Xã hội Mỹ ra sao dưới tác động của truyền hình, công nghệ?

Sự phân cực trong lĩnh vực chính trị Mỹ hiện tại không phải chỉ tồn tại dưới thời Donald Trump. Ông Trump không phải là một "căn bệnh", mà là một "triệu chứng" của một nước Mỹ xuống cấp về tư tưởng chính trị và tính liên đới xã hội, sau mấy thập niên đẩy đi quá xa chủ nghĩa tự do phóng khoáng, chủ nghĩa thực tiễn. Tự do khuất phục công bình, liên đới trong khi những giá trị này phải được trân trọng và thăng tiến như nhau trong một xã hội dân chủ đa nguyên. Hệ quả là trong 30 năm qua, 1% người giàu ở Mỹ tích lũy thêm tài sản 21,000 tỷ đô la, trong khi 50% người nghèo ở Mỹ nghèo đi 900 tỷ đô la và không thể tiếp cận hai lĩnh vực căn bản là giáo dục và y tế một cách đầy đủ. Hố sâu giàu nghèo nới rộng dẫn đến các sự phân cực ngày một lớn trong các vấn đề xã hội. Phe ủng hộ Donald Trump cuồng nhiệt, và cả phe chống Trump bằng mọi phương tiện không thể ngồi thảo luận với nhau một cách bình thường. Thay vào đó, họ dùng ngôn ngữ nội chiến giống như hai người ghét nhau đến thậm tệ, cố gắng vừa bịt tai mình lại, vừa la hét thật to để không những không cần phải nghe lời lẽ của đối phương, mà còn trấn áp họ. 
 


Jared Diamond /NXB Dân trí liên kết Omega Plus
"Nước Mỹ đến hôm nay vẫn có ít vốn xã hội để đề kháng với sự xuất hiện của những sức mạnh công nghệ hiện đại làm mất đi cá tính con người", tác giả Jared Diamond viết.

Việc mở rộng câu hỏi của chúng ta về tính phân cực chính trị ở Mỹ ngày nay - từ việc chỉ bàn về quan điểm phân cực của các chính trị gia, đến việc nói quan điểm phân cực của toàn bộ cử tri nước Mỹ - cũng quá hạn hẹp. 

Nó chỉ mới đặt vấn đề về sự phân cực trong lĩnh vực chính trị. Tuy nhiên, hiện tượng này thậm chí còn rộng lớn hơn: Sự phân cực, tính không khoan dung và lạm dụng cũng đang gia tăng trong các lĩnh vực khác của đời sống Mỹ, bên cạnh lĩnh vực chính trị.

Xa hoi My anh 1
Cuộc sống người Mỹ bị tác động như thế nào bởi công nghệ? Ảnh minh họa: Storymaps.arcgis.

Thời gian xem truyền hình cùng nhau gấp ba lần nói chuyện với nhau

Những độc giả người Mỹ trên 40 tuổi, xin xem lại những thay đổi mà bạn từng chứng kiến về hành vi ứng xử trong thang máy của người Mỹ (giờ đây những người đang chờ vào thang máy ít khi chờ những người trong thang máy bước ra); giảm tác phong lịch sự trong giao thông (không nhường người lái xe khác); sự thân thiện khi gặp nhau trên đường đi dạo và trên đường phố (người Mỹ dưới 40 tuổi ít chào người lạ hơn so với người trên 40 tuổi). 

Và trên hết, trong nhiều giới, những “phát biểu” đủ loại ngày càng bị lạm dụng, đặc biệt là trong giao tiếp điện tử.

Tôi đã trải nghiệm những xu thế này ngay khi bước vào đời sống nghiên cứu học thuật của Mỹ vào năm 1955. Các cuộc tranh luận học thuật ở Mỹ ngày nay trở nên thô bạo hơn so với 60 năm trước.
Khi khởi đầu sự nghiệp học thuật, tôi tham gia các cuộc tranh luận, cũng giống như bây giờ. Nhưng trước đây, tôi xem các nhà khoa học bất đồng ý kiến trong tranh luận như bạn bè cá nhân chứ không phải kẻ thù cá nhân. 

Chẳng hạn, tôi nhớ một chuyến nghỉ ngơi ở Anh sau hội nghị sinh lý học, còn đi tham quan các tu viện dòng Cistercian bị hủy hoại với một nhà sinh lý học người Mỹ tốt bụng, hiền lành mà tôi rất không đồng ý về cơ chế vận chuyển nước qua biểu mô tại hội nghị. 

Ngày nay, điều này không thể xảy ra được mà thay vào đó, tôi liên tục bị kiện cáo, hoặc bị dọa đưa ra tòa và chịu sự lăng mạ từ các học giả không đồng ý với mình. 

Những đơn vị chủ nhà mời tôi thuyết trình đã buộc phải thuê vệ sĩ để che chở tôi khỏi những chỉ trích giận dữ. Một học giả đã kết luận trong bài điểm sách về một trong những cuốn sách của tôi với dòng chữ “Hãy câm miệng lại!”.

Đời sống học thuật phản ánh cuộc sống của người Mỹ nói chung, cũng như các chính trị gia, cử tri, người đi thang máy, người lái xe và người đi bộ. Những đấu trường trong cuộc sống Mỹ là những khía cạnh của cùng một hiện tượng được bàn luận rộng rãi: Sự suy thoái của cái gọi là “vốn xã hội".
Theo định nghĩa của nhà khoa học chính trị Robert Putnam trong cuốn Bowling Alone (Chơi Bowling một mình): "Vốn xã hội đề cập các kết nối giữa các cá nhân - mạng xã hội cùng chuẩn mực tương hỗ và đáng tin cậy phát sinh từ chúng".

Theo nghĩa đó, vốn xã hội có liên quan mật thiết đến cái mà một số người gọi là "phẩm hạnh công dân".

Đó là sự tin tưởng, tình bạn, liên kết nhóm, sự giúp đỡ và mong cầu giúp đỡ được xây dựng qua việc tích cực tham gia và trở thành thành viên của các nhóm, từ câu lạc bộ sách, câu lạc bộ bowling, câu lạc bộ bài Bridge, cộng đồng sinh hoạt nhà thờ, các tổ chức cộng đồng và hội phụ huynh - giáo viên đến các tổ chức chính trị, hiệp hội nghề chuyên nghiệp, câu lạc bộ thiện nguyện Rotary, họp hành trong thị trấn, nghiệp đoàn, hiệp hội cựu chiến binh, và nhiều hội đoàn khác. 

Việc tham gia các hoạt động nhóm như vậy thúc đẩy sự tương hỗ: Nghĩa là làm những điều cho người khác và với người khác, tin tưởng họ, đồng thời cũng dựa vào họ và các thành viên khác trong nhóm để hỗ trợ cho bạn. 

Nhưng người Mỹ ngày càng giảm tham gia vào các nhóm thường gặp nhau trực tiếp như thế, trong khi việc tham gia vào các nhóm trực tuyến mà không bao giờ gặp, nhìn hoặc nghe thấy nhau ngày càng gia tăng.

Một lời giải thích mà Putnam và nhiều người khác đưa ra về sự suy thoái vốn xã hội ở Mỹ là sự gia tăng giao tiếp gián tiếp gây mất mát cho việc giao tiếp trực diện. 

Điện thoại xuất hiện vào năm 1890 nhưng đến khoảng năm 1957 mới bão hòa thị trường Mỹ. Đài phát thanh khởi sự bão hòa từ năm 1923 đến năm 1937 và truyền hình thì từ năm 1948 đến năm 1955.
Thay đổi lớn nhất mới nảy sinh gần đây là Internet, điện thoại di động và tin nhắn điện tử. Chúng ta sử dụng radio và truyền hình để tiếp nhận thông tin và giải trí, trong khi điện thoại và những phương tiện điện tử gần đây cũng cho những mục đích tương tự nhưng cộng với giao tiếp. 

Nhưng trước khi phát minh ra chữ viết, mọi thông tin và giao tiếp của con người thường phải mặt đối mặt khi mọi người nói chuyện với nhau hay cùng xem/nghe trình diễn (diễn giả, nhạc sĩ và diễn viên).
Mặc dù các rạp chiếu phim phát triển sau năm 1900 không đem lại thú vui trực diện, chí ít chúng cũng đưa mọi người ra khỏi nhà để nhập vào các nhóm xã hội và thường được cùng bạn bè thưởng thức như một phần mở rộng của việc đi xem diễn giả, nhạc sĩ, và diễn viên cùng bạn bè.
Tuy nhiên, ngày nay, nhiều trò giải trí của chúng ta - điện thoại thông minh, iPod và trò chơi điện tử - mang tính đơn độc hơn là xã hội. 

Chúng được chọn lựa để giải trí mang tính cá nhân, cũng như thông tin chính trị được lựa chọn mang tính riêng tư. Tuy vậy, truyền hình vẫn là hình thức giải trí phổ biến nhất đối với người Mỹ, giữ người Mỹ ở nhà, dù chỉ còn là trên danh nghĩa với các thành viên trong gia đình. 

Người Mỹ dành thời gian xem truyền hình cùng nhau gấp ba đến bốn lần so với nói chuyện với nhau và ít nhất một phần ba tổng thời gian xem truyền hình chỉ riêng một mình (thường là trên Internet thay vì ngồi trước màn hình tivi). Hệ quả là những người nghiện xem truyền hình ít tin tưởng người khác và ít tham gia tổ chức tự nguyện hơn so với những người không nghiện. 

Trước khi đổ lỗi cho việc xem truyền hình gây ra những hành vi đó, người ta có thể phản bác: Cái gì là nguyên nhân và cái gì là kết quả, hoặc hai tập hợp hiện tượng này chỉ tương quan với nhau chứ không phải hành vi này là nguyên nhân của hành vi kia? 

Một khảo sát tình cờ ở Canada đã làm sáng tỏ câu hỏi này. Trong một thung lũng ở Canada có ba thị trấn lẽ ra thì giống nhau, nhưng một trong số đó nằm ngoài tầm phủ sóng truyền hình phục vụ trong vùng. 

Sau cùng, khi thị trấn đó được phủ sóng, việc tham gia vào các câu lạc bộ và cuộc họp lại giảm đi so với trước đó, xuống đến mức tương đương với hai thị trấn kia. 

Điều này cho thấy rằng việc xem truyền hình gây ra sự suy giảm tham gia cộng đồng; đó không phải là trường hợp mà những người vốn đã không tham gia sau đó lại chọn xem truyền hình.
Xa hoi My anh 2
Sách Biến động trong bộ Lịch sử nhân loại của Jared Diamond. Ảnh: Omega Plus.

Mối quan hệ xã hội của người Mỹ

Ở những vùng xa xôi của New Guinea, nơi tôi đi thực địa và cũng là nơi chưa có công nghệ truyền thông mới, mọi thông tin liên lạc vẫn phải trực diện và tham dự đầy đủ - cũng như ở Mỹ trước đây. Người New Guinea dành phần lớn thời gian giao tiếp với nhau. 

Trái với các cuộc trò chuyện thưa thớt và không tập trung của người Mỹ, các cuộc đối thoại truyền thống ở New Guinea không bị gián đoạn khi phải nhìn vào điện thoại di động trong tay, cũng không phải nhấn phím gửi email hay tin nhắn trong khi trò chuyện với một người, nhưng chỉ tiếp nhận một phần sự tham gia của họ. 

Con trai của một nhà truyền giáo người Mỹ lớn lên ở một ngôi làng New Guinea và khi chuyển đến Mỹ học trung học, đã mô tả cú sốc của mình khi phát hiện sự khác biệt giữa cách chơi đùa của trẻ em ở New Guinea và ở Mỹ.

Ở New Guinea, trẻ em ở một ngôi làng đi lang thang từ túp lều này sang túp lều khác cả ngày. Ở Mỹ, như bạn tôi phát hiện, “trẻ em về nhà, đóng cửa và xem truyền hình một mình".
Bình quân, người dùng điện thoại di động ở Mỹ, cứ sau bốn phút lại kiểm tra điện thoại một lần, dành ít nhất sáu giờ mỗi ngày để nhìn vào màn hình của điện thoại di động hoặc máy tính và dành hơn 10 giờ mỗi ngày (hầu hết thời gian không ngủ) để kết nối một số thiết bị điện tử. 

Kết quả là hầu hết người Mỹ không còn trải nghiệm với nhau như những con người sống động với gương mặt và chuyển động cơ thể mà chúng ta thường thấy, giọng nói mà chúng ta thường nghe và con người mà chúng ta thường hiểu được. 

Thay vào đó, chúng ta trải nghiệm lẫn nhau chủ yếu qua tin nhắn kỹ thuật số trên màn hình hay đôi khi chỉ là giọng nói qua điện thoại di động. Chúng ta có xu hướng bị ức chế mạnh mẽ để không trở nên thô lỗ với một người sống chỉ cách chúng ta nửa mét, những người chúng ta có thể nhìn và nghe thấy. 

Nhưng chúng ta mất đi những ức chế khi con người chỉ được thể hiện qua từ ngữ trên màn hình. Việc ứng xử thô lỗ và tùy tiện bằng từ ngữ trên màn hình dễ dàng hơn là đối mặt với một con người sinh động nhìn thẳng vào mặt bạn. Vì vậy, một khi chúng ta đã quen với việc lăng mạ ở khoảng cách gián tiếp, thì bước tiếp theo là lăng mạ một con người sinh động sẽ dễ dàng hơn.
Tuy nhiên, lời giải thích đó về sự đổ vỡ của thỏa hiệp chính trị và hành vi lịch thiệp ở Mỹ nói chung hiển nhiên sẽ bị phản đối. Việc giao tiếp gián tiếp không chỉ bùng nổ ở Mỹ mà còn trên toàn thế giới, đặc biệt là ở các nước giàu có. 

Người Italy và người Nhật sử dụng điện thoại di động chẳng kém gì người Mỹ. Thế nhưng, tại sao sự thỏa hiệp chính trị không suy giảm và sự thô thiển mang tính xã hội vẫn không gia tăng ở các nước giàu khác?
Tôi có thể nghĩ đến hai lời giải thích khả dĩ. Một là, trong thế kỷ 20, truyền thông điện tử và nhiều phát minh công nghệ khác hình thành đầu tiên ở Mỹ, sau đó chúng và những hệ quả của chúng lan sang các nước giàu khác.
Trên thực tế, những người bạn Anh nói với tôi rằng sự xúc phạm cá nhân ở Anh bây giờ nhiều hơn so với lúc tôi ở đó 60 năm trước, trong khi những người bạn Australia nói với tôi rằng sự không thỏa hiệp đang gia tăng trong đời sống chính trị Australia. 

Nếu lời giải thích này là chính xác, thì sẽ chỉ là vấn đề thời gian trước khi các nước phát triển giàu có khác cũng gặp phải tình trạng bế tắc chính trị ở mức độ mà Mỹ đã vướng vào.
Một lời giải thích khả dĩ khác là từ quá khứ, do nhiều lý do, nước Mỹ đến hôm nay vẫn có ít vốn xã hội để đề kháng với sự xuất hiện của những sức mạnh công nghệ hiện đại làm mất đi cá tính con người.
Diện tích nước Mỹ lớn hơn 25 lần so với bất kỳ quốc gia giàu có nào, ngoại trừ Canada. Ngược lại, mật độ dân số Mỹ - những người được chia theo khu vực - thấp hơn tới 10 lần so với hầu hết quốc gia giàu có khác; chỉ có Canada, Australia và Iceland là dân cư thưa thớt hơn. 

Mỹ luôn đặt trọng tâm mạnh mẽ vào cá nhân, so với sự nhấn mạnh của châu Âu và Nhật Bản đối với cộng đồng; chỉ có Australia vượt qua Mỹ về xếp hạng chủ nghĩa cá nhân giữa các quốc gia giàu có.
Người Mỹ di chuyển thường xuyên, trung bình cứ sau 5 năm. Do khoảng cách không gian ở Mỹ quá rộng lớn so với ở Nhật hay bất kỳ quốc gia Tây Âu nào, khi người Mỹ di chuyển, họ có thể xa hẳn những người bạn cũ so với những người Nhật Bản và châu Âu ít di chuyển.
Do đó, người Mỹ có nhiều mối quan hệ xã hội ngắn ngủi hơn và bạn bè dễ lìa xa thay vì nhiều người bạn thân thiết sống cận kề.

Nhưng diện tích và khoảng cách trong phạm vi nước Mỹ đã cố định và không suy giảm. Người Mỹ không thể từ bỏ điện thoại di động hay ít di chuyển thường xuyên hơn.

Vi trùng - ‘quà tặng chết người’ định hình cục diện thế giới

Bằng những kiến thức, lập luận sắc sảo, tác giả Diamond cho rằng súng, vi trùng và thép là ba nhân tố quan trọng giúp định hình trật tự thế giới ngày nay.

Nguồn tin: Zing