"Bắc Đới Hà" ở Hà Nội (Trường Sơn)

Dường như ông Nguyễn Phú Trọng vừa tổ chức một gặp gỡ tương tự "Bắc Đới Hà" của Tập Cận Bình ở Bắc Kinh.


bacdoiha1

Ngày 6/2, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị tổ chức Hội nghị gặp mặt các đồng chí nguyên lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhân dịp kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Đảng và Xuân Quý Mão 2023.

Bắc Đới Hà là tên một địa phương ở tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc. Đây là nơi diễn ra "Hội nghị Bắc Đới Hà", một hội nghị chính trị quan trọng thường niên giữa các lãnh đạo và cựu lãnh đạo Trung Quốc, đã nhiều thập niên đây được coi là hội nghị hậu trường quan trọng nhất của các chính trị gia nước này.

Đảng cộng sản Việt Nam dường như cũng đang có những "Bắc Đới Hà" được tổ chức ngay tại Hà Nội.

Chính trường ở Việt Nam luôn là những tin đồn đoán

Nếu như năm ngoái cuộc gặp gỡ được gọi là "Hội nghị gặp mặt các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhân dịp đầu Xuân Nhâm Dần năm 2022", thì năm nay là "Bộ Chính trị, Ban Bí thư gặp mặt các nguyên lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước", không có yếu tố của khánh tiết "Mừng Đảng – Mừng Xuân Quý Mão".

Tường thuật của báo chí có cùng nội dung như sau : Sáng 6/2/2023, tại trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư gặp mặt các nguyên lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước. Buổi gặp mặt do Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng và Quyền Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân chủ trì.

Hầu hết các bài báo không cho biết nội dung của "Hội nghị gặp mặt các đồng chí nguyên lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước" này đã ‘hội’ và ‘nghị’ những điều gì. Tất cả đều đăng lại nội dung từ một bản tin ảnh của Thông Tấn xã Việt Nam.

Một vài tờ báo thì cho biết Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đề cập đến việc xử lý các sai phạm liên quan đến Tập đoàn FLC, Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát, Công ty Việt Á, Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao…

Một năm trước, ở cuộc gặp gỡ tương tự, một nguồn tin cho biết khi kết thúc diễn văn, ông Tổng bí thư dù đang ở tuổi 78, tức cao hơn cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và cựu Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đến 5 tuổi, nhưng ông Nguyễn Phú Trọng rất lễ phép, khiêm cung nhìn nhận mình là thế hệ đi sau :

"Chúng tôi luôn tâm niệm, là các thế hệ đi sau phải ghi nhớ công lao của các thế hệ đi trước, ra sức học tập, noi gương, kế tục ; phát huy những thành quả và kinh nghiệm của các bác, các anh, các chị đi trước ; mong luôn nhận được sự giúp đỡ, ủng hộ, góp ý thường xuyên của các bác, các anh, các chị.

Tôi tin rằng, các bác, các anh, các chị, các đồng chí với nhiệt huyết sẵn có và những kinh nghiệm đã tích lũy được, tùy theo điều kiện của mỗi người, tiếp tục có những cống hiến, đóng góp đối với sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta".

Kịch bản nào sẽ được duyệt ?

Một ngày trước hội nghị trên, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Ban tổ chức trung ương tổ chức Khai giảng Lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức đối với Ủy viên dự khuyết Ban chấp hành trung ương Đảng khóa XIII. Trưởng tan Chỉ đạo lớp bồi dưỡng là Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức trung ương Trương Thị Mai. Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận trung ương Nguyễn Xuân Thắng, Phó Trưởng ban Chỉ đạo lớp bồi dưỡng.

Lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức gồm 20 học viên, kéo dài 6 tuần, từ ngày 5/2 đến ngày 15/3/2023.

Trước đó ít hôm, ngày 2/2/2023, "Quy định về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị" (gọi tắt là Quy định 96) đã được Thường trực Ban bí thư Võ Văn Thưởng ký ban hành ; trong đó ở Điều 4.2 cho biết sẽ "Lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Ban Chấp hành Trung ương Đảng bầu thực hiện theo chương trình làm việc của Ban Chấp hành Trung ương Đảng".

Ở Điều 5.1 của quy định trên, có một khoản được gạch đầu dòng rất đáng chú ý : "Kết quả lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chủ trương của Đảng về đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương ; sự gương mẫu của bản thân và vợ, chồng, con trong việc chấp hành chính sách, pháp luật của Nhà nước ; việc thường xuyên giữ mối liên hệ với cấp uỷ nơi cư trú".

Dự kiến kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV sẽ diễn ra vào cuối tháng 4-2023. Thông thường trước đó sẽ là phiên họp của Bộ Chính trị (Ban Chấp hành Trung ương Đảng).

Xâu chuỗi các sự kiện kể trên cho thấy nhiều khả năng ở kỳ họp lần thứ 5 của Quốc hội khóa XV sẽ có biến động mạnh về nhân sự được tiến hành theo đúng các bài bản : Những nhân sự được Bộ Chính trị ‘bổ sung’ vào bộ máy của Chính phủ đã được "chỉnh huấn" bằng khóa "bồi dưỡng, cập nhật kiến thức" kéo dài 6 tuần, từ ngày 5/2 đến ngày 15/3/2023.

Khi Bộ Chính trị họp để thực hiện Quy định 96, sẽ căn cứ vào các chức danh "sẽ trảm" từ việc ‘so tiêu chuẩn’ cho thủ tục lấy phiếu tín nhiệm. Sau đó đến lượt mình, kỳ họp thứ 5 của Quốc hội khóa XV sẽ tiến hành ‘hợp thức hóa’ theo luật định về ‘cơ cấu nhân sự’ mà Bộ Chính trị ‘giới thiệu’.

Như vậy, rất có thể "Bộ Chính trị, Ban Bí thư gặp mặt các nguyên lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước" hôm 6/2/2023 là bước ‘dọn đường’ của Tổng bí thư về những thay đổi nhân sự sẽ đưa đến nhiều xáo trộn trong quyền lợi nhóm của "anh hai, anh ba" nào đó trong chính nội bộ Đảng.

Có người liên tưởng về chuyện mỗi năm khi độ xuân về, trò chơi dân gian gắp lửa bỏ tay người, ném đá giấu tay, đốt lò đốt củi…

Trường Sơn

Nguồn : VNTB, 07/02/2023