Dư vị chua chát của giải World Cup Qatar 2022 (Trọng Thành - Lê Tây Sơn)
Nghi án hối lộ quy mô lớn, cáo buộc về hệ thống nô lệ lao động, và những tác động được coi là ghê gớm đến môi trường, rút cuộc đã không buộc tiểu quốc vùng Vịnh phải từ bỏ quyền đăng cai giải Vô địch bóng đá thế giới.
Vì sao World Cup Qatar là giải vô địch bóng đá bị phản đối nhiều nhất ?
Trọng Thành, RFI, 19/12/2022
Trận chung kết Argentina – Pháp khép lại hôm 18/12/2022 với phần thắng thuộc về đội tuyển của Messi, được ghi nhận như là một trận cầu hấp dẫn, xứng với một giải bóng đá đỉnh cao. Giải Vô địch bóng đá thế giới lần thứ 22 được tổ chức tại Qatar cũng được coi là một giải thi đấu được tổ chức hoàn hảo về nhiều mặt. Giải cũng cho phép Qatar hàn gắn quan hệ với nước láng giềng Saudi Arabia, giúp cho tiểu quốc Ả Rập vùng Vịnh khẳng định vị thế quốc tế.
Khẩu hiệu "Tẩy chay Qatar 2022" trong một trận đấu bóng đá tại Đức, giữa Freiburg và FC Union Berlin, tại Europa-Park Stadion ở Freiburg im Breisgau, ngày 13/11/2022. AP - Tom Weller
Nhưng bên cạnh những thành công nhiều mặt, Giải vô địch tại Qatar ắt hẳn sẽ được ghi vào lịch sử như một World Cup bị phản đối mạnh mẽ nhất trong những thập niên gần đây. Vì sao ?
Mục Theo dòng thời sự của RFI tổng hợp thông tin về chủ đề này.
Hối lộ, nô lệ lao động, thảm họa môi trường
Từ nhiều năm nay, ngay từ khi việc tổ chức giải Vô địch bóng đá thế giới lần thứ 22 được trao cho Qatar, đã có rất nhiều vận động quyết liệt để truất quyền đăng cai của Qatar, vì một số lý do chính, trong đó có nghi án dùng tiền để tranh quyền tiếp đón World Cup, ngược đãi người lao động gây nhiều chết chóc, thương tật cho các công nhân xây dựng sân vận động phục vụ Cúp bóng đá thế giới, và vấn đề gây tổn hại nghiêm trọng đến môi trường sinh thái. Báo Le Monde, trước thềm giải vô địch, có bài tổng thuật công phu, tóm lược hành trình đầy chông gai của Qatar từ khi được bầu chọn đăng cai Cúp đến khi giải chính thức khai mạc. Bài viết mang tựa đề "Du vote de la FIFA en 2010 à la cérémonie d’ouverture, le roman noir de la Coupe du monde au Qatar" (1).
Tính chung cuộc, Qatar đã đầu tư tổng cộng từ 200 đến 240 tỉ đô la cho giải vô địch thế giới. Chắc chắn đã có rất nhiều tiền chi cho vận động hành lang. Ngay vào thời điểm tiểu quốc vùng Vịnh được phép đăng cai, nhân vật thứ hai của FIFA vào thời điểm đó khẳng định "họ đã mua được quyền tổ chức giải vô địch". Bị nghi ngờ là hối lộ để giành quyền đăng cai, ngay vào thời điểm đó một cuộc điều tra quốc tế đã được tiến hành năm 2012. Qatar vượt qua thách thức đầu tiên này. Tiếp đến 2013, giới bảo vệ quyền của người lao động vào cuộc. Báo Anh The Guardian tiến hành điều tra, báo động việc 4.000 người lao động chết trên các công trường tại Qatar do các điều kiện làm việc quá khắc nghiệt. Kể từ đó, giải Vô địch bóng đá lần thứ 22 tương lai bị coi là vấy máu người lao động. Năm 2014, đơn kiện của CSI (Liên hiệp nghiệp đoàn quốc tế) được đệ nạp lên Tổ chức Lao động Thế giới (OIT), yêu cầu làm sáng tỏ vụ việc. Bê bối chồng chất bê bối. Năm 2015, chủ tịch FIFA Blaster vào thời điểm đó đã phải từ chức, trong bối cảnh tư pháp Mỹ đe dọa xếp FIFA vào danh sách "tổ chức tội phạm". Nước Anh sẵn sàng đăng cai thay thế.
Tuy nhiên, Qatar đã vượt qua tất cả các thách thức. Năm 2017, Tổ chức Lao động Thế giới đã không hội đủ số phiếu thuận, nên buộc phải từ bỏ dự án điều tra về các điều kiện làm việc của công nhân nước ngoài tại Qatar. Đổi lại việc CSI rút lại khiếu nại, Qatar chấp thuận cho OIT mở văn phòng tại tiểu quốc, và ra lệnh giải thể hệ thống "Kafala" truyền thống, bị coi là một hệ thống nô lệ lao động trá hình. Theo Le Monde, trên thực tế, chỉ đến khi các công trình xây dựng phục vụ giải về cơ bản hoàn tất năm 2020, thì "các cơ sở pháp lý" của hệ thống nô lệ lao động trá hình Kafala mới bị hủy bỏ.
Liên quan đến môi trường, việc tổ chức giải thể thao quốc tế lớn hàng đầu thế giới tại một quốc gia thuộc vùng sa mạc khắc nghiệt, đòi hỏi rất nhiều năng lượng để làm mát, trong bối cảnh thế giới đang vất vả cắt giảm tiêu thụ năng lượng để chống Biến đổi khí hậu, là một chủ đề gây phản đối mạnh mẽ. Theo thẩm định của một số tổ chức bảo vệ môi trường, các con số khí thải do xây dựng sân vận động của Qatar chỉ bằng khoảng 1/10 so với số khí thải thực. Số lượng các sân vận động khổng lồ do Qatar xây dựng tại một đất nước có diện tích tương đương vùng thủ đô Paris cũng được coi là chi phí quá tốn kém, so với khả năng sử dụng về sau. Qatar cũng không đủ số lượng cơ sở hạ tầng khách sạn để tiếp đón 1,2 triệu du khách xem bóng đá. Qatar phải thiết lập cầu không vận để đưa khách từ nơi ở đến chỗ xem đá bóng. Các phương tiện vận chuyển là thủ phạm của khoảng 2,4 triệu tấn khí thải, theo Greenly (2).
Qatar vốn đã được coi là quốc gia sử dụng tài nguyên Trái đất đứng đầu thế giới, căn cứ theo bảng xếp loại của Global Footprint Network ("Ăn lạm" vào nguồn tài nguyên của Qatar là ngày 10/2. "Ngày ăn lạm" là hình ảnh mang tính biểu tượng để nói đến tác động môi trường). Với các tác động môi trường nói trên của các cơ sở hạ tầng phục vụ cho giải bóng đá thế giới nói trên, mức độ gây tổn hại cho môi trường sinh thái của quốc gia vùng Vịnh này sẽ còn trở nên tồi tệ hơn bội phần.
Cựu chủ tịch FIFA : "Lẽ ra đã không nên để Qatar đăng cai Cúp thế giới"
Nghi án hối lộ quy mô lớn, cáo buộc về hệ thống nô lệ lao động, và những tác động được coi là ghê gớm đến môi trường, rút cuộc đã không buộc tiểu quốc vùng Vịnh phải từ bỏ quyền đăng cai giải Vô địch bóng đá thế giới. Tuy nhiên, về mặt công luận quốc tế, đặc biệt là tại Châu Âu, đã dấy lên một làn sóng kêu gọi tẩy chay giải bóng đá tại Qatar. Ít tuần trước giải, theo một thăm dò dư luận tại Pháp, khoảng 42% dân Pháp muốn tẩy chay giải, 23% trong số giới hâm mộ bóng đá. Tại Đức tỉ lệ người muốn tẩy chay giải lên đến 70%.
Không chỉ có người dân thường, và người hâm mộ, thái độ phẫn nộ cũng phổ biến trong một bộ phận giới cầu thủ, cựu và kim. Một trong những gương mặt nổi bật tẩy chay giải bóng đá tại Qatar là danh thủ Philipp Lahm, 38 tuổi, cựu trung vệ, đội trưởng đội tuyển Đức, đoạt chức vô địch thế giới năm 2014, và giám đốc Ban tổ chức giải bóng đá Euro năm 2024, tổ chức tại Đức.
Phong trào tẩy chay giải vô địch bóng đá tại Qatar rút cục đã không thành công. Nhưng sự bất bình trong công chúng, đặc biệt là ở các nước Châu Âu, là rất lớn. Trước thềm lễ khai mạc, đương kim chủ tịch FIFA Giovanni Vincenzo Infantino sống chết bảo vệ nước chủ nhà World Cúp lần thứ 22, với tuyên bố "sẵn sàng lên đoạn đầu đài" để bảo vệ Qatar. Ngược lại, cựu chủ tịch FIFA Sepp Blater, gần 90 tuổi, người lãnh đạo FIFA vào thời điểm cấp quyền đăng cai cho Qatar giờ đây đã phải thú nhận : "Lẽ ra đã không nên để Qatar đăng cai Cúp thế giới".
"Bước đệm trong kế hoạch đầy tham vọng" của quốc gia vùng Vịnh
Đối với giới chuyên gia, giải vô địch bóng đá thế giới lần thứ 22 tại Qatar được coi là một "bước đệm trong kế hoạch đầy tham vọng" của tiểu quốc khí đốt vùng Vịnh, trên đà vươn lên thành một cường quốc khu vực, với sức chi phối ngày càng mạnh mẽ trên trường quốc tế (3). Qatar đã chi đến hơn 200 tỉ đô la cho giải vô địch bóng đá. Số tiền trực tiếp thu về chắc chắn thấp hơn nhiều so với số tiền bỏ ra. Vấn đề là ảnh hưởng về mặt thể thao, cũng có nghĩa là quyền lực mềm. Với việc tổ chức thành công giải Vô địch bóng đá thế giới, bất chấp các trở lực, kinh nghiệm của Qatar dường như khẳng định châm ngôn của một bộ phận giới đầu tư quốc tế : cái gì không mua được bằng tiền, sẽ mua được bằng rất nhiều tiền.
Về mặt chính thức, Qatar tuyên bố hướng đến một nền kinh tế "hậu năng lượng hóa thạch", một nền kinh tế dựa vào các năng lượng tái tạo và nền kinh tế trí thức. Trên thực tế, chưa biết quốc gia vùng Vịnh sẽ xây dựng nền kinh tế hậu năng lượng hóa thạch thế nào, nhưng sức mạnh của Qatar trong hiện tại chủ yếu dựa vào nguồn tài nguyên khí đốt dồi dào. Cho đến nay, Qatar vẫn là một cường quốc dựa trên "nền kinh tế hóa thạch".
Nền kinh tế năng lượng hóa thạch, sử dụng tài nguyên không tính đếm đến các hậu quả môi trường, đi liền với phương cách tổ chức sản xuất dựa trên việc bóc lột người lao động, ngăn chặn giám sát quốc tế, chính là một cội nguồn căn bản khiến giải vô địch bóng đá tại Qatar bị phản đối dữ dội, đặc biệt là ở Châu Âu. Giải vô địch Bóng đá thế giới ở Qatar không chỉ là việc riêng của Qatar. Trên thực tế, đằng sau Qatar là hàng trăm công ty, tập đoàn kinh tế (khoảng 800 doanh nghiệp Mỹ, 700 doanh nghiệp Anh, 330 doanh nghiệp Đức… hoạt động tại Qatar). World Cup ở Qatar cũng là biểu tượng của một nền kinh tế thế giới phồn thịnh dựa trên sự khai thác kiệt quệ các nguồn tài nguyên.
Tẩy chay giải Qatar là tẩy chay mô hình kinh tế gây đại hủy diệt môi sinh
Giải World Cup ở Qatar đã diễn ra về cơ bản là suôn sẻ. Các hoạt động tẩy chay không mang lại kết quả đáng kể. Dù sao, cũng đã diễn ra một phong trào phản kháng khá rộng lớn. Một số thành phố ở Châu Âu, trong đó có một số thành phố lớn ở Pháp, như Paris, Strasbourg, Lyon, Grenoble, Lille, Marseille, Bordeaux, Toulouse, Nancy, Reims, Rennes, Brest và Saint-Etienne, đã tẩy chay sự kiện này. Để hiểu đúng các hoạt động phản kháng vì môi trường và quyền của người lao động chống lại việc đăng cai của Qatar, cần đặt phong trào này trong bối cảnh cộng đồng quốc tế đã thống nhất thừa nhận nguy cơ to lớn của nền kinh tế dựa vào năng lượng hóa thạch và hủy diệt môi sinh. Phản đối cách tổ chức sự kiện thể thao này của Qatar cũng là chống lại mô hình kinh tế nói trên.
Theo nhà xã hội học thể thao Pháp, ông Eric Monnin, cho dù phong trào tẩy chay giải Vô địch bóng đá ở Qatar lần này không đạt kết quả đáng kể, do "những hệ lụy kinh tế quá lớn" của giải, các nỗ lực này đã có nhiều tiếng vang, và có thể tác động đến các phong trào trong tương lai chống lại các sự kiện thể thao gây tổn hại cho môi trường, và xâm hại quyền của người lao động (4).
Trọng Thành
Nguồn : RFI, 19/12/2022
(1) "Từ cuộc bầu chọn của FIFA đến lễ khai mạc, cuốn tiểu thuyết đen của Cúp Thế giới ở Qatar", Le Monde, 19/11/2022
(2) "La Coupe du monde 2022 au Qatar, une aberration écologique ?", Greenpeace, ngày 17/11/2022
(3) Laurence Frank, chuyên gia về quản trị kinh tế Đại học Strasbourg, "La Coupe du monde, une simple étape de l’ambitieux plan de développement du Qatar", The Conversation, 18/11/2022.
(4) "Coupe du monde du Qatar : pourquoi le boycott de la compétition n’a pas marché", La Dépêche, 14/12
**************************
World Cup Qatar 2022 khép lại, để lại những gì ?
Lê Tây Sơn, SaigonnhoNews, 18/12/2022
Khi World Cup 2022 kết thúc, có nhiều điều được rút ra…
Budweiser (với bia không cồn), một trong những nhà tài trợ World Cup 2022 (ảnh : Markus Gilliar – GES Sportfoto/Getty Images)
Nhân quyền bị đặt xuống hàng thứ yếu
Ngay cả Cựu chủ tịch FIFA Sepp Blatter, người từng chủ trì cuộc tuyển chọn quốc gia đăng cai (và Qatar chiến thắng), cũng thừa nhận : "Đó là một lựa chọn tồi !". Theo tờ The Guardian và Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch), các sân vận động và cơ sở hạ tầng dành cho World Cup 2022 được xây dựng bằng công sức của những lao động nghèo bị lạm dụng dẫn đến hệ quả thảm khốc là nhiều người bị chết oan uổng vì nhiều lý do.
Khi FIFA trao quyền tổ chức một sự kiện thể thao quốc tế lớn cho Qatar vào năm 2010, những người bảo vệ quyền công dân đã đặt ra những câu hỏi ngay từ đầu. Họ hỏi tại sao lại chọn Qatar khi ở quốc gia giàu có này, ai cũng biết đồng tính luyến ái là bất hợp pháp, phụ nữ hầu như không có quyền gì khi phải tuân theo "luật giám hộ của nam giới" và bề dày hồ sơ vi phạm nhân quyền lâu đời của Qatar.
Những nhà hoạt động nhân quyền biểu tình trước Tòa đại sứ Qatar ở The Hague, Hà Lan ngày 29 Tháng Mười Một 2022 (ảnh : Pierre Crom/Getty Images)
Qatar đã hối lộ các quan chức bóng đá có quyền bỏ phiếu chọn quốc gia đăng cai để giành vị thế nước chủ nhà World Cup và sau đó tiếp tục hối lộ cho nhiều quan chức chính phủ nước ngoài để họ ngoảnh mặt làm ngơ trước những nỗi đau của con người. Khi quả bóng bắt đầu lăn, chính phủ Qatar cũng khởi động chiến dịch kiểm soát chặt cách ăn mặc của những khán giả đến dự World Cup, lấy cớ vi phạm các nguyên tắc văn hóa, mỹ tục và tôn giáo của nước chủ nhà dù World Cup là môn thể thao không phân biệt.
Đồng tiền và sự hổ thẹn
Cả cầu thủ và khán giả chỉ bày tỏ sự phản đối chừng mực trước các quy tắc nghiêm ngặt của nước chủ nhà mà không gây ra tình huống nguy hiểm nào ảnh hưởng đến chất lượng các trận đấu và không khí hội hè bên ngoài sân cỏ. Ví dụ các cầu thủ Đức chỉ lấy tay che miệng khi chụp ảnh chính thức trước một trận đấu. "Đây không phải là tuyên bố chính trị nhưng nhân quyền là thứ không thể thương lượng" – tuyên bố của đội Đức nhấn mạnh. Đội trưởng của một số đội đã lên kế hoạch đeo băng tay cầu vồng để phản đối việc Qatar xem thường quyền của cộng đồng các giới tính khác LGBTQ, nhưng họ đã không làm sau khi FIFA đe dọa sẽ rút thẻ vàng.
Thay vào đó, các chính trị gia Đức, Anh và Bỉ thay mặt cầu thủ đeo băng tay cầu vồng trên khán đài. Các cầu thủ Iran dũng cảm từ chối hát theo Quốc ca trước khi trận đấu đầu tiên bắt đầu để bày tỏ tình đoàn kết với những người biểu tình chống chính phủ ở quê nhà. Lẽ ra không có ai ngạc nhiên trước sự mạnh tay của Qatar vì quốc gia này đã từng mua chuộc thành công nhiều chính phủ trên khắp thế giới để hoàn thành mục tiêu.
Mới đây, một phó chủ tịch Nghị viện Châu Âu đã bị bắt với cáo buộc nhận hàng trăm ngàn đôla tiền mặt của Qatar để bảo vệ quốc gia này trước các chỉ trích. Theo nghiên cứu của tổ chức điều tra OpenSecrets, tại Mỹ, Qatar đã chi hơn 72 triệu USD cho cuộc vận động hành lang kể từ năm 2015, nhiều hơn cả Apple và Hiệp hội Súng trường Quốc gia (National Rifle Association-NRA) cộng lại.
Cổ động viên Iran biểu thị ủng hộ nữ quyền trên sân vận động Khalifa International Stadium trong trận Anh-Iran ngày 21/10/2022 (ảnh : Clive Brunskill/Getty Images)
FIFA bỏ lỡ cơ hội
FIFA đã có cơ hội cuối cùng để cứu vớt chút danh dự của mình, nhưng họ đã từ chối yêu cầu của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky về việc chia sẻ một thông điệp hòa bình của ông trước trận chung kết. Dù các quan chức FIFA hứa sẽ tạo ra một quỹ để bồi thường thêm tiền cho người lao động nhập cư đóng góp cho World Cup bị thiệt thòi nhưng dường như chỉ là "hứa để mà hứa" !
Thay vì thừa nhận sai lầm, Chủ tịch FIFA Gianni Infantino đã sử dụng cuộc họp báo trước ngày khai mạc để buộc tội các quốc gia phương Tây là "đạo đức giả", biện minh cho nước chủ nhà, nhưng ông ta không thể "không nghe không nhìn" trước những gì mà mọi người trên hành tinh đều chứng kiến.
Thật vậy, World Cup là sự kiện thể thao hiếm hoi quy tụ hàng trăm triệu người trên thế giới, từ các bàn giao dịch chứng khoán ở Phố Wall đến các đường phố nghèo ở Dhaka, Bangladesh, cùng nhau xem những trận đấu hấp dẫn, những bàn thắng đẹp mắt và những cuộc lội ngược dòng ngoạn mục. Các trận đấu hoành tráng trong 90 phút hoặc hơn còn là cơ hội để gửi đi những thông điệp đề cao nhân quyền và phẩm giá con người. Chỉ tiếc là cơ hội hiếm có này đã bị FIFA bỏ lỡ !
Tiền vẫn đổ về
Ngày 16/12, tại một cuộc họp báo, Chủ tịch Gianni Infantino hồ hởi tuyên bố FIFA đã đạt được doanh thu kỷ lục 7,5 tỷ USD tại World Cup Qatar thông qua các hợp đồng quảng cáo, tức nhiều hơn 1 tỷ USD so với World Cup 2018 tại Nga. Tự tin, Infantino dự báo World Cup 2026 được tổ chức tại Bắc Mỹ (Hoa Kỳ, Mexico và Canada) sẽ đạt doanh thu khủng 11 tỷ USD !
Không chỉ thương hiệu của các công ty lớn mà nhiều cựu cầu thủ như Tim Cahill, Cafu, Samuel Eto’o và Xavi cũng nhận lời làm đại sứ cho giải đấu năm nay. Đáng chú ý nhất là cựu danh thủ Anh David Beckham, người bị chỉ trích tự làm hoen ố "thương hiệu Beckham" khi trở thành đại sứ World Cup 2022.
Thương hiệu Beckham được cho là dễ nhận biết không thua gì thương hiệu của nhiều công ty đa quốc gia khác. Ngoài vai trò đại sứ tại Qatar, Beckham còn hợp tác với hãng Adidas, thương hiệu đồng hồ Tudor và thương hiệu rượu whisky Haig Club của riêng mình. Beckham cũng là một trong những người sở hữu câu lạc bộ bóng đá MLS Inter Miami.
"Theo tôi, khi tham gia vào bất kỳ hình thức quan hệ thương mại nào, đặc biệt là nhà tài trợ hoặc đại sứ, đều có thể dẫn đến rủi ro địa chính trị – Simon Chadwick, giáo sư thể thao và kinh tế địa chính trị tại Trường Kinh doanh SKEMA nói với CNN Sport – Beckham là hiện thân của quá trình thương mại hóa các môn thể thao cuối thế kỷ 20. Nếu anh ta tiếp tục làm những gì đang làm bây giờ, tôi lo ngại giá trị thương hiệu của anh ấy sẽ bị giảm. Beckham đang cố gắng tiếp thị bản thân với những người ra quyết định và các nhà tài chính có liên quan đến thể thao chuyên nghiệp trên khắp thế giới. Điều anh ấy quan tâm là đảm bảo thương hiệu Inter Miami bền vững về mặt tài chính".
Các hãng Trung Quốc chi rất đậm cho chiến dịch quảng cáo mùa World Cup 2022 (ảnh : Beata Zawrzel/NurPhoto via Getty Images)
Wanda, một tập đoàn có trụ sở tại Trung Quốc, Qatar Airways và Qatar Energy đều là các nhà tài trợ hàng đầu của FIFA nhưng không sợ bị tác động bởi các chỉ trích nhân quyền giống như các đối tác phương Tây. Bốn thương hiệu Trung Quốc tài trợ cho giải đấu, Wanda, Vivo, Mengniu Dairy và Hisense dĩ nhiên không quan tâm đến quyền của LGBTQ.
Tuy nhiên, một số thương hiệu có câu trả lời rõ ràng cho các cáo buộc nhân quyền tại Qatar 2022. Ví dụ, nhà sản xuất trang phục thể thao Đan Mạch Hummel đã cung cấp cho đội tuyển những trang phục thi đấu mang tuyên ngôn nhân quyền (FIFA cấm đội tuyển quốc gia Đan Mạch tham gia nếu vẫn mặc những chiếc áo này tại World Cup). Chuỗi siêu thị Rewe của Đức cũng chấm dứt quan hệ với Hiệp hội bóng đá Đức sau khi FIFA trừng phạt những cầu thủ đeo băng tay "OneLove" phản đối chính sách với người đồng tính của Qatar mà hiệp hội chẳng có ý kiến.
Nhưng ngoài những ví dụ này (đều đến từ các nhà tài trợ đội tuyển quốc gia thay vì các nhà tài trợ giải đấu), các công ty phương Tây vẫn tương đối im lặng tại một trong những sự kiện sinh lợi lớn nhất trong thể thao.
FIFA chia các nhà tài trợ giải đấu thành ba cấp : "Đối tác" gồm Coca-Cola, Adidas, Visa, Wanda, Qatar Airways, Qatar Energy, Hyundai Kia ; "Các nhà tài trợ World Cup" gồm Budweiser, McDonald’s, Mengniu Dairy, Hisense ; và "Những nhà tài trợ khu vực".
Coca Cola, nhà tài trợ chính thức của FIFA World Cup Qatar 2022 (ảnh : Matthew Ashton – AMA/Getty Images)
Vào tháng 7, ba tổ chức nhân quyền Amnesty International, Human Rights Watch và Fair Square đã viết thư cho 14 nhà tài trợ FIFA và các nhà tài trợ World Cup kêu gọi "Hãy có giải pháp đối với tình trạng lạm dụng lao động nhập cư trong thời gian chuẩn bị World Cup". Nhưng phản hồi nhận được rất yếu ớt nếu không muốn nói là… bao che. Amnesty International nêu rõ : "Chỉ có AB InBev/Budweiser, Adidas, Coca-Cola và McDonald’s hứa hỗ trợ bồi thường tài chính cho những lao động nhập cư bị tử vong hoặc thương tật, bị ăn cắp tiền lương hoặc nợ nần do tuyển dụng bất hợp pháp. Nhưng 10 nhà tài trợ còn lại không hồi đáp yêu cầu".
CNN đã liên hệ với Adidas và công ty cho biết đã "làm việc với các đối tác, gồm chính phủ Qatar, Tổng thư ký Ủy ban tối cao (Supreme Committee) tổ chức World Cup, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), các nhóm vận động nhân quyền, lao động quốc tế và các tổ chức công đoàn để cải thiện tình hình nhân quyền trong giải đấu. Coca-Cola cho biết "đã đóng một vai trò quan trọng trong việc thành lập Ban Cố vấn Nhân quyền của FIFA (tổ chức đầu tiên như vậy được thành lập bởi một cơ quan quản lý thể thao toàn cầu)".
Coca-Cola là nhà tài trợ chính thức của sự kiện ủng hộ những người giới tính khác London and Brighton Pride 2022. Adidas cũng sản xuất dòng quần áo cầu vồng cho sự kiện Pride ; còn McDonald’s cam kết "hỗ trợ và đấu tranh cho cộng đồng LGBTQ+" trong thời gian diễn ra Pride và sau đó ; Budweiser sản xuất cốc in chữ Pride ; trong khi Hyundai-Kia đăng thông báo "Ủng hộ cộng đồng LGBTQ+ không chỉ trong Tháng Pride mà là 365 ngày trong năm".
Dù World Cup năm nay bị vấn đề nhân quyền và lao động nhập cư làm vấy bẩn nhưng bản thân bóng đá không bao giờ bị lu mờ. FIFA cho biết World Cup 2022 đã thu hút lượng khán giả truyền hình kỷ lục. Với số người xem khổng lồ này, một phát ngôn viên của Adidas nói với Reuters : "Hy vọng doanh thu của chúng tôi mùa World Cup năm nay sẽ đạt khoảng 421 triệu USD .
Lê Tây Sơn
Nguồn : SaigonnhoNews, 18/12/2022