Tầm nhìn chiến lược Tập Cận Bình ? (BBC tiếng Việt)

 Ngày 26/8, Han Wenxiu, một quan chức tại Ủy ban tài chính và kinh tế trung ương, giải thích cho báo chí rằng lời kêu gọi của ông Tập không có nghĩa là "giết người giàu để giúp đỡ người nghèo".


‘Đánh showbiz, chỉnh giáo dục, lấy của người giàu’ : Tầm nhìn chiến lược Tập Cận Bình ?

Alibaba Group, vào ngày 3/9, là tập đoàn công nghệ mới nhất ở Trung Quốc đưa ra cam kết hàng tỷ đôla để hỗ trợ chiến dịch "cùng giàu" của Chủ tịch Tập Cận Bình.

Alibaba nói sẽ đầu tư 100 tỷ nhân dân tệ (15,5 tỷ USD) vào 10 sáng kiến trong 5 năm tới thông qua các chương trình bao gồm cải thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật số ở các khu vực chưa phát triển, giảm chi phí cho các doanh nghiệp nhỏ và cải thiện lợi ích cho người lao động thu nhập thấp.

Động thái này diễn ra sau những tuyên bố tương tự của các công ty công nghệ Trung Quốc.

Pinduoduo Inc. gần đây đã cam kết hiến 1,5 tỷ đôla thu nhập hiện tại và tương lai cho phát triển nông nghiệp. Tencent Holdings Inc. vào tháng Tám cho biết họ sẽ bỏ ra 50 tỷ nhân dân tệ để hỗ trợ các nỗ lực phân phối lại tài sản của chính phủ, bổ sung vào cam kết tháng 4 là 50 tỷ nhân dân tệ cho chương trình "giá trị xã hội bền vững".

'Cùng giàu'

Khẩu hiệu 共同富裕 ("Cộng đồng phú dụ", tức "Cùng giàu") đang là từ khóa nóng nhất hiện nay trong giới chính trị và kinh doanh liên quan Trung Quốc.

Ngày 17/8, Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế - Tài chính Trung ương Tập Cận Bình chủ trì Hội nghị lần thứ 10 Ủy ban Kinh tế - Tài chính Trung ương.

Tại đây, ông Tập nhấn mạnh, "cùng giàu" là yêu cầu bản chất của chủ nghĩa xã hội, cần thúc đẩy cùng giàu trong phát triển chất lượng cao ; tính toán tổng thể làm tốt công tác phòng ngừa và hóa giải rủi ro tài chính nghiêm trọng.

Hội nghị nêu rõ, cần thúc đẩy công bằng, chính nghĩa xã hội và phát triển con người toàn diện, khiến toàn thể nhân dân cất bước vững chắc hướng tới mục tiêu cùng giàu.

tap2

Thương hiệu trước tòa nhà trụ sở Alibababa

Ông Tập, đã sẵn sàng cho nhiệm kỳ thứ ba vào năm 2022, đang hướng tới giải quyết bất bình đẳng, cam kết đến năm 2035 GDP bình quân đầu người của Trung Quốc đạt trình độ các nước phát triển vừa phải.

Bước vào cải cách năm 1978, Đảng Cộng sản Trung Quốc khẳng định kiên trì lấy xây dựng kinh tế làm trung tâm. Dựa vào lập trường này, Đảng khuyến khích một bộ phận khu vực và một bộ phận nhân dân giàu lên trước, từng bước xóa nghèo khó, đạt được cùng giàu có.

Đến thời điểm hiện tại, dường như ông Tập Cận Bình đã quyết định đã tới lúc giới siêu giàu cần chia lại của cải cho người nghèo để tất cả "cùng giàu".

Hội nghị Trung ương 5 Đảng cộng sản Trung Quốc khóa 19 cuối tháng 10 năm 2020 lần đầu tiên đề ra tầm nhìn "toàn thể nhân dân cùng giàu có, thu được tiến triển mang tính thực chất rõ nét hơn".

Ngày 3/11/2020, Trung Quốc chính thức công bố "Đề nghị của Trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc về xây dựng Quy hoạch 5 năm lần thứ 14 phát triển kinh tế-xã hội quốc dân và mục tiêu tầm nhìn năm 2035", lần đầu tiên nêu bật nhấn mạnh "thúc đẩy vững chắc cùng giàu có" trong văn bản hội nghị Trung ương, đồng thời đề ra một loạt "gói chính sách" trong lĩnh vực phân phối thu nhập.

Và phát biểu của ông Tập Cận Bình hôm 17/8/2020 được xem là lời hiệu triệu tới giới siêu giàu.

Chỉ một ngày sau khi phát biểu của Tập Cận Bình được công bố, tập đoàn Tencent Holdings, trụ sở ở Thâm Quyến, hôm 18/8 loan báo đã tạo ra một quỹ trị giá 50 tỷ nhân dân tệ (7,7 tỷ USD) dành riêng cho tầm nhìn "cùng giàu".

Ngày 26/8, Han Wenxiu, một quan chức tại Ủy ban tài chính và kinh tế trung ương, giải thích cho báo chí rằng lời kêu gọi của ông Tập không có nghĩa là "giết người giàu để giúp đỡ người nghèo".

Những người "làm giàu trước" nên giúp đỡ những người đi sau, nhưng làm việc chăm chỉ nên được khuyến khích, ông này nói.

Theo tính toán của Bloomberg, bảy tỷ phú Trung Quốc đã dành tổng cộng 5 tỷ đô la để làm từ thiện trong 8 tháng đầu năm 2021, số tiền vượt quá tất cả các khoản đóng góp trên toàn quốc vào năm trước.

Trước khi chiến dịch "cùng giàu" được đẩy mạnh, trong một năm qua, Trung Quốc đã gia tăng điều tra các tập đoàn công nghệ.

tap3

Trụ sở chính của Tencent ở Thâm Quyến

Tháng 4, Alibaba, do Jack Ma đồng sáng lập, bị phạt mức kỷ lục 2,8 tỷ USD sau khi cơ quan quản lý chống độc quyền kết luận đã "hành xử như một công ty độc quyền".

Hôm 5/7, Trung Quốc thông báo điều tra thêm hai công ty Trung Quốc đang niêm yết tại Mỹ, một ngày sau khi ra quyết định cấm ứng dụng dịch vụ gọi xe Didi Chuxing xuất hiện trên các cửa hàng ứng dụng nước này với lý do "vi phạm nghiêm trọng trong việc thu thập và sử dụng thông tin cá nhân mà không chấp thuận giải trình".

Theo một nghiên cứu của Credit Suisse, 1% người giàu hàng đầu của Trung Quốc nắm giữ khoảng 30% tài sản của Trung Quốc.

Trong khi đó, "vẫn có khoảng 600 triệu người có thu nhập trung bình hoặc thấp, hoặc thậm chí ít hơn", Thủ tướng Lý Khắc Cường nhận xét trong một cuộc họp báo hồi tháng Năm.

Ông Lý nói : "Thu nhập hàng tháng của họ chỉ là 1.000 nhân dân tệ. Nó thậm chí không đủ để thuê một căn phòng ở một thành phố trung bình của Trung Quốc".

'Chỉnh huấn ngành giải trí'

Trong tháng Tám, làng giải trí Trung Quốc xôn xao vì tin diễn viên Triệu Vy - được xem là tỉ phú - đã bị gỡ, xóa khỏi các phim và chương trình truyền hình từng tham gia.

tap4

Nữ diễn viên Trung Quốc Trịnh Sảng trên bìa tạp chí.

Đồn đoán tung ra khi từ tối 26/8, từ khóa Triệu Vy cùng các tác phẩm của cô lần lượt bị gỡ bỏ khỏi các nền tảng internet.

Hiện nay, không rõ điều gì xảy ra cho ngôi sao này.

Nhưng khi nhìn rộng hơn diễn tiến showbiz Trung Quốc mấy tháng qua, có thể thấy xu hướng "chỉnh huấn" lan tỏa.

Nữ diễn viên Trịnh Sảng bị phạt gần 300 triệu nhân dân tệ (hơn 46 triệu USD) vì tội trốn thuế.

Ngô Diệc Phàm - ca sĩ kiêm diễn viên - bị bắt giữ vì các cáo buộc hiếp dâm.

Diễn viên Trương Triết Hạn bị cáo buộc đã làm tổn thương cảm xúc khi đăng tải các bức ảnh tham quan ngôi đền Yasukuni ở Tokyo.

Cục Phát thanh và Truyền hình Quốc gia Trung Quốc (NRTA), ngày 2/9, đăng thông báo chấn chỉnh những nội dung thiếu lành mạnh trong giới giải trí Trung Quốc.

tap5

Các diễn viên tham dự buổi chiếu "Bác sĩ Trung Quốc", một bộ phim chống bệnh dịch, để nhớ một trăm năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc

Văn bản đặt ra các yêu cầu như lựa chọn diễn viên và khách mời trong các bộ phim, gameshow cần căn cứ tiêu chí về tư cách đạo đức, nhận thức chính trị và trình độ nghệ thuật, đánh giá của xã hội.

Nghiêm cấm hướng dẫn, khuyến khích fan bỏ tiền để bình chọn trá hình thông qua các phương tiện vật chất như mua đồ, nạp hội viên kiên quyết ngăn chặn tiêu cực trong văn hóa giới fan.

Văn bản cũng ghi rõ kiên quyết bài trừ việc nam nghệ sĩ xây dựng hình tượng nữ tính.

tap6

Rạp chiếu phim ở Thượng Hải

Siết chặt dạy thêm

Ngày 23/7, Quốc vụ viện Trung Quốc ban hành các quy định mới về việc dạy học thêm.

Các công ty dịch vụ giáo dục, cơ sở dịch vụ dạy thêm ngoài sẽ phải trở thành các tổ chức phi lợi nhuận và không được cấp giấy phép hoạt động mới.

Đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực dạy thêm ở Trung Quốc cũng bị cấm.

tap7

Ngành dịch vụ dạy thêm được cho là có giá trị tới 120 tỷ USD tại Trung Quốc, đem lại lợi nhuận cho công ty nhưng gánh nặng cho bố mẹ.

Quy định mới khiến mọi hình thức dạy thêm ở trường và những lớp học thêm vào cuối tuần hoặc trong các kỳ nghỉ sẽ bị cấm.

Tuy vậy, báo chí cũng ghi nhận các "lỗ hổng" trong quy định siết dạy thêm.

Bài báo của Bloomberg ngày 13/8 cho hay tới nay chỉ có các trung tâm dạy thêm theo nhóm bị hạn chế vì quy định khắt khe mới, nhưng việc dạy tư riêng từng học sinh lại chưa bị sờ tới.

Vì thế, theo bài báo, sau khi có chiến dịch siết chặt, thì giá dạy tư ở nhà riêng tăng vọt. Ở Thượng Hải, một số gia sư nay đòi 3.000 tệ (463 USD) cho một giờ dạy.

Nhà chức trách đã ban hành văn bản chính sách yêu cầu các trung tâm dạy thêm sau giờ học phải đăng ký làm tổ chức phi lợi nhuận, đồng thời cấm tất cả các lớp học thêm vào cuối tuần, sau 8 :30 tối các ngày trong tuần, trong các lễ hội, kỳ nghỉ hè và nghỉ đông.

Quy định này cũng tạo ra lỗ hổng cho các bậc cha mẹ vẫn muốn trẻ đi học thêm.

Báo The Straits Times ngày 4/9 kể chuyện một người bố 37 tuổi ở Bắc Kinh vẫn đang cho con trai duy nhất 8 tuổi đi học thêm tiếng Anh và Toán.

Ông Wang Dan này nói với tờ báo : "Chính phủ chỉ mới cấm lớp học thêm vào cuối tuần nhưng còn được học trong tuần".

Tuần rồi, Trung Quốc cũng thông báo người chơi game trực tuyến dưới 18 tuổi sẽ chỉ được phép chơi trong một giờ vào các ngày thứ Sáu, cuối tuần và ngày lễ.

Cục Quản lý Báo chí và Xuất bản Quốc gia nói họ sẽ chỉ được phép chơi trong khoảng thời gian từ 8 giờ tối đến 9 giờ tối.

Với giới quan sát bên ngoài, có thể thấy hai xu hướng nhận định về tình hình Trung Quốc mấy tháng qua.

Thu tóm quyền lực ?

Nói về các lệnh điều chỉnh ngành giải trí, một bài trên trang AFR hôm 3/9 dẫn lời nhà nghiên cứu Willy Lam ở Hong Kong :

"Đó là kiểm soát tư tưởng theo phong cách Mao Trạch Đông. Ông Tập Cận Bình nghĩ rằng những câu lạc bộ hâm mộ các ngôi sao lớn này theo một cách nào đó có thể làm giảm lòng trung thành của họ đối với Đảng và với chính Tập Cận Bình".

Cũng ông Willy Lam cho rằng việc nhắm vào các tập đoàn công nghệ cũng là để tập trung kiểm soát.

"Đó là kiểm soát. Những tập đoàn khổng lồ và nhiều tỷ phú có tầm ảnh hưởng to lớn như Jack Ma và người sáng lập Tencent Pony Ma đang trở nên quá quyền lực, vì vậy Tập Cận Bình không muốn họ thách thức quyền lực của Nhà nước đảng và quyền lực của chính mình".

tap8

Học sinh Trung Quốc

Ông nói : "Tập cùng lúc gửi lời cảnh báo tới nhiều kẻ thù của mình trong tầng lớp quý tộc Đỏ rằng các công ty mà các tư nhân này kiểm soát phải chịu sự kiểm soát của ông".

Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 20 sẽ diễn ra năm 2022. Giới quan sát cho rằng ông Tập sẽ lại ngồi vào vị trí lãnh tụ lần thứ ba.

Willy Lam nói : "Chúng tôi không thấy bất kỳ ai hay bất kỳ phe phái nào, chắc chắn không phải phe Thượng Hải, có thể cùng nhau thành lập một mặt trận chung để chống lại Tập Cận Bình".

Mô hình Trung Quốc ?

Cũng ngày 3/9, viết trên báo Hong Kong South China Morning Post, tác giả Andy Xie lại cho rằng những gì đang diễn ra thể hiện mô hình chủ nghĩa xã hội mang màu sắc Trung Quốc đang có "thực chất" hơn.

Về việc "lấy của người giàu chia dân nghèo", tác giả này bình :

"Sự tích lũy tài sản của Trung Quốc trong bốn thập niên qua được xây dựng dựa trên nguồn lao động giá rẻ. Trung Quốc không phát minh ra các sản phẩm được sử dụng phổ biến, trái ngược hẳn với Nhật Bản. Của cải lớn thường có được nhờ sự giúp đỡ của các quan lại quyền lực, hoặc chỉ là may mắn".

"Do đó, việc lấy đi của cải đó ít tác động xấu về mặt hiệu quả kinh tế. Các khoản quyên góp có vẻ như là một sự thỏa hiệp hợp lý".

Tác giả kết bằng bình luận :

"Mô hình Trung Quốc dường như có các yếu tố chính sau : vốn nhà nước chiếm các tầm cao chiến lược ; vốn tư nhân dùng để cạnh tranh ; các công ty tư nhân lớn thành công trở thành đối tượng của sự kiểm soát chặt chẽ của Nhà nước ; các doanh nghiệp nhỏ sử dụng nhiều lao động thì được để yên ; của cải lớn được trả lại xã hội ; và, chính phủ kiểm soát tư tưởng".

"Dù nó xấu hay tốt, đây là tương lai"

Xã luận ban biên tập báo Financial Times ngày 2/9 thì viết :

"Ông Tập dường như có ý định vẽ lại khế ước xã hội của Trung Quốc. Khẩu hiệu cũ rằng một số người sẽ "làm giàu trước" đang nhường chỗ cho một tín điều công bằng hơn. Điều đó cuối cùng có thể mang lại lợi ích cho khoảng 600 triệu người Trung Quốc sống với thu nhập hàng tháng khoảng 154 đôla hoặc ít hơn. Nhưng nếu những mục đích tốt đẹp như vậy bị chủ nghĩa cực đoan làm chệch hướng, Trung Quốc sẽ phải đối mặt với một tương lai đen tối hơn".

Nhưng dù mục tiêu trên giấy tờ có thể tốt đẹp, liệu Tập Cận Bình có thành công đem lại một xã hội công bằng hơn ?

Trong một diễn tiến đáng chú ý, Trưởng phụ trách Tài chính Hong Kong Paul Chan Mo-po lại vừa bày tỏ quan điểm Hong Kong có cách làm khác Đại lục để giảm khoảng cách giàu nghèo.

Paul Chan Mo-po phát biểu trong một cuộc phỏng vấn với nhà khoa học chính trị Trung Quốc đại lục Eric Xun Li. Bài phỏng vấn được đăng trên Guancha.cn, một trang web có tầm ảnh hưởng lớn ở đại lục.

Li hỏi chính quyền Hong Kong sẽ thu hẹp khoảng cách giàu nghèo của thành phố như thế nào, khi ông Tập coi thịnh vượng chung là mục tiêu chính sách quan trọng.

Paul Chan Mo-po cho biết tình hình của Hong Kong khác với ở đại lục.

Ông nói : "Hong Kong là một nền kinh tế tư bản, mở và nhỏ. Chúng tôi tin tưởng vào hoạt động không can thiệp và thị trường tự do, và chúng tôi đã cố gắng xóa đói giảm nghèo bằng các sáng kiến tiền mặt, chẳng hạn như trợ cấp an sinh xã hội".

"Trong giải quyết vấn đề đói nghèo, chúng tôi cũng cố gắng đảm bảo sự bình đẳng về cơ hội. Điều này khác với khái niệm thịnh vượng thông thường".

Dự đoán tình hình Trung Quốc luôn là điều khó khăn. Tuy vậy, một bài trên Nikkei Asia ngày 1/9 thử dự báo rằng ông Tập đang dẫn dắt Trung Quốc đến "Cách mạng Cộng sản 2.0, một nỗ lực đổi mới xã hội".

"Tương lai mà chúng ta hình dung bây giờ là một tương lai dựa trên sự gián đoạn, có thể là sự đảo ngược quyền lực hoặc sự chia cắt giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, nhưng chúng ta cũng cần chuẩn bị cho một cuộc cách mạng cộng sản của một siêu cường, một tương lai mà mọi người vốn cho là không thể xảy ra", bài báo nói.

Nguồn : BBC, 04/09/2021