Nỗi gian truân của người có bằng cấp không có việc làm (Tử Long - Diệp Chi -Út Sài Gòn)
Có thể nói, tựu trung lại, việc hoàn thành bậc đại học, ra trường vẫn thất nghiệp, một phần là do đào tạo ở môi trường đại học, phần không nhỏ là do ý thức của từng cá nhân.
Học gì để dễ xin việc làm ?
Tử Long, VNTB, 03/04/2023
Học đại học hay học trường nghề thì khi ra trường dường như đều khó xin việc làm phù hợp với bằng cấp được đào tạo…
"Chúng ta thiếu cả thầy lẫn thợ" là một nhận định mang tính thời sự khi được Phó Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo, công khai nhìn nhận mới đây tại lễ ký kết hợp tác truyền thông giữa 7 trường đại học khối kỹ thuật tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Theo đó, tại phân hiệu trường đại học Giao thông vận tải tại Thành phố Hồ Chí Minh hồi đầu tháng 4/2023 đã diễn ra lễ ký kết hợp tác truyền thông giữa 7 trường đại học thuộc khối kỹ thuật. "Nhóm G7" này gồm : trường đại học Bách khoa Hà Nội, trường đại học Bách khoa Đà Nẵng, trường đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh, trường đại học Giao thông vận tải, trường đại học Mỏ – Địa chất, trường đại học Thủy lợi, và trường đại học Xây dựng Hà Nội.
Hợp tác này tập trung vào các nội dung gồm : Phối hợp truyền thông các sự kiện và các hoạt động chung được tổ chức bởi 7 trường, như tuyển sinh, tổ chức các chương trình giới thiệu trực tuyến và quảng bá ngành nghề, các hoạt động khoa học công nghệ ;
Hợp tác, chia sẻ các kinh nghiệm trong công tác truyền thông, quảng bá thương hiệu ; Hợp tác xây dựng kênh truyền thông chung của 7 trường và phối hợp xây dựng cơ chế tổ chức thông tin chung nhằm đảm bảo an toàn thông tin, bản quyền và sở hữu trí tuệ.
Phát biểu tại buổi lễ ký kết trên, Vụ trưởng Nguyễn Thu Thủy khẳng định, "Chúng ta không ‘thừa thầy thiếu thợ’, chúng ta rất thiếu cả thầy lẫn thợ. Đây cũng chính là nhiệm vụ của các trường đồng hành với Bộ để phát huy, tăng cường sự tiếp cận giáo dục đại học, tiếp cận với việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ cao. Số lượng gia tăng và không thỏa hiệp giảm chất lượng. Chất lượng và số lượng trong đào tạo luôn là hai thứ song hành của giáo dục đại học Việt Nam".
Bà Nguyễn Thu Thủy đã lặp lại nhận định trên tại chương trình tư vấn hướng nghiệp "Đưa trường học đến thí sinh" diễn ra tại Thành phố Hồ Chí Minh hôm Chủ nhật 2/4/2023.
Bà Nguyễn Thu Thủy dẫn dắt câu chuyện hướng đến việc học gì cũng được, miễn là luôn có ý thức trau dồi kiến thức liên tục : hiện nay tất cả các thí sinh đang bước vào ngưỡng cửa lựa chọn quan trọng, có những em chọn không học tiếp mà làm những công việc đơn giản. Các em phải xác định nếu không học cao lên thì cơ hội việc làm bị giới hạn, chỉ làm những việc đơn giản, còn nếu muốn làm những việc phức tạp, đòi hỏi kỹ năng thì phải học lên.
Vấn đề không phải là muốn các em học đại học hay cao đẳng, mà chỉ ra cho các em thấy con đường học tập suốt đời. Với sự phát triển như vũ bão của công nghệ, nếu không học thì sẽ mất đi cơ hội của chính mình. Việc đầu tư học tập ngay khi còn trẻ, khỏe là rất quan trọng. Ngày nay, học tập không chỉ để đáp ứng thị trường lao động ở địa phương, ở trong nước mà còn ở nước ngoài, với mục tiêu hướng tới là công dân toàn cầu.
Bà Nguyễn Thu Thủy cho biết, việc khảo sát về tỉ lệ thất nghiệp thường được thực hiện trong vòng 3 – 12 tháng sau khi sinh viên khi tốt nghiệp đại học, còn cơ hội việc làm là hành trình cả đời. Bà nói rằng, ngay cả các thầy cô 40 – 50 tuổi vẫn đang phải học tập, cho nên sinh viên đừng nên băn khoăn về việc nên học đại học hay cao đẳng mà cần đặt ra mục tiêu lớn hơn, vươn lên thành người đi đầu, thành chuyên gia trong lĩnh vực mình lựa chọn.
Bà Vụ trưởng nhấn mạnh hiện nay Việt Nam vẫn đang rất thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao. "Câu "thừa thầy thiếu thợ" là rất sai, vì hiện chúng ta thiếu cả thầy lẫn thợ. Các doanh nghiệp vẫn luôn tìm kiếm nguồn nhân lực chất lượng cao. Ngay cả các nước phát triển trên thế giới cũng thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao.
Do đó, các em cần đầu tư, say mê học tập thì cơ hội việc làm luôn rộng mở, không chỉ trong nước mà cả trong khu vực và quốc tế" – bà Thủy kết luận, và bỏ ngỏ phần mà hầu hết các học sinh trước ngưỡng cửa đại học hay trường cao đẳng nghề, băn khoăn : Học gì để dễ xin việc làm phù hợp với bằng cấp được đào tạo ?
Tử Long
Nguồn : VNTB, 03/04/2023
****************************
Bằng đại học vô giá trị đến như vậy sao ?
Diệp Chi, VNTB, 02/04/2023
Có lẽ sinh viên tốt nghiệp đại học xong là thất nghiệp dài dài nên người ta nghĩ rằng bằng đại học thua xa… ‘bằng lòng" (!?)
Sinh viên Trường Đại học Quốc tế (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) trong lễ tốt nghiệp (ảnh : BN)
"Ở đây mình không nói đến bậc phổ thông hay đại học gì nha, cao xa lắm. Mình chỉ nói lớp lá, lớp mầm, lớp chồi và mẫu giáo thôi, cũng là giáo dục mà. Thậm chí còn quan trọng hơn cả mấy cấp kia, mầm non mới dễ uốn nắn chứ thành "tre" thì… khó lắm à nha.
Nếu nói học ở Việt Nam là vô ích, và khuyên thôi đừng đi học ở Việt Nam hay gửi ở mẫu giáo, mầm non chỉ là baby-sitting, vậy thì những bậc làm cha làm mẹ bị "ngáo" hết à ? Rồi cái gì mà mấy trường quốc tế bị ai nắm này nắm nọ ! Không ít trẻ em có quốc tịch nước ngoài đang học ở các trường quốc tế tọa lạc ở Thành phố Hồ Chí Minh. Vậy thì nói cho con em đi học, phụ huynh nước trong lẫn nước ngoài đều có vấn đề ?
Và, cũng xin nhớ một điều, con người không phải Tôn Ngộ Không, ai cũng có cha có mẹ sinh ra hết đó nha", một độc giả dí dỏm.
"Với mình thì không quan tâm nhiều như vậy. Mình chỉ cần biết, ba mẹ mình khổ cả đời rồi. Họ muốn mình ăn học đến nơi đến chốn, chính vì lẽ đó, họ sẵn sàng 'nhín nhút' để lo cho hai chị em mình ăn học. Và trên thực tế, mình cũng rất thích cái ngành mình đã học, cái trường mình đã chọn, nên mình rất được ba mẹ ủng hộ việc đi học. Chính vì lẽ đó, mình không bao giờ muốn phụ lòng của ba mẹ cả", chị Ngọc, cựu sinh viên trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn, Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ.
"Mình từng ‘apply’ hồ sơ đi du học bên Mỹ. Trong bộ hồ sơ có phiếu điểm, thời điểm đó mình đã hoàn thành chương trình học nhưng trường chưa tổ chức lễ tốt nghiệp nên mình chưa có bằng. Tỉ dụ như họ yêu cầu như vậy, mình kêu tui không có, học hành ở đây làm cái gì, vậy thì mình lấy đâu ra cái phiếu điểm để bổ sung hồ sơ ? Và liệu nếu nói như vậy, có chắc chắn mình sẽ được duyệt visa để đi du học, mở mang kiến thức hay không ?", anh T., một người đã từng là du học sinh chia sẻ.
"Mình nhớ lần qua Houston, một người quen đã nói với mình, ở đây bằng đại học là chìa khóa đầu tiên để vào ứng tuyển, còn được hay không thì phụ thuộc vào năng lực cũng như nhiều yếu tố khác. Ở Việt Nam cũng y vậy, có khác gì đâu ? Các công ty tư nhân, có nơi, yêu cầu bằng đại học, thậm chí còn yêu cầu cao là khác. Như công ty mình từng biết, họ tuyển một sinh viên đại học bằng thủ khoa vào làm. Quy định lương bổng cũng khác nhau trong luật pháp. Lẽ dĩ nhiên, không phải đại học là con đường duy nhất để dẫn đến thành công nhưng đó là một trong những con đường dẫn đến thành công. Có cơ hội thay đổi, để phát triển, vì sao mình không thử ? Nói bình dân hơn một tí, đó còn là "phương tiện", là "cần câu cơm" để nuôi sống bản thân và gia đình", một du học sinh khác chia sẻ.
"Nói đi cũng phải nói lại. Mình rất thương mấy em sinh viên mới ra trường kiếm việc làm, hơn ai hết, mình từng trong hoàn cảnh đó. Nhưng vì sao có bằng đại học vẫn thất nghiệp ? Lỗi đó chưa hẳn hoàn toàn là của mấy em sinh viên. Mình lấy ví dụ cho dễ hiểu, khi còn là sinh viên, mấy em xin vào thực tập, mình không biết ở trường được học cái gì, cái chuyên môn của mấy em, còn làm sai. Hay như trường hợp một người quen của mình, làm IT, tuyển dụng lập trình, chỉ kể, khi thực hiện một bài test trình độ, mấy em còn làm không được, vậy làm sao có thể nhận vào lập trình ?
Hay như một trường hợp khác, một em sinh viên năm nhất, học kỳ 1 năm nhất của một trường đại học tư ở Sài Gòn, xin làm thêm. Khi mình kiểm tra bài test, thì em ấy viết rất võ đoán và duy ý chí. Không có bất kỳ một dẫn chứng nào hết mà bài viết lại chê bai thậm tệ dòng nhạc bolero, dòng nhạc mưu sinh của biết bao người nghèo. Mình góp ý nhỏ nhẹ thì em ấy nặng lời với mình, thậm chí còn muốn nạt mình. Rồi kêu mình phải làm sao ?", một biên tập viên chia sẻ.
Có thể nói, tựu trung lại, việc hoàn thành bậc đại học, ra trường vẫn thất nghiệp, một phần là do đào tạo ở môi trường đại học, phần không nhỏ là do ý thức của từng cá nhân. Bởi, thực tế, ngoài kia, vẫn có rất nhiều người học xong bậc đại học dưới chế độ cộng sản vẫn thành công và đi Tây, đi Tàu đó…
Diệp Chi
Nguồn : VNTB, 02/04/2023
**************************
Học đại học hay thất học đều chạy xe ôm ?
Út Sài Gòn, VNTB, 02/04/2023
Sự học giờ đây là trò bỡn cợt đến mức miệt thị
Nhiều người làm cử nhân, thạc sĩ sau khi ra trường cũng chạy xe ôm công nghệ. (Ảnh minh họa : B.L)
Văn học dân gian là một loại hình nghệ thuật được hình thành từ rất lâu đời. Các tác phẩm văn học dân gian chủ yếu là các sản phẩm tập thể được đúc kết lại nhằm phản ánh các sự vật, sự việc, hiện tượng trong đời sống hằng ngày.
Nói một cách dễ hiểu hơn, văn học dân gian là kinh nghiệm của ông bà đã đúc kết từ nhiều đời, nhiều thế hệ, lưu giữ và truyền lại cho con cháu cho đến tận hôm nay.
Nói về học, rất nhiều câu tục ngữ, thành ngữ, ca dao được viện dẫn :
Có cày có thóc, có học có chữ
Dao có mài mới sắc, người có học mới nên
Học ăn, học nói, học gói, học mở
Làm người mà được khôn ngoan
Cũng nhờ học tập mọi đường mọi hay
Nghề gì đã có trong tay
Mai sau rồi cũng có ngày ích to
Học trò học hiếu học trung
Học cho đến mực anh hùng mới thôi
Dạy con từ thuở tiểu sinh
Gần thầy gần bạn tập tành lễ nghi
Học cho "cách vật trí tri"
Văn chương chữ nghĩa nghề gì cũng thông…
– Tính ra cũng mắc cười thiệt chứ.
– Ồ, bữa nay không thấy anh nhăn nhó, bức xúc mà lại mắc cười luôn hả anh Tám. Ngộ lắm à nhen.
– Có gì đâu mà ngộ hả anh Út. Mình coi Youtube mình thấy mắc cười nên nói vậy thôi.
– Anh coi hài hay gì mà vui vậy ? Giới thiệu cho tui coi với.
– Coi hài thì vui rồi, mà cái vui đó là cái vui thấy quá rõ. Còn cái tui mắc cười ở đây nó giống như của truyện ngụ ngôn á.
– Anh đang nói lung tung cái gì vậy, có bị nắng quá rồi khùng không đó cha.
– Không có đâu. Là vậy nè, tui đang tính lướt coi hài thì thấy có một nội dung, đại khái là nói về học đại học ở Việt Nam, học cho đã rồi cũng ra chạy xe ôm.
– Cũng đâu có sai, thực tế cũng không ít trường hợp như vậy mà. Có gì mà mắc cười ? Hay là anh đang cười ngao ngán, "chất xám" bị chảy máu ?
– Thì đó cũng là một lẽ, nhưng tui thấy tếu ở đây, đâu phải ai học đại học ra, tất cả đều chạy xe ôm hết đâu.
– Thì đúng rồi, có người này người kia chứ. Nhất là giờ quá khó khăn, doanh nghiệp khốn đốn, sao có thể tuyển dụng nhiều được, trong khi năm nào cũng có một số lượng lớn sinh viên tốt nghiệp ra trường.
– Thì đấy, đó là chưa kể đến cái việc, đâu phải gia đình nào cũng giàu có để có thể cho con em mình ra nước ngoài du học, tưởng dễ lắm hả ! Rồi sao, không đi học luôn à ? Rồi con chữ đâu mà đọc sách ? Con chữ đâu mà đọc tin tức trên mạng ? Rồi làm sao học tiếng Anh, tiếng Pháp… ? Nên nhớ một điều, dù là Việt Nam hay Mỹ, Pháp…, đại đa số đều sử dụng chữ cái La-tinh.
– Tui nhớ ngày xưa, ông bà nhà tôi, sinh ra thời Pháp, lớn lên thời Pháp, đã dạy tôi, khuyên tôi ráng học ở có con chữ, sau này mà ấm bản thân.
– Thì đúng rồi. Để lại bồ chữ hơn bồ thóc mà anh… Chẳng tham ruộng cả ao liền, chỉ tham cái bút cái nghiên anh đồ.
Xem tin tức trên báo chí cũng như các phương tiện thông tin truyền thông, dẫu thấy rằng ngày hôm nay, giáo dục còn xảy ra đủ thứ chuyện, từ đạo đức cho đến các vấn đề về thi cử ngoại ngữ, song nếu "phán" tất cả các thế hệ được đào tạo dưới mái trường cộng sản, học đại học ra đều chạy xe ôm, dường chừng như có phần hơi võ đoán.
Mặc dù một sự thật khó thể chối cãi là số lượng xe ôm công nghệ có phần nhiều hơn trước, nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc tất cả sinh viên (đơn cử chỉ lấy ở Thành phố Hồ Chí Minh) ra trường đều chạy xe ôm.
Chợt nhớ lại một bài học từng được học ở cấp 3 về văn nghị luận, để có kết luận cần có luận điểm, luận cứ và dẫn chứng ; dưới mái trường đại học ở Thành phố Hồ Chí Minh, trước khi đưa ra một kết luận nào đó, cần có những số liệu rõ ràng (thu thập dữ liệu được học ở Phương pháp nghiên cứu khoa học và thống kê dữ liệu được học ở Thống kê xã hội). Cả hai môn đều được học ở năm 1 và năm 2 của đại học, trong chương trình đại cương.
Những ngày của tháng tư đang đến. Những ngày không bao giờ quên được đang đến. Bất cập trong giáo dục vẫn còn đó nhiều tồn đọng. Nhưng điều đó liệu có đáng đồng nghĩa với vấn đề đánh đồng tất cả những ai học thuần dưới mái trường xã hội chủ nghĩa đều tào lao hay không ? Thôi thì tùy suy nghĩ của mỗi người vậy…
Út Sài Gòn
Nguồn : VNTB, 02/04/2023