Hơn 30 triệu người lao động bị ảnh hưởng nặng nề do dịch bệnh

Thông tin từ nguồn Tổng cục Thống kê. Trái với những hồ hởi và thái độ "nổ" ban đầu, thực tế Việt Nam là một trong những nước có thể bị ảnh hưởng rất nặng nề vì đại dịch Covid-19, nhất là bình diện kinh tế. Tính đến hết tháng 6, cả nước có 30,8 triệu người lao động bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19.


Tính đến hết tháng 6, cả nước có 30,8 triệu người lao động bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19, bao gồm bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập… Trong đó, số người bị giảm thu nhập chiếm tới 57,3 % tổng số người bị ảnh hưởng.

 
Thông tin trên được Tổng cục Thống kê đưa ra tại cuộc họp báo sáng nay, ngày 10-7, về tình hình lao động việc làm quí 2 và 6 tháng đầu năm nay.

Do tác động nặng nề của dịch bệnh Covid-19, cả nước có tới 30,8 triệu người bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, trong số đó có 28,7 triệu người có việc làm; 897,5 nghìn người thất nghiệp và 1,2 triệu người nằm ngoài lực lượng lao động.

Lao động trong khu vực dịch vụ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất chiếm tỉ lệ 72% tổng số lao động bị ảnh hưởng, tiếp đến là khu vực công nghiệp và xây dựng với tỉ lệ 67,8% và khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản có tỉ lệ là 25,1%.

Quí 2 năm nay cũng ghi nhận sự sụt giảm sâu kỷ lục của lực lượng lao động có việc làm, giảm tới 2,4 triệu người so với quí trước và giảm gần 2,6 triệu người so với cùng kỳ năm ngoái. Theo Tổng cục Thống kê, đây là mức giảm cao nhất trong vòng 10 năm qua.

Trong đó, nghề lao động giản đơn giảm gần 1,5 triệu người, tương ứng giảm gần 8%; nhóm thợ thủ công và các thợ có liên quan giảm 515 nghìn người, tương ứng giảm 6,6%; lao động trong nhóm nghề chuyên môn kỹ thuật bậc trung giảm hơn 322 nghìn người, tương ứng giảm 16,5%.
Cũng theo Tổng cục Thống kê, thu nhập bình quân tháng của lao động quí 2 năm nay giảm 525 ngàn đồng so với quý trước và giảm 279 ngàn đồng so với cùng kỳ năm ngoái và đây là năm đầu tiên thu nhập của lao động trong quí 2 giảm so với cùng kỳ năm trước trong 5 năm qua.

Trong đó, mức giảm tùy thuộc vào từng khu vực, khu vực dịch vụ giảm 7,3%, giảm mạnh nhất trong ba khu vực kinh tế là công nghiệp và xây dựng giảm 5,1%; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm 2,8%.

Trước tình hình trên, theo Tổng cục Thống kê, doanh nghiệp và người lao động cần nắm bắt nhu cầu lao động của nền kinh tế để đào tạo, nâng cao trình độ đáp ứng nhu cầu xã hội. Đồng thời, các cơ quan chức năng cần đẩy nhanh việc thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh; khuyến khích doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ góp phần giải quyết việc làm trong bối cảnh hiện nay.

Theo Tổng cục Thống kê
Nguồn tin: TBKTSG Online