Những con hổ vào ngày thứ mười (Zakaria Tamer)

"Nhưng bây giờ mày không còn là hổ nữa", người dạy thú nói".Trong rừng mày là hổ, còn bây giờ mày ở trong chuồng thì mày chỉ là nô lệ gọi dạ bảo vâng để làm những gì ta muốn". 


Rừng đã lìa xa con hổ bị nhốt trong chuồng, nhưng nó vẫn không thể nào quên rừng. Nó trừng mắt nhìn lũ người tụ tập quanh chuồng, mắt bọn họ nhìn nó với vẻ tò mò nhưng không sợ hãi.

ho1

Một kẻ trong họ nhìn nó nói bằng một giọng trầm nhưng có vẻ ra lệnh :

"Nếu các anh thực sự muốn học nghề tôi, nghề dạy thú này, thì các anh không một phút giây nào được quên rằng bao tử của đối phương là mục tiêu đầu tiên của mình, như thế các anh sẽ thấy nghề này hóa ra vừa khó lại vừa dễ.

Các anh hãy nhìn con hổ này. Nó là con hổ dữ và ngạo mạn, cực kỳ tự hào về tự do, sức mạnh, và can đảm của mình, nhưng rồi nó sẽ thay đổi để trở nên hiền lành, nhẫn nhịn và dễ bảo như em bé. Hãy theo dõi chuyện gì sẽ diễn ra giữa người có thức ăn và kẻ không có thức ăn, để học hỏi nhé".

Những người này liền nói rằng họ sẽ dốc lòng học nghề dạy thú, nghe vậy người dạy thú mỉm cười thích thú, rồi nói với con hổ, hỏi nó với giọng châm biếm : "Còn vị khách quý của chúng ta có khỏe không nào ?"

"Hãy mang thức ăn đến cho ta", hổ nói", vì đã đến giờ ăn rồi".

Người dạy thú giả vờ ngạc nhiên nói :

"Mày là tù mà mày lại dám sai tao à ? Mày là con hổ hay thật đấy ! Mày phải nhận thức rằng tao là người duy nhất ở đây có quyền ra lệnh".

"Chẳng ai dám ra lệnh cho hổ", hổ nói.

"Nhưng bây giờ mày không còn là hổ nữa", người dạy thú nói".Trong rừng mày là hổ, còn bây giờ mày ở trong chuồng thì mày chỉ là nô lệ gọi dạ bảo vâng để làm những gì ta muốn".

"Ta chẳng là nô lệ của ai cả", hổ đáp lại tức thì.

"Mày phải vâng lời tao vì chính tao là người có thức ăn", người dạy thú nói.

"Ta chẳng thèm thức ăn của ông", hổ nói.

"Mày muốn thế thì cho mày đói", người dạy thú nói, "vì tao sẽ không buộc mày phải làm những gì mày không muốn".

Rồi quay sang đám học trò, ông nói tiếp :

"Rồi các anh sẽ thấy nó sẽ thay đổi như thế nào, vì cái đầu ngẩng cao không thỏa mãn cái bụng đói meo bên dưới".

Hổ đói và buồn rầu nhớ lại những ngày tự do như gió, phóng chạy đuổi theo con mồi.

Vào ngày thứ hai người dạy thú và học trò đứng quanh chuồng hổ và người dạy thú nói : "Mày không biết đói sao ? Nói vậy chứ chắc chắn mày đói lắm rồi, đói đau đói đớn là đằng khác. Hãy nói mày đói đi thì mày sẽ có được thịt mày muốn".

Hổ vẫn im lặng, thấy vậy người dạy thú nói với nó : "Hãy làm những gì tao bảo chứ đừng có mà dại thế. Mày hãy thú nhận là mày đói đi rồi mày sẽ được ăn thật no ngay".

"Ta đói", hổ nói.

Người dạy thú cười vang rồi nói với học trò : "Thấy chưa, nó đã rơi vào bẫy rồi thì đừng mong thoát ra được".

Ông ra lệnh và hổ liền nhận được nhiều thịt.

Vào ngày thứ ba, người dạy thú nói với hổ : "Nếu mày muốn ăn hôm nay thì mày phải thực hiện đúng những gì tao yêu cầu mày".

"Ta sẽ không vâng lệnh ông", hổ nói.

"Đừng trả lời vội vàng thế, vì điều tao yêu cầu rất đơn giản. Bây giờ mày hãy đi qua đi lại trong chuồng ; khi nào tao bảo mày 'đứng lại', thì mày phải đứng lại".

"Chuyện vặt vãnh như thế thì chẳng đáng gì cho mình bướng bỉnh để rồi chịu đói", hổ nghĩ thầm.

Người dạy thú nói to với giọng ra lệnh nghiêm nghị : "Đứng lại".

Hổ lập tức đứng lại và người dạy thú nói giọng thích thú : "Giỏi".

Hổ hài lòng và ăn ngấu nghiến. Trong lúc ấy người dạy thú nói với học trò : "Sau vài ngày nó sẽ trở thành hổ giấy".

Vào ngày thứ tư hổ nói với người dạy thú : "Ta đang đói, vậy ông hãy yêu cầu ta đứng im đi".

Người dạy thú nói với học trò: "Nó bây giờ bắt đầu thích tôi ra lệnh đấy".

Rồi, hướng sang hổ, ông nói : "Hôm nay mày sẽ không được ăn trừ phi mày bắt chước con mèo kêu meo meo".

Hổ kìm nén cơn giận và tự nhủ : "Thôi thì cứ coi như mình sẽ giải trí bằng cách giả tiếng mèo kêu vậy".

Hổ bắt chước tiếng mèo kêu, nhưng người dạy thú chau mày và trách mắng : "Mày bắt chước chẳng ra gì. Chẳng lẽ mày tưởng tiếng hổ gầm là tiếng mèo kêu hay sao ?"

Thế là hổ đành lại phải cố gắng bắt chước tiếng mèo kêu, nhưng người dạy thú tiếp tục trừng mắt và nói một cách khinh bỉ : "Câm miệng lại. Câm miệng lại. Mày lại bắt chước chẳng ra gì. Hôm nay tao để cho mày tập bắt chước tiếng mèo kêu rồi ngày mai tao sẽ kiểm tra mày. Nếu mày bắt chước được thì mày ăn. Còn nếu mày không bắt chước được thì đừng ăn".

Người dạy thú rời chuồng hổ. Ông bước đi chậm rãi, theo sau là đám học trò vừa đi vừa nói thì thầm và cười vang. Hổ cầu khẩn van lơn rừng, nhưng rừng đã xa khuất.

Vào ngày thứ năm người dạy thú nói với hổ : "Cố lên, nếu mày bắt chước được tiếng mèo kêu thì mày sẽ nhận được miếng thịt tươi rói thật lớn".

Hổ bắt chước tiếng mèo kêu và người dạy thú vỗ tay tán thưởng và nói rất vui vẻ : "Mày giỏi thật đấy, mày kêu meo meo giống như con mèo đến kỳ", và ông ném cho nó miếng thịt lớn.

Vào ngày thứ sáu người dạy thú vừa đến gần hổ thì nó liền bắt chước tiếng mèo kêu. Tuy nhiên người dạy thú vẫn chau mày im lặng.

"Ta đã bắt chước tiếng mèo kêu rồi đấy", hổ nói.

"Thôi mày hãy bắt chước tiếng lừa hí đi", người dạy thú nói.

"Ta là hổ muôn thú trong rừng thảy đều khiếp sợ mà lại đi bắt chước con lừa sao ?", hổ phẫn nộ nói. "Ta thà chết còn hơn là làm theo điều ông yêu cầu".

Người dạy thú bỏ đi không nói lời nào. Vào ngày thứ bảy ông mặt tươi cười bước đến chuồng hổ. "Mày muốn ăn không ?", ông nói với hổ.

"Ta muốn ăn", hổ nói.

Người dạy thú nói : "Thịt mày sẽ ăn có cái giá của nó, mày hãy hí như lừa là mày có cái ăn thôi".

Hổ ráng sức nhớ lại rừng nhưng nhớ không nổi. Nó nhắm mắt lại và bật ra tiếng hí. "Mày hí không giống", người dạy thú nói, "nhưng vì thương hại mày tao sẽ cho mày miếng thịt".

Vào ngày thứ tám người dạy thú nói với hổ : "Tao sẽ đọc diễn văn ; khi tao đọc xong mày phải vỗ tay hoan hô".

Thế là ông bắt đầu đọc diễn văn. "Hỡi đồng bào", ông nói, "trước đây chúng ta đã nhiều lần bày tỏ lập trường của chúng ta về những vấn đề quan hệ đến số phận chúng ta, và lập trường kiên quyết và rõ ràng này sẽ không thay đổi bất kỳ những gì các thế lực thù địch có thể âm mưu chống lại chúng ta. Có niềm tin chúng ta nhất định thắng".

"Tôi không hiểu ông nói gì", hổ nói.

"Việc của mày là khâm phục tất cả những gì tao nói và vỗ tay hoan hô", người dạy thú nói.

"Mong ông tha thứ cho tôi", hổ nói. "Tôi dốt nát và vô học. Ông nói những điều rất hay và tôi sẽ vỗ tay như ông muốn".

Hổ vỗ tay và người dạy thú nói : "Tao không thích cái thói đạo đức giả và bọn đạo đức giả, cho nên hôm nay tao phạt không cho mày ăn".

Vào ngày thứ chín người dạy thú đến mang theo bó cỏ và ném xuống cho hổ. "Ăn đi", ông nói.

"Cái gì thế này ?", hổ nói. "Tôi là thú ăn thịt".

"Từ hôm nay trở đi", người dạy thú nói", "mày sẽ chỉ ăn cỏ".

Khi cái đói trở nên cồn cào không chịu được hổ thử ăn cỏ, nhưng mùi vị của cỏ khiến nó rất sửng sốt và tức giận lẫn ghê tởm nên nó liền lùi ra xa. Tuy nhiên, sau đấy hổ lại mon men đến cỏ và rất từ từ bắt đầu thấy cỏ có vị ngon.

Vào ngày thứ mười người dạy thú, học trò, hổ và chuồng biến mất : hổ trở thành công dân còn chuồng trở thành thành phố.

Zakaria Tamer

Trần Quốc Việt dịch lại bảng tiếng Anh do Denys Johnson-Davies dịch lại từ tiếng Ả rập.

Nguồn : Index On Censorship Magazine, số tháng 9 năm 1986, trang 38-39.

Zakaria Tamer là nhà văn và nhà báo người Syria sống lưu vong ở Anh.