Bận việc làm người
Một trong những người Việt Nam có nhân cách lớn mà tôi luôn kính trọng và tâm phục khẩu phục là ông Nguyễn Hữu Loan (1916-2010), tác giả của bài thơ nổi tiếng "Màu tím hoa sim" đã được phổ nhạc tại Miền Nam trước năm 1975 và được mọi người Việt Nam ưa thích.
Chân dung nhà thơ Hữu Loan qua bút họa của Trần Thế Vĩnh – Nguồn : hatgiongtamhon, 20/01/2020
Với tôi, ông là người đã dám sống cho sự thật cho đến cùng. Không chấp nhận chế độ dối trá, ông từ bỏ lợi lộc, quyền lực, danh vọng để về quê sống một cuộc đời lam lũ, ngày ngày thồ đá, xẻ củi đi bán để kiếm chút đồng tiền còm nuôi sống vợ con. Thiếu thốn đến độ gần như quẫn bách, nhưng vẫn không ngừng chiến đấu để luôn được sống thanh bạch. Một vài năm trước khi về cội, từ Thanh Hóa, ông vào Sài Gòn thăm con và tiện dịp ghé thăm một nhà thơ người đồng hương là ông Nguyễn Duy. Tất tả, bận rộn, nhưng khi được nhà thơ Nguyễn Duy hỏi : "Ông bận việc gì nhất ?" ông thản nhiên trả lời : "Bận việc làm người".
Bài thơ Màu tím hoa sim của Hữu Loan qua giọng ngâm Tô Kiều Ngân
Ghi lại cuộc gặp gỡ, nhà thơ Nguyễn Duy đã làm bốn câu thơ tặng ông như sau :
"Ngang tàng... ngang trái... nghênh ngang
Hồn sim tím một chiều hoang bên đời
Người thơ bận việc làm người
Một mai thánh hóa lên trời làm sao" (1)
Một nhân cách lớn khác mà tôi cũng xem như bậc tôn sư là cụ Vương Hồng Sển (1902-1996). Bốn năm trước khi trở về cát bụi, ông đã cho ra đời quyển tạp ghi có tựa đề "Hơn nửa đời hư". Rồi ở tuổi 92, đúng một năm trước khi nhắm mắt lìa đời, ông lại kể chuyện "Nửa đời còn lại". Trong cả hai tuyển tập, con người được xem là một nhà văn hóa, học cao hiểu rộng, có vốn sống vô cùng phong phú, vì nhiều năm làm quản thủ Viện Bảo tàng Quốc gia tại Sài Gòn…vậy mà ở cuối đời vẫn tự nhận mình chưa làm nên trò trống gì. Đúng là : ngẫm mình "Hơn nửa đời hư", "Nửa đời còn lại" còn hư hơn nhiều !
Đã vượt qua ngưỡng cửa "thất thập cổ lai hy", tôi cũng đang bắt chước cụ Vương Hồng Sển để ngoái cổ nhìn lại đời mình. Suốt cả cuộc đời, tôi thấy mình chẳng làm được trò trống gì hết. Học hành dở dang, sự nghiệp chẳng đâu vào đâu, đụng đến đâu "hư bột hư đường" đến đó !
Tuy nhiên, sau khi đã tính sổ cuộc đời, tôi mới chợt khám phá ra một điều thú vị : trong tất cả mọi thứ tôi đã và đang "làm", thì "làm người" là khó nhứt và trong các thứ học, học làm người là môn học mà chẳng có ai dám tự vỗ ngực bảo mình đã tốt nghiệp. Còn thoi thóp thở là còn phải học làm người. Khổng Tử đã từng thú nhận "vi nhân nan", làm người là khó. Làm vương, làm tướng, làm tổng thống, làm quan lớn, làm ông kia bà nọ và ngay cả "làm thánh" đi nữa... có khi cũng chẳng khó bằng "làm người". Dĩ nhiên, khi nói "làm người", ai cũng hiểu theo nghĩa làm người chân thật, lương thiện, tử tế. Chớ còn làm người dối trá, gian manh, tham lam, lừa đảo, bất kể đạo lý… thì đâu có khó.
Nhà thơ Nguyễn Hữu Loan đã hiểu "làm người" theo nghĩa phải ngày ngày từng phút từng giây chiến đấu chống lại những bản năng thấp hèn trong bản thân để không chiều theo sự dối trá, uốn cong ngòi bút và chạy theo cái đuôi dài của dối trá là tham lam, tàn bạo, độc ác, vô đạo. Khi tuyên bố "bận việc làm người", nhà thơ muốn nói đến cuộc chiến ấy. "Bận việc làm người" của nhà thơ Nguyễn Hữu Loan chính là cuộc chiến đấu dai dẳng chống lại sự dối trá và sống chết cho sự thật. Xét cho cùng, "bận việc làm người" là cuộc chiến giữa sự thật và dối trá. Nguyễn Hữu Loan đã chiến đấu cho tới cùng và ông đã chiến thắng.
Màu tím hoa sim - Lê Uyên (Phương) [MV Full HD]
Gương chiến đấu anh dũng của nhà thơ Nguyễn Hữu Loan và thông điệp ông muốn nhắn gởi cho hậu thế có lẽ vẫn còn có giá trị, nhứt là trong thời đại dịch này. Với tôi, cuộc khủng hoảng toàn cầu do cơn đại dịch Covid-19 đang tạo ra không chỉ là một cuộc chiến chống lại dịch bệnh, mà là một cuộc chiến giữa sự thật và dối trá. Tôi nhận ra cuộc chiến đó qua cung cách đối phó trước đại dịch của các nhà lãnh đạo quốc gia. Những nhà lãnh đạo quốc gia nào dám nhìn thẳng vào sự thật của mối nguy hiểm chết người do đại dịch gây ra đều đã thành công ít hay nhiều trong cuộc chiến chống lại nó. Từ Tân Tây Lan, Úc Đại Lợi ở Nam Bán Cầu qua Nam Hàn, Nhật Bản ở Châu Á đến Đức bên Châu Âu... cuộc chiến đã khởi đầu bằng việc đối diện với sự thật. Các nhà lãnh đạo này không hề sợ mất lòng dân để nói thẳng với họ rằng đại dịch là một mối nguy hiểm chết người. Người dân đã nghe các nhà lãnh đạo cho nên đã tuân thủ các biện pháp phòng chống đại dịch.
Đức là một trường hợp rõ ràng nhứt ở Châu Âu. Bị cơn đại dịch tấn công cùng một lúc với các nước Châu Âu khác, nhưng Đức lại có tỷ lệ bị nhiễm và tử vong thấp nhứt chỉ vì ngay từ đầu Thủ tướng Angela Merkel đã dám nói lên sự thật cho dân chúng nghe. Theo kết quả của một cuộc thăm dò mới đây do Trung tâm R+V Infocenter thực hiện, phần lớn người dân Đức hài lòng với cách đối phó của Chính phủ Merkel đối với đại dịch. Cuộc thăm dò cũng cho thấy những nỗi lo sợ lớn nhứt hiện nay của người dân Đức không còn là khủng bố, di dân và chủ nghĩa cực đoan, mà lại là Tổng thống Mỹ Donald Trump. Với nhiều người dân Đức, thêm một nhiệm kỳ nữa của Tổng thống Trump sẽ là một cơn ác mộng. Đây là nỗi lo sợ lớn nhứt của người dân Đức hiện nay. Lý do họ đưa ra để giải thích nỗi lo sợ của họ là chính sách đối ngoại gây hỗn loạn cho thế giới của ông (2).
Chỉ số Angst 2020 cho biết : Không có gì và không ai làm người Đức kinh hoàng như Donald Trump – Nguồn : dw.com, 10/09/2020
Tôi không biết bên Mỹ người dân có lo sợ nếu ông Trump đắc cử thêm một nhiệm kỳ nữa không. Nhưng trong tình liên đới nhân loại, nhìn vào cách ông đối phó với đại dịch Covid-19, tôi vừa cảm thấy xót xa vừa phẫn nộ... Có nước nào giàu mạnh bằng Mỹ không ? Có nước nào có hệ thống y tế tiến bộ bằng Mỹ không ? Có nước nào có nhiều chuyên gia y tế tài giỏi bằng Mỹ không ? Vậy mà tính đến nay, với trên 6 triệu người bị lây nhiễm và trên 190.000 người chết vì Covid-19, Hoa Kỳ đang dẫn đầu thế giới về thương vong do đại dịch gây ra. Lâu nay, người ta cố tìm đủ mọi lý lẽ để biện minh cho sự thất bại của Hoa Kỳ và cách riêng nhà lãnh đạo quốc gia là Tổng thống Trump. Nay khi nhà báo Bob Woodward cho công bố nội dung và nguyên văn những lời phát biểu của Tổng thống Trump trong 18 cuộc nói chuyện giữa hai người kể từ tháng Hai vừa qua, thì sự thật đã rõ như ban ngày : Tổng thống Trump chính là nguyên nhân làm cho nước Mỹ có con số người bị lây nhiễm và tử vong cao nhứt thế giới ! Còn biết tôn trọng sự thật, suy nghĩ bằng cái đầu của mình và lắng nghe tiếng nói của lương tâm, liệu có ai dám chối bỏ sự thật phũ phàng ấy không ? Nguyên nhân của thảm trạng mà Hoa Kỳ đang trải qua chính là sự dối trá của nhà lãnh đạo quốc gia.
Các cuộn băng thu âm được ghi lại trong những cuộc nói chuyện giữa Tổng thống Trump và ký giả Woodward (3) đã cho thấy rõ ràng ngay từ tháng Hai, nghĩa là khi đại dịch vừa bùng phát, Tổng thống Trump đã biết mối nguy hiểm giết người của đại dịch Covid-19 ; ông cũng biết cả việc siêu vi này lây lan qua không khí. Nhưng rồi sau đó, ông nói dối với nhân dân Mỹ rằng Covid-19 chỉ là một cơn cảm cúng thông thường, nó sẽ biến mất như một phép lạ. Và bất chấp những lời cảnh cáo của các chuyên gia y tế, ông xem thường đại dịch và cố tình quy trách nhiệm cho người khác. Người khác đó là Trung Quốc mà ngày nào ông cũng ra rả lên án về sự bưng bít. Người khác đó là "bọn" Dân chủ và Truyền thông "thổ tả" đã tung ra cú "phỉnh lừa" (hoax) để hạ uy tín của ông.
Cho tới nay, Tổng thống Trump vẫn tiếp tục nói dối và xem thường mối nguy hiểm chết người của đại dịch. Thách thức những khuyến cáo của các chuyên gia y tế, ông tập họp đám đông mà không tuân thủ các biện pháp tối thiểu để phòng ngừa dịch bệnh như đeo khẩu trang và giãn cách xã hội. Rất nhiều người tin ở những lời dối trá của ông hơn là những khuyến cáo nghiêm chỉnh của các chuyên gia y tế và rất nhiều người đã chết vì niềm tin ấy cũng như kéo theo cái chết của không biết bao nhiêu người vô tội khác. Liệu có nên nhại lời của ông cố vấn kinh tế Peter Navarro khi ông nói về cái "chết bởi Trung Quốc" (Death by China) để nói về cái "chết bởi những lời dối trá của Tổng thống Trump" không ?
Trong các chương trình phát thanh "Tự lực Bookstore" hay trong các cuộc phỏng vấn dành cho các cơ quan truyền thông của người Việt ở Mỹ, nhà báo Đinh Quang Anh Thái ở Little Sài Gòn thường trích dẫn một câu nói của ai đó : lời nói của một quân vương nhẹ như tơ, nhưng lại dẻo dai đến độ có thể trở thành một sợi thòng lọng siết cổ người khác. Biện hộ cho Tổng thống Trump, rất nhiều người dường như muốn mượn lời của cố Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu "đừng nghe những gì cộng sản nói, mà hãy nhìn những gì cộng sản làm" để bảo rằng đừng quan tâm đến những lời nói dối của Tổng thống Trump mà hãy nhìn vào thành quả ông đạt được.
Tôi không có đủ chuyên môn để thẩm định về những thành quả kinh tế, đối nội, đối ngoại của Tổng thống Trump. Trước mắt, tôi chỉ thấy một sự thật hiển lộ rành rành là : những lời dối trá của ông đã và đang gây ra cái chết của không biết bao nhiêu người Mỹ !
Dối trá, độc tài và độc ác luôn đi đôi với nhau. Để che giấu sự thật về tội ác của mình, bạo chúa Tần Thủy Hoàng đã ra lệnh "đốt sách, chôn học trò". Không rõ đâu là nguyên nhân của trận hỏa hoạn tàn phá cổ thành La Mã vào năm 59 sau Công nguyên, nhưng nhiều sử gia sống chỉ cách biến cố vài chục năm cho rằng bạo chúa Nero đã quy trách trận hỏa hoạn cho các tín hữu Kitô tiên khởi để có cớ bách hại và tàn sát họ. Trong Thế kỷ 20 vừa qua, bất cứ một bạo chúa nào, từ Hitler đến Stalin qua các chế độ cộng sản hiện hành... tất cả đều cai trị bằng sự dối trá. Cái chết của không biết bao nhiêu nạn nhân trong các chế độ độc tài đều là cái "chết bởi sự dối trá" của các nhà độc tài.
Là một người công giáo, tôi thường nhìn vào các thảm kịch của nhân loại dưới ánh sáng của những trang đầu tiên trong quyển Kinh Thánh của Do Thái và Kitô giáo. Câu chuyện được ghi lại ngay từ những trang đầu tiên của Kinh Thánh nói với tôi rằng dối trá là nguyên nhân dẫn đến mọi thảm họa cho nhân loại. Ông bà nguyên tổ loài người sa đọa chỉ vì nghe theo lời dối trá của ma quỷ.
Năm lên bảy tuổi, tôi đã có "đủ trí khôn" để biết phân biệt thiện ác, lành dữ. Cứ mỗi hai tuần hay tối thiểu mỗi tháng một lần, bà mẹ đạo đức của tôi dùng roi lùa tôi vào nhà thờ để xưng tội với ông cha sở. Duyệt qua "mười điều răn Đức Chúa Trời", có những tội như thờ phượng và kính mến Đức Chúa Trời và nhứt là những tội liên quan đến tính dục và tình dục, tôi chẳng hiểu gì cả. Duy chỉ có một tội được ghi trong điều răn thứ tám là nói dối, thì hầu như lần xưng tội nào tôi cũng đều xưng thú "khi ít khi nhiều lúc nào cũng có". Nghiệm lại, tôi nhận thấy hễ "có đủ trí khôn" để biết phân biệt lành dữ, thiện ác thì ngay cả một đứa trẻ 7 tuổi cũng ý thức được rằng dối trá là một điều xấu và rằng trưởng thành là cố gắng không ngừng để sống chân thật.
Ngày nay, sau hơn 70 năm cuộc đời, mượn câu nói của thi sĩ Nguyễn Hữu Loan "bận việc làm người" để nhìn lại cuộc hành trình làm người của mình, tôi cảm nhận được rằng dối trá lúc nào cũng làm cho tôi bớt là "người" hơn. Trong hơn bốn năm nói dối hơn 20 ngàn lần, mỗi ngày nói dối trên dưới 15 lần và nhứt là những lời nói dối chết người, dù có làm tổng thống của một siêu cường đi nữa, tôi cũng sẽ mãi mãi là một thằng người gỗ không có trái tim.
Chu Văn
(14/09/2020)
Chú thích :
1. Nguyễn Duy, "Thương nhớ Hữu Loan", amvc.fr, 19/03/2010
2. Volker Witting, "Germans fear Donald Trump more than coranavirus", dw.com, 10/09/2020