Một thời kỳ bất ổn chính trị ở Việt Nam đã bắt đầu (Phạm Trần)

Hai người còn lại, Võ Văn Thưởng, Thường trực Ban Bí thư và Bộ trưởng Công an Tô Lâm, tuy có nhiều quyền nhưng uy tín trong đảng không cao. Vậy liệu Đảng cộng sản Việt Nam có thoát khỏi một cuộc bất ổn chính trị trong năm 2023, hay sẽ phải đối đầu với cuộc khủng hoảng chính trị như năm 2016 ? 


Việt Nam bước vào năm 2023 với những tín hiệu xấu về chính trị, dẫn đầu bằng cuộc cách chức hai Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam.

tram2

Vì có liên quan đến pháp luật, tư cách Đại biểu quốc hội của hai ông Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam sẽ bị miễn nhiệm.

Ông Phạm Bình Minh, Ủy viên Bộ Chính trị, sinh năm 1959, là Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ. Ông Vũ Đức Đam, sinh năm 1963, không giữ chức vụ rõ rệt, nhưng từng là Phó Trưởng ban Thường trực chỉ đạo phòng chống Covid-19 của Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban quốc gia Phòng chống AIDS và phòng chống tệ nạn ma túy.

Không có tin chính thức về lý do hai ông bị loại khỏi hàng ngũ lãnh đạo, nhưng một bản tin của Trung ương cho biết :

"Ngày 30/12/2022, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã họp phiên bất thường để xem xét và cho ý kiến về công tác cán bộ.

Tại Hội nghị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng biểu quyết, thống nhất để các đồng chí sau thôi giữ chức vụ :

- Đồng chí Phạm Bình Minh thôi giữ chức vụ Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng khóa XIII.

- Đồng chí Vũ Đức Đam thôi giữ chức vụ Ủy viên Trung ương Đảng khóa XIII".

Biến cố nhân sự này xẩy ra vào lúc có nhiều viên chức bị bắt trong hai vụ án tham nhũng "thuốc chích ngừa Covid-19 Việt Á" và "chuyến bay giải cứu công nhân" tại Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao.

Tuy nhiên, không có dấu hiệu nào chứng minh hai ông Minh và Đam có liên lụy tới cuộc điều tra của Công an, mặc dù hai Trợ lý của họ đã bị bắt trong cả hai vụ án.

Tin chính thức loan báo :

"Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an vừa khởi tố, bắt tạm giam ông Nguyễn Quang Linh, Trợ lý Phó thủ tướng thường trực (Phạm Bình Minh) để làm rõ hành vi nhận hối lộ, liên quan đến vụ án xảy ra tại Bộ Ngoại giao.

Tối 27/9, Bộ Công an thông báo, Cơ quan An ninh điều tra Bộ này vừa ra quyết định khởi tố và lệnh bắt tạm giam, lệnh khám xét chỗ ở và nơi làm đối với ông Nguyễn Quang Linh (48 tuổi, trú Phường Hàng Bạc, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) để làm rõ tội "nhận hối lộ", quy định tại điều 354 bộ luật Hình sự".

Đến ngày 30/11/2022 thì ông Nguyễn Văn Trịnh, Trợ lý Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng bị bắt tạm giam vì lợi dụng vị trí công tác can thiệp, tác động các đơn vị, cá nhân tại Bộ Y tế để Việt Á được cấp số đăng ký lưu hành kit test.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khám xét đối với ông Nguyễn Văn Trịnh, về tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, quy định tại Khoản 3 Điều 356 Bộ luật Hình sự".

Vì có liên quan đến pháp luật, tư cách Đại biểu quốc hội của hai ông Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam sẽ bị miễn nhiệm.

Hai "vụ án Việt Á" và "chuyến bay giải cứu" xẩy ra cùng thời gian có dịch Covid-19 lan nhanh ở Việt Nam năm 2020-2021.

Vụ Việt Á

Theo báo cáo chính thức : "Bộ Công an xác định bị can Phan Quốc Việt, cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty Việt Á, đã thu lãi 4.000 tỉ đồng và chi "bôi trơn" khoảng 800 tỉ đồng cho các đối tác để được cung ứng kit xét nghiệm".

Đến nay, Bộ Công an và công an cả nước đã khởi tố 26 vụ án, 94 bị can để làm rõ nhiều tội danh. Trong số các bị can, có 8 người là cựu lãnh đạo, quan chức thuộc Bộ Y tế, Bộ Khoa học và công nghệ. Nổi bật lên là quyết định bắt giam cựu Bộ trưởng Bộ Y tế, Nguyễn Thanh Long và nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ Chu Ngọc Anh.

Vụ chuyến bay giải cứu

"Từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, Việt Nam đã tổ chức gần khoảng 2.000 chuyến bay, đưa hơn 200.000 công dân từ hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ về nước. Khi các chuyến bay được mở, nhiều người phải mua vé rất đắt và thủ tục rườm rà", theo kết luận của Bách khoa Toàn thư mở.

Thế là "tham nhũng có tổ chức" được cấu kết với nhau từ Văn phòng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ, Bộ Ngoại giao Việt Nam, Bộ Y tế Việt Nam và Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội. Nhiều cán bộ lãnh đạo bị bắt liên quan đến Bộ Ngoại giao (5 bị can), Bộ Công an (3 bị can), Bộ Giao thông vận tải (1 bị can), Bộ Y tế (2 bị can), Văn phòng Chính phủ (4 bị can), lãnh đạo các công ty du lịch với tội "đưa hối lộ" (4 bị can). Có chuyến bay sau khi trừ các chi phí, số tiền "bỏ túi" lên đến vài tỉ đồng", theo điều tra của Công an.

Trong số những người liên quan có Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng và Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng bị khởi tố và bắt tạm để điều tra về hành vi nhận hối lộ.

Tính đến đầu tháng 1/2023, có 39 người đã bị khởi tố, bắt tạm giam trong vụ "chuyến bay giải cứu".

Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn

Cũng đáng chú ý là vào những ngày cuối năm 2022, Bộ Chính trị Đảng cộng sản Việt Nam đã họp hôm 27/12 để phê bình "nghiêm khắc" Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn vì "thiếu trách nhiệm" trong vụ tham nhũng liên quan đến nhiều bộ ngành, trong đó các quan chức nhận hối lộ hàng chục tỷ đồng khi thực hiện các chuyến bay hồi hương người Việt giữa đại dịch.

Ông Sơn giữ chức Bộ trưởng Ngoại giao từ tháng 4/2021. Ban Cán sự đảng Bộ Ngoại giao cũng đã bị Bộ Chính trị "xem xét, thi hành kỷ luật" tại phiên họp.

Như vậy, con đường vào Bộ Chính trị, cơ quan quyền lực cao nhất đảng, của ông Sơn đã bị trở ngại.

Võ Văn Thưởng

Cũng không phải bất ngờ mà chỉ hai ngày sau quyết định của Bộ Chính trị, Ban Tổ chức Trung ương đã họp để bàn về nội dung nhân sự và xây dựng đảng tại hai Hội nghị Trung ương 7 và 8 sắp diễn ra.

Theo kế hoạch, Hội nghị Trung ương 7 (khóa XIII) sẽ diễn ra vào giữa năm 2023 để thảo luận "về kế hoạch tổ chức lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do Ban Chấp hành Trung ương bầu".

Sau đó, Hội nghị Trung ương 8 (khóa XIII) sẽ bàn "về quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIV và lãnh đạo chủ chốt của Đảng, nhà nước nhiệm kỳ 2026 - 2031".

tutru2

Vương Đình Huệ, Phạm Minh Chính, Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Xuân Phúc, Võ Văn Thưởng. Ảnh Trí Dũng / TTXVN (17/06/2022)

Bầu ai, chống ai ?

Nên biết, việc "lấy phiếu tín nhiệm" giữa nhiệm kỳ khóa XIII để làm tiêu chuẩn cho "quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIV và lãnh đạo chủ chốt" là một tiến trình vừa "công khai" vừa "kín đáo", nhưng cũng làm cho Đảng cộng sản Việt Nam "mất ăn mất ngủ".

Đây là cơ hội ngàn năm một thuở để cho các quan chức trổ tài ngoại giao để được bầu vào các chức vụ cao nhất nước, rồi sau đó ngồi mát ăn bát vàng mà vẫn đề cao phương châm "kiểm soát quyền lực" và "chống chạy chức chạy quyền", hay còn được cho là "có lên thì có xuống" và "có ra thì có vào" để trăm họ cùng tay bắt mặt mừng.

Vì vậy, trong phát biểu ngày 29/12/2022 tại hội nghị của Ban Tổ chức Trung ương, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng đã đề cao công tác "xây dựng đảng".

Ông Thưởng đã : "Yêu cầu triển khai thực hiện tốt công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, kiên quyết đấu tranh xử lý nghiêm các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hóa trong nội bộ".

Đồng thời : "Tích cực đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, chống chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, vụ lợi, lợi ích nhóm, quan liêu, xa dân, vô cảm trước khó khăn, bức xúc của dân. Đồng thời, nêu cao vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu" (Tuổi Trẻ online, 29/12/2022).

Những "điều rao giảng" của ông Thưởng không có gì mới trong hoàn cảnh hiện nay, vì chúng chỉ lập lại để lưu ý mọi người rằng : Công tác xây dựng, chỉnh đốn đảng và công tác cán bộ, bắt đầu từ khóa XI vẫn còn rất gian nan.

Bài học cũ

Cũng nên biết trong cuộc bỏ phiếu tín nhiệm và chuẩn bị Trung ương đảng khóa XII, một cuộc tranh chấp nội bộ lãnh đạo cấp cao đã diễn ra giữa Tổng bí thư đảng Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng chính phủ Nguyễn Tấn Dũng. Cuối cùng ông Dũng thua nên phải tự ý không tái cử khóa XII, cùng lượt với Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, với lý do cao tuổi.

tutru3

Ông Tô Lâm và Võ Văn Thưởng

Tuy nhiên, trong kỳ lấy phiếu tín nhiệm sẽ diễn ra vào giữa năm 2023 này, vì ông Nguyễn Phú Trọng không có đối thủ nên việc chọn người cùng phe cũng sẽ dễ hơn.

Chỉ có điều là, trong cuộc bầu chọn sắp tới cho khóa đảng XIV nhiệm kỳ 2016-2031, ai sẽ là người có đủ phiếu để thay ông Trọng.

Trong số 4 lãnh đạo chủ chốt hiện nay, ngoài ông Trọng, không có ai nổi bật lên trong số các ông Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch nước, Vương Đình Huệ, Chủ tịch quốc hội và Thủ tướng chính phủ Phạm Minh Chính.

Hai người còn lại, Võ Văn Thưởng, Thường trực Ban Bí thư và Bộ trưởng Công an Tô Lâm, tuy có nhiều quyền nhưng uy tín trong đảng không cao.

Vậy liệu Đảng cộng sản Việt Nam có thoát khỏi một cuộc bất ổn chính trị trong năm 2023, hay sẽ phải đối đầu với cuộc khủng hoảng chính trị như năm 2016 ?

Phạm Trần

(04/01/2023)