Nhìn Lại Đất Nước Trong Một Giai Đoạn Quan Trọng (Kỷ Nguyên) – Kỳ 4

 PHẦN 1: THẾ GIỚI TRONG MỘT KHÚC QUANH LỊCH SỬ TRỌNG ĐẠI

Bài 4: Đế quốc Trung Quốc đang lâm nguy

Đối với Trung Quốc, nhìn lại 5 năm vừa qua là nhìn lại một giai đoạn của sự khủng hoảng và những tai họa kinh khủng. Mầm mống khủng hoảng của Trung Quốc thật ra đã bắt đầu từ lâu trước đó, ít nhất là từ năm 2008, nhưng thay vì chấp nhận tình trạng khó khăn để tìm cách vực dậy một cơ thể yếu bệnh thì chính quyền Trung Quốc đã chọn giải pháp tiêm thuốc kích thích, để rồi trở nên kiệt quệ và hiện nay không còn che giấu được tình trạng khủng hoảng. 

Với mối liên hệ mật thiết cả về địa lý, văn hóa và lịch sử, Trung Quốc đã luôn là vấn đề và là một trong những vấn đề chính trị quan trọng nhất của Việt Nam. Quan tâm và nắm bắt những nét chính của tình hình Trung Quốc, vì vậy luôn là yêu cầu bắt buộc đối với chúng ta, đặc biệt là trong bối cảnh thế giới hiện nay đang ở trong một khúc quanh quan trọng.

Những gì đang diễn ra ở Trung Quốc đang là mối quan tâm và lo lắng của thế giới, vì một sự sụp đổ của một nước lớn và có ảnh hưởng rộng khắp như Trung Quốc có thể là một tai họa toàn cầu. Đối với Việt Nam, tai họa này sẽ nghiêm trọng hơn cả do nước ta ở sát Trung Quốc và còn chịu sự lệ thuộc quá đáng về mọi mặt, đặc biệt là sự lệ thuộc hổ nhục cả về kinh tế lẫn chính trị do sự thiển cận của chế độ cộng sản Việt Nam gây ra. 

Giai đoạn chồng chất những tai họa

Trung Quốc đã khởi đầu năm 2020 với đại dịch covid-19 mà chính Trung Quốc là nơi mà dịch bắt đầu bùng phát. Tai họa này là một điều không may, nhưng có phần trách nhiệm lớn nhất của chính quyền Trung Quốc khi chính họ đã phạm một sai lầm rất đáng trách. Sai lầm này chính là thói quen che giấu sự thật, điều họ đã làm trước đó trong đợt dịch SARS vào năm 2003 và đã khiến dịch bệnh lây lan ra nhiều nước sau đó. Cuối năm 2019, họ lặp lại sai lầm này và đã đã góp phần quan trọng khiến thế giới bỏ lỡ “thời gian vàng” để khống chế đại dịch Covid-19. 

Trong 3 năm từ 2020 đến 2022, người dân Trung Quốc đã là những người chịu đựng quãng thời gian phong tỏa dài nhất cùng các biện pháp chống dịch cực đoan nhất của chính sách Zero-Covid do chính quyền cộng sản áp dụng. Mọi vấn đề của xã hội, từ sức khỏe cộng đồng, kinh tế cho đến tinh thần đều luôn ở trong trạng thái căng thẳng tột độ kéo dài. Mặc dầu từ cuối năm 2020 Trung Quốc đã phát triển riêng các loại vacxin đến từ các hãng dược trong nước như Sinovac và Sinopharm, họ cũng tự tin với chủ trương tự chủ vacxin nhưng công dụng không được hiệu quả trước biến chủng Delta trong năm 2021 đã khiến tình hình dịch ở Trung Quốc trở nên tồi tệ.

Hình ảnh các nhân viên y tế mặc đồ bảo hộ tại Bắc Kinh vào tháng 11, 2022.
Hình ảnh các nhân viên y tế mặc đồ bảo hộ tại Bắc Kinh vào tháng 11, 2022.

Riêng trong năm 2022, trong khi thế giới đã dần kiểm soát được dịch bệnh nhờ chiến dịch tiêm chủng vacxin hiệu quả và nới lỏng các biện pháp hạn chế xã hội nhằm ổn định cuộc sống của người dân thì tình hình dịch ở Trung Quốc lại bùng phát dữ dội trở lại. Lý do có thể là các loại vacxin do các hãng dược phẩm nội địa của họ điều chế không đáp ứng được khả năng miễn dịch, trong khi chính quyền Trung Quốc chỉ thực hiện chủ trương tự chủ vacxin. Chứng kiến thế giới đã dần ra khỏi tình trạng khó khăn của dịch bệnh trong khi Trung Quốc vẫn tiếp tục phong tỏa đã khiến các cuộc biểu tình diễn ra trên khắp đất nước. Mãi đến tháng 12 năm 2022 thì chính quyền mới từ bỏ chính sách Zero-Covid nhưng không phải vì áp lực bởi các cuộc biểu tình mà vì tác động của chính sách phong tỏa đến kinh tế đã không còn có thể chịu đựng được nữa. 

Đại dịch Covid-19 và cách mà chính quyền cộng sản Trung Quốc ứng phó với chính sách Zero-Covid đã khiến làn sóng rời bỏ Trung Quốc của các tập đoàn đa quốc diễn ra nhanh hơn. Cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng toàn cầu do đại dịch mang lại đã khiến thế giới nhận ra thêm một mối nguy đối sự phát triển, đó là sự tồi dở của các chế độ độc tài.

Cũng trong năm 2022, trong lúc đại dịch vẫn còn hoành hành ở Trung Quốc thì một tai họa lớn khác ập tới. Với một nền kinh tế phụ thuộc vào ngoại thương và đang ở trong tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng, sự kiện Nga xua quân xâm lăng Ukraine đã giáng thêm một cú sốc vào tình hình kinh tế của Trung Quốc. Nga đã thách thức thế giới và đặt Trung Quốc vào một hoàn cảnh bắt buộc phải ủng hộ Nga dù không chính thức, bởi thất bại của Nga kéo theo sự sụp đổ của chính quyền Putin sẽ đưa Trung Quốc vào thế hoàn toàn bị cô lập. Đó là chưa kể đến vấn đề an ninh năng lượng của Trung Quốc sẽ vô cùng nguy ngập do sự lệ thuộc vào nguồn dầu lửa và khí đốt từ Nga; Trung Quốc dù có một lãnh thổ rộng lớn nhưng lại không có mỏ dầu hoặc khí đốt, một chính quyền dân chủ ở Nga sẽ khiến Trung Quốc trở thành con tin của khối dân chủ trong vấn đề năng lượng. 

Giữa lúc dịch bệnh đang lây lan mạnh do biến chủng Omicron và chính sách Zero Covid vẫn đang khiến cả nước bị phong tỏa. Ngày 16/10/2022, đảng cộng sản Trung Quốc bước vào Đại hội đảng lần thứ 20 với gần 2.300 đại biểu. Đại hội lần này xác nhận ông Tập Cận Bình tiếp tục làm tổng bí thư và là nhiệm kỳ thứ 3, đưa ông trở thành người thứ hai trong lịch sử đảng cộng sản Trung Quốc có được điều này. Sự kiện trên đã chính thức xác nhận chế độ cộng sản Trung Quốc đã chuyển từ chế độ độc tài tập thể sang chế độ độc tài cá nhân. 

Phần lớn các nhận xét đều cho rằng ông Tập Cận Bình đã thành công trong việc thâu tóm quyền lực và ở một vị thế lãnh đạo vững chắc. Điều này đúng, nhưng chỉ là bề ngoài nhìn thấy được. Nếu xét trong bối cảnh khủng hoảng toàn diện của Trung Quốc trong giai đoạn gần đây, chiếm lấy vị thế quyền lực tối cao là một lựa chọn dại dột của một người vừa thiển cận vừa tăm tối. Hai năm sau đó đã đưa Tập Cận Bình -với vị thế người chịu trách nhiệm cao nhất- vào một tình cảnh mà không một ai muốn có.

Tình trạng khủng hoảng không thể che giấu

Trái với sự kỳ vọng của chính quyền Tập Cận Bình về một sự hồi phục sau khi từ bỏ phong tỏa vào cuối năm 2022, Trung Quốc đã chứng kiến một năm 2023 xấu đi nhanh chóng. Trong 6 tháng đầu năm 2023, nhập khẩu của Trung Quốc đã sụt giảm 4,5% còn xuất khẩu giảm 7,5% so với cùng giai đoạn năm 2022; mặc dù 2022 là năm mà Trung Quốc vẫn đóng cửa vì chính sách phong tỏa Zero-Covid. Lo sợ trước sự sụt giảm này, chính quyền Trung Quốc đã quyết định giảm lãi suất nhưng kết quả là ngay trong tháng 7/2023, tình trạng còn bi đát hơn khi mức nhập khẩu giảm 11% còn xuất khẩu giảm 12,5% so với cùng kỳ tháng 7 năm 2022. Trong cơn hoảng loạn, họ tiếp tục hạ lãi suất và thực hiện các biện pháp khuyến khích tiêu dùng nhưng đến tháng 8, thì nhập khẩu giảm 12% còn xuất khẩu giảm 14,5% so với cùng kỳ năm 2022. Tổng kết năm 2023, ngành xuất khẩu giảm 4,6% còn nhập khẩu giảm 5,5%. 

Sự sụt giảm ngoại thương một cách bi đát dù đã được chính quyền can thiệp, phản ánh một nền kinh tế không những đang kiệt quệ mà còn chứng kiến sự suy giảm niềm tin của thị trường và các nhà đầu tư. Điều này thể hiện rõ qua chỉ số chứng khoán. Trong 6 tháng đầu năm 2023, trong khi tại Mỹ chỉ số S&P 500 đã tăng 13,5% còn tại Châu Âu các chỉ số chứng khoán tăng khoảng 12% thì ở Trung Quốc, tất cả các chỉ số đều âm -trong đó chỉ số CSI 300 âm từ 4% đến 5%. Những tháng còn lại của năm 2023 chỉ xác nhận thêm một tình trạng tuyệt vọng. Vào tháng 10/2023, ba thị trường chứng khoán chính gồm Thâm Quyến, Thượng Hải, Bắc Kinh tính trung bình gần 11 tháng thì tất cả các chỉ số (CSI 100, CSI 300) đều âm từ 7% đến 8%. Trong khi đó, dù cũng đang khó khăn nhưng tổng quan cả năm 2023, ở Châu Âu các chỉ số chứng khoán đều tăng khoảng 8% đến 9% còn nước Mỹ cũng tăng hơn 12%. Như vậy, trong khi phương Tây đang tiến lên từ  8% đến 12% thì Trung Quốc đã giảm đi 7%-8%. Đây là một sự sụt giảm rất nặng của Trung Quốc trong tương quan với thế giới.

Một sự kiện thú nhận khủng hoảng của chính quyền Tập Cận Bình là những gì đã diễn ra trong dịp Trung Quốc bước vào Tuần lễ Vàng (1/10 – 7/10) kỷ niệm 75 năm thành lập Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa vào năm 2024 vừa qua. Để tác động vào những con số kinh tế nhằm tạo một bộ mặt đẹp cho nền kinh tế trong lễ kỷ niệm lần này, đảng Cộng sản Trung Quốc đã đưa ra một loạt biện pháp nhằm thúc đẩy nền kinh tế đang suy yếu. Trước ngày kỷ niệm một tuần, ngày 24/09 Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) công bố các công cụ mới bao gồm khoản tài trợ trị giá 800 tỷ nhân dân tệ (114 tỷ đô la) cho các công ty bảo hiểm, công ty môi giới và công ty quản lý tài sản vay để mua cổ phiếu. Tiếp đó, ngày 26/09 ông Tập Cận Bình đã chủ trì một cuộc họp của Bộ chính trị quy tụ các lãnh đạo hàng đầu của đất nước để tập trung vào vấn đề kinh tế. Kết quả là vào ngày 30/09 (trước lễ kỷ niệm 1 ngày), thị trường chứng khoán đã có năm ngày tăng trưởng liên tục với mức tăng lên đến  20%. Tuy nhiên, ngay sau tuần lễ kỷ niệm, vào ngày 8/10 khi chính quyền tuyên bố duy trì mục tiêu tăng trưởng 5% cho năm 2024 thì thị trường chứng khoán ngày hôm sau bốc hơi 6,61%. Như vậy rõ ràng là các nhà đầu tư đã mất lòng tin hoàn toàn vào kinh tế Trung Quốc. 

đồng nhân dân tệ
Để có số liệu đẹp cho dịp kỷ niệm 75 năm ngày thành lập nước CHND Trung Hoa, chính quyền của Tập Cận Bình đã chỉ đạo Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc bơm thêm 114 tỷ đô la vào khu vực tài chính trước đó một tuần.

Điều cần được nói ra qua sự kiện trên là chính quyền Trung Quốc đã dành những nguồn lực cuối cùng chỉ để đổi lấy vài ngày làm đẹp bộ mặt kinh tế nhằm phục vụ cho một dịp kỷ niệm, nghĩa là đổi lấy hình thức, điều mà họ biết là chỉ làm trầm trọng thêm tình trạng khủng hoảng. Khi một sinh hoạt kinh tế được sử dụng cho một mục đích hình thức và trong một giai đoạn cụ thể, thì cũng đồng nghĩa với sự thú nhận tình trạng khủng hoảng kinh tế đã nằm ngoài tầm kiểm soát.

Một vấn đề nghiêm trọng khác của Trung Quốc là các địa phương (thực ra là các quốc gia) đang ở trong tình trạng phá sản do nợ nần và bội chi ngân sách. Nguyên nhân của tình trạng bội chi này là do ngành xây dựng và bất động sản -chiếm 30% GDP của Trung Quốc- đã rơi vào khủng hoảng từ 5 năm qua, trong khi nguồn thu ngân sách của các địa phương đến từ ngành này chiếm khoảng 50%. Trong 2 năm 2023 và 2024, ngành xây dựng và bất động sản đã chứng kiến sự phá sản của 2 trong số những tập đoàn lớn nhất Trung Quốc là China Evergrande Group và Country Garden Holdings. Ngoài ra, tập đoàn từng có doanh số bán hàng lớn nhất là China Vanke cũng có thể chờ đợi số phận tương tự trong năm 2025 này. Nguồn thu của các địa phương không những giảm đi mà còn phải nộp về trung ương 50% trong khi đó vẫn phải gánh áp lực chi lớn để duy trì tăng trưởng, điều này đã đẩy các địa phương vào các khoản vay ngoài hệ thống chính thức như các sàn huy động vốn địa phương LGFV (Local Government Financing Vehicle). 

Theo một tính toán của S&P Global vào năm 2023, nợ chính thức của các chính quyền địa phương đã là 5.100 tỷ đô la; còn theo một tính toán khác đến từ các chuyên gia thông qua các con số công bố rời rạc của Tổng cục thống kê Trung Quốc thì tổng nợ các địa phương lên đến 9.000 tỷ đô la, bao gồm các số nợ chính thức ở trên cùng với các khoản nợ huy động từ các LGFV. Trong khi tổng thu ngân sách các địa phương vào năm 2022 chỉ khoảng 1.700 đô la thì với số nợ đó, tỷ lệ nợ của các địa phương đã gấp 5 lần thu nhập hàng năm của chính mình. Tình thế nguy ngập của các chính quyền địa phương đã khiến chính quyền trung ương tung ra số trái phiếu lên đến 280 tỷ đô la bơm cho các địa phương để giải quyết khó khăn. Tuy nhiên, đây là số tiền quá nhỏ so với khối nợ khổng lồ của các địa phương. Mức nợ này quá lớn và không thể trả được, các địa phương chỉ có thể bế tắc và rơi vào hỗn loạn.

Một con số quan trọng khác nói lên tình trạng của kinh tế Trung Quốc là số nợ của khối lĩnh vực phi tài chính, theo ngân hàng thanh toán quốc tế (BIS) thì trong năm 2023 số nợ này đã là 57.000 tỷ đô la. Nếu tính theo GDP được chính quyền Trung Quốc công bố là hơn 17.000 tỷ đô la thì khoản nợ này chiếm 335% GDP. Tuy vậy thì những con số của Trung Quốc đưa ra, trong đó có GDP luôn không đáng tin. Theo một tính toán rộng rãi, dựa trên những số liệu chính thức liên quan của chính Trung Quốc công bố thì ông Nguyễn Gia Kiểng đã tính GDP của Trung Quốc chỉ vào khoảng 11.000 tỷ đô la; con số này cũng tương đương với con số theo các nghiên cứu khác đã chỉ ra rằng, muốn biết được GDP thực tế của Trung Quốc phải lấy GDP công bố trừ đi khoảng 30%. Như vậy, ngay cả với GDP được tính một cách rộng rãi là 11.000 tỷ đô là thì tỷ lệ nợ của khối xí nghiệp phi tài chính lên đến 500%. Đối với một nền kinh tế phát triển và thu nhập bình quân đầu người cao thì tỷ lệ này không được vượt quá 80%, còn đối với các nước đang phát triển và thu nhập bình quân ở mức trung bình như Trung Quốc thì tỷ lệ này chỉ được ở mức 60%, nếu không kinh tế sẽ rơi vào khủng hoảng. Như vậy, Trung Quốc đang có khối nợ cao gấp 5 lần theo GDP công bố và gấp 8 lần theo GDP thực tế so với mức báo động. Có thể thấy là tình trạng của Trung Quốc đã hết thuốc chữa.

Chúng ta đang chứng kiến một tình trạng kinh tế bế tắc và sự bất lực thê thảm của chính quyền Trung Quốc, nhưng khủng hoảng kinh tế không phải là nỗi lo lớn nhất đối với Trung Quốc.

Những mối nguy thực sự

Như là một hậu quả của tình trạng khủng hoảng kinh tế, những bất ổn xã hội đang bùng lên khắp nơi và đặt ra những thách thức an ninh rất lớn. Chính quyền của Tập Cận Bình đang phải đối mặt với mối nguy và cũng là điều đã được ông thủ tướng Ôn Gia Bảo cảnh báo trong Đại hội 17 của đảng cộng sản Trung Quốc năm 2007 rằng, nếu tỷ lệ tăng trưởng kinh tế dưới 8% thì sẽ có bạo loạn. Điều ông Ôn Gia Bảo nói là một Hợp đồng bất thành văn của nhân dân Trung Quốc với Đảng cộng sản, trong đó, người dân để đảng cộng Sản Trung Quốc độc quyền lãnh đạo nhưng với điều kiện là không được để tăng trưởng kinh tế dưới 8%. Chính quyền Trung Quốc đặc biệt nhạy cảm đối với mối lo bạo loạn và bất ổn chính trị, nên ngay từ khi cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới năm 2008 đe dọa gây nên bất ổn xã hội, họ đã đầu tư rất lớn vào các công trình lưỡng dụng (dùng được cho cả dân sự lẫn quân sự) để chuẩn bị cho các kịch bản bạo loạn có thể xảy ra. Sự cảnh giác của chính quyền Trung Quốc trong vấn đề này còn thể hiện qua việc họ đầu tư rất nhiều vào các công nghệ quản lý và giám sát người dân, trong đó có cả ứng dụng trí khôn nhân tạo cho các hoạt động xếp hạng công dân và dự đoán các hành vi tiêu cực để ngăn ngừa.  

Nếu nhìn vào tình hình Trung Quốc hiện nay, có thể thấy là mối lo này đã đến. Theo một nghiên cứu của tổ chức Giám sát Bất đồng chính kiến Trung Quốc (CDM), chỉ trong 2 năm từ tháng 6/2022 đến tháng 6/2024 đã có hơn 6.400 cuộc biểu tình, trung bình hơn 7 cuộc biểu tình mỗi ngày ; hơn 75% các cuộc biểu tình trong số này là vì lý do bất mãn kinh tế. Tình trạng ngày càng tệ đi vì số lượng các cuộc biểu tình gia tăng theo thời gian. Theo China Dissent Monitor, hơn 900 cuộc biểu tình đã xảy ra chỉ trong 3 tháng của quý 3 năm 2024, trung bình 10 cuộc biểu tình mỗi ngày. Tình trạng sẽ căng thẳng hơn vì tỷ lệ thất nghiệp ở những người trẻ đang ở mức trên 20% theo công bố chính thức, nhưng đó chưa phải là thực tế. Tờ The Economist dẫn thông tin rằng, một giáo sư Đại học Bắc Kinh đã công khai con số 16 triệu người trẻ khác đã không được tính vào số liệu thống kê thất nghiệp, nếu tính vào thì tỷ lệ thiếu việc làm ở người trẻ lên đến 46%. Chỉ một tháng sau thông tin công khai trên thì Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc đã phải ngừng công việc công bố các con số thất nghiệp, điều họ nghĩ sẽ gây sốc cho xã hội. Nguy cơ bạo loạn và bất ổn chính trị vì vậy chỉ có thể tăng lên. Những năm gần đây, ngày càng nhiều các vụ án “trả thù xã hội” gây rúng động Trung Quốc đã phơi bày tình trạng bất ổn mà chính quyền Trung Quốc lo ngại từ lâu. 

Hàng trăm người biểu tình phản đối chính sách “zero-Covid” của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại khu vực Liangmaqiao ở Bắc Kinh, ngày 27 tháng 11 năm 2022.
Hàng trăm người biểu tình phản đối chính sách “zero-Covid” của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại khu vực Liangmaqiao ở Bắc Kinh, ngày 27 tháng 11 năm 2022. © 2022 Yomiuri Shimbun qua AP Images.

Tình trạng khủng hoảng trong nước đã khiến Trung Quốc trở nên ôn hòa hơn trong các vấn đề quốc tế trong thời gian 5 năm vừa qua. Lý do vì Trung Quốc không phải là một quốc gia mà là một đế quốc và khi một đế quốc gặp khó khăn thì sẽ mềm dẻo với bên ngoài để tập trung xử lý các vấn đề bên trong. Từ năm 2020 đến nay thì lối ngoại giao chiến lang đã giảm đi và không còn nhắc đến nữa. Mới đây, Trung Quốc còn kêu gọi Philippines quay lại mối quan hệ hợp tác và tránh căng thẳng trên vấn đề biển Đông, một giọng điệu hiền lành hẳn đi.

Thất bại thấy rõ trong dự án “Một vành đai, Một con đường” với 1000 tỷ đô la đã bỏ ra nhưng không thu lại được cũng đang đưa đến những thách thức cho quyền lực của Tập Cận Bình. Những nước như Sri Lanka và Lào rơi vào tình trạng vỡ nợ nhưng Trung Quốc đã không thể cứu dù chỉ cần một số tiền rất ít ỏi, trong khi trước đó họ đã phải tốn rất nhiều công sức và tiền bạc để lôi kéo. Thái độ mềm mỏng của Tập Cận Bình hiện nay cũng ngược hẳn với những gì mà ông ta tuyên bố khi trình bày dự án Giấc mộng Trung Hoa trước đây – thứ đã đưa ông lên đỉnh cao quyền lực . Một sự kiện cần được theo dõi là trong 2 năm qua, hàng loạt các quan chức được xem là thân cận với Tập Cận Bình đã bị cách chức như ngoại trưởng Tần Cương, bộ trưởng quốc phòng Lý Thượng Phúc hay mới đây là ủy viên Quân ủy Trung ương Miêu Hoa. 

Mối nguy âm thầm và cũng là thảm họa lớn nhất của Trung Quốc đang đối mặt là sự hủy hoại môi trường đã quá khủng khiếp, đe dọa đến môi trường sống của hàng trăm triệu người, một hậu quả của chính sách tăng trưởng kinh tế hoang dại bất chấp môi trường. Một vấn đề vô cùng nghiêm trọng ở Trung Quốc hiện nay là tình trạng thiếu nước đã trở nên quá cấp bách, lượng nước trung bình của mỗi người Trung Quốc chỉ bằng 15% mức trung bình thế giới và một phần đáng kể trong số này phải bơm từ lòng đất lên, có nơi phải bơm sâu đến hơn 100m mới có nước. Ở nhiều nơi, nước không những thiếu trầm trọng mà còn rất ô nhiễm, không thể sử dụng được. Tình trạng thiếu nước đặc biệt diễn ra ở miền bắc, khiến họ phải thực hiện nhiều dự án lớn với kinh phí khổng lồ nhằm đưa nước từ các con sông như sông Trường Giang ở miền nam lên. Nhưng tình hình đang ngày càng xấu đi, hơn 20.000 con sông – chiếm một nửa số con sông – ở Trung Quốc đã biến mất vì khô cạn. Con sông lớn nhất là Trường Giang cũng đang trở nên khô cạn dần trong 30 năm qua. 

Môi trường có đặc tính là có thể bị phá hủy trong một thời gian ngắn nhưng quá trình phục hồi -ngay cả với sự quyết tâm- cũng sẽ diễn ra rất lâu, có khi mất nhiều thế kỷ hoặc không bao giờ phục hồi được. Sự tàn phá môi trường ở Trung Quốc là không thể khắc phục được. Mặc dầu đã nhận ra và đã cố gắng khắc phục với tất cả sự quyết tâm nhưng sự tỉnh ngộ đối với môi trường của Trung Quốc đã quá trễ. 

Sẽ không có lối thoát

Có hai sự kiện đáng chú ý trong những năm qua là việc chính quyền Trung Quốc tiến hành cái gọi là “phong sát” đối với các nghệ sĩ nổi tiếng và chính sách “thịnh vượng chung” tác động đến giới tài phiệt. Chiến dịch phong sát các nghệ sĩ đã khiến hàng loạt những người nổi tiếng và có sức ảnh hưởng ở Trung Quốc rơi vào cảnh tù tội hoặc buộc phải ngừng hoạt động. Trong khi đó, chính sách “thịnh vượng chung” đã khiến những tài phiệt giàu có nhất phải tham gia nghĩa vụ đóng góp tài chính cho các nỗ lực phân phối lại tài sản đến với những tầng lớp nghèo hơn trong xã hội. Hành động bắt ép tầng lớp giàu có trong nghĩa vụ tài chính còn đi kèm với sự khống chế sức ảnh hưởng của những người này, tiêu biểu nhất là sự kiện chính quyền trừng phạt tập đoàn cung cấp dịch vụ tài chính Ant Group của tỷ phú Mã Vân (Jack Ma) và ép buộc tập đoàn này thay đổi mô hình kinh doanh.

Đặc điểm chung của hai sự kiện này là những nạn nhân – nghệ sĩ hay giới tài phiệt – đều hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ và có sức ảnh hưởng lớn lên toàn xã hội. Đã có rất nhiều lý giải cho những hành động này của chính quyền Trung Quốc, nhưng trong chiều sâu, đây là phản ứng tự nhiên của các chính quyền độc tài khi nền kinh tế rơi vào bẫy thu nhập trung bình cao (Mức thu nhập trung bình của thế giới là khoảng 13.000 đô la, mức trung bình cao sẽ khoảng 8.000 đến 10.000 đô la). Trung Quốc trong một thời gian dài đã có sự đầu tư mạnh mẽ và qua đó giúp họ có một mức độ phát triển khá cao với trọng tâm nằm ở ngành công nghiệp đã được hiện đại hóa. Nhưng hiện nay nền kinh tế đang gặp phải bế tắc vì không thể tiến qua một ngành quan trọng để có được cơ cấu của một nền kinh tế phát triển, đó là ngành dịch vụ. Trung Quốc đang mắc kẹt trong một lộ trình phát triển bắt buộc mà mọi quốc gia đều phải đi qua.

Lộ trình này được gọi là lộ trình Kuznet được đặt theo tên của Simon Kuznet – khôi nguyên Nobel kinh tế 1971- và được chia làm 3 giai đoạn phát triển: 

– Giai đoạn thứ nhất: Các quốc gia thông thường đều phải bắt đầu với trọng tâm từ các ngành như nông nghiệp, công nghiệp chế biến thực phẩm và dệt may. Những ngành này không đòi hỏi trình độ cao, những kỹ thuật cũng không quá phức tạp. Các quốc gia trong giai đoạn này phải tận dụng nhân công rẻ, mức độ gia tăng thấp để thoát khỏi tình trạng đói nghèo và vươn tới một mức thu nhập trung bình thấp (khoảng 4.000 đô la).

– Giai đoạn thứ hai: sau khi đã đạt được một mức thu nhập thấp, nền kinh tế muốn phát triển thì cần phải tập trung vào công nghiệp sản xuất vì đây sẽ là một ngành tiến bộ không ngừng, trong đó, nếu có một tiềm năng nhân bản lớn thì sẽ tiến bộ rất nhanh. Giai đoạn này sẽ giúp các nước gia tăng được mức thu nhập bình quân lên mức trung bình cao.  

– Giai đoạn thứ ba: sau khi đã đạt đến một mức độ phát triển mà robot dần thay thế con người thì ngành công nghiệp chuyển qua ngành dịch vụ. Ngành dịch vụ sẽ giúp giá trị sản phẩm cao hơn và bán được với giá tốt hơn nhưng đặc tính của ngành dịch vụ là nó cần nguồn nhân lực rất lớn, có phẩm chất và đòi hỏi một không gian tự do lớn hơn để có được sự sáng tạo -nền tảng phát triển của ngành dịch vụ. Càng tự do thì ngành dịch vụ càng phát triển. Ở các nước phát triển, ngành dịch vụ chiếm ít nhất 70% tỷ trọng nền kinh tế. Tiêu biểu như ở nước Anh thì ngành dịch vụ chiếm đến 95%.

Vì đòi hỏi một mức độ tự do lớn hơn, nên ngành dịch vụ sẽ đặt những chính quyền độc tài như Trung Quốc trước một chọn lựa là phải nới lỏng tự do -nghĩa là tiến tới dân chủ- để ngành dịch vụ được phát triển, qua đó nền kinh tế mới có thể chuyển qua giai đoạn dịch vụ để tiến đến một nền kinh tế phát triển. Nhưng tự do là một điều không thể có ở các chế độ độc tài, vì dân chủ cũng đồng nghĩa với sự kết thúc của chế độ, đặc biệt là ở những chế độ cộng sản. Đảng cộng sản Trung Quốc từ sau sự sụp đổ của khối cộng sản đã làm tất cả để duy trì chế độ với ý thức hệ cộng sản, vì đây là điều kiện để có thể duy trì sự tồn tại của đế quốc Trung Quốc. Như vậy, tình trạng bế tắc của Trung Quốc sẽ không thể thoát ra vì họ không thể tiến tới ngành dịch vụ dù rất muốn. Trong bối cảnh đó, hiện nay động lực tăng trưởng đã không còn trong khi mọi nguồn lực đã bị phí phạm cho những mục tiêu tăng trưởng giả tạo. Sự khủng hoảng của Trung Quốc vì vậy đang không có lối thoát. 

Hai số phận

Chỉ một trong số những vấn đề khủng hoảng đang đối mặt thôi cũng đủ khiến chính quyền Trung Quốc không còn khả năng trở thành mối nguy hay chỗ dựa cho bất kỳ ai. Tình trạng suy sụp của Trung Quốc hiện nay sẽ khiến những nước phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên liệu từ Trung Quốc cho lĩnh vực sản xuất như Việt Nam rơi vào khủng hoảng kinh tế. Điều đặc biệt đáng lo cho nước ta là hiện nay đảng cộng sản Việt Nam đã quyết định gắn chặt sự sống còn vào đảng cộng sản Trung Quốc khi cùng nhau tiến tới “Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam – Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược” mà phía Trung Quốc gọi là “Cộng đồng chung vận mệnh”. Quyết định dại dột này có nguy cơ đưa đất nước chịu chung số phận suy sụp với Trung Quốc. 

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình tại lễ đón trọng thể ở Bắc Kinh ngày 19/8/2024 – Ảnh: TTXVN

Nhưng “cộng đồng chung vận mệnh” này chỉ là tình trạng “đồng sàng dị mộng” giữa hai đảng cộng sản. 

Bởi vì thực tế đã rõ ràng rằng, tất cả những sai lầm của chính quyền cộng sản Trung Quốc gây ra đều đã chín muồi cho một sự sụp đổ toàn diện và điều này đang được phơi bày ra ánh sáng. Khủng hoảng ở Trung Quốc khác với khủng hoảng ở những nơi khác là họ đã ở vào tình trạng không thể cứu chữa được nữa. Thuốc chữa duy nhất là thay đổi chế độ nhưng chính quyền Trung Quốc không thể thay đổi vì Trung Quốc là một đế quốc, thay đổi chế độ chính trị sẽ đồng nghĩa với đế quốc Trung Quốc tan rã ra làm nhiều khối. Lý do là vì mọi đế quốc đều đặt nền tảng trên một ý thức hệ, khi một ý thức hệ bị sụp đổ để nhường chỗ cho một ý thức hệ mới dù tốt hơn thì đế quốc đó sẽ bị tan rã. Các cấp lãnh đạo cao nhất của đảng cộng sản Trung Quốc biết điều đó, họ phải duy trì chế độ cộng sản này cho đến khi nào không thể duy trì được nữa. Còn Việt Nam thì khác, đất nước ta là một khối có tính đồng nhất cao cả về văn hóa và ngôn ngữ, giữa các vùng và giữa các sắc dân không có sự xung khắc nào lớn nên Việt Nam hoàn toàn có thể chuyển hóa về dân chủ mà không sợ bị tan vỡ. Đảng cộng sản Việt Nam cần hiểu điều này. Việt Nam không thể có số phận như Trung Quốc, chúng ta xứng đáng có tương lai khác và đó là tương lai dân chủ đa nguyên. Và chúng ta sẽ có.

Kỷ Nguyên

(09/02/2025)

(Còn tiếp)


Loạt bài Nhìn Lại Đất Nước Trong Một Giai Đoạn Quan Trọng

Phần 1: Thế Giới Trong Một Khúc Quanh Lịch Sử Trọng Đại

Phần 2: Việt Nam Trước Thềm Một Kỷ Nguyên Mới