Afghanistan, Syria, Yemen : Cái nhìn thực dụng của Bắc Kinh về xung đột vùng Đại Trung Đông

Vùng Đại Trung Đông hiện bị chao đảo bởi ba cuộc xung đột chính là Afghanistan, Syria và Yemen. Vào lúc sự thống trị của Mỹ trong khu vực mỗi lúc bị suy giảm, thì Trung Quốc âm thầm gia tăng ảnh hưởng. Và tùy theo tình hình trên thực địa mà Bắc Kinh có những chính sách đối ngoại linh hoạt nhằm bảo vệ các lợi ích an ninh và kinh tế của mình. 

"Đối thoại ba bên" giữa ngoại trưởng Trung Quốc, Pakistan và Afghanistan tại Islamabad, Pakistan, ngày 07/09/2019.
"Đối thoại ba bên" giữa ngoại trưởng Trung Quốc, Pakistan và Afghanistan tại Islamabad, Pakistan, ngày 07/09/2019. AP


Trên đây là những phân tích của ông Didier Chaudet thuộc Viện Nghiên Cứu Pháp Về Trung Á, giám đốc nhà xuất bản Trung tâm Phân tích Chính sách Đối Ngoại – CAPE), trong một bài viết có tựa đề « Trung Quốc và những cuộc xung đột tại vùng Đại Trung Đông* : Chủ nghĩa thực dụng phục vụ cho những lợi ích an ninh và kinh tế », đăng trên tạp chí Diplomatie (số ra tháng 6-7/2021). RFI Tiếng Việt trích dịch giới thiệu chính sách của Trung Quốc trong ba hồ sơ lớn là Afghanistan, Syria và Yemen.

Afghanistan : Con lộ thiết yếu cho dự án « Một vành đai một con đường »

Nhìn từ Bắc Kinh, Afghanistan là hồ sơ đáng lo ngại nhất : Sự bất ổn của đất nước này là một mối nguy hiểm cho Trung Á và Pakistan. Đây là hai khu vực thiết yếu cho sáng kiến « Một vành đai một con đường » (BRI - còn gọi là Những con đường tơ lụa mới) và cho an ninh vùng Tân Cương. Chính vì vấn đề này mà Trung Quốc tỏ ra rất năng động ở đây nhiều hơn những nơi khác trong vùng « Đại Trung Đông ». Trung Quốc có khả năng thiết lập các mối quan hệ với nhiều tác nhân chính của cuộc xung đột : phe Taliban, chính phủ hợp pháp ở Kabul và Pakistan.

Trên thực tế, tất cả những tác nhân đó đều chấp nhận chính sách của Trung Quốc ở Tân Cương, và tính hợp pháp của Bắc Kinh để hậu thuẫn cho cuộc đối thoại giữa các phe phái tại Afghanistan (inter-afghan) cho phép bình định Afghanistan.

Chiến lược của Trung Quốc khi đối mặt với cuộc xung đột ở Afghanistan thích nghi với thực tế của địa bàn : Kinh nghiệm của Trung Quốc hậu-2001 cho thấy một chính sách đầu tư thật sự vào nền kinh tế Afghanistan trước hết phụ thuộc vào sự bình ổn của đất nước, và điều đó sẽ chỉ khả thi một khi các lực lượng vũ trang chính của Afghanistan tìm được một đồng thuận chính trị. Kinh nghiệm của Mỹ trong 20 năm qua đã cho thấy rõ những giới hạn của một siêu cường nước ngoài trong lĩnh vực này.

Do vậy, trước tiên, Trung Quốc trong những năm gần đây, đã tìm cách củng cố các năng lực bảo đảm an ninh cho chính mình. Từ năm 2016, một chương trình hợp tác quân sự chống khủng bố đã được thể chế hóa giữa Afghanistan, Pakistan, Tadjikistan và Trung Quốc tại những vùng gần biên giới với Afghanistan và Trung Quốc.

Cụ thể, Trung Quốc có hiện diện quân sự ở Tadjikistan, cung cấp trang thiết bị để củng cố các lực lượng quân sự vùng Gilgit-Baltistan vùng lãnh thổ Pakistan gần với hành lang Wakhan, hỗ trợ Kabul lập một căn cứ quân sự tại vùng núi thuộc tỉnh Badakhchan, Trung Quốc hỗ trợ Kabul và đào tạo một lữ đoàn có khả năng tiến hành cuộc chiến chống khủng bố tại chỗ.

Tóm lại, Bắc Kinh làm mọi cách để bảo đảm an ninh một vùng địa lý mà nguy cơ hỗn loạn Afghanistan có thể từ đó lan đến tận lãnh thổ Trung Quốc. Trong cuộc xung đột này, Trung Quốc đã thành công, đạt được hai mục tiêu quan trọng nhất với tư cách là một cường quốc nước ngoài : Phòng giữ những lợi ích an ninh và có khả năng đối thoại với các tác nhân chính của cuộc xung đột.

Syria : Mối lo thánh chiến Duy Ngô Nhĩ và những cảng biển

Tại Syria, sự hiện diện của quân thánh chiến Duy Ngô Nhĩ trong phe đối lập, chống Bachar Al Assad mới là mối lo chính của Bắc Kinh. Số quân thánh chiến này bày tỏ công khai mong muốn trở về Tân Cương để tấn công người Hán. Hiện người ta chưa biết rõ có bao nhiêu quân thánh chiến Duy Ngô Nhĩ : 5.000 người theo một báo cáo của Israel và từ 10-20 ngàn người (gồm cả chiến binh và gia đình) theo kênh truyền hình vệ tinh Al Aan.

Số người này sống tập trung tại vùng Idlib, dưới sự bảo hộ của Front Al Nusra (Al Qaida). Tại vùng này, « Đảng Hồi giáo Turkestan » hoạt động rất tích cực, lập hẳn cả những trại huấn luyện và các chốt gác giao thông dưới sự kiểm soát trực tiếp của đảng này.

Tuy nhiên, Bắc Kinh cũng không có một phản ứng thái quá nào. Với cái nhìn thực dụng, Trung Quốc đã nhanh chóng từ bỏ ý định gởi quân sang để chiến đấu tại Idlib, bởi vì một cuộc đối đầu trực diện nhắm vào thành trì này của phe đối lập Syria rất có thể sẽ dẫn đến một làn sóng di dân mới gây phiền phức cho Thổ Nhĩ Kỳ. Nếu như Trung Quốc bị xem là có trách nhiệm, điều đó chỉ còn làm nuôi dưỡng thêm tình cảm ủng hộ người Duy Ngô Nhĩ tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Nhiều thông tin khó thể kiểm chứng cho rằng có một sự hợp tác giữa Syria và Trung Quốc trong lĩnh vực tình báo và sự hiện diện của nhiều cố vấn quân sự Trung Quốc từ năm 2016. Tuy nhiên, sự hiện diện này không thể so sánh được với sự hậu thuẫn của Nga và Iran, cho phép Bachar al Assad duy trì quyền lực.

Nhìn chung, Bắc Kinh cũng đã đạt được những mục tiêu được đánh giá là có lợi (thất bại của thánh chiến Duy Ngô Nhĩ và phe bảo hộ, sự bình ổn tương đối tại Syria và gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc tại Syria) mà không nhất thiết phải có hoạt động đặc biệt nào. Trung Quốc muốn đóng vai trò là con đường thứ ba giải quyết khủng hoảng, ngoài Nga và Mỹ, khi nhấn mạnh đến nhu cầu giải pháp chính trị cho cuộc xung đột.

Có thể nói, Bắc Kinh có một lập trường thực dụng và nhạy bén, đầu tiên là từ chối gạt bỏ chế độ Damas hay đứng về phe đối lập, củng cố mối nguy hiểm thánh chiến tại Syria. Trung Quốc giờ được xem như là quốc gia duy nhất có thể đầu tư để tái thiết kinh tế Syria, bởi vì Nga và Iran không có phương tiện, các nước Ả Rập và phương Tây do chống chế độ Damas thì sẽ không quan tâm tới.

Và trong khuôn khổ dự án BRI, Trung Quốc đặc biệt muốn được tiếp cận các cảng biển Tartous và Lattaquia của Syria : Với Trung Quốc, nỗi thèm thuồng cắm rễ sâu hơn tại Syria thời hậu chiến có thể là rất mạnh mẽ. Hiện tại, cũng như Afghanistan, trước hết, Trung Quốc đã đạt được những mục tiêu trên bình diện an ninh, khi tiến hành một chính sách thực dụng và linh hoạt trước những thực tế ở Syria.

Yemen : An ninh nguồn cung dầu hỏa và tầm nhìn dài hạn

Về phần Yemen, bất chấp một mối quan hệ nồng ấm lâu đời, Yemen không phải là một đất nước khá quan trọng trong chính sách ngoại giao của Trung Quốc. Đây chỉ là một yếu tố trong một chiến lược khu vực rộng lớn hơn tại vùng Vịnh Ba Tư. Theo cách nhìn của Bắc Kinh, vùng Vịnh này do ba nước thống trị : Ả Rập Xê Út, Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất và Iran.

Nhưng Trung Quốc cũng nhanh chóng hiểu rằng đối với Riyad, hồ sơ Yemen còn quan trọng hơn Iran. Hơn nữa, vương quốc Ả Rập Xê Út này còn là một trong số các nước cung cấp dầu hỏa chính cho Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và cũng tỏ rõ sự tôn trọng đối với những lợi ích quốc gia của Trung Quốc.

Riyad công khai ủng hộ Bắc Kinh trong các hồ sơ Đài Loan, Tân Cương và Biển Đông. Do vậy, không có gì đáng ngạc nhiên khi chính sách của Trung Quốc tại Yemen được thực thi với mong muốn duy trì các mối quan hệ chặt chẽ với Ả Rập Xê Út.

Nhưng cũng giống như tại Afghanistan, một mặt Bắc Kinh hậu thuẫn tổng thống Hadi (theo sự chọn lựa của Ả Rập Xê Út), nhưng mặt khác Bắc Kinh cũng thiết lập quan hệ với tất cả các tác nhân khác của cuộc nội chiến. Với cái nhìn thực dụng và nhạy bén, giới lãnh đạo ngoại giao Trung Quốc cho rằng những lực lượng chống đối Hadi ở Yemen, cũng như phe Taliban ở Afghanistan đều đã cắm rễ sâu, khó thể mà bỏ qua.

Với cách nhìn này, Bắc Kinh không tìm kiếm các thắng lợi ngoại giao, ưu tiên của Trung Quốc rõ ràng là kinh tế. Về mặt địa lý, Yemen vẫn còn tương đối quan trọng cho việc phát triển các con đường tơ lụa mới, bởi vì trong dài hạn, sự ổn định của đất nước có lẽ sẽ là một điều có lợi cho giao thương giữa Trung Quốc và châu Âu (chủ yếu trung chuyển qua ngả Vịnh Aden) cũng như cho việc nhập khẩu dầu lửa từ châu Phi và Trung Đông, đi qua một phần eo biển Bab El Mandeb.

Đương nhiên, chính sách cẩn trọng của Bắc Kinh, tìm cách làm hài lòng Ả Rập Xê Út nhưng không gây khó chịu cho Iran, cũng cản trở Trung Quốc tác động đến tiến triển của cuộc xung đột trong ngắn hạn. Nhưng hạn chế này là chấp nhận được. Bắc Kinh cho rằng trong ngắn hạn, cuộc xung đột không là một mối nguy hiểm đối với các lợi ích của Trung Quốc và sự chọn lựa chính sách ngoại giao này có thể sẽ biến Trung Quốc thành đại cường duy nhất được mọi lực lượng chính trị ở Yemen chấp nhận một khi đất nước sẽ bước vào giai đoạn tái thiết.

Tóm lại, giống như Afghanistan và Syria, Trung Quốc cũng « tùy cơ ứng biến » theo tình hình trên thực địa ở Yemen để bảo vệ tốt nhất các lợi ích của mình.

*****

* Ghi chú: Vùng Đại Trung Đông bao gồm thế giới Ả Rập Cận Đông, Israel, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, Afghanistan, Pakistan. Một cách mở rộng, đây chính là tâm điểm lịch sử và địa chính trị của thế giới Hồi Giáo. Khái niệm này xuất hiện tại Mỹ thời kỳ hậu 11/9/2001, cụ thể là từ chính quyền Bush.

Nguồn tin RFI Tiếng Việt