Điều gì thúc đẩy cuộc ‘tấn công’ vào Đại học Fulbright Việt Nam ? (Lương Nguyễn An Điền)

Chính quyền Việt Nam từ lâu đã bị ám ảnh bởi viễn cảnh các cuộc biểu tình đường phố do thanh niên lãnh đạo, gần đây được minh họa rõ nét qua làn sóng chỉ trích trên mạng nhắm vào Đại học Fulbright Việt Nam (Fulbright University Vietnam - FUV). Trường đại học do Mỹ hậu thuẫn này bị cáo buộc nuôi dưỡng bất đồng chính kiến ​​và là trung tâm tiềm tàng cho "cách mạng màu," các phong trào gắn liền với việc làm mất ổn định các chế độ chuyên chế.

fulbright0
Đại học Fulbright Việt Nam - Ảnh minh họa

Những tấn công trên mạng cho thấy nỗi lo lắng cố hữu của một số nhóm trong giới lãnh đạo Việt Nam rằng "ảnh hưởng phương Tây" có thể kích động bất đồng chính kiến 
​​và thách thức quyền lực của chế độ. Dù vậy, những tuyên truyền viên trên mạng, trong nỗ lực thu hút đối tượng khán giả trẻ có tư duy toàn cầu và am hiểu công nghệ, vẫn giữ thái độ giáo điều và xa rời thực tế.

FUV được thành lập vào năm 2016 và phát triển từ mối quan hệ đối tác được thiết lập năm 1994 giữa Trường Kennedy của Đại học Harvard và Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh. FUV được thành lập theo quyết định của thủ tướng, trong đó chính phủ Việt Nam cung cấp đất cho cơ sở của trường tại Thành phố Hồ Chí Minh. Cả chính phủ Hoa Kỳ và Việt Nam đều xem FUV như một biểu tượng của quan hệ song phương đang phát triển. Mặc dù số lượng tuyển sinh vẫn còn khiêm tốn so với các trường đại học công lập lớn hơn ở Việt Nam, FUV, với đội ngũ giảng viên kết hợp giữa các giáo sư trong nước và quốc tế, tự định vị như một môi trường mang lại nền giáo dục khai phóng.

Phản ứng dữ dội nhắm vào FUV nổi lên sau các cuộc biểu tình chết người do sinh viên lãnh đạo làm rung chuyển Bangladesh vào tháng 7. Tình huống này nhanh chóng thu hút sự chú ý của các tài khoản mạng xã hội ủng hộ chính phủ tại Việt Nam, và đến đầu tháng 8, họ đã tận dụng tình hình bất ổn ở Bangladesh để truyền bá thông điệp cảnh báo về "cách mạng màu." Những lời cảnh báo này đã nhanh chóng được khuếch đại trên nhiều nền tảng mạng xã hội khác nhau trong không gian mạng Việt Nam, chủ yếu là TikTok, Facebook, và YouTube.

Các tài khoản mạng xã hội ủng hộ chính phủ nhấn mạnh đến mối đe dọa của các cuộc cách mạng màu, mô tả chúng là rủi ro đối với ổn định chính trị, kinh tế, và xã hội. Họ tuyên bố những phong trào này, thường do "các thế lực thù địch" nước ngoài thúc đẩy, đã gây ra hậu quả nghiêm trọng ở những nơi khác và cho rằng nguy cơ tương tự đang nổi lên trong lòng Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực giáo dục. Trong luận điểm này, FUV bị xem như nơi ươm mầm cho những tiếng nói bất đồng chính kiến 
​​và là chất xúc tác tiềm năng cho các phong trào cách mạng.

Điều thú vị là các nhóm ủng hộ chính phủ đã khơi lại những lời chỉ trích trước đây đối với FUV nhằm phục vụ cho quan điểm của họ. Ví dụ, trường đại học này từng bị phản ứng dữ dội vì cuộc diễu hành trong lễ tốt nghiệp vào tháng 6/2024 không có quốc kỳ Việt Nam. Một vấn đề khác cũng bị khơi lại là bình luận của nguyên hiệu trưởng Đàm Bích Thủy trong một cuộc thảo luận năm 2019 về bộ phim tài liệu "The Vietnam War" của Ken Burns và Lynn Novick. Trong video YouTube được ghi lại về cuộc thảo luận, bà Thủy cho rằng bộ phim tài liệu đã khiến sinh viên FUV vô cùng xúc động, và họ đã ngạc nhiên khi biết về nỗi thống khổ của người Mỹ trong chiến tranh, qua đó thay đổi cách nhìn trước đây của họ về lịch sử.

Việc xác định chính xác những kẻ dàn dựng cuộc tấn công trực tuyến nhắm vào FUV không dễ, nhưng rất có thể lực lượng an ninh mạng của nhà nước đã tham gia. Trên các nền tảng mà chính phủ đã tăng cường kiểm soát, chẳng hạn như TikTok, Facebook, và YouTube, hầu hết các bình luận đều có giọng điệu và cách diễn đạt giống nhau một cách kỳ lạ, chỉ đơn thuần là lặp lại các câu chuyện được tuyên truyền. Những tương đồng này cho thấy mức độ ủng hộ của phong trào có thể đã được khuếch đại một cách giả tạo — bằng lực lượng mạng hoặc cách khác — để tạo ra ảo giác về sự đồng thuận rộng rãi. Ngược lại, những tình cảm ủng hộ FUV và phản đối lại các diễn ngôn thù địch xuất hiện từ Threads, một nền tảng mới của Meta, nơi tình cảm của công chúng được thể hiện tự do hơn và ít bị chính phủ giám sát hơn (ít nhất là cho đến hiện tại).

Rõ ràng là thông điệp bao trùm của các cuộc tấn công này phù hợp với mục tiêu bảo vệ sự tồn vong của chế độ được một số phe phái trong Đảng Cộng sản Việt Nam (CPV) thúc đẩy. Vào ngày 21/8/2024, kênh truyền hình Quốc phòng Việt Nam đã phát sóng một bình luận rất giống với những lời lẽ từ các tài khoản mạng xã hội ủng hộ chính phủ. Điều này cho thấy rằng, ngay cả khi các quan chức tuyên truyền của Việt Nam không khởi xướng các cuộc tấn công, họ vẫn dựa vào chúng để thúc đẩy chương trình nghị sự của mình.

Nhưng chỉ một tuần sau đó, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã ra tuyên bố khẳng định ủng hộ FUV, nhấn mạnh tác động tích cực của trường đại học này đối với quan hệ Hoa Kỳ – Việt Nam và tầm quan trọng của trường đối với quan hệ song phương. Bình luận trực tuyến của kênh Quốc phòng Việt Nam đã bị xóa.

Những phản ứng không nhất quán đối với sự cố này có thể bắt nguồn từ rạn nứt nội bộ trong Đảng cộng sản Việt Nam về cách điều hướng mối quan hệ đang phát triển với Hoa Kỳ. Chuyến thăm sắp tới của Tổng bí thư Đảng và Chủ tịch nước Việt Nam Tô Lâm tới Hoa Kỳ có thể đã khiến các bên nhẹ giọng đi. Song vẫn có một điều chắc chắn : nỗi ám ảnh sâu sắc về các thế lực nước ngoài lôi kéo thanh niên Việt Nam lật đổ chế độ cộng sản vẫn tiếp tục chi phối tư duy của một số người bảo thủ trong Đảng.

Kinh nghiệm về can thiệp từ bên ngoài và chủ nghĩa thực dân trong lịch sử Việt Nam đã thúc đẩy sự nhạy cảm cao độ của chính quyền đối với ngay cả những khả năng nhỏ nhất về ảnh hưởng của nước ngoài. Nỗi ám ảnh đó được thể hiện trong một chiến lược cứng nhắc luôn đổ lỗi cho các thế lực bên ngoài về bất kỳ bất ổn tiềm tàng nào ở trong nước. Cách tiếp cận này, xuất phát từ việc định vị ý thức hệ và sự tiện lợi về mặt chính trị, chủ yếu chỉ tạo ra sự nhiễu động mà không giải quyết được các vấn đề thực tế nào.

Ở Bangladesh, biểu tình ban đầu bùng nổ vì yêu cầu xóa bỏ hạn ngạch việc làm mang tính phân biệt đối xử, rồi sau đó nhanh chóng biến thành một phong trào chống chính phủ do các vấn đề sâu sắc hơn như bất bình đẳng kinh tế, lạm phát, và tình trạng thiếu việc làm. Tương tự như thế, các cuộc nổi dậy như Mùa xuân Ả rập và biểu tình gần đây ở Châu Á đều xuất phát từ những bất bình sâu sắc về kinh tế xã hội. Những cuộc biểu tình này nên được coi như một câu chuyện cảnh báo, rằng phải chăm lo giải quyết các vấn đề trong nước vốn có thể gây ra bất mãn, chứ không phải cứ chăm chăm vào tác động từ bên ngoài.

Việc nhấn mạnh vào mối đe dọa từ các thế lực bên ngoài và miêu tả thanh niên Việt Nam dễ bị thao túng là hành vi hạ thấp, phơi bày sự tách biệt của chế độ đối với thế hệ trẻ. Như [tác giả] đã từng lập luận trước đây, các phong trào do thanh niên lãnh đạo ở Việt Nam hiện nay chỉ tập trung vào việc thúc giục chính quyền giải quyết các vấn đề kinh tế xã hội cấp bách — vốn có thể giúp nâng cao tính chính danh của chế độ — thay vì tìm cách thay đổi chế độ hoặc khuất phục trước các tác động bên ngoài. Không như Trung Quốc, Việt Nam chưa từng trải qua bất kỳ cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ nào do sinh viên lãnh đạo ở quy mô như Biểu tình Thiên An Môn năm 1989.

Mặc dù những nghi ngờ về chương trình nghị sự của Hoa Kỳ và phương Tây trong giới lãnh đạo cứng rắn của Việt Nam không phải là không có căn cứ, việc những người tuyên truyền liên tục sử dụng các luận điệu theo công thức cứng nhắc có thể phản tác dụng. Nếu không có cách tiếp cận tinh tế và hấp dẫn hơn, chế độ không chỉ có nguy cơ gây xa lánh với thế hệ trẻ mà còn làm xói mòn tính chính danh của chính mình. Trong một thế giới ngày càng kết nối, mối đe dọa thực sự có thể không đến từ các thế lực bên ngoài mà từ bên trong : một tầng lớp dân chúng bất mãn không còn tin vào thông điệp của nhà nước.

Lương Nguyễn An Điền
Đỗ Đặng Nhật Huy
Nhật Huy biên dịch
Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 18/09/2024