Tình trạng nhân quyền Việt Nam 2024 tồi tệ hơn trước (VOA)
Báo cáo HRMI 2024 : Người dân Việt Nam ‘không an toàn’ trước Nhà nước
VOA, 04/07/2024
Tổ chức Sáng kiến đánh giá nhân quyền (Human Rights Measurement Initiative - HRMI) vừa công bố báo cáo các chỉ số nhân quyền 2024, đánh giá rằng người dân Việt Nam "không an toàn" trước Nhà nước trong khi các quyền tự do dân sự và tự do chính trị đang "ngày càng xấu đi". Tuy nhiên, truyền thông nhà nước Việt Nam lên án báo cáo của HRMI.
Báo cáo tóm tắt của HRMI về các chỉ số nhân quyền Việt Nam, 2024. Photo HRMI.
HRMI - một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại New Zealand - hồi tháng trước công bố báo cáo thường niên về tình trạng nhân quyền toàn cầu thông qua các Chỉ số Thực hiện quyền kinh tế và xã hội (Social and Economic Rights Fulfillement - SERF) và xếp hạng hiệu suất của mỗi quốc gia bằng cách ấn định điểm số cho 3 tiêu chí chính : chất lượng cuộc sống, an toàn trước nhà nước và trao quyền.
Trong phần báo cáo về Việt Nam, HRMI cho rằng tình trạng nhân quyền của Việt Nam tiếp tục suy giảm trong năm 2023.
Về hạng mục an toàn trước nhà nước, Việt Nam đạt 4,6/10 điểm, giảm 0,3 so với điểm 4,9 vào năm ngoái.
Theo báo cáo mới nhất của HRMI, nhiều người ở Việt Nam "không an toàn" do có những vụ việc bị bắt giữ, tra tấn, ngược đãi, cưỡng bức mất tích, hành quyết hoặc giết người ngoài vòng pháp luật.
Về mục này, dù thiếu dữ liệu để so sánh trong khu vực, song báo cáo HRMI cho rằng mức an toàn của người Việt Nam trước nhà nước "thấp hơn mức trung bình" so với các quốc gia khác.
Theo HRMI, các nhóm có nguy cơ bị vi phạm các quyền này cao nhất là những người ủng hộ nhân quyền, những người có niềm tin chính trị hoặc sắc tộc cụ thể, và các nhà báo.
Về hạng mục trao quyền, Việt Nam bị đánh giá "rất tệ" ở cả 4 chỉ số. Cụ thể, nước này chỉ đạt 2,5 điểm về quyền hội họp và lập hội ; 2,8 về bày tỏ quan điểm và biểu đạt ; 2,7 về tham gia chính quyền và 2,4 về tôn giáo và tín ngưỡng.
HRMI nhận định rằng Việt Nam có kết quả "kém hơn mức trung bình" về hạng mục trao quyền, với các nhóm có nguy cơ bao gồm những người phản đối hoặc tham gia các hoạt động chính trị bất bạo động, các nhà hoạt động nhân quyền, những người có tín ngưỡng hoặc thực hành tôn giáo riêng của họ, người dân bản địa...
Với 89,4% về quyền chất lượng cuộc sống, HRMI nhận định rằng chỉ số này cho thấy "Việt Nam đang thực hiện tốt hơn mức trung bình" về quyền chất lượng cuộc sống so với các quốc gia khác ở Đông Á.
Con số trên cho biết rằng hiện nay Việt Nam mới chỉ làm được 89,4% những gì có thể làm được với nguồn lực hiện có. Vì bất cứ điều gì dưới 100% cho thấy một quốc gia không đáp ứng nghĩa vụ hiện tại của mình theo luật nhân quyền quốc tế, nên HRMI đánh giá là "Việt Nam cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa để đáp ứng nghĩa vụ trước mắt về các quyền kinh tế và xã hội".
HRMI lưu ý rằng ở Việt Nam một bộ phận lớn người dân chưa được tiếp cận đầy đủ và không thể được hưởng trọn vẹn các quyền về chất lượng cuộc sống. Những nhóm người này bao gồm người bản địa, người thuộc các dân tộc hoặc tín ngưỡng cụ thể, người bị giam giữ và những người bị khởi tố, các nhà hoạt động nhân quyền và những người có địa vị xã hội hoặc kinh tế thấp, cùng những người khác, báo cáo cho biết.
VOA đã liên lạc với Bộ Ngoại giao Việt Nam và đề nghị họ đưa ra ý kiến về báo cáo mới này của HRMI, nhưng chưa được phản hồi.
Trong tuần qua, các trang báo nhà nước của Việt Nam đồng loạt lên án về bản báo cáo mới này của HRMI, trong khi giới hoạt động cho nhân quyền bày tỏ sự đồng tình với báo cáo.
"Đây thực chất vẫn là những luận điệu vô căn cứ, hoàn toàn không dựa trên tình hình thực tế về đảm bảo quyền con người ở Việt Nam", đài truyền hình Thông tấn VNews của Việt Nam đưa ra quan điểm hôm 1/7. "Những chiêu trò bổn cũ soạn lại này thực chất nhằm chống phá... hạ thấp uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế", trang web của VNews nêu ý kiến.
Tổ chức HRMI "mượn lời những kẻ cơ hội chính trị, chống phá để chọc ngoáy, công kích Đảng và Nhà nước Việt Nam", Thông Tấn Xã Việt Nam viết hôm 1/7.
Giới hoat động khi so sánh các chỉ số năm 2024 với các chỉ số trước đó vào năm 2022 và 2023 của HRMI, nhận định rằng tình hình nhân quyền của Việt Nam thiếu tiến bộ và ngày càng xấu đi, trong đó các quyền tự do dân sự và tự do chính trị bị "xâm hại".
"Tổ chức Sáng kiến đánh giá nhân quyền đưa ra kết quả này hoàn toàn chính xác dựa trên các tiêu chuẩn quốc tế, theo hệ thống luật pháp của các nước dân chủ. Trong khi đó, Việt Nam phản biện dựa vào các luật lệ và lợi ích của họ", nhà hoạt động nhân quyền Vàng Seo Giả ở bang Minnesota, Mỹ, nêu nhận định cá nhân với VOA.
"Bản báo mới nhất của HRMI cho thấy rõ ràng rằng việc tuân thủ nhân quyền của Việt Nam đang suy giảm dần. Hạng mục an toàn trước nhà nước và trao quyền của nước này phản ánh tình trạng suy thoái đặc biệt đáng lo ngại", bà Aerolyne Reed nhận định trên tạp chí The Vietnamese hôm 2/7.
Nữ nhà báo này quan sát rằng mặc dù chất lượng cuộc sống ở Việt Nam vẫn được đánh giá cao nhưng những lợi ích này không phải ai cũng có thể tiếp cận được, vì theo báo cáo của HRMI, những người cần chất lượng cuộc sống nhất "thường không thể đạt được điều đó".
Nguồn : VOA, 04/07/2024
**************************
HRW kêu gọi EU ‘đối phó’ hiệu quả hơn với tình trạng đàn áp nhân quyền gia tăng ở Việt Nam
VOA, 03/07/2024
Tổ chức Theo dõi nhân quyền (HRW) hôm 3/7 kêu gọi Liên Hiệp Châu Âu cân nhắc lại cuộc đối thoại nhân quyền song phương với Việt Nam và áp dụng các biện pháp hiệu quả hơn, gồm cả trừng phạt các lãnh đạo nhà nước, để đối phó với tình trạng đàn áp đang gia tăng của chính quyền Hà Nội.
Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính bắt tay Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Charles Michel (trái) khi dự hội nghị thượng đỉnh EU-ASEAN tại trụ sở Hội đồng Châu Âu ở Brussels ngày 14/12/2022.
Tổ chức có trụ sở ở New York, Mỹ, đưa ra lời kêu gọi này căn cứ theo một tờ trình trước cuộc Đối thoại nhân quyền EU-Việt Nam mà họ đã gửi tới Liên Hiệp Châu Âu hồi tháng 5. Vòng đối thoại thường niên năm nay sẽ diễn ra tại Brussels của Bỉ vào ngày 4/7.
Trong thông cáo đưa ra hôm 3/7, HRW nói rằng dù Liên Hiệp Châu Âu và Việt Nam đã xúc tiến trao đổi về nhân quyền từ thập niên 1990 nhưng, trong nhiều năm, chính quyền Việt Nam "đạt được rất ít tiến bộ về nhiều vấn đề đã được các giới chức EU nêu ra, và trong mấy năm gần đây chính sách đàn áp đã gia tăng".
"Các cuộc đối thoại nhân quyền của EU với Việt Nam trước đây có rất ít tác động tới chính sách đàn áp của Hà Nội", ông Claudio Francavilla, phó giám đốc Vận động Khối EU của HRW nói trong thông cáo. "Lặp lại những nhận xét cũ sẽ chẳng mang lại kết quả mới. EU cần có các tiếp cận hiệu quả hơn để giải quyết tình trạng Hà Nội đàn áp các quyền tự do cơ bản".
HRW đưa ra thống kê rằng có 160 người đang bị giam giữ tại Việt Nam vì lên tiếng phê phán chính quyền và nhắc đến trường hợp của nhà báo Huy Đức cùng luật sư Trần Đình Triển, những người bị bắt giữ mới nhất vì những bài viết ủng hộ dân chủ đăng trên mạng xã hội Facebook.
EU và Việt Nam vừa ký kết thỏa thuận hơn 500 triệu euro tài trợ cho Việt Nam chuyển đổi sang sử dụng nguồn năng lượng tái tạo nhưng, theo HRW, các nhà hoạt động môi trường "càng ngày càng dễ trở thành đối tượng bị nhà cầm quyền đặt vào vòng ngắm".
Bốn thượng nghị sĩ Mỹ trong Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Hoa Kỳ vào tháng trước đã báo động tới Bộ Ngoại giao Mỹ về "môi trường nhân quyền đang xấu đi ở Việt Nam" và kêu gọi Ngoại trưởng Antony Blinken thúc ép Việt Nam trả tự do cho những người bảo vệ nhân quyền đang bị giam cầm, trong đó có những nhà vận động cho quyền môi trường Đặng Đình Bách và Hoàng Thị Minh Hồng.
HRW cho rằng một số vi phạm của chính quyền Việt Nam có liên quan tới Hiệp ước Thương mại Tự do EU-Việt Nam, vốn có hiệu lực từ tháng 8/2020. HRW nhắc tới việc nhà hoạt động Phạm Chí Dũng, từng là blogger của VOA, vẫn đang bị giam cầm sau song sắt vì phải thi hành bản án 15 năm tù "do đã ôn hòa vận động EU tranh thủ nguyện vọng ký hiệp định thương mại của Việt Nam làm đòn bẩy để đạt được những tiến bộ nhân quyền trong nước – một ý kiến đã được HRW và nhiều nhóm nhân quyền khác đồng tình".
Chính phủ Việt Nam vẫn chưa ký kết Công ước số 87 của Tổ chức lao động quốc tế (ILO) về Quyền tự do lập hội và bảo vệ quyền được tổ chức, dù trước khi Nghị viện EU bỏ phiếu về Hiệp định thương mại tự do EVFTA hồi tháng 2/2020, Việt Nam đã cam kết cụ thể sẽ thực hiện việc này trong năm 2023, theo HRW.
Sau cuộc Đối thoại nhân quyền vào tháng 6 năm ngoái, EU và Việt Nam đưa rathông cáo chung trong đó nói rằng "EU hoan nghênh việc Việt Nam phê chuẩn hầu hết các công ước cốt lõi của ILO, đồng thời khuyến khích Việt Nam phê chuẩn Công ước 87 còn lại, cũng như thông qua nghị định về các tổ chức đại diện cho người lao động".
Nhưng HRW cho rằng EU "không nên lặp lại các cuộc đối thoại nhân quyền không mang lại kết quả gì ngoài ảo tưởng đã chỉ tên được các vi phạm nhân quyền của Việt Nam". Tổ chức này cũng kêu gọi EU cân nhắc các công cụ hữu hiệu hơn để gây sức ép, buộc chính quyền Việt Nam "chấm dứt vi phạm" cũng như "áp dụng các lệnh trừng phạt có mục tiêu nhắm vào các cá nhân và tổ chức của Việt Nam phải chịu trách nhiệm về đàn áp nhân quyền một cách có hệ thống ở trong nước, kể cả các lãnh đạo nhà nước".
"Chỉ bằng cách đặt ra lệnh trừng phạt có mục tiêu và các hậu quả cụ thể về quan hệ thương mại và chính trị mới thể hiện được thông điệp rõ ràng tới Hà Nội rằng EU coi nhân quyền là vấn đề nghiêm túc", ông Francavilla nói.
VOA đã gửi yêu cầu bình luận về lời kêu gọi của HRW đến Liên Hiệp Châu Âu và Bộ Ngoại giao Việt Nam. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao ở Hà Nội nhiều lần bác bỏ những cáo buộc từ HRW và các tổ chức quốc tế về sai phạm nhân quyền của chính quyền Việt Nam, cho rằng họ chỉ giam giữ những người vi phạm phát luật.
Trưởng phái đoàn Việt Nam tại Geneva, trong buổi đối thoại với Cao ủy Liên Hiệp Quốc về Nhân quyền hôm 19/6, nói rằng Việt Namtôn trọng những nỗ lực bảo vệ nhân quyền và cam kết hỗ trợ các nhóm dễ bị tổn thương trong quá trình chuyển đổi năng lượng.
Trong thông cáo chung đưa ra năm ngoái, Việt Nam và EU "nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiếp tục hợp tác và đối thoại cởi mở, thẳng thắn" về việc thúc đẩy và bảo vệ quyền con người, bao gồm thông qua Đối thoại Nhân quyền EU-Việt Nam hàng năm, góp phần vào quan hệ đối tác song phương.
Nguồn : VOA, 03/07/2024