Quân đội Nga bị “vỡ mặt” trên chiến trường Ukraina như thế nào

Trong thực tế, Nga đã phải lui binh ở phía bắc, để dồn sức xuống miền nam và miền đông, đồng thời tiếp tục nã pháo từ xa vào các thành phố, thị xã Ukraina bất chấp thương vong khủng khiếp gây ra cho thường dân. 

Ảnh minh họa: Một người lính Nga đứng cạnh một chiếc xe tăng Nga bị phá hủy tại thị trấn Trostianets, miền đông bắc Ukraina ngày 29/03/2022. AFP - FADEL SENNA


Trong bối cảnh các thông tin về thiệt hại đến từ cả hai bên lâm chiến đều mang tính chất tuyên truyền - giảm thiểu tối đa tổn thất của chính mình, và nhân lên gấp bội mất mát của đối phương - báo chí phương Tây trong những ngày qua đều đã cố tìm hiểu xem tổn thất thực sự của các bên như thế nào, đặc biệt là từ phía Nga, vốn đã có chủ trương bịt kín thông tin về chiến dịch Ukraina.  

Tổn thất 6 tuần tại Ukraina cao hơn cả 10 năm tại Afghanistan 

Về phía Nga, trong bài phân tích ngày 02/04/2022 mang tựa đề: “Quân đội Nga tại Ukraina: Sáu tuần thảm bại”, tuần báo Pháp L’Express đã nhấn mạnh trên các thiệt hại mà Nga đã phải gánh chịu trên chiến trường, và tìm cách giải thích lý do vì sao một đạo quân thuộc loại hùng mạnh nhất nhì trên thế giới lại có thể bị vỡ mặt trước một đối thủ nhỏ bé như Ukraina.  

Đối với L'Express, chỉ sau không đầy 6 tuần lễ, quân đội Nga được cho là đã phải chịu những tổn thất còn cao hơn cả cuộc chiến 10 năm (1979-1989) của Hồng Quân Liên Xô tại Afghanistan.  

Tuần báo Pháp đã nêu lên ước tính của bộ Quốc Phòng Ukraina theo đó Nga đã bị mất từ ​​7.500 đến 17.000 quân trong tổng số 190.000 người được huy động vào cuộc xâm lược. Theo L’Express, nếu ước tính cao của phía Ukraina chính xác, điều đó có nghĩa là số lính Nga thiệt mạng trong một tháng rưỡi vừa qua tại Ukraina đã cao hơn nhiều so với con số 14.400 lính của Hồng Quân Liên Xô bị tử trận tại Afghanistan trong 10 năm, từ năm 1979 đến năm 1989.  

Bên cạnh đó, còn phải kể đến số người bị thương, thường được ước lượng theo tỷ lệ cứ một người chết thì có từ 2 đến 3 người bị thương.   

Về mặt vật chất, theo phía Ukraina, thiệt hại của Nga cũng rất nặng nề, với 1.625 xe bọc thép và 561 xe tăng Nga bị phá hủy, tức là khoảng một nửa số phương tiện được tung vào chiến dịch. Ukraina cũng tuyên bố đã bắn rơi hơn 100 trực thăng và hàng chục máy bay Nga, cũng như đã phá hủy một tàu chiến và sáu chiếc thuyền.   

Từng được coi là hùng mạnh nhất nhì thế giới, chỉ đứng sau Mỹ, tình trạng quân đội Nga tại Ukraina trong những ngày qua, theo l’Express đã khiến người ta nghĩ tới số phận của quân đội Irak thời Saddam Hussein vào năm 1991, khi đó được coi là “đạo quân thứ tư trên hành tinh”.  

Phát biểu với tuần báo L’Express, tướng Ben Hodges, cựu tư lệnh lực lượng Mỹ tại châu Âu đã không ngần ngại cho rằng quân đội Nga đã cho thấy là họ “không có khả năng tiến hành một cuộc chiến tranh quy mô lớn”.  

Quân đội Nga thiếu cả ba yếu tố cần thiết để chiến thắng!  

Câu hỏi mà giới phân tích đặt ra là do đâu mà quân đội Nga tại Ukraina lại thất bại như vậy. Theo nhà nghiên cứu Phần Lan Tomas Ries thuộc học viện chiến tranh Försvarhögskolan ở Stockholm (Thụy Điển), năng lực của quân đội, dựa trên ba yếu tố: ý chí (tinh thần của quân đội), kỹ năng và trang bị được sử dụng, và trên cả ba điểm này, Matxcơva đều thất bại.  

Về tinh thần chiến đấu của quân đội Nga, chuyên gia Tomas Ries ghi nhận là ý chí của binh sĩ Nga rất thấp, thể hiện qua các vụ đào ngũ, và các lời khai của các tù binh Nga mà tinh thần rất sa sút.  Về xã hội Nga, hiện đang rất ủng hộ Putin, tinh thần sẽ xuống trong vòng từ 6 tuần lễ đến hai tháng « khi họ phát hiện ra thực tế là Ukraina không gây ra mối đe dọa nào đối với Nga, rằng tổn thất của Nga rất cao và cuộc chiến không cần thiết này đang làm suy yếu đất nước của họ”. 

Còn trên bình diện năng lực, quân đội Nga dường như rất thiếu. Từ ngày 24/02 đến nay, họ hầu như không gặt hái thành công nào. Cuộc chiến tranh thần tốc dự trù đã gặp thất bại do thiếu sự phối hợp giữa bộ binh và lực lượng kỵ binh cơ giới. Theo một quy tắc quân sự cơ bản, xe tăng và bộ binh phải cùng tiến vào các thị trấn và ngôi làng, thế nhưng, thiết giáp Nga lại tiến một mình, và bị bộ binh đối phương ngăn cản với các loại tên lửa chống tăng. Mảng hậu cần thậm chí còn tệ hại hơn: Đoàn xe dài 62 km bị chặn ở phía bắc thủ đô Kiev trong nhiều tuần lễ là một trường hợp điển hình về việc bộ tham mưu Nga đã không điều phối nguồn cung cấp nhiên liệu và thực phẩm cho lực lượng của mình một cách hợp lý!  

Một vấn đề khác là cơ chế chỉ huy theo hàng dọc và cứng nhắc của bộ chỉ huy Nga, hầu như không có cấp hạ sĩ quan, những người, trong tất cả các quân đội trên thế giới, tạo thành vành đai truyền lực thiết yếu giữa bộ tham mưu và quân đội. 

Chính sự thiếu vắng này là một trong những lý do đã khiến các tướng chỉ huy Nga phải trực tiếp ra trận để điều động quân lính của mình và do đó làm mồi cho đối phương. Đối với L’Express, không phải là ngẫu nhiên mà cho đến nay, đã có 7 viên tướng Nga bị tử trận 

Về vũ khí và quân trang quân bị được sử dụng, giới quan sát ghi nhận hệ quả của việc quân đội Nga bị tham nhũng đục khoét, gây ra những tình trạng khẩu phần ăn của binh lính bị thiếu hay quá hạng sử dụng, dẫn đến nạn cướp phá các cửa hàng ở Ukraina, hay lốp xe tải kém chất lượng, dẫn đến tình trạng rất xe bị thủng lốp không di chuyển được ngay trên đường hành quân. 

Theo L’Express, trong cuộc duyệt binh gần đây trên Quảng Trường Đỏ, các thiết bị của quân đội Nga được phô trương để chứng minh cho quá trình hiện đại hóa quân đội do Putin đảm nhận vào khoảng năm 2010. Xe tăng T-14 Armata tối tân (đơn giá 5 triệu euro) đã gây chấn động.  

Thế nhưng, với số lượng ít, phương tiện này không được triển khai ở Ukraina. Phải chăng vì sợ chúng bị phá hủy? Ông John Schaus thuộc Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc Tế cho biết: “Chỉ một người lính, với một khẩu súng bắn tên lửa chống tăng Javelin có thể dễ dàng tiêu diệt một chiếc xe tăng”. Loại bazooka này của Mỹ, trị giá 100.000 euro mỗi chiếc, đang gây thiệt hại rất lớn cho phía Nga.   

Tổn thất của quân đội Ukraina, một bí mật được giữ kín  

Riêng về tổn thất của lực lượng Ukraina, theo nhận định của hãng tin Pháp AFP ngày 31/03 vừa qua, đây vẫn là một “bí mật được giữ kín”. Con số gần đây nhất mà chính quyền Kiev tiết lộ hôm 12/03 vừa qua là 1.300 lính Ukraina thiệt mạng, bị đánh giá là thấp hơn so với thực tế.   

Michael Kofman, chuyên gia của tổ chức tư vấn CNA của Mỹ, tóm tắt: "Chúng tôi không biết nhiều về mức độ tổn thất của lực lượng Ukraina. Trên thực tế, chúng tôi không biết gì về điều đó",  

Cho đến nay, chính quyền Kiev chỉ mới đưa ra hai báo cáo về thiệt hại kể từ ngày 24/02. Gần đây nhất, ngày 12/03, Ukraina công nhận đã có 1.300 binh sĩ của họ thiệt mạng. Theo cách tính thông thường, trong thời chiến, cứ mỗi binh sĩ thiệt mạng thì có ba người bị thương. Vì vậy, quân đội Ukraine sẽ có ít nhất hơn 5.000 người bị “loại khỏi vòng chiến”, một con số chắc chắn là thấp hơn thực tế.  

Theo ghi nhận của Quỹ Nghiên Cứu Chiến Lược Pháp (FRS), vấn đề đề bảo mật thông tin rất được người lính Ukraina tôn trọng nên người ngoài khó biết được mức độ các tổn thất và thiệt hại của Ukraina có thể rất lớn. 

Tuy nhiên, theo nhiều nhà quan sát, do ở trong tư thế phòng thủ, lực lượng Ukraina trên nguyên tắc, sẽ bị tổn thất ít hơn Nga. 

FRS lưu ý: "Cuộc xung đột ở Ukraine là một bằng chứng tuyệt vời về nguyên tắc của Clausewitz theo đó bên phòng thủ sẽ ít bị tiêu hao hơn phe tấn công… Điều này càng đúng vì các lực lượng Ukraina thường áp dụng các phương thức của chiến tranh du kích công nghệ cao, hơn là đối đầu thông thường, để tránh hỏa lực của Nga."  

Nguồn tin RFI Tiếng Việt