Chiến tranh Ukraina : Lập trường mới của Mỹ "thức tỉnh" châu Âu (Phan Minh)

Hoa Kỳ thay đổi lập trường về xung đột Nga-Ukraina, chính sách của châu Âu để tiếp tục hỗ trợ Kiev, tình hình ở Syria là những chủ đề được báo chí Pháp khai thác nhiều hôm nay 26/02/2025.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (P) tiếp đồng nhiệm Pháp Emmanuel Macron tại Nhà Trắng ở Washington, Hoa Kỳ, ngày 24/02/2025.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (P) tiếp đồng nhiệm Pháp Emmanuel Macron tại Nhà Trắng ở Washington, Hoa Kỳ, ngày 24/02/2025. AP - Ludovic Marin

Trang nhất và bài xã luận của nhật báo Le Monde nhấn mạnh sau 3 năm bị chiến tranh tàn phá, Ukraina đang đấu tranh cho sự tồn vong của mình, còn châu Âu thì đấu tranh vì sự an nguy sau này của châu lục. Cuộc chiến Ukraina đã làm thay đổi hoàn toàn trật tự quốc tế. Điển hình là cuộc bỏ phiếu mang tính biểu tượng tại Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc hôm 24/02, kỷ niệm 3 năm Ukraina bị Nga xâm lược. Hoa Kỳ đã đệ trình một nghị quyết kêu gọi "chấm dứt nhanh chóng" cuộc xung đột giữa Nga và Ukraina, nhưng không chỉ đích danh Matxcơva là bên xâm lược. Nghị quyết này đã được Nga và Trung Quốc thông qua, còn các quốc gia châu Âu không tham gia. Trong khi đó, một nghị quyết được Ukraina và các đồng minh châu Âu đệ trình, lên án hành động xâm lược của Nga, đã được Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc thông qua, nhưng Hoa Kỳ và Nga bỏ phiếu chống, trong khi Trung Quốc không tham gia.

Ukraina tìm cách kết thúc cuộc chiến đã kéo dài 3 năm, hay thậm chí là từ 11 năm qua, nếu tính cả cuộc chiến ở Donbass và sự kiện Nga sáp nhập bán đảo Crimée hồi năm 2014. Việc Nga xâm lược Ukraina, một quốc gia độc lập, đã vi phạm luật pháp quốc tế và phá vỡ trật tự thế giới được thiết lập sau Đệ Nhị Thế Chiến. Hiện nay, sự sống còn của Ukraina như một quốc gia chủ quyền và độc lập đang bị đe dọa. Ukraina vẫn đang kiên cường chống trả dưới sự lãnh đạo của tổng thống Volodymyr Zelensky và với sự hỗ trợ của các đồng minh phương Tây. Mặc dù quân đội Nga, vượt trội về số lượng với sự hỗ trợ của binh sĩ Bắc Triều Tiên, chưa đạt được mục tiêu kiểm soát triệt để Ukraina, song tình hình vẫn còn rất căng thẳng. Dù đang trong tình trạng sức lực cạn kiệt và thiếu quân tiếp viện, Kiev vẫn tiếp tục cầm cự với sự sáng tạo đáng kinh ngạc.

Tuy nhiên, cái giá phải trả về nhân mạng và vật chất rất lớn : hàng trăm ngàn người chết, từ quân nhân đến dân thường, nhiều thành phố bị phá hủy hoàn toàn, cơ sở hạ tầng năng lượng bị oanh kích liên tục và hàng triệu người phải sơ tán. Cuộc chiến này cũng gây ra một cuộc di cư lớn sang châu Âu, đe dọa gây ra một cuộc khủng hoảng dân số nghiêm trọng cho Ukraina. Hiện nay, khoảng 1/5 lãnh thổ Ukraina bị Nga chiếm đóng.

Tờ báo nhận định những số liệu khủng khiếp nói trên đồng nghĩa với một bài toán mà châu Âu sẽ phải tìm ra lời giải. Lục địa già giờ đây phải tính đến khả năng tự lực hỗ trợ Ukraina để đương đầu với một nước Nga hung hăng, trong bối cảnh chính quyền Trump dường như sẵn sàng ngả theo lập trường của Kremlin. Cú sốc này khiến các quốc gia châu Âu nhận thức rằng họ đã quá phụ thuộc vào Hoa Kỳ. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và thủ tướng Anh Keir Starmer đang tìm cách thuyết phục Donald Trump thay đổi quan điểm, nhưng hy vọng này rất mong manh. Nếu nỗ lực này thất bại, châu Âu sẽ phải chuẩn bị hành động một mình. Việc bỏ rơi Ukraina, khiến nước này rơi vào tay Nga, có thể sẽ khiến châu Âu phải trả giá đắt hơn nhiều so với việc tích cực hỗ trợ Kiev ngay lúc này. Vì vậy, theo Le Monde, Ukraina đang đấu tranh cho sự sống còn và châu Âu đang đấu tranh cho tương lai của mình.

Hội đàm Macron-Trump : "Kẻ nhiệt tình người thờ ơ"

Trên mặt trận ngoại giao, tờ Le Figaro dành trang nhất và bài xã luận đánh giá tổng thống Emmanuel Macron đã hoàn thành nhiệm vụ tại Washington với tư cách là nhà lãnh đạo châu Âu đầu tiên được Donald Trump tiếp đón kể từ khi trở lại Nhà Trắng, và đáng chú ý là nguyên thủ Pháp đã có thể trình bày quan điểm một cách thoải mái mà không bị đồng nhiệm Mỹ công khai bác bỏ. Nhật báo thiên hữu nhận định sự kiện này củng cố vị thế của chủ nhân điện Elysée trên trường quốc tế. Mặc dù uy tín và tỷ lệ được lòng dân của Emmanuel Macron trong nước không ngừng suy giảm, thành công về mặt ngoại giao quốc tế này vẫn là một chiến thắng quan trọng đối với tổng thống Pháp.

Tuy nhiên, về các vấn đề then chốt liên quan đến Ukraina và an ninh châu Âu, mọi chuyện dường như phức tạp hơn. Trong cuộc hội đàm với Emmanuel Macron, tổng thống Mỹ đã lắng nghe nguyên thủ Pháp, nhưng không hề xác nhận những cam kết mà Emmanuel Macron cảm thấy mình đã đạt được. Như thể vào vai một "nhân vật bí ẩn", Donald Trump đã giữ thái độ mơ hồ và không đưa ra cam kết cụ thể nào. Vì vậy, mặc dù tổng thống Pháp đã tái khẳng định phương Tây phải tích cực hỗ trợ Kiev và không để cho Matxcơva thắng thế, rất khó để đánh giá lập luận này có tác động thực sự đối với chính sách sau này của Hoa Kỳ hay không.

Le Figaro kết luận rằng mặc dù tổng thống Pháp đã thành công trong việc khẳng định vị thế trên trường quốc tế, nhưng cuộc hội đàm giữa hai nguyên thủ không thực sự mang lại kết quả tích cực khi Emmanuel Macron đối diện với một Donald Trump tiếp tục theo đuổi chính sách biệt lập và dường như chỉ quan tâm đến những lợi ích của nước Mỹ, "America First", thay vì hợp tác chặt chẽ với châu Âu. Sự kiên nhẫn của nguyên thủ Pháp đã bị thử thách, và dường như "mặc cả" với Donald Trump không phải là điều đơn giản.

Syria : Sự tàn bạo vô song của chế độ Bachar al-Assad

Nhìn sang Trung Đông, tờ Libération chạy tựa trên trang nhất "Chế độ Bachar al-Assad chưa kịp tiêu hủy hết những chứng cứ tội ác". Bài xã luận của nhật báo thiên tả phác họa về sự tàn bạo của chế độ Assad tại Syria, đề cập đến những tài liệu còn sót lại, mô tả về các hành động tra tấn, những lá thư tố cáo, những lời ép cung, danh sách vô tận về tên tuổi các nạn nhân... Tất cả những tài liệu này đều được ghi ngày tháng cẩn thận, ký tên và soạn thảo bởi hàng trăm công chức, tạo thành một bộ máy hành chính tàn nhẫn chuyên đàn áp người dân Syria. Kể từ khi chế độ Assad sụp đổ, một nhà báo Libération đã có cơ hội tham khảo hàng nghìn tài liệu này, chứng minh sự tồn tại của một bộ máy hành chính của cái chết, máu lạnh và có hệ thống, ghi lại những báo cáo chi tiết về nỗi kinh hoàng mà các tù nhân phải trải qua hàng ngày trong nhiều năm. Những tài liệu này được sắp xếp cẩn thận, nêu cụ thể những hành vi tàn bạo, được chuyển từ nhà tù này sang nhà tù khác, làm chứng cho các tội ác chiến tranh của một tên bạo chúa.

Ngoài việc cho thấy rõ về sự tàn khốc của hệ thống vô nhân tính của chế độ Assad, Libération nhận định đây cũng có thể là động lực để nhân dân Syria đồng lòng vượt qua gian khổ, như được thể hiện trong tuyên bố của những bên tham gia Hội nghị đối thoại quốc gia Syria hôm 25/02, mong muốn đặt tự do và công lý là ưu tiên của xã hội Damas. Tuy nhiên, mặc dù chế độ Assad đã sụp đổ, người dân vẫn còn phải vượt qua một chặng đường dài để thực sự quên đi di sản của chế độ tàn bạo này. Do đó, Libération cho rằng việc nhớ đến những "tài liệu" của chế độ Assad sẽ giúp đánh giá sự tiến bộ mà người dân Syria đã đạt được trên con đường hướng tới tự do.

Syria : Vai trò của phụ nữ được nâng tầm

Tờ La Croix cũng quan tâm đến Syria nhưng ở khía cạnh xã hội. Chính quyền mới ở Damas dường như cởi mở hơn trước, trao nhiều quyền hơn cho phụ nữ, giúp tiếng nói của phái yếu có trọng lượng hơn, nhưng nhật báo Công Giáo cho rằng vẫn còn quá sớm để đưa ra những kết luận vội vàng.

Sau hơn 14 năm chiến tranh, phụ nữ Syria đã phải gồng mình để làm trụ cột trong gia đình, vẫn tiếp tục đóng một vai trò quan trọng. Tại Daraya, một thành phố bị chiến tranh tàn phá, Umm Fares điều hành một xưởng thêu nhỏ. Bà giải thích rằng phụ nữ phải làm rất nhiều việc từ công việc nhà, giáo dục con cái và đi làm để nuôi gia đình.

Chiến tranh đã cướp đi sinh mạng của rất nhiều đàn ông, và phụ nữ thường phải gánh vác công việc mà người chồng để lại. Nhiều phụ nữ, như Umm Fares, đã mất chồng trong chiến tranh, và điều này buộc họ phải bớt gò bó bản thân và tham gia tích cực vào xã hội. Vào năm 2022, Ngân hàng Thế giới đã ghi nhận sự tham gia của phụ nữ vào thị trường lao động tăng gấp đôi kể từ năm 2011, đạt mức 26%, và con số này hiện nay có thể cao hơn nữa do khủng hoảng kinh tế.

Một số phụ nữ, như Amani Al Ali, họa sĩ biếm họa duy nhất ở Syria, đấu tranh cho sự độc lập, mặc dù gặp phải những trở ngại văn hóa. Amani đã phải học vẽ một cách bí mật trong một xã hội bảo thủ mà phụ nữ không làm công việc này. Tuy nhiên, cô đã kiên trì và giờ đây sử dụng nghệ thuật của mình để chỉ trích sức nặng bảo thủ các truyền thống ở Syria.

Một phụ nữ khác, tên là Houda Khyati, đã mở một trung tâm đào tạo cho phụ nữ trẻ vào năm 2013, tiếp tục cuộc đấu tranh cho sự bình đẳng. Sau khi buộc phải chạy trốn đến Idlib, cô tiếp tục công việc của mình tại các trại tị nạn, chứng minh rằng phụ nữ có khả năng chăm sóc gia đình trong khi vẫn đóng vai trò quan trọng trong xã hội.

Nhà lãnh đạo Syria Ahmed al-Sharaa dường như có quan điểm ủng hộ phụ nữ và qua đó tạo dựng hình ảnh cởi mở. Vợ của ông đã đi cùng ông trong cuộc hành hương đến Ả Rập Xê Út, một cử chỉ mang tính biểu tượng để thể hiện việc ông muốn củng cố vai trò của phụ nữ thông qua phu nhân của mình, điều mà không một nhà lãnh đạo Ả Rập nào từng làm trước đây.

Mặc dù đối mặt với nhiều thử thách, phụ nữ Syria vẫn kiên trì và tiếp tục đấu tranh cho sự bình đẳng, với hy vọng vai trò của mình tiếp tục được nâng tầm.

Mỹ : Donald Trump "tuyên chiến" với khoa học

Về lĩnh vực khoa học, nhật báo kinh tế Les Echos có bài viết nói về việc chính quyền Hoa Kỳ, dưới sự lãnh đạo của Donald Trump, đã xóa bỏ tất cả các thông tin về biến đổi khí hậu trên các trang web chính thức và cắt giảm nhân sự tại các cơ quan liên quan đến vấn đề này. Các nhà khoa học, như Adam Sobel thuộc Đại học Columbia, tỏ ra rất lo ngại. Chủ nhân Nhà Trắng đã hủy bỏ các chính sách môi trường, về năng lượng hóa thạch và năng lượng tái tạo. Ông cũng xóa bỏ các chương trình khoa học, cắt giảm tài trợ cho nghiên cứu và xóa bỏ các dữ liệu liên quan đến khí hậu. Bối cảnh này tạo ra bầu không khí bất an, kể cả ở nước ngoài, vì điều đó đe dọa đến khả năng tiếp cận các kiến thức khoa học quan trọng. Một số nhà khoa học đã bắt đầu tổ chức kháng cự.

Phan Minh - RFI Tiếng Việt

26/02/2025