Với cử tri của Trump, hỗn loạn ở Afghanistan là 'sự phản bội khác' của Biden
Nhìn từ bên ngoài, có vẻ kỳ lạ khi các cử tri của Sandy Hook, Kentucky, vô cùng đau khổ trước việc quân đội Mỹ rút khỏi Afghanistan đến nỗi một số người rơi nước mắt khi nói về sự kiện này.
Nguồn hình ảnh, Getty Images |
Những vướng mắc khó đoán định của nước Mỹ ở nước ngoài thường không ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống của người dân trong ngôi làng nhỏ bé này, nơi có Elliott County.
Tuy nhiên, đứng bên ngoài nhà thờ vào một buổi sáng Chủ nhật quang đãng, Charles Johnson vỡ òa khi ông mô tả cách ông chứng kiến cuộc rút quân của Hoa Kỳ theo lệnh của Tổng thống Joe Biden.
Thật "là nỗi ô nhục" khi quân đội Mỹ rời đi "vào lúc nửa đêm", bỏ rơi các đồng minh Afghanistan đã "hy sinh mạng sống, danh tiếng và sự an toàn của gia đình họ", vị mục sư nói.
"Không có lý do gì để họ phải chết", ông nói. "Họ không cần phải bỏ mạng."
Kết cục hỗn loạn và chết chóc của cuộc chiến kéo dài nhất của Mỹ vào tháng trước đã làm bùng lên làn sóng chỉ trích chính quyền Biden và giảm sút sự ủng hộ của công chúng đối với tổng thống.
Trong số các đồng minh, sự kiện này đã làm suy yếu thông điệp về năng lực của ông Biden, và tại Washington, các thành viên Quốc hội của cả hai đảng đang yêu cầu câu trả lời.
Ở những nơi như Elliott County, nằm sâu trong chân đồi Appalachian, sự kiện này đang được coi là sự minh oan cho những cử tri đã quay lưng lại với Đảng Dân chủ và ủng hộ Đảng Cộng hòa của Donald Trump.
Đối với một số người, đó là sự xác nhận rằng ông Biden và đảng của ông không thể tin tưởng được trong việc cải thiện cuộc sống người dân.
Sandy Hook là một nơi đáng ngạc nhiên và cũng không ngạc nhiên với đầy rẫy những cảm xúc như vậy.
Cách đây không lâu, quận này là thành trì vững chắc nhất của đảng Dân chủ ở Mỹ - cho đến khi ông Trump xuất hiện vào năm 2016, quận đã bỏ phiếu "xanh" trong mọi cuộc bầu cử tổng thống kể từ khi được thành lập vào năm 1896.
Sự ủng hộ đối với nền chính trị của đảng Dân chủ đã rất mạnh mẽ trong thời gian dài ở Elliott County vì hai lý do. Vào đầu thế kỷ 20, đó là đảng của miền Nam Cũ, vẫn còn thù địch với các giá trị của miền Bắc mà vì thế một cuộc nội chiến đã nổ ra.
Đến những năm 1930, đó là do áp dụng Thỏa thuận Mới, một chương trình rộng lớn của chính phủ nhằm tạo ra mạng lưới an sinh xã hội và việc làm trong thời kỳ Đại suy thoái.
Việc làm, nền kinh tế và chính sách xã hội luôn là những điều mà cử tri quan tâm nhất.
Chiến tranh Việt Nam những năm 1960 không làm lung lay niềm tin của họ vào Lyndon Baines Johnson, và những rắc rối của Jimmy Carter ở nước ngoài hầu như không được ghi nhận ở đây vào năm 1980, khi ông mất Kentucky nhưng giành được 3/4 phiếu bầu ở Elliott.
Nhưng cùng với phần lớn vùng nông thôn miền nam nước Mỹ, quận này đã quay lưng lại đảng Dân chủ trong hai cuộc bầu cử gần nhất, với cảm giác đảng này đã bỏ rơi họ.
"Những cử tri thấy mình bị mắng là "một lũ nhà quê nghiện thuốc phiện và nước ngọt Mountain Dew, và họ không thích lối miêu tả đó. Và họ thấy Biden đang tiếp tục những điều này," Michael Berheide, một nhà khoa học chính trị tại Đại học Berea, Kentucky, nói.
Ông Trump đã giành được quận này vào năm ngoái với hơn 50 điểm, mức chênh lệch lớn nhất so với bất kỳ nơi nào ở Mỹ.
Ít người chú ý đến việc ông Trump đạt được thỏa thuận với Taliban để rời Afghanistan.
Có vẻ đây không phải là vấn đề cấp thiết vào thời điểm bầu cử, Earl Kinner, 82 tuổi, nói: "Bạn biết đấy, không ai nghĩ về nó", mặc dù hầu hết người dân miền đông Kentuckia, cũng như người dân khắp nước Mỹ, "không thấy sự hiện diện của Mỹ ở Afghanistan có ý nghĩa gì."
Nhưng việc rút quân khỏi Afghanistan đã trở thành một ví dụ điển hình cho thấy sự thiếu niềm tin ở ông Biden đang định hình nhận thức về các chính sách của ông như thế nào, bất kể chúng ra sao.
Melanie Goan, giáo sư lịch sử tại Đại học Kentucky ở Lexington, cho biết: "Bất cứ khi nào có điều gì đó xảy ra ở nước ngoài, câu chuyện phía sau của những gì đang xảy ra ở quê nhà sẽ định hình cảm giác của [cử tri] về điều đó".
"Họ coi Biden là kẻ thù. Ông ấy ủng hộ những quan điểm mà họ không chấp nhận. Họ có mọi lý do để đổ lỗi cho Biden."
Đối với những người ở Sandy Hook, "Trump xuất hiện với tư cách là một nhà lãnh đạo. Biden, xuất hiện như một cô em gái yếu đuối", ông Kinner nói.
Nicole McComas, 33 tuổi, nói: "Nhà lãnh đạo quân đội là tổng tư lệnh. Vì vậy, dù thích hay không, tất cả đều là do ông ta. Ông ta không thể đổ lỗi cho ai khác. Không có một chút nào trong sự việc này khiến tôi có thể biện hộ cho ông ta."
Nhiều người tin rằng ông Trump sẽ không rút đi vụng về như ông Biden đã làm. Ông Trump sẽ không bỏ thiết bị quân sự ở đó, một người nói. Một người khác cho rằng ông Trump sẽ không tỏ ra thờ ơ với những đau khổ của người Afghanistan.
Nhà ngoại giao hàng đầu của ông Biden bảo vệ việc rút quân trong lời khai trước Quốc hội, rằng tổng thống đã "thừa hưởng thời hạn, không phải kế hoạch" từ người tiền nhiệm. Chính quyền Biden lập luận rằng việc rút quân sẽ rất hỗn loạn và nguy hiểm dù được thực hiện vào bất kỳ thời điểm nào.
Điều trớ trêu cho ông Biden là bây giờ, khi ông thực hiện một chương trình nghị sự trong nước nhằm giải quyết bất bình ở những nơi như Sandy Hook - bao gồm kế hoạch cơ sở hạ tầng trị giá 3,5 tỷ đôla để giúp các vùng nông thôn Mỹ trở nên kết nối hơn, mở rộng các dịch vụ xã hội, sức khỏe cộng đồng và ủng hộ chính sách công đoàn vốn rất thịnh hành trong giới lao động bình dân - ông có thể thấy nỗ lực của mình bị hắt hủi.
"Tôi không nghĩ rằng mọi người ở đây sẽ tha thứ cho điều này, sự việc ở Afghanistan. Tôi không nghĩ rằng mọi người sẽ quên", ông Kinner nói. "Đối với mọi người ở đây, ông ta chỉ quay đầu và bỏ chạy."
Đảng Dân chủ "quay lưng lại với Appalachia", theo Carl Simmons, 60 tuổi, làm cho một đại lý thu mua của một công ty than. Và giờ đây, dường như đối với ông, đảng này cũng quay lưng lại với Afghanistan,
"Chúng ta đã khiến họ hy vọng rằng - 'Có lẽ tôi có thể có một cuộc sống tốt hơn.' Nhưng chúng ta đã làm tiêu tan hy vọng đó," ông nói.
Nguồn tin BBC Tiếng Việt