Covid-19: Vì sao Đông Nam Á phải đối mặt với số ca nhiễm và tử vong tăng vọt

Thảm họa Covid-19 tại Ấn Độ trong hai tháng Tư và Năm 2021 vừa qua, với những ngày số ca nhiễm vượt mức 400.000, bên cạnh số tử vong thường nhật từ 3.000 đến 4.000 người đã khiến ca thế giới kinh hoàng. Thế nhưng từ hai tuần lễ nay, khu vực Đông Nam Á đang gây lo ngại, đặc biệt là tại ba nước Indonesia, Malaysia và Miến Điện, nơi tỷ lệ tử vong theo đầu người đã vượt qua Ấn Độ vào thời kỳ đỉnh điểm của dịch bệnh. 

Ảnh minh họa chụp ngày 14/07/2021: Công nhân mặc quần áo bảo hộ khiêng quan tài của nạn nhân Covid-19 đến chôn cất tại nghĩa trang Cipenjo ở thành phố Bogor, Tây Java, Indonesia,
Ảnh minh họa chụp ngày 14/07/2021: Công nhân mặc quần áo bảo hộ khiêng quan tài của nạn nhân Covid-19 đến chôn cất tại nghĩa trang Cipenjo ở thành phố Bogor, Tây Java, Indonesia, AP - Achmad Ibrahim


Theo trang web Worldometers, tại Indonesia, nước đang bị coi là tâm điểm của dịch bệnh tại châu Á, trong bẩy ngày, tính đến hết ngày hôm qua 22/07, số người chết vì Covid-19 được chính thức ghi nhận đã lên đến 8.840 người, so với 6.432 người một tuần lễ trước đó. Tại Miến Điện, số tử vong được thống kê cũng đạt mức 1.787 người trong 7 ngày qua, so với 725 người một tuần trước. Đà tăng cũng được thấy tại Malaysia, với 961 người chết tuần qua, so với 710 người một tuần trước.

Miến Điện, Indonesia và Malaysia đứng đầu châu Á về tỷ lệ tử vong

Trong khu vực Đông Nam Á, nếu chỉ tính trong 7 ngày qua, Miến Điện hiện đang đứng đầu bảng thống kê về tỷ lệ tử vong theo đầu người với 33 trường hợp tử vong trên 1 triệu dân, theo sau là Indonesia với mức 32 và Malaysia 29.

Các trường hợp tử vong đã tăng vọt, tương ứng với số lượng kỷ lục của các ca nhiễm mới được chính thức ghi nhận trong khu vực, với hơn 306.000 trường hợp trong một tuần tại Indonesia, hơn 84.000 ca tại Malaysia, hơn 40.000 ca tại Miến Điện.  Ngay cả tại Việt Nam, số ca nhiễm mới cũng tăng vọt, với hơn 33.000 ca nhiễm mới trong bẩy ngày qua, tăng 104% so với 7 ngày trước đó (trên 16.000 ca).

Câu hỏi mà hầu như tất cả các chuyên gia đều đặt ra là vì sao các quốc gia Đông Nam Á lại bị nặng như hiện nay, trong bối cảnh mà nhiều nước như Việt Nam, Thái Lan, Singapore, trong những đợt dịch trước đây, thường được ca ngợi là đã thành công trong việc ngăn chặn dịch bệnh.

Tâm lý buông thả cộng thêm với tình trạng thiếu tiêm chủng

Theo hãng tin Mỹ AP ngày 22/07, có rất nhiều yếu tố thúc đẩy đà tăng vọt của dịch bệnh hiện nay. Đối với ông Abhishek Rimal, điều phối viên đặc trách vấn đề y tế khẩn cấp của Hội Chữ Thập Đỏ tại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, trụ sở tại Malaysia, thì một trong những nguyên nhân là người dân địa phương ngày càng mệt mỏi trước các biện pháp hạn chế và lơ là các biện pháp phòng ngừa.

Bên cạnh đó, tỷ lệ tiêm chủng cực thấp trong khu vực, bắt nguồn từ tâm lý coi thường chích ngừa trước đây của các chính quyền địa phương đã khiến cho cư dân cả vùng trở thành mồi ngon cho biển thể Delta, xuất xứ từ Ấn Độ, có sức lây lan nhanh và mạnh hơn chủng Sars-Cov-2 “truyền thống”.

Trong bài phân tích ngày 19/07 về cuộc chiến đấu chống Covid-19  hiện nay của các nước Đông Nam Á, đài phát thanh Mỹ NPR cho rằng biến thể Delta có dấu hiệu đang “nhanh chóng bám rễ” tại Đông Nam Á, trong bối cảnh khu vực có vẻ thiếu chuẩn bị đối phó khi làn sóng thứ ba với biến thể mới bắt đầu đánh bật biến thể alpha cách đây vài tháng.

Trả lời đài NPR, nhà dịch tễ học Dicky Budiman thuộc Đại Học Griffith tại Úc ghi nhận là tình hình đáng ngại trên hai điểm: Năng lực xét nghiệm còn quá thấp so với quy mô của đại dịch, và tỷ lệ tiêm chủng không chỉ thấp mà còn chậm. Ngoại trừ trường hợp Singapore, hầu hết các nước Đông Nam Á đều có một tỷ lệ tiêm chủng dưới mức 10%, chẳng hạn như tại Thái Lan, Indonesia hay Việt Nam.

Thiếu vac-xin có hiệu quả chống Delta

Bên cạnh đó, còn có vấn đề thiếu vac-xin ngừa Covid-19, nhất là vac-xin đã chứng tỏ hiệu quả. Loại vac-xin mà nhiều quốc gia Đông Nam Á đang sử dụng hiện nay là Sinovac của Trung Quốc. Thế nhưng gần đây đã xuất hiện nhiều câu hỏi về tính hiệu nghiệm của thuốc chủng Trung Quốc đối với biến thể Delta rất dễ lây lan.

Ở Indonesia, khoảng 14% dân số đã tiêm ít nhất một liều vắc-xin, chủ yếu là Sinovac của Trung Quốc. Giờ đây, cả Indonesia lẫn Thái Lan đều đang có kế hoạch tiêm thêm các loại vac xin khác cho các nhân viên y tế của họ đã được chủng ngừa bằng Sinovac.

Theo chuyên gia Rimal: “Với các biện pháp mà các nước đang thực hiện, nếu mọi người tuân thủ những điều cơ bản như rửa tay, đeo khẩu trang, giữ khoảng cách an toàn và tiêm chủng, chúng ta sẽ thấy số ca mắc bệnh sẽ giảm trong vài tuần tới”.

Rút kinh nghiệm từ thảm họa tại Ấn Độ

Với kinh nghiệm của Ấn Độ là bài học, hầu hết các quốc gia Đông Nam Á đã phản ứng tương đối nhanh chóng, cấp tốc ban hành các biện pháp hạn chế mới để làm chậm đà lây lan của vi rút và cố gắng đáp ứng nhu cầu của số lượng ngày càng tăng những người nhập viện vì bệnh nặng.

Trả lời phỏng vấn qua điện thoại từ Kuala Lumpur, chuyên gia Rimal cho biết: “Người dân trong vùng rất thận trọng vì họ đã nhìn thấy thảm họa ngay trước mắt - 400.000 trường hợp mỗi ngày ở Ấn Độ - và họ thực sự không muốn điều đó lặp lại."

Chiến dịch tiêm chủng tại Đông Nam Á đang tăng tốc, nhưng cần có thời gian để đạt được hiệu quả mong muốn, và ngay từ bây giờ các nước đang phải đối phó với đà tăng vọt của số bệnh nhân Covid-19.

Tại Indonesia, quốc gia đông dân thứ tư trên thế giới với khoảng 270 triệu người, để đối phó với tình trạng bệnh viện bắt đầu cạn kiệt oxy, chính phủ đã vào cuộc và ra lệnh cho các nhà sản xuất chuyển phần lớn sản xuất dùng cho công nghiệp qua mục tiêu y tế, dành đến 90% cho oxy y tế thay vì 25% như trước đây.

Trước cuộc khủng hoảng hiện nay, quốc gia này cần 400 tấn oxy cho y tế mỗi ngày, nhưng với sự gia tăng mạnh mẽ của bệnh nhân Covid, lượng sử dụng hàng ngày đã tăng gấp 5 lần, lên đến hơn 2.000 tấn, theo thứ trưởng Bộ Y Tế Indonesia Dante Saksono.

Miến Điện: Dịch bệnh tăng vọt theo chiều thẳng đứng

Tình hình Miến Điện còn tệ hại hơn vì công cuộc chống đại dịch đã lùi bước sau cuộc đảo chánh quân sự vào tháng Hai, gây ra làn sóng phản đối và bạo lực chính trị có hậu quả là hạ gục hệ thống y tế công cộng. Trong những tuần gần đây, với công cuộc xét nghiệm và thống kê các ca nhiễm bắt đầu hồi phục, người ta thấy rõ là nước này đang bị một làn sóng dịch bệnh mới, khởi sự từ giữa tháng Năm, tràn ngập.

Kể từ đầu tháng Bảy, tỷ lệ tử vong vì Covid của Miến Điện gần như tăng theo chiều thẳng đứng, trong lúc số ca nhiễm và tử vong đều bị cho là không được báo cáo đầy đủ.

Hiệp hội Nghị Sĩ ASEAN về Nhân Quyền, một nhóm đấu tranh nhân quyền trong khu vực ghi nhận: “Với số xét nghiệm rất ít, lượng vac-xin trong nước rất thấp, tình trạng thiếu oxy và các nguồn cung cấp y tế khác trên diện rộng, và hệ thống chăm sóc sức khỏe vốn đã bị hạn chế đang ngày càng căng thẳng, tình hình dự kiến ​​sẽ tồi tệ hơn trong những tuần và tháng tới”.

Đối với hiệp hội này: “Việc quân đội tịch thu oxy, các vụ tấn công vào các nhân viên và cơ sở y tế kể từ sau cuộc đảo chính, và sự thiếu tin tưởng của phần lớn dân số vào bất kỳ dịch vụ nào mà chính quyền cung cấp, có nguy cơ biến một cuộc khủng hoảng thành một thảm họa”.

Nguồn tin RFI Tiếng Việt