chăm Pa, những tôn giáo như Công Giáo, Tin Lành, Phật Giáo Hòa Hảo, Cao Đài chịu sự đàn áp, những nạn dân từ quần chúng cần lao, phong trào xuất khẩu lao động vv và rồi sẽ còn ai nữa nối dài trong danh sách nạn nhân của chế độ hiện tại cùng sự mâu thuẫn và chia rẽ nó đã tích tụ? Một di sản như thế phải cần một cuộc chuyển tiếp trong tinh thần hòa giải dân tộc và những cố gắng vô cùng lớn, chúng ta đâu cần thêm sự hỗn loạn, cẩu thả từ những cuộc tinh giản bộ máy, sát nhập các bộ ngành, đơn vị hành chính “đầu voi đuôi chuột” mà họ đang thực hiện gấp gáp?
Hình ảnh châu Âu hay Syria trong viễn cảnh kinh tế tư nhân ở Việt Nam
Gần đây, châu Âu cũng đang thảo luận lớn về “tinh gọn” (simplification) những thủ tục, quy định để tiếp tục phát triển trong một bối cảnh mới khi mà thương mại, và nguồn năng lượng rẻ từ Nga đã từ chỗ là lợi thế sang bất lợi, nhiều nền kinh tế lớn của châu Âu như Đức, Pháp không tăng trưởng hoặc tăng trưởng không đáng kể. Tuy nhiên, dù sao thì họ cũng sẽ không bãi bỏ, hay dẹp bỏ những tiêu chuẩn cần thiết để bảo vệ môi trường, quyền riêng tư, hay thực thi dân chủ và công bình xã hội, họ cũng sẽ không thể giảm mức độ liên đới xã hội. Những gì châu Âu sẽ làm về phương diện cải tổ thủ tục hành chính cùng lắm chỉ là đưa thủ tục hành chính, tiêu chuẩn trở nên thực tiễn hơn (chẳng hạn không thể kỳ vọng doanh nghiệp vừa và nhỏ thực thi những thủ tục phức tạp, hay tuân thủ những chuẩn mực giống những doanh nghiệp lớn, nâng cao hiệu suất và cập nhật những phương tiện kỹ thuật mới cho bộ máy hành chính, vv…). Nói cách khác là sau một thời gian viết luật, quy chuẩn, thủ tục để có một thứ mẫu mực thì giờ họ phải giản lược để làm nó thực tiễn hơn cho một bối cảnh mới mà những nguồn nhân tài, nguồn vốn, khởi nghiệp sẽ rời khỏi hoặc sẽ không đến Hoa Kỳ nữa; một lợi thế thị trường chung châu Âu phải được tận dụng để cạnh tranh và lấy lại vai trò cường quốc trong một giai đoạn mới. Điều mà chuyên gia như ông Nguyễn Sĩ Dũng và một vài người trong Quốc hội không hiểu, cũng không chịu hiểu là Việt Nam phải bóc tách một di sản cũ của chế độ Cộng sản Việt Nam để đi vào một giai đoạn chuyển tiếp đầy cam go, và cần những cố gắng phi thường. Đó tuyệt nhiên không dừng lại ở vấn đề cải thiện thủ tục hành chính, hay việc họ bó hẹp “thể chế” chỉ là những luật và thủ tục hành chính.
Và nếu phải trả lời tại sao chúng ta phải mở ra một nền kinh tế tư nhân: câu trả lời chỉ có thể là nó là một sự nhìn nhận tương quan quần chúng nhân dân- những người vừa là khách hàng, vừa là lao động, hay chủ doanh nghiệp có trọng lượng áp đảo hơn một thiểu số quyền thế trong xã hội- phải trao những quyền căn bản, phẩm giá, và cơ hội để họ vươn lên; nghĩa là thừa nhận phải thực hiện dân chủ. Và nếu thực nghiệm đã cho thấy rằng kinh tế tư nhân ưu việt hơn những nền kinh tế tập thể, các kế hoạch kinh tế; nếu kinh tế thị trường/kinh tế tư nhân là luật chơi của một thế giới tự do thương mại thì chúng ta cũng cần mở ra những nguồn tài sản mới của đất nước, những nguồn lợi tức mới để đài thọ cho một giấc mơ chung Việt Nam, cùng những chính sách liên đới xã hội, và những cơ sở hạ tầng cần thiết để đảm bảo cho một tương lai chung của đất nước. Mở ra kinh tế tư nhân tuyệt đối không để duy trì thêm chế độ độc tài, toàn trị hiện tại.
Thái độ nào khi đất nước đang lâm nguy?
Vấn đề chuyển đổi sang kinh tế thị trường của Việt Nam chỉ là một nội dung nhỏ cho cuộc chuyển tiếp về dân chủ mà chúng ta bắt buộc phải thực hiện. Chúng ta không có vấn đề chỉ là cải cách hành chính như ở châu Âu, vấn đề của Việt Nam thực ra gần với vấn đề Syria hơn. Một thái độ xu nịnh, đồng lõa với sự bất lương của lãnh đạo chế độ là cần phải lên án. Những chuyên gia như ông Nguyễn Sĩ Dũng liên tục đặt câu hỏi “tinh thần được làm những gì pháp luật không cấm là vậy mà đem ra thực tiễn còn nhiều bất cập”. Nhưng nó không chỉ bất cập, mà dưới một chế độ độc tài toàn trị như hiện tại- khi mà họ đã lấy sự đàn áp, cấm đoán làm công cụ duy trì chế độ- chúng ta sẽ không thực hiện được bất cứ một cái gì cả! Cấm đoán, đàn áp là bản năng không thể sửa chữa của chế độ.
Những chuyên gia là những người có thẩm quyền về kiến thức, và lẽ phải- lẽ ra họ phải giải thích với lãnh đạo chế độ về sự sai lầm của mình khi nghĩ rằng họ có thể cải tổ để duy trì chế độ, đáng buồn là họ lại lựa chọn một thái độ đồng lõa. Trong nhiều khúc quanh quan trọng của đất nước, sự đồng lõa này đã khiến cho đất nước lại trượt dài trong quỹ đạo tụt hậu và bỏ lỡ một vận hội, nhưng lần này có lẽ chúng ta sẽ không thể chấp nhận một sự bỏ lỡ nào nữa, vì thời đại đã gấp gáp lắm rồi, các cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật- trí tuệ nhân tạo, tự động hóa, các cuộc chuyển đổi xanh; vai trò và mối quan hệ thương mại, quan hệ quốc tế đang sắp xếp lại nhanh chóng. Như ông Nguyễn Gia Kiểng đã nói- năm 2025 có thể là thời kỳ tiền sử của năm 2050, và chúng ta đang trong một tình trạng khẩn cấp!
Chu Tuấn Anh