Anh Quốc và Nhật Bản tăng cường hợp tác quốc phòng và kinh tế (Nguyễn Giang)

Cuối tuần qua, ngoại trưởng Anh David Lammy và bộ trưởng Thương Mại Jonathan Reynolds đã tới Nhật Bản để hội đàm và ký kết các thỏa thuận trong khuôn khổ Đối tác Kinh tế 2+2, nhưng yếu tố an ninh và quân sự cũng được báo chí chú ý.

Từ trái sang phải : Bộ trưởng Thương Mại Anh Jonathan Reynolds, ngoại trưởng Anh David Lammy, ngoại trưởng Nhật Bản Takeshi Iwaya và bộ trưởng Thương Mại Nhật Bản Yoji Muto tại Tokyo, Nhật Bản, ngày 07/03/2025.
Từ trái sang phải : Bộ trưởng Thương Mại Anh Jonathan Reynolds, ngoại trưởng Anh David Lammy, ngoại trưởng Nhật Bản Takeshi Iwaya và bộ trưởng Thương Mại Nhật Bản Yoji Muto tại Tokyo, Nhật Bản, ngày 07/03/2025. AP - Eugene Hoshiko

Thông tín viên Nguyễn Giang tường thuật từ Luân Đôn :

Chính phủ Anh tin rằng một thị trường lớn sẽ được mở rộng hơn khi hai bộ trưởng Ngoại Giao và Thương Mại Anh thăm nền kinh tế lớn thứ tư thế giới cuối tuần qua.

Hiện Nhật Bản đã đầu tư 86 tỷ bảng vào kinh tế Anh và Luân Đôn muốn đẩy thương mại song phương lên vượt mức hiện này là 27 tỷ bảng/năm.

Nhưng hợp tác công nghiệp quốc phòng ngày càng đóng vai trò quan trọng cho kinh tế Anh.

Đồng thời, ngoại trưởng David Lammy khi dự họp báo với người đồng cấp Takeshi Iwaya ở Tokyo hôm 07/03 đã nói thẳng rằng Anh muốn Nhật dùng sức mạnh kinh tế để gây sức ép với nước Nga trong vấn đề Ukraina. Đây là thời điểm quan trọng vì Anh đang lập ra “liên minh tình nguyện” các nước muốn hỗ trợ Kiev chống lại Matxcơva bởi Hoa Kỳ thay đổi thái độ với Nga.

Dù thay đổi đảng cầm quyền tháng 7 năm ngoái, Anh Quốc vẫn nhất quán xây dựng quan hệ quốc phòng với Nhật Bản, coi đây là “đối tác an ninh gần gũi nhất ở Đông Á”, theo văn bản của Thượng Viện Anh (House of Lords).

Hồi đầu năm 2023, chính phủ tiền nhiệm của thủ tướng Anh Rishi Sunak thuộc đảng Bảo Thủ đã ký Thỏa thuận Tiếp cận chung Nhật-Anh (Japan-UK Reciprocal Access Agreement, tức Japan-UK RAA, với thủ tướng Nhật khi đó là ông Fumio Kishida nhân chuyến thăm Luân Đôn của ông Kishida.

Anh như thế trở thành nước thứ hai sau Úc ký thỏa thuận quân sự RAA với Nhật, thực chất là để cùng nhau sử dụng căn cứ hải quân song phương khi cần. Cuối năm 2021, Anh đã cử hai tàu tuần tra xa bờ HMS Tamar và HMS Spey đi sang châu Á 5 năm liền và hai tàu này đã tham gia tập trận Pacific Crown cùng Hải quân Nhật năm 2022.

Trước đó, vào tháng 09/2022, Anh ký với Ý và Nhật chương trình Tempest để cùng Nhật phát triển chiến đấu cơ thế hệ mới (ở Nhật có tên là FX-programme), thay cho phi đội Typhoon của Không lực Hoàng gia Anh vào năm 2035. Với Nhật Bản, đây là dự án chiến lược lần đầu cùng thiết kế và sản xuất phi cơ chiến đấu với đối tác không phải Hoa Kỳ.

Giờ đây, chính phủ của đảng Lao Động Anh nói họ muốn chương trình chế tạo máy bay chiến đấu này, có tên mới là Chương trình Chiến đấu cơ Toàn cầu (Global Combat Air Programme-GCAP), được thực hiện để đem lại 3.500 việc làm trong ngành công nghiệp quốc phòng ở Anh, góp phần “thúc đẩy tăng trưởng kinh tế”.

Được biết GCAP tập hợp BAE Systems của Anh, cùng Leonardo (Ý), Rolls Royce (Anh) và  MBDA (Anh-Đức) và tập đoàn công nghiệp Mitsubishi Heavy Industries của Nhật sẽ thay đổi vị trí gần như độc quyền của Hoa Kỳ trong ngành này ở hai châu lục Âu và Á. Tham vọng của các bên là sau này Nhật sẽ bán máy bay chiến đấu thế hệ 6 cho các nước châu Á, còn Anh và Ý bán cho các đối tác châu Âu.

Một tài liệu của Đại học King’s College, Luân Đôn đánh giá đây là bước đi của Nhật muốn giảm lệ thuộc vào Mỹ. Mitsubishi đã không ký với Lockheed Martin của Hoa Kỳ và tìm đến đối tác Anh và Ý.

Với căng thẳng xảy ra giữa các đồng minh Liên Minh Bắc Đại Tây Dương (NATO) tại châu Âu với Hoa Kỳ từ khi tổng thống Donald Trump lên cầm quyền, dự án liên quốc gia không có Mỹ này, đối với Anh quốc lại càng trở nên có tính thời sự.

Nguyễn Giang - RFI Tiếng Việt

9/3/2025