Điểm tin tuần báo chí Pháp : Cuộc bỏ phiếu vì lịch sử (RFI)
Nước Pháp bước vào cuộc bỏ phiếu vì lịch sử
Cuộc bầu cử Quốc hội Pháp vòng một ngày 30/06/2024 chiếm trang bìa và là hồ sơ của tất cả các tuần báo kỳ này, được cho là một cuộc bỏ phiếu mang tính lịch sử.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong lễ kỷ niệm ngày tướng Charles de Gaulle kêu gọi kháng chiến chống phát-xít Đức năm 1940 trên đảo Sein, Pháp, ngày 18/06/2024. Tương lai của nước Pháp đang bất định sau quyết định giải tán Quốc hội của ông Macron. via Reuters - Christophe Ena
Le Nouvel Obs nhấn mạnh "Trước mối đe dọa cực hữu : Một cuộc bầu cử vì lịch sử", L’Express đặt câu hỏi "Liệu nước Pháp kháng cự được các điều kiện cực đoan ?". Le Point tìm cách lý giải "Các nhà tâm lý học nói gì về họ" - người Pháp và chính khách.
Courrier International tổng hợp báo chí các nước, với dòng tít "Nước Pháp nhìn từ ngoại quốc : Cánh tả có thể thắng hay không ?" và cho rằng nhờ liên minh được với nhau, cử tri của các phe này tin rằng có được cơ hội. The Economist với hình bìa là lá cờ Pháp ba màu xanh trắng đỏ nhưng phần màu trắng ở giữa biến mất, đưa tít lớn "Cánh trung khó thể trụ lại được".
Nguy cơ xã hội rối ren, chính trường tê liệt
Xã luận của Le Nouvel Obs lặp lại tít trang bìa : Bầu cử Quốc hội là một cuộc "bỏ phiếu vì lịch sử". Lần đầu tiên dưới nền đệ ngũ cộng hòa, cực hữu có thể giành được đa số ở Quốc hội. Nước Pháp sẽ trở nên không thể quản trị được chăng ? Với việc bất ngờ giải tán Quốc hội, Emmanuel Macron đã đẩy đất nước vào vực thẳm lo âu.
Gladys Mondière, chủ tịch Hiệp hội các nhà tâm lý học và tâm thần học Pháp cho biết các khách hàng đều bị ảnh hưởng tâm lý về sự kiện này. Một thủ tướng cực hữu không kinh nghiệm có thể hủy bỏ quyền có quốc tịch nếu sinh ra trên đất Pháp, ưu tiên cho người Pháp gốc, thay đổi đường hướng ngoại giao, phản đối việc đóng góp cho Liên Hiệp Châu Âu ? Tuần báo cho rằng cần phải đoàn kết lại cho một cuộc bỏ phiếu mang tính lịch sử.
Nguy cơ còn ở chỗ các định chế bị tê liệt vì ba khối ở Quốc hội – cực hữu, cực tả, cánh trung có quan điểm hoàn toàn đối chọi, không thể nào lập được đa số, trong lúc nợ công đang đe dọa. Emmanuel Macron bác bỏ khả năng từ chức. Nếu ông ra đi, đã có nhiều khuôn mặt lăm le nhảy vào. Nhưng bầu cử tổng thống trước thời hạn, trên lý thuyết, chỉ có thể tổ chức nếu đến tháng 6/2025 với một Quốc hội không có đa số, và rồi đến lượt Quốc hội này phải giải tán mà không bảo đảm sẽ lập được đa số. Người Pháp khó thể tìm lại sự yên ổn.
Trách nhiệm với lá phiếu
L’Express cho rằng vẫn còn thời gian để "hạch tội" Emmanuel Macron sau ngày 08/07, vì khi đem số phận nền dân chủ Pháp ra đánh bạc, rốt cuộc đã mở ra cánh cửa quyền lực cho cực hữu. Hoặc ngược lại, nhìn nhận công lao của ông khi đòi hỏi người dân quyết định. Nhưng không nên sa vào những tranh cãi, vào lúc phải tham gia cuộc bỏ phiếu lịch sử. Một tháng trước khi khai mạc Thế vận hội và chưa đầy một tháng sau khi kỷ niệm 80 năm Đồng minh đổ bộ Normandie, người Pháp lại phải đi bầu. Với ba chọn lựa, hoặc một đại diện cực hữu phi tự do, hoặc một Hugo Chavez kiểu Pháp của cực tả, hoặc cánh trung.
Tuần báo kêu gọi bỏ phiếu với tinh thần trách nhiệm, vì vấn đề không phải là cá nhân ông Macron – chủ nghĩa Macron đã kết thúc. Trong hành lang điện Élysée, người ta nhìn nhận là đã quá tập trung cho vĩ mô trong khi người dân chỉ quan tâm đến vi mô. Trong khi hồi năm 2017, một nhà lãnh đạo đã hiểu thấu yêu cầu phải sâu sát với người dân Pháp. "Chúng ta chỉ có thể lại thấy khát vọng dân chủ sâu sắc khi kết nối với sự đa dạng của thực tại, của xã hội Pháp mà các định chế đang quá rời xa". Người nói câu này chính là Emmanuel Macron !
Cú sốc tài chánh với cực hữu và cực tả
Le Point nêu ra nguy cơ "phá sản", và đặt câu hỏi phải chăng cần phải trải qua thảm họa thì mới thức tỉnh ? Đã mắc kẹt trong cuộc khủng hoảng với Putin và Hamas, chỉ trong vài ngày nước Pháp lại đứng trước nguy cơ thảm họa kinh tế với các chương trình hành động của phe cực hữu và cực tả.
Trước khi chìm vào hỗn loạn chính trị, Pháp đã rơi vào chiếc bẫy tài chánh. Tập Hợp Dân Tộc (RN) dù mỗi ngày quẳng đi một ít trong cương lĩnh, nhưng đó vẫn là "tấm hộ chiếu dẫn đến lụn bại". Chủ trương của Nước Pháp Bất Khuất (LFI) lại còn tệ hại hơn – theo Olivier Blanchard, cựu kinh tế gia trưởng của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Tuần báo cho rằng khi đứng ngoài chính quyền, các phe ngỡ rằng có thể làm được mọi thứ.
Pháp có thể tránh được cú sốc tài chánh hay không, và cú sốc này là bạo lực hay tiệm tiến ? Khó thể dự báo được. Bồ Đào Nha, Ý, Tây Ban Nha, Hy Lạp đều đã trải qua, giờ đây đến lượt người Pháp chọn lựa mô hình phá sản. Hy vọng duy nhất là các nước trên đều đã biết chỉnh đốn. Ngược lại, chất độc bài Do Thái đã lan ra và chẳng biết cách nào ngăn chặn.
Các số báo cuối tuần cũng dành trang nhất để cảnh báo nguy cơ đang hiển hiện. Libération thiên tả cổ vũ "Huy động tổng lực chống lại cực hữu", Le Figaro nhận định "Nước Pháp nín thở chờ đợi", La Croix Hebdo tìm đến với cử tri Pháp thuộc nhiều phía. Xã luận của Libération dài gấp đôi bình thường, còn bài xã luận Le Monde có độ dài kỷ lục, gấp ba, bốn lần so với những bài viết ngắn gọn thường lệ, kêu gọi "Hãy bảo vệ nền dân chủ của chúng ta".
Brexit : Thất bại nhưng không có đường lui
L’Express nhắc nhở "Một cuộc bỏ phiếu có thể để lại dấu vết không thể xóa mờ : Ví dụ Brexit". Trái với những lời hứa hẹn hồi năm 2016, sự kiện ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu khiến Anh quốc sụt hạng về kinh tế, đây là lời cảnh báo cho dân Pháp. Kết quả bầu cử có thể đưa một đất nước vào ngõ cụt không lối thoát, như Brexit năm 2016 bắt đầu có hiệu lực từ đầu năm 2020.
Nhìn lại sau bốn năm, thực tế cũng như thống kê và thăm dò đều cho thấy hệ quả từ quyết định lịch sử của dân Anh : không có một tác động tích cực nào. Về lợi ích nước Anh, Brexit là một thất bại toàn diện, hơn nữa, là một thất bại lâu dài vì khác với hầu hết các cuộc bầu cử và trưng cầu dân ý khác, không có hy vọng quay trở lại, ít nhất là trong một thời gian đáng kể.
Brexit trước hết là thất bại kinh tế. Một báo cáo của bộ Tài Chánh hồi tháng 4 cho thấy đầu tư của các công ty Anh sụt giảm trầm trọng, chỉ còn bằng 20% so với trước, trong tất cả mọi lãnh vực trừ xây dựng. Khi vốn hóa bị chậm lại, đã ảnh hưởng đến hiệu năng và tăng trưởng của đất nước.
Thứ hai, trao đổi với Liên Hiệp Châu Âu (EU) sụt giảm trong lãnh vực dịch vụ nhất là tài chánh : Brexit đã trừng phạt lâu dài thị trường chứng khoán Luân Đôn, khiến Dublin, Paris và Amsterdam hưởng lợi.
Thứ ba, thị trường lao động thêm căng thẳng. Anh quốc đang thiếu 200.000 nhân công nên đành phải nhận thêm lao động nhập cư ngoài Châu Âu, có nghĩa là ngược hẳn với mong muốn của những người bỏ phiếu cho Brexit. Đến tháng 6/2023, người nhập cư từ ngoài Châu Âu lên đến 700.000, một kỷ lục.
Một thăm dò của Ipsos mới đây cho biết chỉ có 13% người Anh coi Brexit là thành công. Tỉ lệ này xuống còn 9% nơi lớp người 35-54 tuổi, và 5% đối với người trẻ 18-34 tuổi. Tình trạng này sẽ ảnh hưởng đến cuộc bầu cử Quốc hội ngày 04/07. Ngoại trưởng Boris Johnson là người đưa ra trưng cầu dân ý, nhưng chính người dân Anh phải chịu trách nhiệm vì lá phiếu của họ. Cử tri Pháp vốn thường bỏ phiếu theo cảm tính, cần nhớ đến vụ Brexit khi chỉ định Quốc hội mới.
Macron và những thành tựu bị rơi vào quên lãng
Nếu người Pháp thường có xu hướng chỉ trích, ở bên kia bờ biển Manche, The Economist có cái nhìn trung dung hơn với tổng thống Macron. Tuần báo Anh cho rằng Emmanuel Macron đã làm được nhiều điều tốt cho nước Pháp, nhưng ông có nguy cơ lãng phí tất cả.
Hiếm khi Kinh đô Ánh sáng rực rỡ như vậy. Một tháng nữa, thủ đô nước Pháp sẽ đón khách từ khắp nơi trên thế giới nhân Thế vận hội lần thứ 33, những tuyến đường tàu mới đưa các vận động viên đến những địa điểm thế vận hiện đại. Paris quyến rũ được nhiều công ty công nghệ, là trung tâm ngân hàng thu hút không ít tài năng từ bên kia biển Manche. Và không chỉ Paris, bộ mặt đô thị của các thành phố khác như Lyon, Dijon… cũng tân tiến hơn nhờ đầu tư công và tư.
Một phần lớn là nhờ Emmanuel Macron, bảy năm qua đã nỗ lực để Pháp trở thành nền kinh tế hiện đại, tạo điều kiện cho doanh nghiệp. Từ khi bước vào điện Élysée năm 2017, đã có thêm 2 triệu việc làm, trên 6 triệu công ty thành lập, cải cách giáo dục và bắt đầu cải cách chế độ hưu trí. Tỉ lệ tăng trưởng của Pháp cao hơn mức trung bình của khu vực đồng euro, tỉ lệ người nghèo thấp hơn. Có thể nghĩ rằng cử tri sẽ thưởng công, nhưng ngược lại, mọi cuộc thăm dò đều bất lợi cho ông Macron. Một trong những lý do là phản ứng mạnh mẽ chống lại quyết định giải tán Quốc hội.
Một Quốc hội mới không phe nào chiếm đa số sẽ làm những cải cách bị thụt lùi. Ông Macron vẫn là tổng thống đến năm 2027, vẫn quyết định về quốc phòng và ngoại giao, nhưng về nội trị có nguy cơ bị trói tay. Macron có thể áp đặt một chính phủ kỹ trị, nhưng Quốc hội có khả năng bác bỏ. Liên Hiệp Châu Âu chưa bao giờ bất ổn như thế khi cặp Pháp-Đức lung lay, vì liên minh cầm quyền ở Đức đang bên bờ vực rạn vỡ, những mối đe dọa còn đó : Nga, di dân… Emmanuel Macron rơi vào chiếc bẫy của chính mình, được cho là vì ngạo mạn và tách rời thực tế. Một sai lầm khác của ông là không dung thứ phe đối lập nào ở cánh trung.
Vũ khí nguyên tử cho Ukraine ?
Về tình hình quốc tế, Le Point đặt ra vấn đề táo bạo : "Vì sao nên trang bị cho Ukraine vũ khí nguyên tử ?". Tác giả Par Patrick Besson khẳng định đã suy nghĩ kỹ : Để cứu Ukraine, phương cách duy nhất là cung cấp bom nguyên tử. Đã từ lâu Pháp sở hữu loại vũ khí này, việc bảo trì tốn kém tiền thuế dân, và thậm chí còn không còn thử nghiệm ở Polynésie nữa. Trong khi đó Ukraine đang rất cần, với vũ khí nguyên tử, cuộc chiến tranh với Nga sẽ kết thúc trong vài ngày. Một quả bom để dành cho Moskva, quả khác cho Saint Petersburg, ông Putin sẽ phải suy nghĩ.
Nhưng thay vào đó, người ta cho vị tổng thống khốn khổ của Ukraine xe tăng, hỏa tiễn, phi cơ, nhưng nhỏ giọt và không phải lúc nào chất lượng cũng tốt. Nga chỉ quan tâm đến vũ lực, bất cần những chỉ trích. Hồi năm 1917 Lênin đã trở mặt, để cho người Pháp hầu như một mình đối phó với Đức. Và những năm 40, phải đến khi Hitler cho mấy trăm ngàn quân tấn công Moskva, Stalin mới quyết định hành động. Tác giả kết luận, Nga không có tai để lắng nghe cũng như không có trái tim, đã đến lúc nên làm cho họ hiểu với sức mạnh nguyên tử.
Đài Loan có chống nổi nếu Trung Quốc xâm lược ?
Tại Châu Á, L’Express phân tích "Nếu Tập Cận Bình quyết định tấn công, Đài Loan có chống xâm lược được hay không ?". Trung Quốc ngày càng gia tăng sách nhiễu, Không quân Đài Loan luôn căng thẳng vì kẻ thù có thể xuất hiện bất kỳ lúc nào. Một phi công nói, nếu cách đây 10 năm chỉ phải xuất kích khẩn cấp một lần trong tháng, nay từ ba đến năm lần, và đặc biệt bị áp lực khi đang ngủ bỗng bị dựng dậy. Năm ngoái cũng như trong năm 2022, trên 1.700 lượt phi cơ Trung Quốc xâm nhập vùng nhận diện phòng không, tăng 76%. Làm người Đài Loan kiệt lực, làm cho họ hiểu không nên chống lại quân đội đông đảo nhất thế giới là ám ảnh của Tập Cận Bình. "Thu hồi" Đài Loan không chỉ vì lý do lịch sử mà còn chính trị - không thể để một mô hình dân chủ tồn tại sát bên, và còn vì kinh tế - đảo quốc sản xuất 90% chip bán dẫn tân tiến nhất thế giới. Và đặc biệt là địa chính trị, phá vòng vây chuỗi đảo thứ nhất. Theo các chuyên gia, những năm 2030 đặc biệt nguy hiểm cho Đài Loan.
Một chuyên gia cho rằng kịch bản tệ hại nhất là bị bao vây. Đài Loan đã dự trữ những hàng hóa thiết yếu như thuốc men, xăng dầu để trụ được ít nhất ba tháng. Nhưng Trung Quốc cũng sẽ thiệt hại vì bị phương Tây trừng phạt. Các nhà quan sát khác thì lo sợ một cuộc đổ bộ bất ngờ, trước đó là tấn công mạng quy mô để làm tê liệt các dịch vụ của Nhà nước, một trận cuồng phong tin giả để gieo rắc sợ hãi. Sau đó là những trận bão lửa : hỏa tiễn nhắm vào các cơ sở hạ tầng chiến lược, radar, phòng không, sở chỉ huy. Nhưng chiếm Đài Loan phức tạp hơn cả đổ bộ Normandie năm 1944 vì phải phối hợp hải, lục, không quân và cần rất nhiều lính, vì Đài Loan may mắn được các dốc đá bảo vệ. Về lý thuyết, Hoa Kỳ không thể để cho Đài Loan rơi vào tay Trung Quốc, nhưng người ta lo ngại Mỹ sẽ chỉ gởi vũ khí như đối với Ukraine. Như vậy Đài Bắc phải lo tự lực cánh sinh.
Đài Loan đã sẵn sàng hay chưa ? Chi quân sự từ 2% GDP đã tăng lên 2,5%, thời gia quân dịch kéo dài thành một năm, nhưng đào tạo quân dự bị vẫn còn yếu kém. Theo tác giả Peter Harris, Đài Loan cần gấp hỏa tiễn chống hạm, mìn dưới nước, thêm nhiều drone và lực lượng bộ binh cơ động. Chuyên gia Mathieu Duchâtel tính toán, nếu thấy không thể chiếm được trong hai năm, Bắc Kinh sẽ phải tính lại, còn nếu trong ba hay sáu tháng, sẽ tấn công mạnh hơn. Một yếu tố quan trọng là tinh thần kháng chiến. Như ở Ukraine, chính nhờ tổng thống Volodymyr Zelensky từ chối di tản, kiên quyết chống xâm lược mà cả một dân tộc mới đương đầu được với quân Nga. Có nghĩa là một trọng lượng khủng khiếp đang đè nặng lên đôi vai của tân tổng thống Lại Thanh Đức (William Lai).
Thụy My