Thể thao Việt Nam : từ ao làng ra biển cả (Tổng hợp)
Từ hào quang ở "ao làng" SEA games đến thất bại ở Olympics
Olympics Paris 2024 là lần thứ hai liên tiếp đoàn thể thao Việt Nam không đạt được bất kỳ một tấm huy chương nào, phải ra về trắng tay. Các nước khác thuộc khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, Indonesia, Malaysia hay Philippines đều đã có huy chương.
Vận động viên cầu lông Việt Nam đang thi đấu ở Olympics 2024 - AFP
Trong khi đó, ở hai kỳ Đại hội Thể thao Đông Nam Á - SEA games lần thứ 31 và 32 thì đoàn thể thao Việt Nam đã liên tiếp đứng đầu.
Dù đạt được thành tích cao trong các kỳ SEA games nhưng cái tên Việt Nam gần như mất hút ở đấu trường Châu Á và Thế giới. Ở Đại hội thể thao Châu Á mới nhất vào năm 2023, Việt Nam đứng thứ 21/38 quốc gia Châu Á tham gia, và xếp sau cả Thái Lan, Indonesia, Philippines, Malaysia và Singapore.
Chạy theo thể thao thành tích
Ông Hoàng Hùng, một người thường xuyên quan sát tình hình chính trị - xã hội Việt Nam, cho biết khi theo dõi kỳ Thế vận hội này, ông không ngạc nhiên khi ban đầu không có nước nào trong khu vực Đông Nam Á đạt huy chương vì đây được coi là "vùng trũng" của thể thao Thế giới. Tuy nhiên, đến khi lần lượt các nước như Thái Lan, Indo, Malaysia và Philippines lần lượt có thành tích khiến ông Hùng không khỏi hoài nghi :
"Vậy thì cái kết quả của cái giải của Đông Nam Á liệu có trung thực hay không ? Và việc mà Việt Nam bơi ở trong cái "ao làng" như thế thì được đứng nhất, trong khi đó ra quốc tế thì lại không đoạt được huy chương nào thì đấy là một cái vấn đề.
Theo tôi thì là cái vấn đề đấy là cần phải là xem xét và nghiên cứu và phải có biện pháp, chứ sự tụt hậu so với cả các nước như thế là một sự yếu kém trong thể thao và yếu kém trong nhiều lĩnh vực khác nữa".
Một nhà báo hiện đang ở trong nước, yêu cầu được giấu danh tính vì lý do an toàn, nhận định rằng ở sân đấu như SEA games (thường được nhiều người ví như ao làng) thì quốc gia nào đăng cai tổ chức cũng đều đưa bộ môn thế mạnh của mình vào tổ chức thi đấu nhằm nâng cao thành tích, chứ không chỉ riêng Việt Nam :
"Nhìn chung, không chỉ riêng thể thao, ngành nào của Việt Nam cũng nhiễm bệnh thành tích, nên muốn đạt kết quả cao".
Theo vị nhà báo giấu tên này, nói một cách công bằng thì thể thao Việt Nam có phong trào thi đấu rộng, nhiều bộ môn từ các giải ở địa phương, từng ngành, cho tới toàn quốc, như hội khỏe Phù Đổng các cấp, các giải bộ môn :
"Nhưng các vận động viên Việt Nam nói chung thiếu sự giao lưu quốc tế, nên kinh nghiệm thi đấu quốc tế ít hơn, và nguồn lực cho ngành thể dục thể thao còn ít và dàn trải, nên chế độ đãi ngộ cho vận động viên còn thấp".
Một vấn đề nữa, cũng theo nhà báo này, các khoản tài trợ từ các doanh nghiệp cho thể thao chỉ nhắm vào các môn thu hút sự chú ý của đông người dân như bóng đá, bóng chuyền, còn các bộ môn như điền kinh thì rất ít tài trợ, do ít mang lại lợi thế quảng cáo.
Trong một lần trả lời truyền thông trong nước, ông Park Hang Seo, khi ấy còn làm huấn luyện viên trưởng đội tuyển bóng đá Việt Nam từng phát biểu rằng "Người Việt Nam yêu bóng đá cuồng nhiệt nhưng phải là bóng đá chiến thắng".
Để đẩy mạnh tự hào dân tộc ?
Mỗi lần thể thao Việt Nam giành chiến thắng, dù chỉ trước đối thủ yếu hơn, các tờ báo nhà nước như được dịp "nở rộ" đăng tải các bài viết với nội dung ca ngợi, tán dương không tiếc lời.
Điển hình như mạng báo của Ban Tuyên giáo từng có bài "SEA Games 31 : Ấn tượng và thành công", báo Quân đội nhân dân có bài "Thể thao Việt Nam và kỳ SEA Games 32 thành công ngoài mong đợi", hay Cổng thông tin Chính phủ cũng ca ngợi với bài viết "SEA Games 32 : Thể thao Việt Nam lập kỳ tích lịch sử".
Năm 2021, Việt Nam giành chiến thắng trước Indonesia với tỉ số 4-0 ở vòng loại thứ hai World cup 2022. Mặc dù khi đó đội tuyển bóng đá Việt Nam được đánh giá cao hơn hẳn đối thủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã gởi thư chúc mừng với nội dung "chiến thắng này là kết quả của tinh thần đoàn kết, đấu pháp, chiến thuật hợp lý, trình độ kỹ thuật cá nhân, bản lĩnh, ý chí, nghị lực và tinh thần thể thao cao thượng, được hun đúc từ nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc và là ý chí vươn lên mạnh mẽ qua các thời kỳ của con người Việt Nam ở từng lĩnh vực". Các trận đấu sau đó, đội Việt Nam phải đối đầu với các đối thủ hàng đầu Châu Á nên không tiến được vào vòng loại thứ ba World cup 2022.
Về hiện tượng báo chí và các lãnh đạo tâng bốc thành tích của các đoàn thể thao nước nhà, nhà báo giấu tên cho rằng :
"Việc các lãnh đạo phát biểu như trên có ý muốn nâng vị thế quốc gia lên để qua đó nâng thành tích trong nhiệm kỳ của họ. Một ý khác là qua lời nói đó để cố kết tình đoàn kết trong quốc gia với "tinh thần dân tộc", "tự hào dân tộc"".
Nguồn : RFA, 10/08/2024
****************************
'Ở ao làng thì ca ngợi đến mây xanh, ra biển lớn mới biết thế nào là sóng cả'66
Hà Đăng – MTR, Tuổi Trẻ online, 08/08/2024
Thể thao Việt Nam gần như chắc chắn sẽ ra về "tay trắng" ở Olympic Paris 2024. Nhiều bạn đọc trong nước chỉ trích nặng nề thì bạn đọc nước ngoài dành nhiều động viên, chia sẻ với các vận động viên.
Kết thúc Olympic 2024, xạ thủ Trịnh Thu Vinh xếp hạng 4 nội dung 10 súng ngắn hơi nữ và hạng 7 nội dung 25m súng ngắn thể thao nữ - Ảnh : Chụp màn hình
Như Tuổi Trẻ Online thông tin : Tối 7/8, sau khi đô cử Trịnh Văn Vinh thất bại ở hạng cân 61kg nam, đoàn thể thao Việt Nam xem như đã không còn hy vọng giành huy chương ở Olympic Paris 2024.
Vào sáng 6-8, các đội tuyển : bắn súng, bắn cung, cầu lông đã về đến Việt Nam sau hành trình tại Olympic Paris 2024.
Đây cũng là kỳ Olympic thứ 2 liên tiếp thể thao Việt Nam không giành được bất kỳ huy chương nào.
Phản ánh về thành tích sa sút này, Tuổi Trẻ Online có bài viết : "Thể thao Việt Nam tụt dốc không phanh ở Olympic" và "Vận động viên Việt Nam lặng lẽ về nước sau Olympic 2024".
Hai bài viết đăng trên Tuổi Trẻ Online và trên Tuoi Tre News đã nhận được nhiều tương tác của người hâm mộ trong nước cũng như độc giả nước ngoài.
Cái giá của việc chạy theo thành tích SEA Games ?
Nguyên nhân dẫn đến thất bại của đoàn thể thao Việt Nam tại Olympic 2024, theo nhiều bạn đọc, đây là kết quả của việc chạy theo thành tích ở sân chơi khu vực, mà cụ thể là SEA Games.
Về ý này, bạn đọc Tôn Anh viết : "Ở ao làng thì ca ngợi đến mây xanh. Bây giờ ra biển lớn mới biết thế nào là sóng cả".
Cùng góc nhìn, bạn đọc tài khoản Thanh hỏi : "Phải chăng chúng ta quá đặt nặng thành tích SEA Games ? Không chỉ lãnh đạo ngành thể thao, mà cả huấn luyện viên, vận động viên đều thỏa mãn thành tích ở SEA Games và an phận với số tiền thưởng huy chương vàng, huy chương bạc, huy chương đồng SEA Games, nên mới ra nông nổi này ?".
Theo bạn đọc này : "Dù rằng thắng thua là chuyện bình thường, nhưng cả đoàn Việt Nam mà không có lấy 1 huy chương Olympic thì không thể chấp nhận".
Bạn đọc M. Tuấn bổ sung : Nhìn các vận động viên Việt Nam trên ngực áo không một tấm huy chương mà thấy thật buồn cho nền thể thao nước nhà. Điều gì đang xảy ra khi ta luôn nằm trong top dẫn đầu SEA Games, nhưng khi ra đến Olympic thì không thể có nổi một huy chương đồng ?
Để không còn cảnh quá sức ở các đấu trường lớn như Olympic, theo nhiều bạn đọc, thể thao Việt Nam đừng đặt mục tiêu tốp đầu tại các kỳ SEA Games nữa, mà hãy đặt mục tiêu cụ thể cho từng môn, thực hiện nhiệm vụ ở từng đấu trường khác nhau.
Đưa ra giải pháp cụ thể, bạn đọc Đặng Phong gợi ý: "Nên xác định 2 môn có khả năng cạnh tranh huy chương là cử tạ và bắn súng. Không còn cách nào khác là tập trung đầu tư thật tốt vào để nâng cao thành tích".
Trong khi đó nhiều bạn đọc nước ngoài ca ngợi những nỗ lực của các vận động viên Việt Nam và cổ vũ các vận động viên tiếp tục luyện tập.
Đô cử Trịnh Văn Vinh không thể giành được huy chương Olympic 2024 - Ảnh : Reuters
Quan trọng là các vận động viên đã nỗ lực hết mình
Bên cạnh những bức xúc vì thành tích tại Olympic 2024 không như mong muốn, một số bạn đọc cho rằng việc không giành được huy chương ở Olympic Paris 2024 cũng là điều bình thường, quan trọng hơn là các vận động viên đã cố gắng hết mình.
"Việc được tham dự một sự kiện thể thao có quy mô tầm cỡ thế giới như vậy đã là quá giỏi rồi. Ai cũng biết đấu trường Olympic khốc liệt như thế nào" - một bạn đọc tài khoản nước ngoài viết.
"Thực sự các vận động viên Việt Nam quá giỏi vì đã cố gắng hết sức" - bạn đọc Edward Neil nhận xét.
Chia sẻ với các vận động viên Việt Nam, độc giả Patricia Thomas đến từ Pháp an ủi : "Phải có năng lực tốt để được lựa chọn tranh tài, do đó được tham dự Olympic đã là một thành tích lớn".
Nhắc đến những nỗ lực của 1 vận động viên chèo thuyền Việt Nam tại Olympic 2024, độc giả này nói rằng bà đã tận mắt xem cô ấy thi đấu ở Paris và rất khâm phục.
"Cô ấy đã cống hiến hết mình và nỗ lực cho môn thể thao còn chưa phát triển ở Việt Nam. Hoan hô các vận động viên Việt Nam !" - bà Patricia viết.
Một bạn đọc khác tên Peter Sprake ca ngợi các vận động viên đã nỗ lực hết mình và cần thêm thời gian để Việt Nam có thể giành huy chương ở một đấu trường lớn như vậy.
Marko Artiaga, giảng viên tiếng Anh tại Trường đại học Tôn Đức Thắng ở Thành phố Hồ Chí Minh, kêu gọi mọi người hãy trân trọng nỗ lực của các vận động viên đã đại diện cho đất nước Việt Nam tranh tài tại Olympic.
"Dù không đoạt huy chương nào ở Thế vận hội Paris 2024, các vận động viên Việt Nam đã cố gắng rất nhiều, được tham dự Olympic đã là rất tuyệt rồi" - bạn đọc Geoffrey Pike chia sẻ.
Ông cũng bày tỏ hy vọng vào sự phát triển của thể thao Việt Nam. "Ai biết được 4 năm sau sẽ như thế nào ?", độc giả này bình luận.
Còn MC Mopar đến từ Mỹ gửi lời cảm ơn đến các vận động viên Việt Nam tham dự Olympic tại Paris. Trong khi đó độc giả Alan Whitten động viên vận động viên Việt Nam "hãy tiếp tục luyện tập !".
Đoàn thể thao Việt Nam tham dự Olympic Paris 2024 với 16 vận động viên tranh tài ở 11 môn thể thao. Họ là đều là những tinh hoa của thể thao nước nhà ở thời điểm hiện tại.
Trong 10 kỳ Olympic, thể thao Việt Nam giành tổng cộng 5 huy chương gồm : 1 huy chương vàng, 3 huy chương bạc và 1 huy chương đồng.
Võ sĩ taekwondo Trần Hiếu Ngân là vận động viên Việt Nam đầu tiên giành huy chương ở một kỳ Olympic với tấm huy chương bạc hạng cân 57kg nữ tại Olympic Sydney 2000.
Tại Olympic Rio 2016, xạ thủ Hoàng Xuân Vinh đã làm nên lịch sử cho thể thao Việt Nam khi giành huy chương vàng đầu tiên ở nội dung 10m súng ngắn hơi nam.
Hà Đăng – M. TR
Nguồn : Tuổi Trẻ online, 08/08/2024