Kinh nghiệm lâm chung của Mông Cổ (Yến Vương)

 

Giây phút lâm chung là giây phút rất đáng sợ của đa số mọi người. Đó là lúc cuộc đời chúng ta diễn lại như một cuốn phim, và chúng ta tự phán xét chính mình. Có một số người chết rất bất ngờ và khi họ ra đi thì cũng tương đối nhẹ nhàng.

gengis1

Trong quá khứ, Mông Cổ là đất nước của các chiến binh trên lưng ngựa đã từng chinh phục một vùng lãnh thổ rộng lớn từ Trung Quốc đến tận Châu Âu. Ngày nay Mông Cổ chỉ là một quốc gia nhỏ bé với hơn 3 triệu dân. 

Chúng ta bắt đầu với chế độ cộng sản Mông Cổ. Phút lâm chung của chế độ này diễn ra nhanh bất ngờ bằng cuộc cách mạng dân chủ 1990, và kết quả cũng bất ngờ. Một chế độ được thành lập nhờ vào Liên Xô, điều hành theo ý Liên Xô, việc quốc phòng phụ thuộc vào Liên Xô nhưng rồi chết trước Liên Xô và những người cộng sản Mông Cổ cũng đi theo một hướng khác hẳn người cộng sản Liên Xô. Mọi chuyện diễn ra một cách êm đẹp, giống như cách người Mông Cổ nhổ những căn lều ger, chất nó lên xe ngựa rồi di chuyển tới một chỗ ở mới vậy.

Khi chế độ này được thành lập thì Mông Cổ đang trong tình trạng lạc hậu cùng cực, dân số đang giảm, gần như toàn bộ người dân chỉ biết sống bằng chăn nuôi du mục. Sau nhiều thập niên cố gắng hiện đại hóa nền kinh tế, cùng với sự hỗ trợ của khối các nước cộng sản, tới thập niên 1980 Mông Cổ đã là một nước biết trồng trọt và có cả những trung tâm công nghiệp. Tuy nhiên những thay đổi này chỉ có thể thấy rõ ở thủ đô Ulan Bator (Ulaanbaatar), cũng là thành phố lớn nhất, những nơi khác nhìn chung vẫn còn sống theo lối du mục truyền thống, chính quyền cộng sản cũng không thể áp đặt được bao nhiêu hạn chế lên họ.

Chế độ chủ yếu hiện diện ở Ulan Bator và một vài thành phố. Câu chuyện của chúng ta bắt đầu từ cuộc đấu đá ở thành phố thủ đô. Trong tòa nhà trụ sở của đảng cộng sản phe tuyên giáo ngày càng mạnh hơn, nhưng họ vấp phải ông tổng bí thư già Tsedenbal. Trong những năm cai trị của mình nhà độc tài Tsedenbal đã thanh trừng rất nhiều người trong phe tuyên giáo, mọi người gọi ông ta là Stalin của Mông Cổ. Năm 1984 ở Liên Xô có thay đổi nhân sự, ban lãnh đạo mới nói chung không thích một người già bảo thủ được ví như Stalin. Một hôm Tsedenbal đang đi nghỉ ở Moscow thì Liên Xô tỏ thái độ, ngay lập tức Tsedenbal mất chức và ông được ở luôn bên Liên Xô cho tới lúc chết. Thật là hợp với ông ta bởi chính Tsedenbal từng đề xuất ý tưởng sáp nhập Mông Cổ vào Liên Xô.

mongco2

Trong những năm cai trị của mình nhà độc tài Tsedenbal đã thanh trừng rất nhiều người trong phe tuyên giáo, mọi người gọi ông ta là Stalin của Mông Cổ.

Phe tuyên giáo đưa lên một tổng bí thư đến từ trường đảng - Batmonkh. Batmonkh là một người bảo thủ, ông miễn cưỡng làm theo những cải cách của Liên Xô.

Năm 1989 là năm định mệnh của khối cộng sản. Cách mạng bắt đầu từ Ba Lan rồi nhanh chóng lan ra khắp Đông Âu. Không khí cách mạng cũng ảnh hưởng tới Liên Xô. Một số trí thức trẻ, đặc biệt là những người đi du học về, đã thành lập Liên Hiệp Dân Chủ Mông Cổ, nòng cốt ban đầu chỉ gồm 13 người mà sau này được gọi là 13 lãnh đạo của cách mạng dân chủ. Tổ chức mới lập này kêu gọi thực hiện đúng những cải cách của Gorbachev, đòi bầu cử tự do trong khuôn khổ "chủ nghĩa xã hội dân chủ nhân đạo" và yêu cầu Liên Xô rút quân khỏi Mông Cổ. Thực tế còn có những nhóm khác nữa, nhưng Liên Hiệp Dân Chủ Mông Cổ là tổ chức đáng chú ý nhất và cũng là tổ chức khơi mào cuộc biểu tình đầu tiên vào cuối năm 1989. Lúc này ở Trung Quốc đã xảy ra vụ đàn áp các sinh viên ở Thiên An Môn, nhưng những sinh viên Mông Cổ này dường như mang theo tinh thần của các chiến binh du mục, họ không sợ hãi.

mongco3

Từ năm 1993 Mông Cổ đã thay đổi và trở thành một nước dân chủ trong hòa bình.

Cuộc biểu tình lúc mới bắt đầu chỉ có khoảng 200 người, nhưng nó đã kéo dài được tới một tháng khi sang năm 1990 và số người tham gia lúc này là khoảng 1000. Số người ủng hộ ngày càng tăng, người ta bắt loa kêu gọi cải cách chính trị, người ta đình công, và người ta tuyệt thực. Tất nhiên các lãnh đạo cộng sản không thích cuộc biểu tình này và cũng không thích những người trẻ tuổi đang chỉ huy đám đông, những người mà họ xem là đám trẻ không biết điều, đám trẻ được chế độ của họ nâng đỡ mà nay lại phản bội họ. Sự thực là họ đã bàn tính chuyện đàn áp. Từ phía ban lãnh đạo đảng, người ta đã gọi điện cho tổng bí thư Batmonkh, người mà luôn tỏ thái độ cứng rắn và vạch ra lằn ranh rõ ràng giữa cải cách kiểu Gorbachev với Tây phương hóa. Họ muốn ông ký lệnh để làm một vụ Thiên An Môn ở Ulan Bator. Nhưng trước sự ngỡ ngàng của tất cả mọi người, kể cả bà phu nhân tổng bí thư, Batmonkh đã hét vào điện thoại "Tôi sẽ không bao giờ ký cái này. Mấy người Mông Cổ chúng ta còn chưa tới mức phải đánh nhau chảy máu mũi".

Batmonkh là người đã chỉ đạo việc nhượng bộ đối lập, sau đó ông từ chức. Thay đổi diễn ra nhanh như vó ngựa phi trên thảo nguyên. Đảng cộng sản họp một đại hội khẩn cấp và tuyên bố sẽ từ bỏ chủ nghĩa Marx-Lenin vào năm sau, họ cũng tuyên bố sẽ từ bỏ quyền lãnh đạo đối với các lực lượng vũ trang. Để tỏ ra đảng sẽ thay đổi triệt để họ còn sửa chức vụ đứng đầu lại thành chủ tịch, sửa bộ chính trị thành đoàn chủ tịch, đánh dấu một giai đoạn mới. Sau đó, một cuộc đàm phán giữa người cộng sản và phe đối lập đã được truyền hình trực tiếp và hai bên thống nhất là sẽ có bầu cử tự do. Có vẻ như chiến thuật của người cộng sản là tổ chức bầu cử bất ngờ để đối lập không kịp chuẩn bị, tương tự ý đồ của chế độ cộng sản Ba Lan. Và họ đã thành công. Các tổ chức đối lập nhỏ bé vấp phải một vấn đề cơ bản : Họ không có đủ người để tranh cử tất cả những ghế trong Quốc hội. Người cộng sản đắc cử với một đa số áp đảo. Tuy vậy, nhìn chung mọi người đều hài lòng. Cuộc cách mạng ở Mông Cổ đã thành công mà không có bất kỳ ai phải chết, không có bất kỳ ai phải ngồi tù và thậm chí không có bất kỳ ai bị thương. Hai tháng sau người ta quyết định đổi tên chức vụ nguyên thủ từ Chủ tịch đoàn chủ tịch Đại Khural nhân dân thành Tổng thống.

Nhiều người, kể cả người thuộc phe đối lập, đánh giá cao vai trò của cựu tổng bí thư cộng sản Batmonkh, nhưng đó là chuyện của họ còn các đồng chí của ông lại nghĩ khác. Chỉ một ngày sau khi các đồng chí này đắc cử, một hội nghị trung ương được tổ chức. 7 thành viên của bộ chính trị cũ, kể cả chính Batmonkh, bị kết tội đồng lõa với chế độ độc tài của cựu tổng bí thư Tsedenbal. Tất cả họ đều bị khai trừ khỏi đảng.

Đảng đưa hầu hết mọi thành viên gia đình cựu tổng bí thư Batmonkh vào tình trạng thất nghiệp, bất chấp tình đồng chí. Vợ chồng cựu tổng bí thư phải làm bánh mì để kiếm tiền. Đương nhiên là ngài cựu tổng bí thư ghét và hay chỉ trích đảng cũ. Nhưng những lời chỉ trích đó có trọng lượng nào? Đảng cũ của ông bây giờ đã trở thành ‘một đảng cầm quyền được người dân bầu lên’. Batmonkh giờ chỉ là một nhà độc tài mất hết quyền lực, phải làm bánh mì để nuôi gia đình thì có tư cách gì chỉ trích một chính quyền do dân chọn ?

Batmonkh chỉ trích chính phủ mới, nhưng ông đặc biệt chỉ trích ông Punsalmaagiin Ochirbat. Ochirbat là người được đảng chọn để giữ chức Chủ tịch đoàn chủ tịch Đại Khural nhân dân, bây giờ được đổi tên thành chức Tổng thống. Tại sao Batmonkh đặc biệt nhắm vào cấp dưới cũ ? Có lẽ tổng thống Ochirbat đóng vai trò quan trọng trong việc đưa cựu tổng bí thư tới lò bánh mì. Không mấy người quan tâm tới chuyện này. Chỉ là một nhà độc tài mất quyền lực mắng ‘một vị tổng thống của chế độ dân chủ’ thôi mà. Mông Cổ đã trở thành nước dân chủ và chức nguyên thủ được đổi tên thành chức tổng thống nên Ochirbat tất nhiên là ‘tổng thống của chế độ dân chủ’ rồi.

Năm 1991 nhà độc tài Tsedenbal mất. Thi hài của ông được đưa về quê nhà để an táng nhưng có vẻ như người vợ của ông lại không được chào đón cho lắm: viện kiểm sát nhân dân gọi bà lên thẩm vấn như thể việc người phụ nữ này đi dự lễ tang của chồng có thể là một phần của âm mưu nào đó. ‘Đảng cầm quyền được người dân bầu lên’ chẳng hề đoái hoài gì đến người góa phụ của lãnh đạo cũ. Bà góa của Tsedenbal phải quay lại Nga và, rủi thay, bà lại không có tiền nên thường xuyên phải bán đồ đạc trong nhà để nuôi thân cho tới lúc chết.

Năm 1993 là lần đầu tiên chức tổng thống được cử tri bỏ phiếu bầu trực tiếp. Những người cựu cộng sản lại xảy ra tranh chấp. Đảng không muốn tổng thống đương nhiệm Ochirbat tiếp tục ngồi ghế nên đã đề cử một người khác ra tranh cử. Ochirbat bèn đi gặp Liên Hiệp Dân Chủ Mông Cổ. Liên Hiệp Dân Chủ Mông Cổ đồng ý đề cử ông làm ứng viên tổng thống, mặc dù trên giấy tờ ông vẫn là đảng viên của đảng cầm quyền. Người dân bỏ phiếu, và Ochirbat đắc cử.

Thế là Mông Cổ được dân chủ, người cộng sản được tiếp tục ảnh hưởng lên nền chính trị, đối lập được chiến thắng, Ochirbat được ghế tổng thống và được cười vào mặt đồng chí, gia đình nhà độc tài Tsedenbal được ở đất mẹ Nga Xô trọn đời và cựu tổng bí thư Batmonkh được làm bánh mì. Cái kết không hẳn có hậu cho tất cả mọi người, nhưng ít ra thì nó cũng là một may mắn cho đảng cộng sản, phải không ?

Yến Vương

(3/6/2024)