Văn chương núp bóng quyền lực (Phạm Đình Trọng)
Tôi có sách Chuyện tướng Độ của tác giả Võ Bá Cường, nhà xuất bản Quân Đội Nhân Dân phát hành năm 2007 nhưng tôi chỉ đọc được vài trang rồi phải buông sách, không đọc được nữa và tập sách cũng không được lưu giữ trong tủ sách, trên giá sách của tôi nữa.
Từ thời còn cắp sách đến trường tôi đã đọc tất cả những tập sách và những bài viết trên báo Quân Đội Nhân Dân của chính ủy quân khu Tả Ngạn, nay là quân khu Ba, thiếu tướng Trần Độ.
Tôi cũng biết rành rẽ con đường đi từ bóng tối hoạt động cách mạng bí mật qua cuộc kháng chiến chống Pháp đến cuộc chiến tranh Nam Bắc của vị tướng nhiều công trạng thuộc lứa khai quốc công thần của nhà nước cách mạng mà vô cùng bình dị, thân thiết, gần gũi với lính, với dân, tướng Trần Độ.
Tôi đã gặp tướng Trần Độ đôi lần khi với hàm trung tướng chuyển sang làm công tác đảng, lãnh đạo ban Văn hóa Tư tưởng, ông rất quan tâm và thường xuyên đến với 44 nhà văn đang học khóa một trường viết văn Nguyễn Du. Có lần ông đã ngồi cả buổi chiều lắng nghe kiến giải và đề xuất của các nhà văn vừa bước ra khỏi chiến tranh nay trở thành học trò trường viết văn trong căn nhà tuềnh toàng vách phên, mái lá dưới chân đê La Thành cạnh Ô Chợ Dừa trên mảnh đất có tên Giảng Võ từ thời ra đời kinh thành Đại La.
Tôi
cũng có mối quan hệ thân thiết với nhiều người thân gần gũi với tướng
Độ và tôi đã được chị Nguyễn Thị Khánh Trâm, con dâu tướng Độ tặng bộ
tuyển tập Trần Độ gồm ba tập sách đồ sộ, hơn 2500 trang sách khổ lớn 17 x
25 cm.
Tôi càng vô cùng kính phục sự thức tỉnh tư tưởng, nhận thức của tướng Độ về thể chế độc tài đương thời phản dân hại nước, về cái ác luân hồi :
Những mơ xóa ác ở trên đời
Ta phó thân ta với đất trời
Ngỡ ác xóa rồi thay cực thiện
Ai hay, biến đổi, ác luân hồi.
(Thơ Trần Độ)
Vị tướng cộng sản đã dành cả quãng đời còn lại dấn thân vào con đường đấu tranh không cân sức với cái ác bạo lực nhà nước độc tài cộng sản, giành dân chủ cho đời sống xã hội, giành lại những giá trị làm người cho người dân để rồi vị tướng lẫm liệt chiến công đã phải nhận nhiều mất mát và nỗi đau, đến lúc chết còn bị chính quyền nhà nước cộng sản đưa công an đến phá đám lễ tang.
Cuộc đời vị tướng trầm luân cùng nhân dân đất nước và cả đám tang của vị tướng bị phá đám sẽ đi vào lịch sử và đi vào cả giai thoại dân gian về một thời đau đớn giống nòi.
Một thân phận con người trong cơn lốc lịch sử, một nhân cách lớn của kẻ sĩ như tướng Độ rất đáng được viết, rất cần ngòi bút tiểu thuyết khám phá. Nhưng đọc Chuyện tướng Độ tôi lại gặp giọng điệu, cảm hứng anh hùng ca quen thuộc của tuyên giáo. Đồng nhất nhân vật với những phẩm chất anh hùng và thành kính ca ngợi nhân vật anh hùng để ngâm ngợi về một thời đại đau thương máu và nước mắt được tuyên truyền là thời đại anh hùng.
Lại
dễ dãi và hời hợt cóp nhặt những sự việc đã có trong sách báo, những
câu chuyện lưu truyền trong dân. Khoảng cách của người viết với nhân vật
vẫn là khoảng cách thần thánh, khoảng cách của tín đồ với đức tin.
Không phải khoảng cách tự nhiên của nhà khoa học với đối tượng khám phá.
Không phải khoảng cách đời thường suồng sã, bỗ bã, thân tình của nhà
văn với nhân vật tiểu thuyết.
Dù là nhân vật lịch sử lừng lẫy chiến công như Quang Trung, nhân vật lịch sử thống nhất sơn hà như Gia Long cũng là con người sinh vật bằng xương, bằng thịt với tâm lí, sinh lì và nhu cầu tự nhiên của một cơ thể sống. Lịch sử ghi nhận, khám phá công trạng của nhân vật lịch sử. Tiểu thuyết khám phá con người đời thường của nhân vật lịch sử.
Trong lịch sử, Quang Trung, Gia Long lung linh mờ ảo, siêu phàm, xa cách cuộc sống đời thường bao nhiêu thì trong truyện ngắn Phẩm Tiết của Nguyễn Huy Thiệp, Quang Trung, Gia Long lại trần trụi, dung tục, gần gũi với con người đời thường bấy nhiêu. Nhân vật lịch sử trong văn chương là như vậy.
Chuyện tướng Độ vẫn chỉ thấy con người của báo chí. Chưa có nhân vật của văn chương, của tiểu thuyết. Vẫn là sách người tốt, việc tốt, sách tuyên truyền của bộ máy tuyên giáo ! Cảm hứng của Chuyện tướng Độ chỉ là cảm hứng tuyên truyền, không phải cảm hứng về thân phận con người của nhà văn.
Dù viết về anh hùng hay thứ dân, văn chương đích thực đều viết về thân phận con người trong cuộc sống hàng ngày và trong biến động thời cuộc. Để thực sự đến với thân phận con người trong thời cuộc, nhà văn đích thực ít nhất phải ngang tầm với thời mình đang sống mới có con mắt và tấm lòng của riêng mình, mới có tư cách nhà văn.
Nhận thức thấp hơn mặt bằng xã hội, thấp hơn thời đại của nình, người viết không đủ tư cách nhà văn sẽ bị bộ máy tuyên truyền áp đặt tầm nhìn, áp đặt cảm hứng của ngòi bút. Người viết đó nếu không "mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây" thì cũng chỉ vay mượn cảm hứng của tuyên truyền mà ngâm ngợi cuộc đời viên mãn và cuộc sống tươi đẹp "chưa bao giờ có được cơ đồ rực rỡ như hôm nay"
Đã thất vọng về Chuyện tướng Độ, khi vào mạng xã hội đọc báo online thấy trên mạng từ báo trung ương ra hàng ngày đến báo tỉnh lẻ, đến cả báo ngành nghề ra hàng tuần, hàng tháng cũng tràn ngập thông tin về buổi ra mắt sách Còn có ai người khóc Tố Như cũng của ông Võ Bá Cường, tôi lại càng ngán ngẩm về tư cách văn hóa của người được coi là nhà văn.
Những người đứng đầu đầy quyền uy của đảng cộng sản cầm quyền từ Hồ Chí Minh đến Nguyễn Phú Trọng đều nhiều lần ra sách và đều xuất bản tuyển tập với những tập sách dày cả gang tay, nhưng cả tổng bí thư đảng cộng sản đương quyền khi có sách được xuất bản cũng không được hội Nhà Văn quốc gia, cơ quan tuyên giáo trung ương và cơ quan chính quyền tỉnh xúm lại tổ chức lễ ra mắt sách hoành tráng, tưng bừng, đủ mặt chức sắc, rực rỡ băng chữ, tràn ngập sắc màu của hoa, cờ phướn như buổi lễ ra mắt sách Còn có ai người khóc Tố Như của ông được báo chí gọi là nhà văn Võ Bá Cường.
Đến một tạp chí ra hàng tháng của những người lính cũng có bài tường thuật tràng giang, tỉ mỉ và hoan hỉ :
Lễ ra mắt, giới thiệu sách Còn có ai người khóc Tố Như được Hội Nhà văn Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Thái Bình tổ chức tại Hà Nội sáng 20/9/2023 chỉ sau ngày giỗ của Đại thi hào Nguyễn Du ít ngày (16/9/1820). Điều hết sức vui mừng và ý nghĩa là, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã đến dự buổi lễ. Cùng dự, có ông Trần Quốc Vượng, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thường trực Ban Bí thư ; các Ủy viên Trung ương Đảng : Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Lê Khánh Hải ; Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình Ngô Đông Hải ; Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Đỗ Đức Duy ; về phía tỉnh Thái Bình còn có ông Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh ; bà Trần Thị Bích Hằng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch tỉnh cùng lãnh đạo Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch ; Hội Văn hóa Nghệ thuật... Về phía Hội Nhà văn Việt Nam, có đại tá, nhà văn Nguyễn Bình Phương - Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội ; nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó Chủ tịch Hội cùng các nhà văn, nhà phê bình văn học và bạn đọc (1).
Có
quá nhiều quan lớn nhà nước có mặt trong lễ ra mắt sách nên bài tường
thuật dù tỉ mỉ vẫn còn bỏ sót nhiều tên tuổi phương diện quốc gia như
ông Phan Xuân Thủy, phó trưởng ban Tuyên giáo trung ương ; nhạc sĩ Đỗ
Hồng Quân, chủ tịch liên hiệp các hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam ; ông
Hà Đăng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Trưởng Ban Tuyên giáo
Trung ương ; ông Hữu Thỉnh nguyên chủ tịch liên hiệp các hội Văn học
Nghệ thuật Việt Nam, nguyên chủ tịch hội Nhà Văn Việt Nam…
Buổi lễ ra mắt sách Còn có ai người khóc Tố Như hoành tráng, rầm rộ đúng như bài bản của tuyên giáo nhà nước cộng sản đương thời tuyên truyền cho những sản phẩm chính trị. Những người từng trải đã hiểu giá trị thật của những sản phẩm chính trị được tuyên truyền hoành tráng, rầm rộ như bầu cử quốc hội đều nhận ra giá trị thật của Còn có ai người khóc Tố Như !
Nhưng vì có những quyền lực hàng đầu quốc gia dự lễ ra mắt sách Còn có ai người khóc Tố Như : Chủ tịch nước, hai ủy viên bộ Chính trị (một đương chức, một đã nghị hưu), bốn ủy viên trung ương đảng (ba đương chức, một đã nghỉ hưu) nên tất cả những phát biểu, những bài viết về Còn có ai người khóc Tố Như đều là tập hợp những ngôn từ có cánh.
Có hàng trăm định nghĩa về văn hóa và có một định nghĩa là : Văn hóa là những giá trị do con người tạo ra còn lại với thời gian. Chính trị là nhất thời. Văn hóa là mãi mãi. Sản phẩm tiêu dùng hay sản phẩm văn hóa có mặt trong cuộc đời, có giá trị với cuộc sống đều phải bằng giá trị thật của sản phẩm chứ không phải bằng tuyên truyền chính trị. Một sản phẩm khi ra đời phải núp bóng chính trị, núp bóng quyền lực thì không thể là sản phẩm văn hóa.
Một sản phẩm văn hóa khi ra đời càng núp sâu dưới bóng chính trị, càng núp sâu dưới bóng quyền lực càng phản cảm, càng tầm thường, càng không còn giá trị văn hóa. Văn chương phải núp bóng quyền lực chỉ là thứ văn chương công cụ của tuyên truyền. Người viết phải núp háng quan chức thì không thể có tư cách nhà văn.
Phạm Đình Trọng
(13/10/2023)
**********************
(1) Đọc thêm :
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng dự Lễ giới thiệu tác phẩm viết về Nguyễn Du
Hoài Phương, vannghequendoi oline, 20/09/2023
Đại thi hào Nguyễn Du không chỉ để lại cho đời kiệt tác Truyện Kiều, mà thân thế, cuộc đời ông cũng có nhiều câu chuyện đáng để đời sau tìm hiểu, suy ngẫm. Đã có nhiều người cầm bút viết về những tác phẩm của ông nhưng lại chưa nhiều người viết về cuộc đời của vị Đại thi hào dân tộc này. Tiểu thuyết Còn có ai người khóc Tố Như của nhà văn Võ Bá Cường ra mắt bạn đọc đã góp thêm một cách nhìn sâu sắc, nhân văn, đồng cảm của hôm nay đối với tiền nhân, cũng thêm một lần khẳng định, tôn vinh cốt cách và tài năng Nguyễn Du.
Lễ ra mắt, giới thiệu sách Còn có ai người khóc Tố Như được
Hội Nhà văn Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Thái Bình tổ chức tại Hà
Nội sáng 20/9/2023 chỉ sau ngày giỗ của Đại thi hào Nguyễn Du ít ngày
(16/9/1820). Điều hết sức vui mừng và ý nghĩa là, Chủ tịch nước Võ Văn
Thưởng đã đến dự buổi lễ. Cùng dự, có đồng chí Trần Quốc Vượng, nguyên
Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thường trực Ban Bí thư ; các đồng chí Ủy
viên Trung ương Đảng : Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Lê Khánh Hải ;
Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình Ngô Đông Hải ; Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Đỗ Đức
Duy ; về phía tỉnh Thái Bình còn có đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí
thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh ; đồng chí Trần Thị Bích Hằng, Tỉnh ủy
viên, Phó Chủ tịch tỉnh cùng lãnh đạo Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch ;
Hội Văn hóa Nghệ thật... Về phía Hội Nhà văn Việt Nam, có Đại tá, nhà
văn Nguyễn Bình Phương - Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Tổng biên
tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội ; nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó Chủ tịch Hội cùng các nhà văn, nhà phê bình văn học và bạn đọc.
Thay mặt Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khóa X, phát biểu tại buổi lễ, Đại tá, nhà văn Nguyễn Bình Phương - Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội bày tỏ sự cảm kích trước sự có mặt của các vị quan khách, đặc biệt là sự có mặt của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã làm cho không khí buổi giới thiệu sách sang trọng hơn, ấm áp hơn. Qua đây các nhà văn cũng cảm thấy phấn khích hơn và có trách nhiệm hơn nữa vì sự quan tâm, trọng thị, chia sẻ với văn học nghệ thuật của đại diện lãnh đạo Đảng, Nhà nước.
Nhà văn Nguyễn Bình Phương nói : ở chừng mực nào đấy sự hình thành, ra đời của một tác phẩm văn học có nét tương đồng vời sự hình thành, khai mở của một bông hoa, khi đã hấp thụ đủ dưỡng chất, hội tụ đủ các yếu tố, đến thời kì thì tự nhiên bông hoa sẽ nở. Khi hoa nở, thế giới xung quanh nó yêu vẻ đẹp thì sẽ đón nhận chiêm ngưỡng nó. Tương tự như thế, một tác phẩm văn học khi mới ra đời nếu ở xã hội văn minh, yêu nghệ thuật thì tác phẩm ấy sẽ được đón nhận, thậm chí là đón nhận một cách trang trọng, cởi mở nhất. Bởi vì đó là kết quả của sự lao động âm thầm đầy tâm huyết, đầy lao lực. Vì thế, ngoài việc khích lệ, tạo điều kiện cho các nhà văn sáng tác, Ban chấp hành Hội Nhà văn luôn sẵn sàng mở rộng vòng tay chờ đón và giới thiệu nhiệt tình tất cả các tác phẩm mới của các nhà văn khi xuất bản. Sách của nhà văn Võ Bá Cường cũng được giới thiệu theo tinh thần ấy. Nhưng có điều cần nhấn mạnh, đó là độ tuổi của tác giả. Nhà văn Võ Bá Cường đã vượt qua tuổi 80, độ tuổi mà người ta có quyền làm và không làm bất cứ điều gì, nhưng ông đã chọn con đường tiếp tục sáng tác và kết quả là chúng ta có được tiểu thuyết về đại thi hào Nguyễn Du ra mắt hôm nay. Điều này là hết sức đáng kính trọng.
Nhà văn Võ Bá Cường là một trong những người viết đều đặn, bền bỉ, đậm tinh thần chuyên nghiệp. Tính chuyên nghiệp của ông không chỉ thể hiện ở những lần giới thiệu ra mắt sách đều đặn, không chỉ ở sự phong phú của những đề tài ông viết mà tính chuyên nghiệp thể hiện ở trách nhiệm của ông trong tư cách của một nhà nhân văn chủ nghĩa dưới danh nghĩa là một nhà văn. Ông có ý thức, trách nhiệm trong từng câu, từng chữ, từng vấn đề đưa ra với xã hội, đó là tinh thần nhân đạo, cũng có những trăn trở, những khúc mắc, những dằn vặt, nhưng trên tất cả là tinh thần xây dựng.
Nguyễn Du là nhân vật lớn của nền văn học Việt Nam, ông không chỉ được tôn xưng là "Đại thi hào dân tộc" mà còn được UNESCO vinh danh là "Danh nhân văn hóa thế giới". Tác phẩm Truyện Kiều nổi tiếng của ông đã được mọi người biết đến, am hiểu, nhưng cuộc đời ông thì không phải ai cũng biết. Sự hiểu biết về cuộc đời, con người ông sẽ mở ra thêm nhiều góc nhìn, khám phá ra thêm nhiều vẻ đẹp trong những tác phẩm của ông. Tiểu thuyết dã sử Còn có ai người khóc Tố Như của nhà văn Võ Bá Cường đã được hoàn thành sau một khoảng thời gian dài nhà văn có những tìm hiểu, nghiên cứu hết sức nghiêm cẩn, thấu đáo, cùng với trí tưởng tượng vô cùng của người sáng tác. Đặc biệt, tiểu thuyết đã tái hiện quãng thời gian 10 năm Nguyễn Du sống ở Thái Bình, quê vợ của Đại thi hào. Đó là khoảng thời gian có nhiều "khoảng mờ" trong cuộc đời Nguyễn Du.
Tại buổi giới thiệu sách, đồng chí Ngô Đông Hải, Ủy viên Ban Chấp hành trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình chia sẻ : Thái Bình là mảnh đất giàu truyền thống lịch sử, văn hoá, văn học nghệ thuật. Sự kiện giới thiệu cuốn sách Còn có ai người khóc Tố Như hôm nay mang tính nhân văn, văn hóa lớn. Cuốn sách tái hiện lại cuộc sống của đại thi hào Nguyễn Du trong 10 năm ở Thái Bình, mà chưa có nghiên cứu, khảo cứu nào ghi lại. Cái khó của nhà văn là làm sao tái hiện lại được không gian ấy. Nhưng có lẽ Thái Bình bao nhiêu năm qua vẫn thế với văn hóa thôn quê làng xã. Dù cuộc sống phát triển thì vẫn phát triển trên nền tảng đó. Nhà văn Võ Bá Cường lựa chọn tiểu thuyết dã sử, với những tưởng tượng, hư cấu nhưng trong không gian lịch sử suốt mấy trăm năm vẫn còn nguyên bản sắc và tuân theo đúng cuộc đời Nguyễn Du. Qua tiểu thuyết ta thấy Nguyễn Du đã hoà vào bản sắc và mảnh đất văn hóa mà ông đã sống trên mảnh đất Thái Bình. Và có thể nói, cuốn sách là sản phẩm văn hóa quan trọng của đất và người Thái Bình, là một mảnh ghép văn hóa của địa phương. Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình cho rằng, Còn có ai người khóc Tố Như đã góp phần lí giải và làm sáng tỏ thêm con người, cuộc sống của Nguyễn Du ; tình đất tình người Thái Bình đã thấm vào từng trang viết của thi nhân, làm nên chất liệu dồi dào cho những danh tác mà ngày nay và mai sau chúng ta còn nhắc nhớ về ông.
Giáo sư Phong Lê cũng có những luận bàn sâu sắc về tác phẩm mới của nhà văn Võ Bá Cường. Ông cho rằng, quê cha, quê mẹ, quê vợ đã làm nên hồn văn Nguyễn Du. Cuộc đời ông có nhiều khoảng mờ nên nhà văn Võ Bá Cường có quyền tưởng tượng để viết. Mối liên kết giữa những con người và bối cảnh nơi thi nhân sống ở Thái Bình là khoảng mở để cho nhà văn sáng tạo. Chúng ta có thể cảm nhận được hồn cốt, tâm thế, bản lĩnh của Đại thi hào qua tác phẩm này. Võ Bá Cường đã tôn vinh Nguyễn Du gắn với Thái Bình, cũng qua đó tôn vinh đất và người Thái Bình.
Nói về sáng tác mới của nhà văn Võ Bá Cường, nhà thơ Hữu Thỉnh nhấn mạnh, Võ Bá Cường đã làm dày thêm mảng tiểu thuyết viết về lịch sử. Thời Nguyễn Du đất nước nhiều tao loạn, đặt ra cho các bậc nho sĩ nhiều lựa chọn, nhiều vấn đề. Nhiều kẻ sĩ chọn ở ẩn trước những rối ren. Cuộc đời Nguyễn Du nhiều phong ba đau đớn phức tạp… Nhưng phải khẳng định rằng, thời gian ở Thái Bình là những năm tháng làm nên thiên tài Nguyễn Du khi ông được sống gần với nhân dân với muôn nỗi cuộc đời khiến ông không còn là kẻ đứng ngoài chứng kiến lầm than mà ông đứng cùng với nhân dân. Truyện Kiều có những câu thơ cho thấy những năm tháng ở Thái Bình của ông. Võ Bá Cường cũng đã xây dựng nên thiên tình sử tuyệt đẹp giữa Nguyễn Du và Đoàn Thị Huệ trong tiểu thuyết. Đó là những năm hạnh phúc nhất của Nguyễn Du. Nguyên Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam nói rằng, đọc Võ Bá Cường để thấm thía hơn về Nguyễn Du.
Nhà văn Võ Bá Cường sinh năm 1940, tại thành phố Thái Bình. Ông từng công tác trong ngành Tuyên giáo và Hội Văn học Nghệ thuật Thái Bình, đến năm 1997 nghỉ hưu. Nhà văn đã xuất bản nhiểu tác phẩm và để lại ấn tượng với bạn đọc. Nhiều tiểu thuyết của ông nhận được các giải thưởng văn học uy tín.
Hoài Phương
Nguồn : Văn Nghệ Quân Đội, 20/09/2023