Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội tại Việt Nam: Bảo đảm hay hạn chế tự do ngôn luận?
Ngày 17/06/2021, bộ Thông Tin và Truyền Thông Việt Nam đã ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội. Tuy đây chỉ là một văn bản không mang tính ràng buộc pháp lý, nhưng nó được ban hành trong bối cảnh chính quyền Việt Nam bị tố cáo là đang siết chặt kiểm soát các mạng xã hội, hạn chế hơn nữa quyền tự do ngôn luận trên Internet.
Theo chính phủ Việt Nam, mục tiêu của việc ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội là “ nhằm tạo điều kiện lành mạnh mạng xã hội tại Việt Nam, bảo đảm quyền tự do cá nhân, phù hợp với chuẩn mực, thông lệ và các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia”.
Bộ Quy tắc còn được mô tả là nhằm “hướng đến xây dựng chuẩn mực đạo đức về hành vi ứng xử trên mạng xã hội, góp phần xây dựng mạng an toàn, lành mạnh tại Việt Nam”. Theo thông báo của bộ Thông Tin và Truyền Thông, văn bản này được áp dụng cho 3 đối tượng: Cơ quan Nhà nước, công chức, viên chức, cơ quan Nhà nước sử dụng mạng xã hội; tổ chức, cá nhân khác sử dụng mạng xã hội; nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội tại Việt Nam.
Người sử dụng các mạng xã hội được khuyên là nên sử dụng họ, tên thật cá nhân, tên hiệu thật của tổ chức, cơ quan, đồng thời được yêu cầu là chỉ chia sẻ những thông tin “có nguồn chính thống, đáng tin cậy”, không đăng tải những nội dung “vi phạm pháp luật”, các thông tin “xúc phạm danh dự, nhân phẩm, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”
Trả lời phỏng vấn RFI Việt ngữ ngày 23/06/2021, tiến sĩ Nguyễn Quang A, một nhà hoạt động xã hội dân sự ở Việt Nam, cho rằng thật sự thì Bộ Quy tắc ứng xử không nhằm những mục tiêu nói trên, mà là nhằm hạn chế tự do ngôn luận của người dân:
“ Nếu mà có một Bộ Quy tắc tử tế thì tốt, không sao cả. Mục tiêu mà họ nêu ra là rất tốt, nếu Bộ Quy tắc ứng xử đó làm sao cho những người sử dụng mạng xã hội tiến đến sự đồng thuận về những giá trị, về những cung cách ứng xử. Nhưng xem kỹ nội dung thì đáng tiếc là điều mà người ta khuyến khích (vì đây là Bộ Quy tắc ứng xử, chứ không phải là văn bản pháp luật) lại không đạt được mục tiêu mà họ đặt ra, mà gần như là những quy tắc để hạn chế tự do ngôn luận của người dân.
“Thông tin chính thống” là thế nào, nếu đó là thông tin của cơ quan Nhà nước hay của báo chí Nhà nước, thì trong chính những nguồn thông tin đó cũng đầy dẫy thông tin giả hay thông tin bậy bạ. Nhưng Bộ Quy tắc lại yêu cầu đừng chia sẻ những thông tin khác, ví dụ như của RFI, RFA, BBC, hay của một cá nhân nào đó. Theo tôi đó là những cái không thể thực hiện được và mang tính áp đặt. Chưa nói đến ‘ theo các giá trị tốt đẹp”, hay của “văn hóa truyền thống dân tộc”. Định nghĩa những cái đó như thế nào? Và những cái đó có những mặt dở thì cấm người ta nói à?
Mục tiêu đề ra thì OK, nhưng cách làm cụ thể thì không đạt được mục tiêu đó và còn nhiều vấn đề cần tranh cãi."
Mặt khác, theo ông Nguyễn Quang A, Bộ Quy tắc ứng xử không phải là một văn bản pháp luật, nhưng nó vẫn có thể được “toàn bộ hệ thống chính trị” ở Việt Nam vận dụng để trấn áp quyền tự do ngôn luận trên mạng:
" Cái đấy là chắc chắn. Tuy rằng họ nói cái này là khuyến nghị thôi, tức là không bắt buộc, nhưng những lực lượng thực thi pháp luật như cảnh sát, hay những lực lượng của cái mà họ gọi là "toàn bộ hệ thống chính trị" của họ, từ Mặt trận, cho đến thanh niên, phụ nữ, những tổ chức mà thật sự là lan đến từng người dân. Tưởng rằng nó không phải là cái gì ghê gớm, nhưng thật sự là những bộ phận cấu thành của một bộ máy đàn áp rất là tinh vi. Toàn bộ bộ máy thực thi pháp luật và bộ máy đàn áp đấy có thể vin vào Bộ Quy tắc ứng xử này để hành hạ những người vi phạm, tuy chưa đến mức bắt vào tù, nhưng cái khoản "nửa mù mờ", "xám" của sự trấn áp mới là cái kinh khủng, đụng đến hàng chục triệu con người. Nó tạo thành cơ sở trên một cái nền chung và đến một lúc nào đó, họ sẽ ra một thông tư, hay nghị định của chính phủ và lúc đó nó sẽ trở thành một cái bắt buộc, thu hẹp, hạn chế các quyền dân sự một cách hết sức nguy hiểm".
Theo nhận định của trang mạng The Diplomat ngày 21/06/2021, thật dễ hiểu vì sao đảng Cộng Sản Việt Nam lại quan tâm như thế đến những gì mà các công dân mạng ở Việt Nam viết trên Internet. Việt Nam đứng hàng thứ 7 thế giới về số người sử dụng Facebook (hơn 66 triệu). Mạng xã hội này đã phá bỏ thế độc quyền của Đảng về thông tin, trở thành nơi mà người dân Việt Nam có thể chỉ trích chính phủ, hoặc đòi cải tổ dân chủ.
The Diplomat nhắc lại là trong khoảng một năm rưỡi trở lại đây, chính quyền Hà Nội đã gia tăng áp lực nhắm vào các mạng xã hội để buộc họ gỡ bỏ những nội dung nhạy cảm về chính trị. Trong một báo cáo được công bố vào tháng 12 năm ngoái, tổ chức Ân Xá Quốc Tế ( Amnesty International ) đã tố cáo Facebook và YouTube có trách nhiệm trong việc “ kiểm duyệt và trấn áp với quy mô công nghiệp” ở Việt Nam.
Trong báo cáo này, Ân Xá Quốc Tế còn nhấn mạnh Việt Nam là quốc gia duy nhất ở Đông Nam Á mà Facebook “chính thức nhìn nhận đã đáp ứng ngày càng nhiều yêu cầu của chính phủ về kiểm duyệt quan điểm chính trị trên mạng xã hội.”
Theo ghi nhận của The Diplomat, ngoài việc gia tăng kiểm soát Internet, chính phủ Việt Nam còn đã tỏ là “năng động” hơn trên mạng để phổ biến rộng rãi quan điểm của họ. Vào cuối năm 2017 họ đã thành lập lực lượng 47 gồm 10.000 người để tham gia tuyên truyền, sách nhiễu những nhà bất đồng chính kiến và chống những quan điểm “sai trái” trên mạng.
Theo hãng tin Reuters hôm 10/07, lực lượng 47 nay sử dụng cả các quân nhân để đăng lên mạng xã hội những bài viết có lợi cho Nhà nước, chống những quan điểm "sai trái" trên mạng. Reuters trích một nguồn tin từ Facebook cho biết tập đoàn này hôm thứ Năm tuần trước đã xóa bỏ một nhóm mang tên "E47" chuyên huy động các thành viên cả trong quân đội lẫn ngoài quân đội báo cáo với Facebook những bài viết mà họ không thích để yêu cầu gỡ bỏ những bài đó.
Ngoài lực lượng 47, theo ông Nguyễn Quang A, nay còn có một đội ngũ khác gọi là lực lượng 35:
"Đấy là một chủ trương rất sâu rộng của đảng Cộng Sản Việt Nam từ trên chóp bu. Bộ Chính Trị có một nghị quyết gọi là nghị quyết 35. Có thể nói là lực lượng 35 được tổ chức từ trung ương đến các bộ, các tỉnh, các huyện, các xã. Đội ngũ này chủ yếu là các công tác viên gồm các giáo viên của các trường, nhân viên, công chức của các công sở, các thành viên của Mặt trận, hội thanh niên, phụ nữ, cựu chiến binh, người cao tuổi. Đó là lực lượng hàng trăm ngàn người, hoạt động hàng ngày, hàng giờ. Ban chỉ đạo 35 đó chỉ đạo một cách rất chặt chẽ hàng ngày, bởi vì bây giờ việc chỉ đạo tập trung như thế rất dễ. Giống như việc chính phủ hô hào người dân góp tiền cho quỹ vac-xin chẳng hạn. Một ngày có thể đến hàng chục triệu người nhận được hàng chục mẫu tin như thế.
Cũng với công nghệ như thế, ban chỉ đạo 35 này ra lệnh tập trung đánh bài nào trên mạng xã hội, tập trung đả phá, bêu xấu người nào. Tôi nghĩ lực lượng gọi là dư luận viên chỉ là một bộ phận nhỏ, bộ phận tiên phong của một đội ngũ lớn hơn rất nhiều trong các ban chỉ đạo 35 ngày. Từng bộ, từng tỉnh, từng huyện đều có ban chỉ đạo 35 đấy. Ngay cả giáo viên cũng nhận được lệnh là phải đồng lòng đánh một blogger hay một Facebooker nào đấy trong một giai đoạn nhất định.
Rất đáng tiếc, mạng xã hội, Internet là một công cụ rất hữu hiệu cho một chính quyền độc tài để kiểm soát người dân, bịt miệng người dân bằng việc sử dụng hàng chục, hàng trăm ngàn người theo lệnh tập trung của họ. "
Cũng theo The Diplomat, những biện pháp kiểm soát các mạng xã hội và Internet nằm trong khuôn khổ một chiến dịch trấn áp rộng lớn, với nhiều nhà báo độc lập và nhà hoạt động nhân quyền lãnh án tù nặng nề.
The Diplomat cho rằng, Bộ Quy tắc ứng xử đi xa hơn nữa, từ những biện pháp răn đe mang tiêu cực (cấm những điều mà cư dân mạng viết), đến việc phổ biến những thông tin “tích cực” hơn. Nói cách khác, có vẻ như đảng Cộng Sản Việt Nam đang cố “nhào nặn” mạng thông tin toàn cầu Internet theo mô hình Lê Nin - Khổng Tử của họ.
Nguồn tin RFI Tiếng Việt