Tây Tạng : Dưới gọng kềm ngày càng chặt của Bắc Kinh - Katia Buffetrille

Trong một báo cáo được công bố gần đây, tổ chức Human Rights Watch (HRW) cho biết « quan chức Trung Quốc xem các tu sĩ Tây Tạng như là những nhà ly khai tiềm tàng ». Tổ chức phi chính phủ tố cáo Bắc Kinh tuyên những án tù nặng nhắm vào bốn tu sĩ và có những chính sách trấn áp mỗi lúc nặng nề tại Tây Tạng. 

Các nhà sư Tây Tạng tại Lhassa ngày 15/10/2020.
Các nhà sư Tây Tạng tại Lhassa ngày 15/10/2020. REUTERS - THOMAS PETER


Trả lời phỏng vấn ban tiếng Pháp, nhà dân tộc học Katia Buffetrille, chuyên nghiên cứu về Tây Tạng Viện Nghiên Cứu Ứng Dụng Cấp Cao (EPHE) nhận định rằng « ở Tây Tạng, ngày càng có nhiều hạn chế và trên mọi lĩnh vực ». RFI Tiếng Việt xin giới thiệu.

**********

RFI : Trong bản báo cáo, Human Rights Watch tố cáo những án tù nhắm vào bốn tu sĩ của tu viện Tengdro, chỉ vì một lỗi duy nhất là đã gởi tin nhắn hay gởi quà tặng ra nước ngoài. Bà nghĩ rằng đây là những bản án ngoại lệ và chưa từng thấy ?

Katia Buffetrille : Tu viện Tengdro nằm ở vùng tự trị Tây Tạng, không xa mấy với biên giới Nepal. Một tu sĩ của tu viện này đã bỏ quên chiếc điện thoại tại một nhà hàng ở Lhassa trong một chuyến đi đến đấy, cảnh sát đã kiểm tra nội dung sau khi chủ nhà hàng giao nộp lại chiếc điện thoại này.

Khi biết vị tu sĩ đó đã gởi tiền sang Nepal nhằm giúp đỡ các đồng hương tị nạn sau trận động đất năm 2015, cảnh sát vùng Lhassa đã tiến hành khám xét tu viện và tất cả các ngôi nhà trong làng mà một thành viên của làng này từng ở trong tu viện. Nhiều tu sĩ đã bị bắt và một người trong số họ đã tự tử. Bốn tu sĩ lần lượt lãnh các án 20, 19, 17 và 5 năm tù vì đã trao đổi thư nhắn với người Tây Tạng tị nạn, hay gởi tiền để hỗ trợ xây chùa, hoặc để có được bài viết về đức Đạt Lai Lạt Ma.

Những bản án này cực kỳ nghiêm khắc, nhưng rủi thay trước đây cũng đã có vài chuyện như vậy. Vào năm 2008, Wangdu, một thanh niên Tây Tạng từng làm việc cho một tổ chức phi chính phủ, đã bị kết án tù chung thân vì đã gởi ra nước ngoài những thông tin về tình hình Tây Tạng. Trong một vụ việc khác, Dorje Tashi, một doanh nhân giầu có ở Lhassa, cũng lãnh một đòn trừng phạt tương tự năm 2010 vì đã gởi tiền cho đức Đạt Lai Lạt Ma.

Theo một tờ báo Tây Tạng tị nạn, chính quyền địa phương cấm cư dân ở Lhassa liên lạc với người thân của họ sống ở nước ngoài. Những biện pháp hạn chế này ngày càng nhiều và trong mọi lĩnh vực. Giới chức địa phương lo sợ bị quy tội là không « giữ gìn sự ổn định » đến mức họ ban hành nhiều luật lệ mới ngày càng trấn áp.

Phải chăng chính phủ Trung Quốc mặc nhiên xem những người tu hành Tây Tạng như là những phần tử âm mưu lật đổ tiềm tàng ?

Quả thật là như vậy. Nên nhớ rằng đến tận năm 2008, năm mà cả cao nguyên Tây Tạng sôi sục trong một cuộc nổi dậy, tất cả các cuộc biểu tình chống kẻ chiếm đóng Trung Quốc đều do các tu sĩ dẫn đầu. Chính các nam và nữ tu sĩ phóng hỏa tự thiêu đầu tiên. Lý do của hành động đó là vì những người tu hành không có gia đình để lo và nếu như họ có bị chết, họ cũng không để ai lại một mình.

Các tu viện thực sự đã bị chính quyền Trung Quốc xem như là những tụ điểm lật đổ. Vai trò trường học mà những tu viện này đảm trách từ lâu nay đã bị hủy. Từ năm 2018, những người tu hành được đào tạo ở Ấn Độ và đã trở về Tây Tạng không còn quyền được giảng dậy, và từ năm 2019, tiếng Tây Tạng cũng không còn được phép giảng dậy vào lúc mà chương trình giảng dậy này dần dần bị cấm trên toàn vùng Tây Tạng (Vùng tự trị Tây Tạng, cũng như là Kham và Amdo, thuộc những vùng Tứ Xuyên, Vân Nam, Cam Túc và Thanh Hải).

Cách thức giám sát các mạng xã hội và cấm đoán liên lạc với nước ngoài gợi nhắc những gì thấy được ở Tân Cương. Cuộc sống thường nhật của người Tây Tạng hiện nay có giống với cuộc sống của người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương ?

Tình hình ở Tây Tạng rất đáng lo ngại, nhưng vẫn chưa đến mức bị trấn áp tột độ như người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương phải trải qua. Chúng tôi chưa thấy có ví dụ nào về những trại giam cầm như tại Tân Cương, cũng không có bằng chứng cụ thể về lao động cưỡng bức. Nhưng người ta biết là có tồn tại những trung tâm đào tạo kiểu nhà binh dành cho dân du mục và dân làng Tây Tạng để « giáo huấn » họ nhằm giúp họ thực hiện những công việc đòi hỏi kỹ năng thấp trong lĩnh vực sản xuất hay dịch vụ và buộc họ gia nhập vào nền kinh tế thế giới của những người lao động nhà xưởng. Tất nhiên, chỉ có tiếng Quan Thoại mới được phép sử dụng tại những trung tâm này.

Một khi đã được « giáo huấn », những người Tây Tạng đó được « khuyến khích » tìm kiếm việc làm ngoài vùng tự trị Tây Tạng. Khi rời bỏ đất đai, đồng cỏ của mình, những người Tây Tạng này từ bỏ cả những nơi khắc sâu ghi dấu lối sống và tín ngưỡng truyền thống của họ.

Những biện pháp giám sát nào được áp đặt cho người Tây Tạng ?

Một hệ thống giám sát rất tinh vi đã được ông Trần Toàn Quốc (Chen Quanguo) – bí thư đảng ủy vùng tự trị Tây Tạng – thiết lập kể từ năm 2011 cho đến tận năm 2016, năm ông ấy được bổ nhiệm về Tân Cương. Ngoài ra, mọi sự biểu lộ quan tâm đến văn hóa, tôn giáo và tiếng Tây Tạng hay như đức Đạt Lai Lạt Ma đều bị hình sự hóa và bị cáo buộc có « tư tưởng ly khai ».

Lịch sử về mối quan hệ giữa Trung Quốc và Tây Tạng cũng đã bị đảng Cộng Sản Trung Quốc viết lại nhằm hợp pháp hóa việc sáp nhập Tây Tạng vào Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, và bất kỳ ai tỏ một thái độ nghi ngờ nào về phiên bản lịch sử này đều bị cáo buộc có « tư tưởng hư vô lịch sử », một lỗi rất nghiêm trọng.  

Ngoài ra, người Tây Tạng coi cảnh quan là nơi sinh sống của các vị thần và giờ đang nhìn thấy môi trường của họ bị tàn phá do hoạt động khai thác quặng mỏ, xây đập, đường xá và nhiều công trình hạ tầng khác. Bị buộc phải rời bỏ đất đai, những bãi chăn thả, họ tiếp tục đấu tranh, để rồi phải rơi vào cảnh tù ngục.

Nhưng có nhiều người trẻ tuổi chuyển sang tập trung nghiên cứu về sinh thái học nhằm sử dụng kiến thức có được trong nỗ lực cứu vãn những gì có thể. Còn các nhà trí thức, giới nghệ sĩ thường bày tỏ nỗi buồn của họ trước các hành động tấn công nhắm vào văn hóa và môi trường qua những tác phẩm, bài hát, tranh vẽ hay phim ảnh.

AFP chú thích: Đồng cỏ Đương Hùng, cách thủ phủ Lhassa 180km, vùng tự trị Tây Tạng được chụp trong một chuyến tham quan truyền thông do chính phủ Trung Quốc tổ chức ngày 02/06/2021.
AFP chú thích: Đồng cỏ Đương Hùng, cách thủ phủ Lhassa 180km, vùng tự trị Tây Tạng được chụp trong một chuyến tham quan truyền thông do chính phủ Trung Quốc tổ chức ngày 02/06/2021. AFP - HECTOR RETAMAL

Phải chăng người Tây Tạng ngày nay sinh sống tại mảnh đất của mình như là trong một nhà tù « lộ thiên » và trong nỗi sợ là nền văn hóa của họ sẽ bị biến mất ?

Đúng vậy. Từ năm 2014, một chính sách đồng hóa đã được đưa ra và thậm chí còn được lý thuyết hóa bởi ba nhà nghiên cứu là Mã Dung (Ma Rong), Hồ An Cường (Hu Angang) và Hồ Liên Hòa (Hu Lianhe). Cả ba người này cùng quan niệm rằng tương lai của Trung Quốc phụ thuộc nhiều vào việc hiện thực hóa, làm trên thực tế chứ không phải chỉ tuyên bố, hùng biện, ý tưởng một « dân tộc Trung Hoa », nghĩa là một quốc gia Trung Hoa mà ở đó các bản sắc sắc tộc sẽ bị loại bỏ.

Nguồn tin RFI Tiếng Việt

Katia Buffetrille