Vì sao Trung ương Đảng và Quốc hội họp bất thường quá nhiều? (BBC Tiếng Việt)

 Ông Tô Lâm và ông Nguyễn Phú Trọng

Trong 17 kỳ họp của Quốc hội khóa 15, có đến 9 kỳ họp bất thường, nhiều hơn so với số lượng kỳ họp thường kỳ. Trung ương Đảng cũng có 21 cuộc họp, trong đó 10 là thường kỳ, 11 là bất thường.

Kỳ họp bất thường của Quốc hội lần thứ 9 được triệu tập từ ngày 12 kết thúc ngày 19/2. Lần này, chương trình nghị sự khá dày đặc, và "có ý nghĩa rất quan trọng, quyết định nhiều vấn đề cấp bách của đất nước" theo Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn.

Vấn đề cấp bách chính là thông qua các luật về tổ chức bộ máy của Quốc hội, Chính phủ và Chính quyền địa phương phục vụ cho cuộc "cách mạng tinh gọn" mà Tổng Bí thư Tô Lâm đã phát động sau khi lên nắm quyền.

Trước đó, ngày 23 và 24/1, Trung ương Đảng đã họp hội nghị bất thường lần thứ 11 trong nhiệm kỳ này để thống nhất phương án sắp xếp bộ máy của hệ thống chính trị theo Nghị quyết 18 về tinh giản biên chế.

Và tại kỳ họp Quốc hội bất thường lần thứ 9 này, cơ cấu của chính phủ mới được thông qua chính thức với 25 thành viên gồm Thủ tướng, 7 phó thủ tướng, 14 bộ trưởng và 3 thủ trưởng cơ quan ngang bộ. So với bộ máy cũ, Chính phủ giảm 4 bộ trưởng nhưng thêm 2 phó thủ tướng.

Ở nhiệm kỳ trước (2016-2021), Đảng triệu tập 15 hội nghị, và con số đó cũng đã nhiều hơn một so với khóa trước đó. Trong nhiệm kỳ khóa 13 này, Trung ương Đảng đã triệu tập 21 phiên họp.

Vì sao lại họp quá nhiều như thế?

Phần lớn các phiên họp của Đảng được triệu tập để xử lý các vấn đề về nhân sự, và các kỳ họp bất thường của Quốc hội nhằm thể chế hóa các quyết định nhân sự được Đảng đề cử cho bộ máy chính quyền.

Thời gian của các kỳ họp bất thường của Quốc hội khóa 15 thường diễn ra sau các kỳ họp, cũng bất thường, của Ban chấp hành Trung ương Đảng.

Trong những năm qua, công cuộc chống tham nhũng dưới cái tên "Đốt lò" đã được đẩy mạnh, vì thế Đảng đã phải rất nhiều lần triệu tập các kỳ họp bất thường để kỷ luật các đảng viên cấp cao, và Quốc hội cũng đã song hành, theo sát.

Bất thường và bình thường

Kỳ họp bất thường đầu tiên của Quốc hội khóa 13 được tổ chức ngày 4/1/2022 đến 11/1/2022 bằng hình thức trực tuyến vì điều kiện dịch Covid-19.

Tại kỳ họp này, Quốc hội đã ban hành 1 luật sửa 9 luật, cùng 4 nghị quyết trong đó đáng chú ý là nghị quyết về gói hỗ trợ phục hồi phát triển kinh tế hậu Covid-19 trị giá 350.000 tỷ đồng.

Đấy là kỳ họp mà chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá là "bài học quý để những kỳ họp 'bất thường' trở thành hoạt động 'bình thường' của Quốc hội nhằm đáp ứng kịp thời đòi hỏi cấp bách của thực tiễn".

Chiến dịch "đốt lò" của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khiến hàng loạt quan chức cấp cao bị mất chức
Chụp lại hình ảnh,Chiến dịch "đốt lò" của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khiến hàng loạt quan chức cấp cao bị mất chức

Dịch Covid-19 đã làm lộ ra một số đại án như Kit test Việt Á và chuyến bay "giải cứu" người dân ở các vùng dịch về lại Việt Nam. Diễn biến này khiến trung ương Đảng phải triệu tập phiên họp bất thường đầu tiên diễn ra vào chiều 6/6/2022, hai ủy viên trung ương là Chu Ngọc Anh, đương kim Chủ tịch Hà Nội, cựu Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ, và Nguyễn Thành Long, Bộ trưởng Y tế, bị khai trừ ra khỏi Đảng, hình thức kỷ luật nặng nhất.

Ngay sáng 7/6/2022, Quốc hội, trong kỳ họp chính thức lần thứ 3, đã bổ sung chương trình làm việc là bãi nhiệm tư cách đại biểu quốc hội ông Long, cách chức Bộ trưởng Y tế.

Đến lần bất thường thứ hai, diễn ra ngày 5/1 đến 9/1/2023, Quốc hội, ngoài việc thông qua Luật khám bệnh sửa đổi còn là công tác nhân sự. Quốc hội đã "cho thôi" làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội đối với ông Phạm Bình Minh và ông Lê Minh Chuẩn.

Hai phó thủ tướng bị miễn nhiệm chức danh gồm ông Phạm Bình Minh và ông Vũ Đức Đam, và thay vào đó là hai tân phó thủ tướng Trần Hồng Hà và Trần Lưu Quang.

Diễn biến này là nhằm thể chế hóa quyết định của Đảng sau khi Ban chấp hành trung ương tổ chức hội nghị bất thường lần hai diễn ra vào ngày 30/12/2022. Ở hội nghị đó, ông Minh và ông Đam đã bị cho thôi các chức vụ trong đảng.

Kỷ luật 'lãnh đạo chủ chốt'

Kỳ họp bất thường lần thứ ba của Quốc hội diễn ra ngày 18/1/2023 nổi bật với vấn đề nhân sự: Miễn nhiệm Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, đồng thời "cho thôi" nhiệm vụ đại biểu với ông này.

Chủ tịch nước là nhân vật quyền lực số 2 trong Đảng xếp theo quyền lực của "lãnh đạo chủ chốt" hay "tứ trụ".

Một lần nữa, Quốc hội "thể chế hóa" quyết định của Đảng vì trước đó, ngày 17/1/2023, trong kỳ họp bất thường lần thứ 3 trong khóa này, Trung ương Đảng đã "đồng ý cho thôi" chức Ủy viên Bộ Chính trị vì ông Phúc chịu trách nhiệm chính trị của người đứng đầu khi để nhiều cán bộ có vi phạm, khuyết điểm.

Bà Võ Thị Ánh Xuân giữ chức Quyền Chủ tịch nước cho đến ngày 2/3 khi Quốc hội triệu tập phiên họp bất thường lần thứ 4. Sáng hôm đó, 487/488 đại biểu quốc hội có mặt đã bầu ông Võ Văn Thưởng làm Chủ tịch, đạt tỉ lệ 98,38%.

Ông Phúc và ông Huệ
Chụp lại hình ảnh,Ông Nguyễn Xuân Phúc và ông Vương Đình Huệ

Các chức vụ lãnh đạo của hệ thống chính trị đều nằm dưới quyền lãnh đạo của Đảng. Truyền thống của Quốc hội là bầu những người được Đảng giới thiệu. Ông Thưởng cũng không là ngoại lệ khi một ngày trước đó, tại kỳ họp bất thường lần thứ 4 của Trung ương ngày 1/3/2023, đã được Đảng giới thiệu để Quốc hội bầu.

Đến kỳ họp bất thường lần thứ 5, diễn ra từ 15/1-18/1/2024, Quốc hội không bàn nhân sự mà thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) và Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) cùng một số nội dung khác.

Tại kỳ họp bất thường thứ 6 (21/3), dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, quốc hội miễn nhiệm ông Võ Văn Thưởng. Cũng giống như ông Phúc, ông Thưởng cũng được "cho thôi" làm nhiệm vụ quốc hội.

Kỳ họp này Quốc hội cũng bãi nhiệm tư cách đại biểu của bà Hoàng Thị Thúy Lan, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Vĩnh Phúc, người đã bị khởi tố trong một vụ án liên quan đến tập đoàn Phúc Sơn trước đó.

Một lần nữa, vai trò của Đảng được nhìn thấy rất nổi bật. Ngày 20/3/2024 cuộc họp bất thường Đảng đã "đồng ý cho thôi" giữ các chức vụ ông Võ Văn Thưởng, đồng thời khai trừ ra khỏi đảng bà Hoàng Thị Thúy Lan, Bí thư tỉnh ủy Vĩnh Phúc.

Lần thứ 2 trong nhiệm kỳ này, và cũng là sự kiện vô tiền khoáng hậu, bà Võ Thị Ánh Xuân giữ chức quyền chủ tịch nước.

Võ Văn Thưởng

Nguồn hình ảnh,Getty Images

Chụp lại hình ảnh,Ông Võ Văn Thưởng

Chỉ vài tháng sau, ông Vương Đình Huệ đã không thể chủ trì kỳ họp bất thường lần thứ 7, diễn ra vào chiều 2/5/2024. Lý do, lần này các đại biểu được triệu tập để "miễn nhiệm" chức Chủ tịch Quốc hội của chính ông, đồng thời miễn nhiệm luôn tư cách đại biểu.

Ông Huệ thực chất đã không còn quyền lực từ hơn một tháng trước đó khi Trung ương Đảng triệu tập kỳ họp bất thường lần thứ 4 vào chiều 26/4/2024 để "đồng ý cho thôi" các chức vụ trong Đảng. Nhiệm vụ còn lại của Quốc hội là chính danh hóa quyết định đó của Đảng.

Chính trường Việt Nam, chỉ trong vòng hơn 1 tháng, chứng kiến sự thay đổi "long trời lở đất" khi hai nhân vật "lãnh đạo chủ chốt" là Chủ tịch nước và Chủ tịch Quốc hội đã phải rớt đài. Nếu tính luôn cả ông Nguyễn Xuân Phúc, 3 nhân vật quyền cao chức trọng đã bị kỷ luật cho về hưu chỉ trong vòng 15 tháng.

Công chúng liên tục chứng kiến các ngôn từ "miễn nhiệm", "thôi nhiệm", "bãi nhiệm", "cho thôi", "cách chức" khi đề cập đến các trường hợp lãnh đạo về hưu, nghỉ việc.

Có thể nhận thấy các đại biểu Quốc hội đã phải bỏ ra không ít thời gian để bầu rồi bãi nhiệm các chức vụ về nhân sự cấp cao trong thời gian qua.

Bộ tứ
Chụp lại hình ảnh,Bộ tứ trong nhiệm kỳ này có nhiều thay đổi. Trong ảnh, từ trái qua: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Tô Lâm, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn.

Dưới thời ông Tô Lâm

Ông Tô Lâm

Nguồn hình ảnh,Getty Images

Công chúng lần lượt chứng kiến các ủy viên Bộ Chính trị cấp cao kế cận Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng là ông Nguyễn Xuân Phúc, Võ Văn Thưởng và Vương Đình Huệ rớt đài. Đảng đã phải đi tìm những nhân tố mới kế nhiệm.

Người thay ông Huệ là ông Trần Thanh Mẫn, cấp phó của ông Huệ, được bầu là Chủ tịch Quốc hội trong kỳ họp chính thức lần thứ 7 vào ngày 20/5/2024. Còn người lên thay ông Thưởng làm Chủ tịch nước lúc này là Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an.

Cả hai trước đó đều được Đảng giới thiệu để Quốc hội bầu trong Hội nghị trung ương lần thứ 9. Đó là một hội nghị thường kỳ của Trung ương Đảng nhưng để giải quyết vấn đề bất thường về nhân sự.

Trước đó, ngày 16/5/2024, một nhân vật cấp cao nữa rời chính trường khi bà Trương Thị Mai thôi làm Ủy viên Bộ chính trị, thôi Ủy viên Ban chấp hành. Thay cho bà Mai là Đại tướng Lương Cường giữ chức vụ Thường trực Ban Bí thư, và ông Lê Minh Hưng làm Trưởng ban Tổ chức trung ương.

Trong bộ tứ, xếp vị trí sau Tổng bí thư lần lượt là Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch Quốc hội. Nếu mở rộng ra bộ ngũ, nhân vật số 5 chính là Thường trực Ban Bí thư.

Nhưng chiếc ghế quyền lực này trong thời gian qua chứng kiến có đến 4 người ngồi vào. Hồi đầu nhiệm kỳ là ông Võ Văn Thưởng, tiếp đến là bà Trương Thị Mai, rồi ông Lương Cường và nay là ông Trần Cẩm Tú.

Có hai người từ vị trí này thăng tiến lên Chủ tịch nước là ông Võ Văn Thưởng và ông Lương Cường. Trong khi đó bà Trương Thị Mai lại chịu số phận hẩm hiu hơn: vì hưu và rồi sau đó bị "khiển trách", mức kỷ luật nhẹ nhất của Đảng.

Đó cũng là hội nghị cuối cùng mà Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tham dự.

Ngày 19/7/2024, "người đốt lò" Nguyễn Phú Trọng mất.

Chủ tịch nước lúc này là ông Tô Lâm đã được bầu làm Tổng bí thư trong hội nghị trung ương bất thường lần thứ 8, diễn ra vào ngày 3/8/2024.

Đó là lần thứ 3 ông Tô Lâm đổi ghế.

Hành trình từ Bộ trưởng Bộ Công an qua Chủ tịch nước đến chiếc ghế Tổng bí thư chỉ mất 74 ngày.

Và đó là một bước ngoặt hết sức hệ trọng trên chính trường Việt Nam thời hiện đại.

Lần thứ hai kể từ khi Đổi Mới đến nay, tổng bí thư không đi hết một nhiệm kỳ. Người trước đó bị thay giữa dòng là ông Lê Khả Phiêu. Nhiệm kỳ của ông Phiêu kéo dài 5 năm, từ 1997-2002, nhưng đến tháng 4/2001 ông đã phải nhường lại chức vụ này cho ông Nông Đức Mạnh.

Đây cũng là lần thứ hai trong nhiều năm qua Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước trong một cơ chế nhất thể hóa tạm thời. Ở khóa trước, ông Nguyễn Phú Trọng kiêm Chủ tịch nước khi ông Trần Đại Quang qua đời.

Bộ tứ quyền lực đã có sự thay đổi. Tổng bí thư Tô Lâm, Chủ tịch nước Lương Cường, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn.

Nguồn hình ảnh,Getty Images/BBC

Chụp lại hình ảnh,Bộ tứ quyền lực đã có sự thay đổi. Tổng bí thư Tô Lâm, Chủ tịch nước Lương Cường, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn.

Nhưng, như một bất thường đã thành bình thường, ngay cả một hội nghị được triệu tập để Ban chấp hành trung ương bầu Tổng bí thư mới, Đảng cũng không quên vấn đề kỷ luật. 3 ủy viên trung ương đã được "cho thôi" các chức vụ trong Đảng ngay ngày ông Tô Lâm chính thức nắm quyền lãnh đạo, gồm ông Lê Minh Khái - Phó thủ tướng, ông Đặng Quốc Khánh - Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường, và ông Chẩu Văn Lâm, Bí thư tỉnh ủy Tuyên Quang.

Ở kỳ họp bất thường lần thứ 8, diễn ra ngày 26/8/2024, Quốc hội cũng không vội bầu Chủ tịch nước thay ông Tô Lâm. Thay vào đó, Quốc hội giải quyết các vấn đề về nhân sự mà Đảng đã quyết: "cho thôi nhiệm vụ đại biểu" các ông Đặng Quốc Khánh và ông Chẩu Văn Lâm, và bãi nhiệm tư cách đại biểu của ông Lê Thanh Vân.

Các đại biểu cũng miễn nhiệm 2 phó thủ tướng và phê chuẩn bổ nhiệm thêm 3 phó thủ tướng và các nhân sự cấp bộ tương ứng thay thế cho những vị trí đang trống.

Bảy ủy viên Bộ Chính trị khóa 13 mất chức. Trong đó, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh là những người có thâm niên trong Bộ Chính trị trên một khóa. Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh và Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng vào Bộ Chính trị khóa 13 là khóa đầu tiên
Chụp lại hình ảnh,Bảy ủy viên Bộ Chính trị khóa 13 mất chức, gồm Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh và Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng.

Có thể nhận thấy rất nhiều thay đổi trong thời gian qua khiến cho các cỗ máy chính trị từ Đảng, Chính phủ đến Quốc hội đang chạy đua nước rút trong những năm tháng cuối nhiệm kỳ để chuẩn bị cho đại hội thứ 14 dự kiến diễn ra vào đầu năm 2026.

Thông thường, ở các nhiệm kỳ gần đây, trung ương Đảng tổ chức khoảng 14 - 15 hội nghị, trong đó các phiên đầu tiên là bầu bộ máy lãnh đạo, và các phiên cuối cùng là chuẩn bị nhân sự cho đại hội khóa tới.

Suốt khóa 12, (2016-2021) cũng dưới thời ông Nguyễn Phú Trọng là Tổng Bí thư, Ban chấp hành Trung ương tổ chức 15 hội nghị, nhiều hơn một so với nhiệm kỳ trước đó. Khí đó, dù nhiều ủy viên trung ương đảng bị kỷ luật, nhưng tất cả đều diễn ra ở các hội nghị trung ương định kỳ, không có hội nghị nào bất thường.

Đến khóa 13, cũng dưới sự điều hành của ông Trọng, và từ 3/8/2024 đến này là ông Tô Lâm, Đảng đã triệu tập đến 21 hội nghị, trong đó 10 hội kỳ và 11 bất thường.

Kết quả là danh sách các ủy viên bị kỷ luật, thôi chức hay cách chức cũng ngày càng dài, đến nay lên đến con số 29. Trong số đó có 8 Ủy viên Bộ Chính trị đã rời danh sách trong đó 7 người phải thôi chức, và một người qua đời.

Về phía Quốc hội, đã có 20 đại biểu bị cho thôi, trong đó 4 người bị "bãi nhiệm" và 16 người bị "miễn nhiệm".

Người mở hàng trong khóa này là ông Trần Văn Nam, Bí thư Bình Dương. Ông Nam đã bị cách tất cả chức vụ trong đảng trong hội nghị trung ương lần thứ 3 diễn ra vào đầu tháng 7/2021. Ông này, thậm chí còn không được công nhận tư cách Đại biểu Quốc hội dù có trong danh sách trúng cử của cơ quan lập pháp được tổ chức hồi tháng 5/2021.

Ở chiều ngược lại, nhiều nhân tố mới đã xuất hiện, trong đó có thể nhìn thấy sự thăng tiến rất nhanh của các tướng công an.

Danh sách ủy viên Bộ Chính trị có mặt một số nhân vật như ông Lê Minh Hưng, ông Nguyễn Trọng Nghĩa, bà Bùi Thị Minh Hoài và ông Đỗ Văn Chiến dưới thời ông Nguyễn Phú Trọng.

Đến thời ông Tô Lâm, hai tướng công an là Lương Tam Quang và Nguyễn Duy Ngọc, cùng quê Hưng Yên với tân Tổng bí thư, thần tốc tiến vào bộ máy quyền lực này.

BBC Tiếng Việt

22/02/2025