Một vài ý kiến về vấn đề Hòa giải dân tộc (Trần Hùng)

Nếu nhìn kỹ thì những đổ vỡ xoay quanh nhân vật Donald Trump chúng ta có thể nhận thấy rằng chúng không phải do những khác biệt về quan điểm mà là bởi cách chúng ta ứng xử với những khác biệt đó. Sẽ chẳng có đổ vỡ nào nếu chúng ta ứng xử với những khác biệt về quan điểm bằng những buổi thảo luận ôn hòa, thân thiện với một trái tim nóng và một cái đầu nguội.  

 

Không khó để nhận ra chúng ta đang có một cuộc nội chiến không tiếng súng trên không gian mạng xoay quanh hiện tượng Donald Trump. Người Việt đã chia rẽ, mạt sát nhau, thù ghét nhau chỉ vì sự khác biệt quan điểm về nhân vật Donald Trump. Cuộc nội chiến không tiếng súng này đang tới giai đoạn cuối và có nhiều triển vọng là sẽ kết thúc sau ngày 20/1/2021. Đây là lúc chúng ta cần hòa giải với nhau để hàn gắn những đổ vỡ do hiện tượng Donald Trump gây ra, cũng là để tránh những đổ vỡ có thể còn lớn hơn sau những xung đột như đã từng xảy ra trong lịch sử. 

Tuy vậy những thảo luận xung quanh vấn đề Hòa giải dân tộc cho thấy chúng ta vẫn chưa thực sự có cùng một cách nhìn về tinh thần này, vậy nhân đây tác giả xin đưa ra một vài ý kiến để hâm nóng lại cuộc thảo luận về Hòa giải dân tộc. Thiết nghĩ đó là điều rất cần thiết, bởi dân tộc ta rất cần tinh thần này, không chỉ xoay quanh mỗi hiện tượng Doanld Trump. 

Hòa giải dân tộc là gì ?

Trước hết chúng ta cần thống nhất về các khái niệm. Hòa giải dân tộc là xóa bỏ những hận thù và hiềm khích trong quá khứ, với mục đích là để đi đến hòa hợp dân tộc, tức là tiến tới tình trạng người Việt tin tưởng và quý mến nhau trong cố gắng xây dựng một tương lai chung. 

hoagiai-1

Người Việt cần hòa giải để tiếp tục chung sống với nhau…

Đối tượng Hòa giải ? 

Hòa giải là một vấn đề tình cảm giữa người và người, nên đối tượng Hòa giải ở đây là những người Việt Nam với nhau. Trong sự kiện Donald Trump là giữa những người Việt Nam ủng hộ nhiệt thành cho Trump và những người chống Trump; trong những mâu thuẫn về tôn giáo là giữa những người Công giáo và những người Phật giáo, hay không tôn giáo; trong những xung đột liên quan tới vấn đề sắc tộc là giữa những người Kinh và những người thuộc các sắc tộc thiểu số; hay là giữa những người cộng sản và những người Việt Nam khác trong cuộc nội chiến 1945-1975 và thời gian sau đó.

Phải nhìn rõ đối tượng Hòa giải ở đây là “người cộng sản" chứ không phải “đảng cộng sản” hay “chế độ cộng sản". Nhiều người phản đối lập trường Hòa giải dân tộc mà Tập Hơn Dân Chủ Đa Nguyên đề xuất vì họ đồng hóa các khái niệm này với nhau, nhưng thực ra chúng rất khác nhau, vấn đề Hòa giải với “đảng cộng sản” hay “chế độ cộng sản" không đặt ra, giữa các tổ chức dù thân tình lắm thì cũng chỉ có thỏa hiệp hay hợp tác. Đảng cộng sản sẽ tan vỡ nhanh chóng sau khi chế độ cộng sản sụp đổ, nhưng những người cộng sản vẫn còn đó, và trước hết họ cũng là những người Việt Nam.  

Động cơ để Hòa giải ? 

Hòa giải không phải là một giá trị được coi trọng trong suốt dòng lịch sử của đất nước ta, thế nên trong văn hóa và tâm lý của chúng ta “Hòa giải” khó hơn là “không hòa giải”. Nhưng tại sao chúng ta lại phải vượt lên trên di sản văn hóa và lịch sử này ? Lý do, nếu không Hòa giải chúng ta sẽ không có một tương lai nào cả. Một dân tộc mà luôn nhìn nhau như là kẻ thù thay vì là anh em, chỉ nghĩ tới việc hại nhau thay vì giúp nhau, chỉ muốn đẩy nhau xuống thay vì nâng nhau lên, thì dân tộc đó sẽ không bao giờ vươn lên nổi.

Chúng ta đang là một dân tộc như vậy, đó là di sản của những cuộc nội chiến trong quá khứ, 50 năm trước chúng ta cầm súng để sát hại lẫn nhau, 50 năm sau, súng đã không còn nhưng tinh thần “hại nhau" thì vẫn ở đó và vẫn hiện diện rất rõ trong xã hội Việt Nam, trong mọi lĩnh vực, cũng như trong mọi mối quan hệ. Di sản của 400 năm nội chiến “huynh đệ tương tàn" vẫn hiện diện rất rõ rệt trong mỗi con người Việt Nam. Chừng nào chúng ta chưa đoạn tuyệt với tinh thần này, chưa thực sự Hòa giải với nhau, chúng ta sẽ không thể vươn lên nổi. 

Như vậy động cơ của Hòa giải chính là lòng yêu nước, chúng ta phải hòa giải với nhau nếu chúng ta muốn đất nước vươn lên hay nếu chúng ta có một tham vọng, một mơ ước nào đó cho đất nước. Gần đây có người đã lấy vấn đề Hòa giải giữa một đôi vợ chồng đã ly dị ra để so sánh với chủ trương Hòa giải dân tộc của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên, và kết luận là rất khó Hòa giải. Điều này có một phần đúng. Động cơ của Hòa giải là để tiến tới hòa hợp, để cùng xây dựng một tương lai chung với nhau. Khi chấp nhận để gia đình tan vỡ (ly dị) thì rất khó Hòa giải vì không còn động cơ để Hòa giải nữa. Với đất nước cũng vậy, nếu đã chấp nhận đất nước tan vỡ, tụt hậu, chia rẽ, thù hận nhau thì chúng ta không còn động cơ để Hòa giải.

hoagiai-2

Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên sẵn sàng Hòa giải với những “người cộng sản” nhưng không bao giờ hòa giải với “chủ nghĩa cộng sản" và "đảng cộng sản”…

Chắc chắn không người Việt Nam nào muốn một tương lai như vậy cho đất nước. Hơn nữa vợ chồng li dị vẫn có thể lấy người khác còn với đất nước thì chúng ta không thể thích là li dị. Chỉ có một phần rất nhỏ có khả năng ra nước ngoài định cư còn đại đa số người dân Việt Nam vẫn phải tiếp tục chung sống với nhau. Hòa giải để chung sống là điều bắt buộc, gần như là không có lựa chọn khác.

Hòa giải không đứng cao hơn lẽ phải 

Dù là một giá trị đúng và rất đáng được tôn vinh trong sinh hoạt xã hội nhưng Hòa giải không đứng cao hơn lẽ phải. Hòa giải đứng dưới lẽ phải và cũng chỉ có ý nghĩa nếu đặt nền tảng trên lẽ phải. Thí dụ như vấn đề Hòa giải với những người cộng sản, chúng ta không thù hận hay ghét bỏ gì họ, chúng ta vẫn coi họ là những người Việt Nam, là những đồng bào của chúng ta, nhưng chúng ta vẫn phải nói một cách thành thật và ôn hòa rằng chủ nghĩa cộng sản là sai và đảng cộng sản là một đại họa cho đất nước. 

Còn nếu vì một lý do gì đó mà chúng ta đặt Hòa giải lên trên lẽ phải, chấp nhận cả những sai trái để tránh làm mất lòng một số người, thì nó chỉ dẫn tới hệ quả là một phía vẫn huênh hoang đắc thắng và phía còn lại thì tức tối tủi hờn, đó không phải là Hòa giải thực sự, hơn nữa hành động đó cũng là tiếp tay đánh lừa người đối diện với mình. Lẽ phải luôn cần được nói lên, điều chúng ta cần làm là nói lên lẽ phải một cách thẳng thắn, ôn hòa và thân thiện. 

Donald Trump và vấn đề Hòa giải ? 

Nếu nhìn kỹ thì những đổ vỡ xoay quanh nhân vật Donald Trump chúng ta có thể nhận thấy rằng chúng không phải do những khác biệt về quan điểm mà là bởi cách chúng ta ứng xử với những khác biệt đó. Sẽ chẳng có đổ vỡ nào nếu chúng ta ứng xử với những khác biệt về quan điểm bằng những buổi thảo luận ôn hòa, thân thiện với một trái tim nóng và một cái đầu nguội.

Sự kiện chúng ta ứng xử với những khác biệt quan điểm bằng cách tạo ra một cuộc nội chiến (bằng lời) cho thấy cách suy nghĩ, hành động và ứng xử, tức là văn hóa chính trị của chúng ta vẫn chưa thay đổi bao nhiêu sau gần nửa thế kỷ kể từ cuộc nội chiến Quốc - Cộng. Thời gian đã không chữa lành vết thương của cuộc nội chiến vì đã không có Hòa giải dân tộc sau ngày 30/4/1975. Chúng ta có muốn tinh thần nội chiến này tiếp tục hay không? Chúng ta có muốn một cuộc nội chiến mới trong tương lai hay không? Nếu không, hãy đưa bàn tay của mình ra. 

hoagiai-4

Những đổ vỡ xoay quanh nhân vật Donald Trump không phải do những khác biệt về quan điểm mà là bởi cách chúng ta ứng xử với những khác biệt đó.

Cái bắt tay phải xuất phát từ cả hai phía

Cái khó của Hòa giải là nó phải xuất phát từ cả hai bên, như cái bắt tay phải xuất phát từ cả hai phía. Tuy nhiên trong suốt dòng lịch sử của chúng ta, mỗi khi kết thúc một cuộc xung đột hay chiến tranh thì cả hai phía đều chưa từng nghĩ tới việc đưa bàn tay của mình ra. Thực hiện được Hòa giải dân tộc vì vậy là điều rất khó trong bối cảnh văn hóa và tâm lý của chúng ta.

Nhưng dù sao cũng đã đến lúc phải thay đổi, điều chúng ta có thể làm là đưa bàn tay của mình ra, sẵn sàng bắt lấy bàn tay của những người Việt Nam khác ngay cả khi họ không đưa bàn tay của họ ra. Chúng ta không có lý do gì thù hận hay ghét bỏ gì họ bởi vì họ vẫn là đồng bào, là những người anh em Việt Nam của chúng ta. Dù muốn hay không, dù có bất đồng chính kiến đến đâu đi nữa thì chúng ta vẫn cứ phải tiếp tục chung sống với nhau. Hãy luôn nghĩ về điều đó trước khi gây gỗ với người khác.

Trần Hùng

(14/12/2020)