Mỏ dầu ở Việt Nam vừa cạn kiệt vừa thiếu đối tác khai thác (Lynn Huỳnh)
Tuy nhiên, những năm gần đây, Vietsovpetro đứng trước nhiều khó khăn và thách thức, khi sản lượng các mỏ đã qua thời kỳ khai thác đỉnh và đang trên đà suy giảm. Các phát hiện dầu khí mới hầu hết là các mỏ cận biên, các khu vực triển vọng còn lại có điều kiện địa chất phức tạp, tiềm năng dầu khí thấp.
"Năm 2021 là năm thứ 6 liên tiếp, hệ số gia tăng trữ lượng bù trừ vào sản lượng khai thác ở mức báo động, ảnh hưởng đến phát triển bền vững của Tập đoàn trong những năm tới", Petrovietnam (Tập đoàn Dầu khí Việt Nam) đánh giá.
Cụ thể, gia tăng trữ lượng dầu khí năm 2021 chỉ là 4,6 triệu tấn – một con số rất thấp. Điều này cũng đặt ngành khai thác dầu khí trước nguy cơ không có nhiều dầu để khai thác.
Theo đánh giá của Petrovietnam, các khu vực truyền thống có tiềm năng dầu khí đã được thăm dò khá chi tiết ở mỏ Cửu Long, Nam Côn Sơn, các phát hiện dầu khí phần lớn đều nhỏ, nên đòi hỏi phải mở rộng hoạt động tìm kiếm, thăm dò các khu vực nước sâu, xa bờ. Tiềm năng dầu khí chưa phát hiện còn lại tập trung chủ yếu ở vùng nước sâu, xa bờ, rủi ro cao, tiếp tục bị Trung Quốc gây sức ép, cản trở.
"Hiện Việt Nam chưa có mỏ mới, hợp đồng mới, cơ bản vẫn là các mỏ cũ được đưa vào khai thác trong giai đoạn từ 1986 – 2015. Nhiều mỏ đóng góp sản lượng lớn đều đã khai thác được 15 – 35 năm, đang ở giai đoạn cuối đời mỏ. Độ ngập nước trung bình của các mỏ này hiện đã ở mức 50% – 90% dẫn đến sản lượng suy giảm tự nhiên khoảng 15% – 25%/năm.
Theo thống kê từ năm 2015 đến nay, sản lượng dầu trong nước liên tục sụt giảm, từ mức 16,9 triệu tấn năm 2015 ; xuống 15,2 triệu tấn năm 2016 ; 13,4 triệu tấn năm 2017 ; 12 triệu tấn năm 2018 ; 11 triệu tấn năm 2019 ; 9,7 triệu tấn năm 2020 và dự báo tiếp tục giảm trong các năm tiếp theo" – trích báo cáo của Petrovietnam.
Tháng 11/2018, nhà báo Phạm Chí Dũng từng cảnh báo qua một bài viết đăng trên VOA, bằng việc đặt câu hỏi "Cạn kiệt dầu sẽ rút ngắn tuổi thọ chế độ trước năm 2025 ?", bài báo đưa ra những cảnh báo mà giờ đây nếu mang so với báo cáo mới đây của Petrovietnam, cho thấy nhà báo Phạm Chí Dũng đã đúng đến mức ngạc nhiên – trích bài báo :
"Kết quả khai thác khá thất vọng trên là chuỗi tiếp nối của hai năm 2017 và năm 2018 khi hoạt động khai thác dầu khí của Việt Nam bị Trung Quốc gây sức ép tại mỏ Cá Rồng Đỏ ở Bãi Tư Chính, mỏ Lan Đỏ và cả ở mỏ Cá Voi Xanh mà đã khiến Bộ Chính trị Việt Nam mất ăn ngay trên ‘vùng biển chủ quyền không tranh cãi’ của mình.
Đến lúc này, cấp độ hô hoán đã được chuyển từ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PetroVietnam – PVN) lên bộ chủ quản, mà chẳng mấy chốc sẽ chiếm phần nổi bật trong báo cáo kêu than của Chính phủ.
(…) Những năm tới sẽ là một thách thức khủng khiếp : làm sao đảng và PVN tìm ra được nguồn trữ lượng dầu khí mới ở Biển Đông để thay thế cho những mỏ sắp biến thành dĩ vãng và để ngân sách của đảng lẫn đảng khỏi chết theo ?".
Ở góc nhìn khác cho thấy kể từ khi khai thác dầu (1981) đến nay, Liên doanh Việt – Nga Vietsovpetro đã khai thác hơn 241 triệu tấn dầu thô, doanh thu đạt hơn 84 tỷ USD, nộp ngân sách và lợi nhuận phía Việt Nam 53 tỷ USD, lợi nhuận 2 phía là 23 tỷ USD. Bên cạnh đó, Vietsovpetro đã thu gom và vận chuyển về bờ hơn 36 tỷ m3 khí đồng hành, góp phần thúc đẩy phát triển công nghiệp khí, điện, đạm.
Tuy nhiên, những năm gần đây, Vietsovpetro đứng trước nhiều khó khăn và thách thức, khi sản lượng các mỏ đã qua thời kỳ khai thác đỉnh và đang trên đà suy giảm. Các phát hiện dầu khí mới hầu hết là các mỏ cận biên, các khu vực triển vọng còn lại có điều kiện địa chất phức tạp, tiềm năng dầu khí thấp. Năm 2021, Vietsovpetro đặt mục tiêu phấn đấu khai thác hơn 3 triệu tấn dầu. Trong khi đó, năm 2020, Vietsovpetro khai thác hơn 3,4 triệu tấn dầu, năm 2019 là 3,8 triệu tấn…
Một báo cáo của Hội Dầu khí Việt Nam, nhìn nhận sản lượng khai thác dầu của Việt Nam suy giảm từ những năm đỉnh 21 triệu tấn (năm 2004) và gần 18 triệu tấn (năm 2015) xuống 7 triệu tấn dự báo vào năm 2022.
Không chỉ vậy, số lượng hợp đồng dầu khí được ký kết mới giảm sâu trong giai đoạn 2015-2020 với 5 hợp đồng, mà chủ yếu là nhà đầu tư trong nước, năm 2021, không ký được hợp đồng mới, trong khi số lượng hợp đồng dầu khí kết thúc trong giai đoạn này là trên 10 hợp đồng.
Vẫn theo Hội Dầu khí Việt Nam, thực tế đang đòi hỏi chính phủ Phạm Minh Chính cần phải có các điều chỉnh cơ chế và khung pháp lý liên quan đến đầu tư và phát triển tổng thể của các dự án đã có phát hiện khí với trữ lượng lớn như Lô B, Cá Voi Xanh.
Sản lượng khai thác dầu từ năm 2015 đến nay
Năm
| Sản lượng (triệu tấn/năm) |
2015 | 16,9 |
2016 | 15,2 |
2017 | 13,4 |
2018 | 12 |
2019 | 11 |
2020 | 9,7 |
2021 | 8,48 (ước thực hiện) |
2022 | 7 (kế hoạch) |
Nguồn : Petrovietnam, dự toán ngân sách 2022 của Chính phủ
Lynn Huỳnh
Nguồn : VNTB, 20/02/2022